Bệnh thiếu máu cơ tim nguy hiểm thế nào?
Một trong những căn bệnh gây tử vong cao nhất trên thế giới hiện nay là các bệnh tim mạch - trong đó có thiếu máu cơ tim. Nguyên nhân bệnh bắt nguồn từ lối sống chưa khoa học và thái độ chủ quan của nhiều người.
Bệnh thiếu máu cơ tim nguy hiểm thế nào?
Tổ chức Y tế thế giới WHO nhận định, một trong những căn bệnh gây tử vong cao nhất trên thế giới hiện nay chính là thiếu máu cơ tim. Theo số lượng ước tính có đến 7.4 triệu người chết mỗi năm chiếm 13.2% số ca tử vong. Nguyên nhân bắt nguồn từ lối sống chưa khoa học và thái độ chủ quan của nhiều người về mức độ nguy hiểm của thiếu máu cơ tim mang lại.
Hiểu về thiếu máu cơ tim
Thiếu máu cơ tim (hay còn gọi là suy vành) là hiện tượng tắc nghẽn một phận hay toàn bộ mạch vành bao quanh tim (động mạch vành là hệ thống mạch máu giữ vai trò duy trì hoạt động của quả tim).
Khi động mạch vành bị tổn thương gây ra các cơn co thắt động mạch vành, dòng máu vận chuyển từ động mạch vành tới cơ tim giảm hoặc bị chặn đột ngột, khi đó cơ tim không nhận đủ lượng oxy và máu cần cung cấp nên xuất hiện triệu chứng cơn đau thắt ngực. Đây chính là cơ chế dẫn đến bệnh lý thiếu máu cơ tim.
Nghiên cứu cho thấy 90% nguyên nhân dẫn đến thiếu máu cơ tim là do tình trạng xơ vữa động mạch vành. Đây là hiện tượng thường xảy ra ở người cao tuổi nhưng ngày càng có dấu hiệu trẻ hóa. Xơ vữa động mạch vành thực chất là sự thu hẹp động mạch do các mảng bám gây cản trở bên trong lòng mạch máu. Yếu tố tạo ra những bất lợi này chính là do chất béo và cholesterol trong máu tăng, huyết áp cao, lượng đường vượt ngưỡng cho phép, hít phải khói thuốc lá, ... Sự tích lũy các mảng xơ theo thời gian sẽ kết dính lại với nhau tạo thành cục máu đông rất nguy hiểm.
Cục máu đông là tác nhân âm thầm gây ra rất nhiều bệnh lý tim mạch, trong đó thiếu máu cơ tim là một căn bệnh điển hình. Sự hình thành cục máu đông diễn tiến chậm, thường không có dấu hiệu cảnh báo cho đến khi xuất hiện các cơn đau co thắt ngực.
Trong hầu hết các trường hợp bị thiếu máu cơ tim, đặc điểm nhận biết điển hình nhất vẫn là cơn đau thắt ngực trái sau đó lan dần xuống cánh tay, cổ và vai gáy. Ngoài ra, người thiếu máu cơ tim trước đó sẽ cảm thấy khó thở, hồi hộp, tim đập mạnh, vã mồ hôi, buồn ói, choáng váng, ... Một vài người không hề có bất kỳ dấu hiệu nào, được gọi là thiếu máu cơ tim thầm lặng. Bệnh chỉ được phát hiện khi đo điện tâm đồ.
Thông thường các cơn đau kéo dài trong vài giây và không quá 5 phút. Hoặc sẽ giảm đi nếu bạn nghỉ ngơi hay uống thuốc giãn mạch vành. Nhưng nếu chúng không thuyên giảm sẽ dễ có nguy cơ nhồi máu cơ tim cấp, lúc này bạn cần nhanh chóng đến bệnh viện hoặc trung tâm y tế gần nhất để được can thiệp kịp thời.
Thiếu máu cơ tim là căn bệnh nguy hiểm như thế nào?
Là một trong những bệnh lý thuộc về tim mạch, thiếu máu cơ tim ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng con người. Thiếu máu cơ tim kéo dài khiến tỷ lệ nhồi máu cơ tim tăng cao, nếu không can thiệp sớm sẽ dẫn đến tử vong hoặc để lại nhiều di chứng nặng nề.
Thiếu máu cơ tim hình thành đã “mở đường” cho một loạt các bệnh lý khác về tim xuất hiện như suy tim, loạn nhịp tim, ... Trong đó, suy tim làm giảm hoạt động trao đổi máu của tim đến các cơ quan khác, gây rối loạn hệ tuần hoàn, làm giảm chất lượng cuộc sống vì luôn mệt mỏi, khó thở, ho, ... Loạn nhịp tim dễ gây đột quỵ não, ngừng tim, gây nguy hiểm tới mạng sống.
Vì mức độ nguy hiểm và ý nghĩa của việc phát hiện sớm, xử lý kịp thời của bệnh thiếu máu cơ tim nên người thân cần ưu tiên đưa bệnh nhân tới bệnh viện sớm.
Phương pháp điều trị
Chữa bệnh thiếu máu cơ tim còn tùy thuộc vào mức độ bệnh nặng hay nhẹ. Thông thường, phương pháp điều trị nội khoa sẽ áp dụng đối với các trường hợp thiếu máu cơ tim thể nhẹ, mới phát hiện.
Thuốc betaloc là một trong những thuốc hay dùng nhất cho bệnh nhân thiếu máu cơ tim, rối loạn nhịp tim. Thành phần chính trong thuốc là metoprolol tartrate có tác dụng ức chế dẫn truyền các xung thần kinh, làm giảm nhịp tim, giảm mức độ tiêu thụ oxy của cơ tim, gây giãn động mạch vành. Liều lượng tùy theo thăm khám của bác sĩ chuyên khoa sẽ kê đơn thuốc. Thuốc không được dùng cho bệnh nhân bị tắc nghẽn đường dẫn truyền nhĩ thất cấp 2 trở lên, suy tim, nhịp tim quá chậm, co thắt phế quản.
Ngoài ra, người bệnh thiếu máu cơ tim cần phải điều trị kết hợp nhiều loại thuốc như: nhóm Statin, nhóm thuốc chống huyết khối (cục máu đông), thuốc hạ đường huyết phù hợp (nếu mắc thêm bệnh đái tháo đường), nhóm thuốc chẹn beta và thuốc giãn mạch nhanh.
Khi phương pháp nội khoa phát huy ít tác dụng hoặc trong trường hợp cấp cứu, bác sĩ chỉ định tiến hành thực hiện phẫu thuật. Hiện nay, các giải pháp phẫu thuật cho bệnh nhân thiếu máu cơ tim là:
- Nong mạch hoặc đặt stent mạch vành: biện pháp này nhằm mục đích làm giãn nở đoạn động mạch bị hẹp hoặc tắc nghẽn. Hiện nay, phương pháp đặt stent mạch vành bằng một ống kim loại nhỏ được ưu tiên áp dụng nhờ vào sự tối ưu và hiệu quả cao. Có 3 loại stent dùng trong phẫu thuật thiếu máu cơ tim là sten thường, stent phủ thuốc và stent sinh học.
- Phẫu thuật bắc cầu động mạch vành: đây là phương pháp chỉ định đối với bệnh nhân không thể thực hiện chữa tắc nghẽn động mạch vành qua da vì nguy cơ tai biến cao hoặc mạch vành hẹp nhiều đoạn phức tạp. Điều này sẽ giúp tạo ra một đường vận chuyển máu mới qua động mạch bị tắc và tới nuôi dưỡng cơ tim. Với phương pháp bắc cầu động mạch vành, bác sĩ sẽ mổ hở ở lồng ngực. tim bệnh nhân ngừng đập và duy trì sự sống nhờ máy tim phổi nhân tạo.
Phòng tránh bệnh thiếu máu cơ tim
Bạn có thể hoàn toàn chủ động phòng tránh thiếu máu cơ tim nhờ vào việc duy trì một lối sống lành mạnh và tích cực. Trong chế độ ăn uống hằng ngày, cần lưu ý:
- Hạn chế mỡ động vật, muối, thực phẩm nhiều chất béo, ăn đồ ngọt, ... vì dễ mắc các bệnh tim mạch
- Cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng, bổ sung chất xơ, rau, củ quả, các loại ngũ cốc (đặc biệt là đậu nành) có nguồn gốc và đảm bảo vệ sinh
- Uống đủ nước mỗi ngày, có thể uống thêm các loại nước ép hoa quả để không thiếu hụt các vitamin cần thiết
- Không uống thức uống có cồn như rượu, bia, chất kích thích, ...
Về lối sống cần tạo ra những chuyển biến tích cực và duy trì lâu dài:
- Không hút thuốc lá bởi đây là tác nhân gây ra rất nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe
- Nghỉ ngơi hợp lý, giảm căng thẳng và biết cách giải tỏa những áp lực
- Vận động, tập luyện thể dục đều đặn nhằm có được cân nặng hợp lý
- Thái độ luôn suy nghĩ tích cực, vui vẻ, lạc quan
Xem thêm:
- Thực phẩm tốt cho người bị bệnh thiếu máu cơ tim
- 3 địa chỉ khám bệnh Tim uy tín tại Hà Nội
- 3 Bệnh viện có chuyên khoa tim tại Thành phố Hồ Chí Minh