Bệnh tự kỷ ở trẻ có nguy hiểm không?
Bệnh tự kỷ thường gặp ở trẻ dưới 3 tuổi với số lượng mắc bệnh ngày càng đông. Mặc dù không nguy hiểm đến tính mạng nhưng bệnh tự kỷ lại ảnh hưởng rất lớn đến phát triển thể chất và cuộc sống của trẻ. Bài viết dưới đây sẽ giúp cha mẹ có cái nhìn tổng quan về căn bệnh này.
Bệnh tự kỷ ở trẻ có nguy hiểm không?
Bệnh tự kỷ là gì?
Bệnh tự kỷ là sự rối loạn trong quá trình phát triển tự nhiên, xuất hiện ngay từ những năm đầu đời và thường trước 3 tuổi. Hiện nay, vẫn chưa xác định rõ nguyên nhân gây ra bệnh tự kỷ nhưng cơ chế di truyền chiếm 90% khả năng gây bệnh tự kỷ ở trẻ em. Tuy nhiên, việc di truyền của bệnh tự kỷ không đơn giản và thường được chỉ ra các gen tương ứng.
Trẻ em là đối tượng chính của bệnh tự kỷ nhưng bệnh cũng gặp ở một số lứa tuổi khác nhau, thậm chí bệnh có thể theo người bệnh suốt đời. Tỷ lệ mắc bệnh tự kỷ ở trẻ em ngày càng tăng lên, cứ 100 trẻ nhỏ trên thế giới thì có 1 người mắc bệnh tự kỷ. Tại Việt Nam, thống kê năm 2017 chỉ ra có hơn 200.000 người mắc bệnh tự kỷ, chiếm khoảng 1 % dân số nước ta, và số lượng bé trai mắc phải cao gấp 3 lần số bé nữ.
Trong số những trẻ bị bệnh tự kỷ, có khoảng 20% trẻ tự kỷ có thể nói và học được (được gọi là hội chứng Asperger) nhưng chúng lại gặp khó khăn trong những mối quan hệ xã hội, không có nhiều bạn và không thích giao tiếp, làm bạn với những người xung quanh.
Dấu hiệu của bệnh tự kỷ
Bệnh tự kỷ có từ mức nhẹ đến nặng và thường được biểu hiện cụ thể qua những dấu hiệu sau:
- Chưa thấy trẻ bi bô tập nói dù được 12 tháng tuổi.
- Khi trẻ được 1 tuổi nhưng không ra hiệu, không làm các điệu bộ chỉ chỉ, với đồ chơi hay vẫy tay
- Trẻ 16 tháng tuổi nhưng không nói được bất cứ từ nào.
- Trẻ 2 tuổi nhưng không nói được câu ngắn.
- Gặp khó khăn khi giao tiếp với người khác: Trẻ không cười, không nhìn vào mắt người đối diện, không có tương tác với người khác. Trẻ không nói rõ được nhiều từ, nói những từ không có nghĩa.
- Hành vi lặp đi lặp lại, dập khuôn
- Không có hứng thú với các hoạt động vui chơi mang tính sáng tạo.
- Không dễ dàng thích ứng với những sự thay đổi hoàn cảnh hoặc công việc diễn ra hàng ngày.
- Bị ám ảnh với những vật hoặc hành vi đặc biệt mà không quan tâm đến những việc khác xung quanh.
Do vậy, bố mẹ cần chú ý đến các bé và nếu phát hiện bé có một trong các dấu hiệu bệnh tự kỷ trên thì nên đưa bé khám bác sĩ chuyên khoa để được khám và có phương pháp điều trị bệnh sớm nhất.
Nguyên nhân gây bệnh tự kỷ
Nguyên nhân gây bệnh tự kỷ chưa được khẳng định chính xác nhưng một số giả thuyết cho rằng nguyên nhân gây bệnh từ các yếu tố sinh học hoặc môi trường hoặc cả hai như: nhiễm khuẩn khi mẹ mang thai, các rối loạn của hệ thống miễn dịch, gen...
Yếu tố gen cũng được đặt giả thuyết là nguyên nhân gây ra bệnh: Những trường hợp này thường gặp ở các gia đình có trẻ mắc chứng tự kỷ hoặc gia đình có con song sinh.
Giả thuyết thứ hai là về não: Sự phát triển không bình thường của não ở thời kỳ mang thai, bất thường của tuần hoàn não hoặc thiếu các chất sinh hóa trong não như lượng seraton. Tuy nhiên, điều này vẫn chỉ dừng lại ở mức độ giả thuyết.
Bệnh tự kỷ có nguy hiểm không?
Mặc dù bệnh tự kỷ không gây nguy hiểm trực tiếp đến tính mạng và sức khỏe của người bị bệnh, nhưng nếu người mắc bệnh tự kỷ không được phát hiện và điều trị sớm sẽ ảnh hưởng đến khả năng học tập, lao động và ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng sống độc lập khi trưởng thành.
Người mắc bệnh tự kỷ do áp lực cuộc sống hay chấn động tâm lý trong thời gian ngắn thì có thể điều trị tại các cơ sở y tế điều trị tâm lý và có thể nhanh chóng trở lại với cuộc sống trong khoảng 3- 4 tháng.
Bệnh tự kỷ chỉ nghiêm trọng khi căn bệnh phát triển ở trẻ em khi trẻ mắc thêm các bệnh khác như chậm phát triển, hạn chế trong nhận thức, không thể nói hoặc nhận diện mọi vật xung quanh. Vấn đề này thực sự rất nghiêm trọng, do hiện nay không có chính sách hỗ trợ hay chữa trị cho trẻ mắc bệnh tự kỷ. Bố mẹ có con mắc bệnh tự kỷ đều phải tự mình cùng con chiến đấu với bệnh trong suốt thời gian dài, thậm chí là cho đến khi con trưởng thành.
Điều trị bệnh tự kỷ ở trẻ như thế nào?
Không có phương pháp nào điều trị chính xác cho các trường hợp mắc bệnh tự kỷ ở trẻ em. Tuy nhiên, một số biện pháp dưới đây, các bậc cha mẹ có thể áp dụng phù hợp cho con mình cùng sự tư vấn của bác sĩ.
- Điều trị bằng thuốc
Dùng thuốc chống suy nhược và thuốc bổ để kiểm soát các biểu hiện của bệnh. Trẻ nên được bổ sung các loại vitamin cần thiết và cân bằng chế độ ăn để giảm các chấn động ở hệ thần kinh.
Tăng cường giao tiếp giữa trẻ và mọi người xung quanh sẽ giúp trẻ cải thiện sử dụng ngôn ngữ. Đồng thời, khuyến khích và động viên trẻ giao tiếp để trẻ tương tác nhiều hơn với xã hội, vượt qua những rào cản về tình cảm, tâm lý.
- Liệu pháp hành vi
Trẻ tập luyện lặp đi lặp lại các hành vi quen thuộc, với mục đích phá vỡ một số thói quen nào đó bằng cách xây dựng những thói quen mới và hạn chế những hành vi không phù hợp với trẻ hoặc gây gổ ở trẻ.
Điều trị bệnh tự kỷ ở trẻ là không dễ dàng và cần sự kiên nhẫn. Mặc dù khả năng chữa khỏi bệnh rất thấp nhưng nếu bệnh được phát hiện sớm và có những can thiệp kịp thời, tình trạng bệnh sẽ được cải thiện tốt hơn. Sự đồng hành của cha mẹ là “liều thuốc” tốt nhất giúp trẻ vững tin hơn trên con đường điều trị căn bệnh này.
Xem thêm:
- Trẻ em bị bệnh tự kỷ có nguy hiểm không?
- Giải đáp thắc mắc bệnh tự kỷ có chữa được không?
- Xác định bệnh tự kỷ có mấy loại