Bệnh phong lây truyền như thế nào?
Bệnh phong (trước đây còn gọi là bệnh cùi, bệnh hủi) là một trong những bệnh xuất hiện lâu đời nhất trên thế giới. Bệnh có biểu hiện lâm sàng khá đa dạng, nhìn chung đều gây tổn thương trên da. Bệnh biểu hiện những cục u lớn ngoài da, mảng thâm nhiễm, làm bệnh nhân bị dị dạng méo mó. Chính những tàn tật này làm cho người khác xa lánh người bệnh.
Bệnh phong lây truyền như thế nào?
Thực chất bệnh phong có dễ lây không? nguyên nhân gây bệnh là gì? Có chữa khỏi được không? Cùng HoiBenh tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Nguyên nhân gây bệnh phong
Tác nhân gây bệnh phong là một loại trực khuẩn có tên khoa học là Mycobacterium leprae thuộc họ Mycobacteriaceae. Trực khuẩn phong có tính kháng cồn, kháng toan, sức đề kháng yếu nên khi ra khỏi cơ thể chỉ tồn tại được 1-3 ngày, nhân lên chậm và chu kỳ sinh sản là 12-13 ngày.
Cho đến nay, người ta vẫn chưa nuôi cấy được trực khuẩn này trên môi trường nhân tạo nên chưa tạo được vắc xin phòng bệnh phong.
Bệnh phong được chia thành các thể
- Thể bất định (I-Indeterminate): là thể đầu tiên hay giai đoạn sớm của bệnh.
- Thể củ (T-Tuberculoid): thể có sức đề kháng tốt nên có thể tự khỏi.
- Thể trung gian (B-Borderline): bao gồm đặc điểm của thể củ và thể u.
- Thể u (L-Lepromatous): thể nặng hay còn gọi là thể ác tính.
Còn theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh phân thành 2 nhóm
- Nhóm ít vi khuẩn (PB-Paucibacillary): Những bệnh nhân có chỉ số vi khuẩn âm tính và chỉ có từ 1-5 thương tổn da.
- Nhóm nhiều vi khuẩn (MB-Multibacillary): bệnh nhân có từ 6 thương tổn da trở lên hoặc chỉ số vi khuẩn dương tính.
Bệnh phong lây truyền như thế nào?
Bệnh phong là bệnh lây truyền, nhưng rất khó lây, lây chậm, lây ít. Người bị lây bệnh là do tiếp xúc gần gũi, nhiều và thường xuyên với nguồn bệnh – trực khuẩn phong
Trực khuẩn có ở các vị trí da bị tổn thương, niêm mạc, thần kinh ngoại biên. Các bệnh nhân mắc bệnh thể bất định và thể củ đa phần đều ít thấy sự xuất hiện của trực khuẩn phong tại các thương tổn, do đó chỉ có những bệnh nhân mắc nhiều vi khuẩn (MB - Multibacillary) chưa được điều trị mới có khả năng lây lan.
Thời kỳ ủ bệnh của bệnh phong rất lâu, trung bình 3-5 năm hoặc đôi khi lên đến 5 - 10 năm.
Không phải tất cả những người nhiễm trực khuẩn phong đều biểu hiện bệnh. Do cơ chế miễn dịch chéo nên phần lớn chúng ta đều có miễn dịch và sức đề kháng chống lại vi khuẩn phong. Nên mặc dù nhiều người nhiễm trực khuẩn phong nhưng chỉ một số rất ít bị bệnh.
Tuổi càng bé càng dễ bị bệnh phong và tỷ lệ bệnh phong ở nam giới cao hơn ở nữ giới
Nhận biết những dấu hiệu phát hiện sớm bệnh phong
Tổn thương biểu hiện dưới nhiều hình thái khác nhau, thường gặp nhất là trên da và thần kinh ngoại biên:
- Thương tổn da: thể bất định thường gặp các dát, mảng thâm nhiễm, thể trung gian và thể u xuất hiện các u phong. Tổn thương có thể chỉ rải rác vài chỗ trên da nhưng cũng có thể xuất hiện toàn thân và chứa đầy vi khuẩn. Thương tổn kèm theo giảm hoặc mất cảm giác.
- Vị trí gần khớp cổ tay, khuỷu tay, đầu gối sờ thấy các u cục, cảm giác đau
- Tổn thương thần kinh ngoại biên: mất cảm giác nóng lạnh, đau, xúc giác do viêm các dây thần kinh ngoại biên ( thường là dây trụ, dây chày sau, dây quay...). Da tê hoặc cảm giác kiến bò, yếu các cơ nhỏ ở bàn tay, bàn chân. Gây tàn tật cò ngón tay, ngón chân, bàn chân rủ, hở mi...nếu không được điều trị sớm.
- Gương mặt con sư tử: mặt người bệnh bị sần sùi từng cục nhỏ, mũi xẹp xuống.
- Triệu chứng khác: giảm bài tiết dịch cơ thể làm da khô hoặc cũng có trường hợp tăng bài tiết gây bóng mỡ và phù nhẹ, rối loạn dinh dưỡng gây rụng lông mày, dái tai dày,..., viêm mũi, viêm thanh quản...
- Biểu hiện bệnh phong giai đoạn muộn: các tổn thương phát triển có thể gây mù, loét lỗ đáo. Tần tật để lại di chứng suốt đời và khó phục hồi.
Cụ thể một người được coi là bị bệnh phong khi biểu hiện ít nhất một trong ba dấu hiệu sau:
- Thương tổn da kèm mất cảm giác.
- Tổn thương thần kinh kèm biểu hiện tàn tật: dây thần kinh to, cò ngón, teo cơ, mất cảm giác...
- Xét nghiệm dương tính với trực khuẩn phong Mycobacterium leprae.
Bệnh phong có chữa được không?
Với sự phát triển của y học ngày nay, bệnh phong đã được chữa khỏi hoàn toàn, người bệnh được điều trị miễn phí, tại nhà.
Nguyên tắc điều trị: điều trị phối hợp thuốc ( còn gọi là đa hóa trị liệu).
Người lớn thể ít vi khuẩn (PB - Paucibacillary)
- Rifampicin 600 mg: uống 1 tháng 1 lần có kiểm soát.
- Dapson 100mg: tự dùng hàng ngày.
- Thời gian kéo dài trong 6 tháng.
Người lớn thể nhiều vi khuẩn (MB - Multibacillary)
- Rifampicin 600 mg: uống 1 tháng 1 lần có kiểm soát.
- Clofazimin 300mg: uống 1 tháng 1 lần có kiểm soát.
- Clofazimin 50mg: tự uống hàng ngày.
- Dapson 50 mg: tự uống hàng ngày.
- Thời gian điều trị kéo dài trong 1 năm..
Trẻ em dưới 12 giảm 1⁄2 liều so với người lớn hoặc chỉ định thuốc theo cân nặng.
Thuốc có thể điều trị khỏi bệnh nhưng với phong đã biến chứng tàn tật thì không khỏi tàn tật, chú ý dùng thuốc đều, không ngắt quãng.
Biến chứng bệnh phong
- Vùng da tổn thương mất cảm giác nên người bệnh thường không cảm nhận được thương tích, do đó vết thương dễ bội nhiễm với vi khuẩn khác, tiêu hao tế bào, hủy xương, ngón tay ngón chân ngắn lại.
- Đi lại khó khăn và không cầm đồ vật được: do tổn thương thần kinh ngoại vi làm bàn tay bàn chân không cử động, cứng lại, co quắp, thủng loét và nhiễm độc.
- Khiếm thị, mù lòa: Giác mạc bị tổn thương, mờ đục, nhãn áp tăng, khô mắt, không chớp mắt.
- Vô sinh ở nam.
Cách phòng bệnh
Bệnh phong có thể chữa khỏi nếu phát hiện sớm và uống thuốc đúng theo hướng dẫn. Tuy nhiên thường để lại một vài di chứng cả về thể chất lẫn tâm thần cho bệnh nhân. Vì vậy chúng ta cần chủ động phòng ngừa bệnh:
Bệnh thường lây khó và lây chậm, bệnh lây lan chủ yếu qua da và niêm mạc khi bị trầy xước, trực khuẩn phong sinh sản chậm với chu kỳ 12 - 13 ngày, không có vật chủ trung gian truyền bệnh và dễ mất hoạt tính với xà phòng và ánh nắng. Do đó, khi vùng da bị trầy xước của người bình thường tiếp xúc với vùng da trầy xước của bệnh nhân phong thì nên rửa tay bằng xà phòng trong hai phút hoặc để ngoài nắng sẽ làm chết trực khuẩn.
Tránh tiếp xúc trực tiếp với dịch mũi, miệng của người bệnh
Rửa tay sạch sau khi chăm sóc hoặc tiếp xúc với bệnh nhân.
Xem thêm:
- Giải đáp thắc mắc bệnh phong có di truyền không?
- Khi bị bệnh phong không nên ăn gì?
- Bệnh phong lây như thế nào? Bạn có biết không?