Bệnh cao huyết áp có thể dẫn tới những biến chứng nguy hiểm khó lường

Bệnh cao huyết áp hay còn gọi là tăng huyết áp, là một căn bệnh phổ biến nhất trên thế giới, và tại Việt Nam cũng vậy. Bệnh cao huyết áp được cho là một kẻ giết người thầm lặng, bởi nó phát triển âm thầm và có thể dẫn tới những biến chứng nguy hiểm khó lường. Các biến chứng đó là gì? Có thể phòng tránh bệnh cao huyết áp, cũng như các biến chứng của nó hay không?

Bệnh cao huyết áp có thể dẫn tới những biến chứng nguy hiểm khó lường Bệnh cao huyết áp có thể dẫn tới những biến chứng nguy hiểm khó lường

Bệnh cao huyết áp hay còn gọi là tăng huyết áp, là một căn bệnh phổ biến nhất trên thế giới, và tại Việt Nam cũng vậy. Bệnh cao huyết áp được cho là một kẻ giết người thầm lặng, bởi nó phát triển âm thầm và có thể dẫn tới những biến chứng nguy hiểm khó lường. Các biến chứng đó là gì? Có thể phòng tránh bệnh cao huyết áp, cũng như các biến chứng của nó hay không?

Bệnh cao huyết áp là gì?

Huyết áp chính là áp lực của dòng máu lên thành động mạch. Khi áp lực này cao hơn bình thường, đồng nghĩa với việc là quả tim đang phải làm việc nhiều hơn và có thể gây ra những tổn thương nghiêm trọng ở động mạch. Cụ thể cao huyết áp được xác định khi chỉ số huyết áp tâm thu (lúc tim co bóp) ≥ 140 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương (lúc tim không co bóp) ≥ 90 mmHg.

Tình trạng cao huyết áp nếu không được phát hiện sớm và kiểm soát tốt sẽ có thể dẫn tới những biến chứng nguy hiểm khó lường như đột quỵ, các bệnh lý tim mạch, các bệnh thận,...

Phần lớn các bệnh nhân khi bị cao huyết áp thường không có biểu hiện gì báo trước cả, thậm chí họ còn cảm thấy hoàn toàn bình thường. Việc phát hiện bệnh cao huyết áp đa phần là tình cờ phát hiện khi khám sức khỏe, đo huyết áp thấy huyết áp cao hơn bình thường.

Chính vì vậy mọi người đều nên được kiểm tra huyết áp thường xuyên, đặc biệt những người có nguy cơ cao bị cao huyết áp như: người béo phì, ít vận động, người cao tuổi, trong gia đình đã có người bị cao huyết áp,... Việc làm này rất đơn giản và không tốn kém nhưng lại là cách kiểm tra chính xác xem có bị cao huyết áp hay không.

vicare.vn-benh-cao-huyet-ap-co-dan-toi-nhung-bien-chung-nguy-hiem-kho-luong-body-1
Đo huyết áp là phương pháp chẩn đoán bệnh cao huyết áp

Các biến chứng nguy hiểm của bệnh cao huyết áp

1. Các biến chứng về tim mạch

Bệnh cao huyết áp kéo dài sẽ làm tổn thương lớp nội mạc (lớp trong cùng) của mạch vành, khiến cho các phân tử Cholesterol - LDL (một loại mỡ máu) dễ dàng đi từ máu vào trong lớp nội mạc mạch vành. Các phân tử này sẽ tích tụ dần dần, hình thành mảng xơ vữa động mạch và làm cho mạch vành bị hẹp.

Đến một giai đoạn, khi mạch vành bị hẹp nhiều, tim sẽ không được cung cấp đủ máu nuôi dưỡng. Khi người bệnh gắng sức hay khi vận động nhiều hoặc khi leo cầu thang, sẽ cảm thấy đau ngực, cảm giác như bị nghẹn trước ngực. Và triệu chứng này sẽ giảm đi khi bệnh nhân nghỉ ngơi. Đây chính là triệu chứng của căn bệnh thiếu máu cơ tim cục bộ.

Đau ngực còn có thể đau lan lên cổ, lan ra sau lưng và lan ra tay trái. Khi mảng xơ vữa bị vỡ, tách ra khỏi thành mạch máu, trôi theo dòng máu sẽ hình thành cục huyết khối, đây là nguyên nhân khiến cho mạch vành bị tắc - bệnh nhồi máu cơ tim, tình trạng này rất nguy hiểm, có thể dẫn tới tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.

Các triệu chứng của bệnh nhồi máu cơ tim đó là: bệnh nhân cảm thấy đau ngực dữ dội, đau có thể lan lên cổ, xuyên ra sau lưng hoặc lan ra tay trái, bệnh nhân thấy khó thở, toát mồ hôi,...

Ngoài ra, cao huyết áp gây ra tình trạng phì đại cơ tim - cơ tim dày lên. Cao huyết áp kéo dài có thể dẫn đến tình trạng suy tim.

vicare.vn-benh-cao-huyet-ap-co-dan-toi-nhung-bien-chung-nguy-hiem-kho-luong-body-2
Bệnh cao huyết áp có thể dẫn tới các biến chứng nguy hiểm khó lường

2. Cao huyết áp có thể gây ra các biến chứng về não

Biến chứng tai biến mạch máu não: một biến chứng nguy hiểm, nguy cơ tử vong cao. Tai biến mạch máu não gồm có 03 tình trạng đó là thiếu máu não, nhũn não và xuất huyết não.

  • Thiếu máu não: bệnh cao huyết áp có thể làm hẹp động mạch cảnh, hẹp động mạch não, khiến cho lượng máu cung cấp cho não không đủ. Khi đó bệnh nhân sẽ có biểu hiện hoa mắt, chóng mặt, hoặc có thể bị bất tỉnh. Đây là tình trạng nhẹ nhất trong các tai biến mạch máu não.
  • Nhũn não: là tình trạng nặng hơn thiếu máu não, khi mạch máu nuôi não bị tắc. Nguyên nhân là do mạch máu não bị hẹp, cùng với đó là các mảng xơ vữa bị vỡ, tách ra khỏi thành mạch, đi theo dòng máu lên não và bị mắc kẹt lại ở vị trí mạch máu bị hẹp. Khi đó máu sẽ không thể đi đến nuôi dưỡng cho một phần nhất định của não, vùng não đó sẽ bị chết, gọi là nhũn não.

Tình trạng này nếu như không được điều trị kịp thời có thể khiến bệnh nhân bị tử vong, hoặc dẫn đến các di chứng về sau như liệt tay chân, liệt mặt,...

  • Xuất huyết não: khác với hai tình trạng trên, tình trạng xuất huyết là khi mạch máu não bị vỡ do huyết áp tăng lên quá cao. Cũng giống như nhũn não, bệnh nhân bị xuất huyết não nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn tới tử vong, hoặc gây ra các tổn thương khó phục hồi như liệt nửa người hay liệt hoàn toàn,...

Các triệu chứng bệnh nhân gặp phải sẽ phụ thuộc vào vị trí xuất huyết và vùng não bị tổn thương nhỏ hay lớn.

3. Cao huyết áp gây ra các biến chứng về thận

  • Bệnh cao huyết áp làm tổn thương màng lọc của các tế bào thận, gây ảnh hưởng tới quá trình lọc máu của thận. Khi đó trong nước tiểu bệnh nhân sẽ có protein, mà lúc bình thường không có. Tình trạng này kéo dài sẽ gây ra bệnh suy thận - một căn bệnh cũng rất nguy hiểm.
  • Bệnh cao huyết áp cũng làm hẹp động mạch thận, khi đó thận sẽ tiết nhiều chất Renin, chất này lại tác động làm cho huyết áp tăng cao hơn. Tình trạng hẹp động mạch thận lâu ngày cũng sẽ gây ra suy thận.

4. Các biến chứng về mắt do bệnh cao huyết áp gây ra

Bệnh cao huyết áp làm tổn thương mạch máu võng mạc, làm cho thành động mạch dày lên và cứng hơn, khiến cho lòng mạch bị hẹp lại. Khi động mạch dày và xơ cứng hơn sẽ đè vào tĩnh mạch ở đây, gây cản trở tuần hoàn máu ở mắt, làm cho mắt bị tổn thương dần dần qua các giai đoạn.

Ngoài ra, bệnh cao huyết áp còn dẫn tới các biến chứng khác về mắt như: làm xuất huyết võng mạc, hay làm phù đĩa thị giác làm giảm thị lực và nguy hiểm hơn là có thể dẫn tới tình trạng mù mắt.

5. Bệnh cao huyết áp gây ra các biến chứng về mạch máu ngoại vi

  • Bệnh cao huyết áp làm cho động mạch chủ phình to, có thể dẫn tới tình trạng bóc tách hoặc động mạch chủ bị vỡ dẫn đến tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời, do bị mất lượng máu lớn trong một thời gian ngắn.
  • Bệnh cao huyết áp còn có thể khiến cho động mạch chậu, động mạch đùi hay động mạch chân bị hẹp. Do đó lượng máu đi xuống chân giảm, khi bệnh nhân đi bộ được một đoạn đường sẽ có triệu chứng đau chân, bệnh nhân phải dừng lại nghỉ một lúc, đây gọi là hiện tượng đau cách hồi.

Cách phòng tránh nguy cơ bệnh cao huyết áp

Để phòng tránh bệnh cao huyết áp mọi người cần làm các việc sau:

  • Thay đổi lối sống, điều này đóng vai trò quyết định trong việc phòng tránh cao huyết áp, đồng thời còn giúp cho chúng ta có một sức khỏe tốt, ít bị bệnh tật.
  • Mọi người nên tập luyện thể dục thể thao tùy theo sức khỏe của từng cá nhân, tại các thời điểm khác nhau. Thông thường nên tập ít nhất 30 phút trong ngày và từ 5 lần/tuần trở lên.
  • Mọi người cần có một chế độ ăn hợp lý. Duy trì cân nặng ổn định trong giới hạn bình thường. Việc làm này sẽ giúp làm giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, trong đó có bệnh cao huyết áp.
  • Mọi người cũng cần tránh các căng thẳng trong cuộc sống cũng như trong công việc hàng ngày. Nên có một chế độ làm việc, nghỉ ngơi hợp lý, để cho tinh thần được thoải mái, vui vẻ.

Khi đã bị cao huyết áp, thì cần phải làm gì để phòng tránh các biến chứng của nó?

Khi đã bị bệnh cao huyết áp, bệnh nhân sẽ phải sống chung với căn bệnh này suốt đời, vì vậy cần phải chú ý phòng tránh các biến chứng mà căn bệnh này có thể gây ra. Để giảm thiểu nguy cơ dẫn tới các biến chứng, bệnh nhân cần:

Dùng thuốc hạ huyết áp, tuân thủ theo đúng chỉ định của bác sĩ

Uống thuốc đều, không được tự ý bỏ thuốc. Đây chính là cách phòng tránh tốt nhất các biến chứng của bệnh cao huyết áp. Bởi việc uống thuốc sẽ đưa huyết áp trở về mức bình thường, do đó ít gây ra các tổn thương ở mạch máu, ở não, thận, mắt,...

Tuy việc làm này đơn giản nhưng không phải bệnh nhân bị cao huyết áp nào cũng thực hiện được, từ đó làm tăng nguy cơ dẫn đến các biến chứng về tim mạch, não, thận, mắt, mạch máu,...

vicare.vn-benh-cao-huyet-ap-co-dan-toi-nhung-bien-chung-nguy-hiem-kho-luong-body-3

Chú ý chế độ ăn uống

  • Bệnh nhân cần tránh ăn mặn: khi nấu cần giảm lượng muối, nước mắm so với trước đây; khi ăn không nên chấm thêm muối, nước mắm hay nước tương.
  • Giảm các thực phẩm có nhiều mỡ động vật, nên sử dụng dầu thực vật để rán chiên, xào,...
  • Hạn chế uống rượu bia, hút thuốc lá, nếu có thể thì nên bỏ luôn.
  • Bệnh nhân nên ăn nhiều rau và trái cây. Nếu bệnh nhân vừa bị tăng huyết áp vừa bị đái tháo đường, thì nên lựa chọn các loại trái cây ít đường như táo, dâu tây, cam, bưởi, ổi,...

Điều trị bệnh cao huyết áp như thế nào?

Khi phát hiện bị cao huyết áp, bệnh nhân sẽ được bác sỹ chuyên khoa kê đơn thuốc điều trị, với mục đích là kiểm soát huyết áp ổn định ở mức bình thường.

Bệnh nhân có thể được chỉ định sử dụng một loại thuốc hoặc phối hợp hai hay ba loại thuốc hạ huyết áp, tùy theo đáp ứng của bệnh nhân mà bác sỹ chuyên khoa sẽ đưa ra phác đồ điều trị hợp lý. Bệnh nhân bị cao huyết áp cần phải đi khám định kỳ, để các bác sỹ chuyên khoa theo dõi tình trạng bệnh, theo dõi sự đáp ứng điều trị, có thể điều chỉnh thuốc đem lại hiệu quả cao nhất.

Hiện nay trên thị trường đã có nhiều loại thuốc điều trị cao huyết áp đem lại hiệu quả cao và ít tác dụng phụ. Các loại thuốc này được phân chia theo cơ chế tác dụng thành 4 nhóm sau đây:

  • Nhóm thuốc lợi tiểu thiazid.
  • Nhóm thuốc chẹn kênh calci tác dụng kéo dài.
  • Nhóm thuốc ức chế men chuyển angiotensin (ACEI).
  • Nhóm thuốc chẹn thụ thể angiotensin II (ARBs).

Ngoài ra, hiện nay còn có một số loại thuốc kết hợp 2 trong 4 nhóm thuốc trên theo một tỷ lệ nhất định, tạo thuận lợi cho việc điều trị bệnh cao huyết áp.

Căn cứ vào tình trạng cụ thể ở mỗi giai đoạn của từng bệnh nhân, mà bác sĩ sẽ lựa chọn loại thuốc và liều lượng thuốc thích hợp. Bệnh nhân khi bị cao huyết áp, không được tự ý mua thuốc, thay đổi thuốc, tăng giảm liều lượng khi có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Đặc biệt, tuyệt đối không được bỏ thuốc.

Cách cấp cứu bệnh nhân cao huyết áp

Cao huyết áp cấp cứu là tình trạng cao huyết áp nặng, thường huyết áp tâm trương > 110 mmHg, và có kèm theo bằng chứng tổn thương cấp tính cơ quan đích (tim, não, thận). Các tổn thương thường gặp như thiếu máu cơ tim cục bộ, tai biến mạch máu não,... với các biểu hiện như đã trình bày ở phần trên.

Tình trạng này đe dọa đến tính mạng của bệnh nhân, cần phải được cấp cứu ngay lập tức. Cách xử trí:

  • Cho bệnh nhân nằm nghỉ ngơi tại chỗ, nằm nghiêng về một bên, kiểm tra huyết áp của bệnh nhân.
  • Khi kiểm tra thấy huyết áp bệnh nhân tăng cao, nếu bệnh nhân đang điều trị tăng huyết áp, thì lấy thuốc bệnh nhân đang sử dụng và cho uống theo liều điều trị hàng ngày.
  • Nếu không có thuốc huyết áp ở đó, cần nhờ sự trợ giúp của các nhân viên y tế gần nhất.
  • Gọi xe cấp cứu để đưa bệnh nhân tới cơ sở y tế chuyên khoa gần nhất. Cách di chuyển bệnh nhân đúng đó là cho bệnh nhân nằm trên cáng cứng. Tuyệt đối không di chuyển bệnh nhân bằng xe máy, tránh để xóc khi di chuyển, bởi cách duy chuyển không đúng có thể khiến cho tình trạng bệnh nặng thêm.

Theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế, với các bệnh nhân bị đột quỵ thiếu máu não, nếu được cấp cứu trong khung “giờ vàng” - 3 giờ đầu - bằng các thuốc tiêu huyết khối đường tĩnh mạch; hoặc trong 6 giờ đầu bằng phương pháp sử dụng dụng cụ cơ học lấy huyết khối thì khả năng cứu sống cũng như hạn chế các di chứng cho bệnh nhân là rất cao.

Bệnh cao huyết áp có thể dẫn tới những biến chứng nguy hiểm khó lường như thiếu máu cơ tim cục bộ, tai biến mạch máu não, suy thận, giảm thị lực, mù mắt,... Chính vì vậy mọi người dân, đặc biệt là những người có nguy cơ cao mắc bệnh cao huyết áp cần được kiểm tra huyết áp thường xuyên. Những người chưa bị bệnh cần phòng tránh bệnh, còn những người đã mắc bệnh cần phòng tránh các tai biến của bệnh.

Xem thêm:

  • Mô tả chi tiết về bệnh cao huyết áp
  • Cao huyết áp nên uống nước gì?