Báo động môi trường không khí ô nhiễm từ bụi PM2.5
Tình trạng ô nhiễm không khí đang ngày càng trầm trọng hơn, đặc biệt là ở khu vực các thành phố lớn. Tại Hà Nội, ô nhiễm không khí bởi bụi PM2.5 đang trong mức báo động và đòi hỏi người dân phải có những biện pháp phù hợp để phòng tránh hậu quả từ tác nhân ô nhiễm này. Vậy hiện trạng này đang diễn ra như thế nào và có phương pháp phòng tránh ra sao?
Báo động môi trường không khí ô nhiễm từ bụi PM2.5
Mời bạn đọc cùng HoiBenh tìm hiểu ngay trong bài viết sau.
1. Bụi mịn PM2.5 gây nguy hiểm như thế nào đến sức khỏe?
PM2.5 là một loại bụi cực kỳ nhỏ với đường kính chỉ khoảng 2.5 micromet hay thậm chí nhỏ hơn, trôi nổi trong không khí. Bụi PM2.5 được đánh giá là gây ra rất nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe con người. Vì sao lại như vậy?
Theo bác sĩ Nguyễn Ngọc Hồng, Trưởng khoa Bệnh Phổi nghề nghiệp của Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết, hạt bụi mịn PM2.5 có thể đi thẳng vào phế nang của phổi hoặc đi vào máu và gây độc cho cơ thể. Một số đối tượng nằm trong nhóm nhạy cảm như phụ nữ mang thai, người cao tuổi, trẻ em và người mắc bệnh mãn tính sẽ chịu ảnh hưởng nặng hơn so với người bình thường do hệ miễn dịch yếu.
Vậy cơ chế hoạt động của bụi PM2.5 được diễn ra như thế nào?
Theo thông tin từ Viện nghiên cứu vật lý ứng dụng Thượng Hải, thuộc Học viện Khoa học Trung Quốc, hạt PM2.5 có kích thước rất nhỏ và diện tích bề mặt lớn, do đó, hạt rất dễ mang thêm các chất ô nhiễm trong không khí. Khi tiến vào cơ thể, các hạt carbon đen sẽ mang theo một hàm lượng rất lớn các ion kim loại tiến vào tế bào bạch cầu và phá hủy cơ chế tự thực cân bằng của tế bào, gây rối loạn chức năng tự thực và tiêu thể.
Bên cạnh đó, các thành phần có trong bụi mịn PM2.5 sẽ phá hủy cơ chế chuyển hóa và sản sinh năng lượng của tế bào tự thực, khiến cơ thể tích lũy thêm độc tố.
2. Bụi PM2.5 đang gây ô nhiễm môi trường Hà Nội như thế nào?
Trong những ngày gần đây, ô nhiễm môi trường Hà Nội đang ngày càng có biểu hiện trầm trọng hơn, đặc biệt kém ở đầu giờ sáng. Theo thông tin từ nhiều điểm quan trắc ở thành phố, chỉ số AQI (chỉ số chất lượng không khí) đã đạt trên mức 190, nghĩa là gấp 2 – 4 lần mức tốt.
Chỉ số chất lượng không khí theo tiêu chuẩn Hoa Kỳ được chia thành 5 mức:
- Từ mức 0 đến mức 100: Không khí ít bị ô nhiễm.
- Từ 101 đến 200: Chất lượng không khí kém, đối tượng nhạy cảm phải hạn chế ra ngoài.
- Từ 201 đến 300: Chất lượng không khí cực kỳ xấu, bất kỳ ai cũng phải hạn chế ở ngoài. Nhóm đối tượng nhạy cảm phải tuyệt đối tránh việc ra đường.
- Trên 300: Mức báo động khẩn cấp, tất cả mọi người phải nên ở trong nhà.
Vậy chỉ số 190 trên đã cho thấy, môi trường không khí tại Hà Nội hiện nay đang trong tình trạng xấu mà mối nguy hại hàng đầu chính là sự ô nhiễm bụi mịn PM2.5. Những hạt bụi siêu nhỏ này đang tồn tại trong không khí ở mức rất cao, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân thông qua việc tấn công vào đường thở.
Không chỉ ở Hà Nội mà ở toàn khu vực miền Bắc Việt Nam, chỉ số PM2.5 đang ở mức 20 – 25, nghĩa là cao gấp 2 lần so với mức an toàn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa ra là dưới 10.
Theo Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng, chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, nguyên nhân hình thành bụi PM2.5 ở Hà Nội 60% - 70% đến từ các phương tiện giao thông. Một số nguyên nhân khác có thể do việc quản lý kém hiệu quả các công trình xây dựng hoặc bụi từ cơ sở sản xuất sắt thép, xi măng, hóa chất... Một nguyên nhân khác nữa cũng tạo ra bụi mịn là việc đốt rơm rạ hay đốt rác.
3. Chọn đúng khẩu trang – phương pháp phòng tránh tác hại từ bụi PM2.5 đơn giản nhất!
Thông thường, khi ra ngoài, dường như bất cứ ai cũng có thói quen mang theo một cái khẩu trang để che đi bụi bên ngoài. Người ta cho rằng: Dùng khẩu trang cũng sẽ có tác dụng bảo vệ tốt trong môi trường ô nhiễm bụi PM2.5, nhưng đó là sai lầm.
Theo thông tin từ Tiến Sỹ Đỗ Mạnh Cường – Phó trưởng phòng Quản lý Sức khỏe Môi trường và Hóa chất, cục Quản lý Môi trường Y tế thuộc Bộ Y Tế, khẩu trang thông thường chỉ có thể ngăn cản được bụi thô với kích thước lớn. Loại bụi mịn PM2.5 với kích thước cực nhỏ này chỉ có thể bị cản bởi khẩu trang N95 và một số loại khẩu trang có thiết kế màng siêu lọc.
Khẩu trang N95 đã được tổ chức Phi chính phủ GreenID làm thí nghiệm vào năm 2017. Sau 2 tuần, tổ chức đã khẳng định có đến hơn 90% bụi PM2.5 không thể vượt qua màng lọc của khẩu trang N95. Do đó, trong tình trạng ô nhiễm môi trường Hà Nội do bụi mịn đáng báo động hiện nay, đây được xem là phương thức đơn giản và hữu ích nhất để hạn chế các tác hại.
Tuy nhiên, khẩu trang N95 lại rất đắt, đồng thời gây khó thở khi sử dụng, vì vậy mà có rất ít người ưa chuộng mẫu khẩu trang này. Đối với trường hợp có hệ miễn dịch nhạy cảm như phụ nữ mang thai, người cao tuổi, trẻ em, người có các bệnh mãn tính..., cách tốt nhất để phòng tránh tác hại từ bụi mịn PM2.5 là hạn chế ra ngoài.
Hy vọng qua bài viết này, bạn đọc đã biết thêm thông tin về bụi PM2.5 cũng như sự tồn tại dày đặc của nó trong không khí gây ô nhiễm như thế nào. Hãy chủ động lựa chọn khẩu trang theo hướng dẫn từ bài viết, đồng thời áp dụng một số phương pháp khác để bảo vệ sức khỏe của bạn và gia đình trước tác nhân này.
Xem thêm:
- Bụi PM2.5 là gì? Tác hại kinh khủng về loại bụi này
- Ô nhiễm môi trường gây ra những bệnh gì?
- Môi trường ô nhiễm khiến con người dễ bị ung thư nếu không biết cách thải độc