Bật mí cho mẹ cách giảm cân cho trẻ béo phì

Trẻ béo phì đối mặt với những nguy cơ sức khỏe ảnh hưởng lớn đến cuộc sống hàng ngày. Nếu tình trạng thừa cân tiếp tục kéo dài sẽ, khi lớn lên trẻ rất dễ mắc các bệnh lý về tim mạch, huyết áp, mỡ máu và các rối loạn về xương khớp. Do đó, các bà mẹ nên tìm cách giảm cân cho trẻ béo phì càng sớm càng tốt để trẻ khôi phục cân nặng lý tưởng và phát triển khỏe mạnh nhất.

Bật mí cho mẹ cách giảm cân cho trẻ béo phì Bật mí cho mẹ cách giảm cân cho trẻ béo phì

Béo phì ở trẻ em đang có xu hướng ngày càng gia tăng. Trẻ béo phì không chỉ đối mặt với những nguy cơ sức khỏe mà còn ảnh hưởng lớn đến cuộc sống hàng ngày. Nếu tình trạng thừa cân tiếp tục kéo dài sẽ, khi lớn lên trẻ rất dễ mắc các bệnh lý về tim mạch, huyết áp, mỡ máu và các rối loạn về xương khớp. Do đó, các bà mẹ nên tìm cách giảm cân cho trẻ béo phì càng sớm càng tốt để trẻ khôi phục cân nặng lý tưởng và phát triển khỏe mạnh nhất.

Vì sao trẻ em ngày nay thường bị thừa cân, béo phì?

Một đứa trẻ được xem là béo phì khi có chỉ số cân nặng cao hơn 20% so với mức cân nặng trung của trẻ em tính theo chiều cao và độ tuổi. Ngoài ra, mẹ có thể xác định trẻ có béo phì hay không dựa vào hai cánh tay và bắp đùi của trẻ, nếu tại đó có những ngấn mỡ to ụ nổi lên thì khả năng đứa trẻ này đã bị béo phì. Chứng béo phì trẻ em không chỉ đơn giản là một em bé mập mạp hơn bình thường mà đây là một bệnh phức tạp.

vicare.vn-bat-mi-cho-me-cach-giam-can-cho-tre-beo-phi-body-1

Hầu hết trẻ béo phì là do chế độ ăn uống quá giàu năng lượng, nghĩa là lượng năng lượng đưa vào cơ thể trẻ đã vượt quá năng lượng mà tiêu hao, đặc biệt là năng lượng cung cấp từ chất béo. Tuy nhiên, các bà mẹ cho trẻ ăn quá nhiều chất đạm, chất bột đường cũng khiến trẻ bị béo phì do các chất này khi bị dư thừa trong cơ thể đều được chuyển hóa thành nguồn chất béo dự trữ.

Bên cạnh đó, những đứa bé ít hoạt động thể lực, lười vận động cũng là một yếu tố song hành gây ra thừa cân béo phì. Trẻ em ngày nay thường dành rất nhiều thời gian cho các hoạt động tĩnh tại như: xem tivi, xem ipad, đọc truyện tranh, chơi điện tử... mà ít vận động, chơi đùa bên ngoài cũng với các bạn đồng lứa so với trước đây.

Mặt khác, một số nghiên cứu còn cho kết quả khá bất ngờ, ở những em bé từng bị suy dinh dưỡng thấp còi hoặc những em bé có cân nặng lúc sinh quá cao... khi lớn lên thường dễ bị thừa cân, béo phì. Các chuyên gia khoa học cho biết, hiện nay yếu tố di truyền của bệnh béo phì vẫn chưa được chứng minh đầy đủ, tuy nhiên trong gia đình có bố mẹ bị thừa cân béo phì thì con cái của học cũng có nguy cơ bị béo phì khá cao.

Chứng béo phì ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ em như thế nào?

Người ta thường cho rằng các em bé béo phì trông rất đáng yêu, tuy nhiên đây lại là một vấn đề đáng phải quan tâm. Béo phì ở trẻ em là một trong những yếu tố nguy cao dẫn đến cơ thể béo phì ở người lớn, mà hiển nhiên người lớn béo phì thì không đáng yêu chút nào.

Tình trạng béo phì ở trẻ em sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ khi trưởng thành. Người béo thường rất dễ mắc các bệnh lý về tăng huyết áp, tăng cholesterol máu dẫn đến tai biến mạch máu não gây đột quỵ, nhồi máu cơ tim... và có nguy cơ cao mắc phải các bệnh lý mãn tính khác như: bệnh đái tháo đường, sỏi mật, bệnh cơ xương khớp.

Mặt khác, trẻ em béo phì thường rất vụng về và chậm chạp, không nhanh nhẹn hoạt bát như các bạn nên thường hay bị trêu chọc, ảnh hưởng lớn đến tâm lý và khả năng học tập của trẻ. Trẻ càng thu mình lại, càng hạn chế vận động và chơi đùa thì càng béo hơn. Do đó, việc tìm cách giảm cân cho trẻ béo phì là vô cùng cần thiết.

vicare.vn-bat-mi-cho-me-cach-giam-can-cho-tre-beo-phi-body-2

Bật mí cách giảm cân cho trẻ béo phì hiệu quả

Việc quan trọng trước tiên cần phải làm là điều chỉnh chế độ ăn uống của trẻ một cách hợp lý. Đây là nguyên tắc chính để điều trị thừa cân béo phì ở trẻ em bên cạnh việc kết hợp với các hoạt động thể lực. Mẹ nên hạn chế tuyệt đối các loại bánh kẹo, mật, đường, sữa đặc có đường, sữa béo... nhưng có thể cho bé uống sữa gầy (sữa đã tách béo). Khi chế biến thức ăn cho trẻ, mẹ nên tập trung làm các phương pháp hấp, luộc, hạn chế làm các món quay, xào, rán, nướng..., một tuần chỉ nên ăn món chiên trong 2 – 3 bữa ăn, chỉ chiên áp chảo, không chiên ngập dầu. Cho trẻ ăn nhiều rau xanh, ít tinh bột và hoa quả ít ngọt. Phải ăn uống điều độ, không ăn quá no, không được bỏ bữa cũng như không để trẻ quá đói. Nên phân chia thức ăn hợp lý, ăn nhiều vào buổi sáng, không ăn vào buổi tối trước khi đi ngủ ít nhất 2 giờ.

Tuy nhiên, mẹ cần lưu ý: không nên nôn nóng tìm cách giảm cân cho trẻ béo phì quá nhanh mà ép trẻ phải thay đổi hoàn toàn thói quen ăn uống cũng như cắt giảm khẩu phần của trẻ đột ngột. Việc làm này chỉ khiến bé thèm ăn nhiều hơn, bé thường lén ăn các thức ăn yêu thích ngay khi thoát khỏi tầm mắt của mẹ. Ban đầu mẹ vẫn cho trẻ ăn các món mà trẻ thích giảm chỉ còn 1/3 so với bình thường, thay lượng còn lại bằng các loại trái cây ít ngọt như bưởi, mận.

Mẹ nên dành thời gian giải thích cho trẻ hiểu vì sao phải ăn thực phẩm này, giảm ăn thực phẩm kia, vì sao phải giảm lượng thức ăn lại... Ví dụ, mẹ cho trẻ ăn cà rốt thì nên dạy trẻ về việc cà rốt giúp đôi mắt sáng long lanh, làn da hồng hào đáng yêu, ăn cam quýt giúp tăng đề kháng, giúp trẻ không sổ mũi, đau họng nữa. Còn nếu trẻ uống nước ngọt, ăn bánh snack, đồ chiên rán sẽ tích tụ mỡ khiến trẻ càng béo hơn, trông rất xấu xí...

Đồng thời, mẹ cần khuyến khích trẻ tham gia vào các môn thể dục thể thao như bơi lội, chạy bộ, nhảy dây... Cần hạn chế trẻ ngồi một chỗ quá lâu để xem tivi, chơi điện tử. Thường xuyên theo dõi cân nặng, chiều cao và khẩu phần ăn uống hàng ngày của trẻ cũng như quản lý thời gian hoạt động đều đặn. Tuy nhiên mẹ hãy lưu ý, việc tập thể dục hoặc bơi lội thông thường sẽ tiêu hao khoảng 400 – 500 calo, nhưng sau khi tập mà cho trẻ uống ngay một ly nước mía, ăn một vài xâu cá viên chiên thì lượng calo vừa mới tiêu hao sẽ lập tức được nạp trở lại. Do đó, sau khi luyện tập mệt, mẹ không nên cho trẻ ăn ngay lập tức, vì lúc này cơ thể đang cần năng lượng nên rất dễ hấp thu dinh dưỡng. Mẹ nên đợi đến bữa ăn mới cho trẻ ăn theo khẩu phần hoặc cho bé chống đói bằng một vài loại trái cây nhiều nước, ít năng lượng như: ổi, thanh long, củ sắn sau khi luyện tập.

Mặt khác, trẻ em béo phì thường có thói quen lục tủ lạnh. Mẹ nên kiểm soát tủ lạnh tốt hoặc chỉ để những món ăn có lợi cho trẻ như: sữa chua ít béo, sữa đậu nành ít đường (hoặc không đường), trái cây ít ngọt, khoai mì, khoai lang... để hình thành thói quen ăn uống lành mạnh hơn cho trẻ.

Trẻ béo phì rất hay bị bạn bè cùng lứa trêu chọc, vì vậy phụ huynh cần động viên con và tránh phê phán, tạo tâm lý không tốt cho trẻ. Trong một vài trường hợp, cha mẹ cần đưa con đi khám bác sĩ khi vấn đề về cân nặng của trẻ không cải thiện. Đôi khi, chứng béo phì trẻ em có thể bắt nguồn từ một tình trạng rối loạn nội tiết hoặc do một căn bệnh nào đó gây ra.

Phòng ngừa béo phì ở trẻ em

Để dự phòng thừa cân béo phì cho trẻ mẹ cần có chú trọng về khẩu phần dinh dưỡng cho trẻ kể từ khi trẻ còn là bào thai. Thai phụ không nên tăng quá nhiều cân vì khả năng sinh con to rất cao và gây nhiều hệ lụy cho sức khỏe của cả mẹ và bé.

Khi trẻ bắt đầu tập ăn, mẹ nên xây dựng khẩu phần hợp lý, đảm bảo có đủ các nhóm dinh dưỡng chính (bột đường, đạm, chất béo, chất xơ, vitamin và khoáng chất). Không cố gắng ép trẻ ăn quá mức so với nhu cầu của trẻ.

Khi trẻ đã cứng cáp, mẹ nên cho trẻ tăng cường vận động thể lực với các hình và mức độ thích hợp theo đúng lứa tuổi như: tập thể dục nhịp điệu, chạy nhảy, bơi lội... hạn chế xem tivi, chơi game và thức quá khuya.

Xem thêm:

  • Cha mẹ cần làm gì để tránh tình trạng dậy thì sớm ở bé trai
  • Những thực phẩm khiến trẻ dậy thì sớm mà mẹ nên biết để tránh
  • Bé trai dậy thì sớm, cha mẹ phải khắc phục như thế nào?