Bản tin hỏi đáp bác sĩ ngày 19/7 (Phần 1)

Thời điểm nắng nóng tạo điều kiện cho các vi khuẩn và virus phát triển, cũng vì vậy mà tỷ lệ mắc các bệnh về đường hô hấp tăng lên. Các bệnh lý liên quan đến Tai Mũi Họng là một trong những nội dung được hỏi nhiều nhất trong thời gian qua. Cùng lắng nghe Bác sĩ Bùi Văn Hòa - Chuyên khoa Tai - Mũi - Họng giải đáp các thắc mắc của bạn đọc quanh vấn đề này.

Bản tin hỏi đáp bác sĩ ngày 19/7 (Phần 1) Bản tin hỏi đáp bác sĩ ngày 19/7 (Phần 1)

Thời điểm nắng nóng tạo điều kiện cho các vi khuẩn và virus phát triển, cũng vì vậy mà tỷ lệ mắc các bệnh về đường hô hấp tăng lên. Các bệnh lý liên quan đến Tai Mũi Họng là một trong những nội dung được hỏi nhiều nhất trong thời gian qua.

Cùng lắng nghe Bác sĩ Bùi Văn Hòa - Chuyên khoa Tai - Mũi - Họng giải đáp các thắc mắc của bạn đọc quanh vấn đề này.

1. Độc giả Nguyễn Thị Thanh Thủy đặt câu hỏi:

Thưa bác sĩ, con em được 2 tuổi, kể từ tháng 12 cho tới nay bé bị viêm tai giữa, cứ uống hết 1 đợt thuốc là bé bị chảy mủ tai, uống thuốc vài ngày là khô, hết thuốc thì bị lại, tháng nào cũng phải uống hơn 10 ngày thuốc nhưng không dứt hẳn. Khi đi soi tai bác sĩ bảo bé bị VA, phải nạo mới hết. Vậy bác sĩ cho em hỏi nạo VA cho bé có an toàn và chấm dứt hẳn tình trạng chảy mủ tai ko ạ, và bé uống nhiều thuốc trong thời gian dài như vậy có ảnh hưởng gì ko ạ, em cảm ơn bác sĩ ạ, nhờ bác sĩ tư vấn giúp em ạ!

Bác sĩ Bùi Văn Hòa: Chào bạn. Nạo VA là phẫu thuật an toàn. Con bạn bị viêm tai giữa do nguyên nhân viêm mũi, viêm VA. Sau khi nạo VA thì các đợt viêm sẽ giảm chứ không khẳng định là cháu sẽ không bị viêm tai giữa nữa nhé. Quan trọng là phải nâng cao thể trạng, điều trị tốt vấn đề viêm mũi thì vấn đề viêm tai mới cải thiện được. Trẻ con nhiều cháu cứ viêm mũi là sẽ viêm tai.

2. Một độc giả giấu tên có hỏi:

Chào bác sĩ! Trước cháu có bị vướng mắc ở cổ cảm giác nó như mắc cái dây hay cái gì ngang cổ ý. Cháu đi khám thì bị trào ngược dạ dày. Sau đó cháu lấy thuốc uống thì khỏi vào ngày và không bị vướng ở cổ nữa. Nhưng chỉ được vài ngày xong lại bị cháu có ra hiệu thuốc tây mua thuốc uống thì không thấy vướng ở cổ nữa. Mà bây giờ cháu lại thấy nuốt nước bọt nó cứ nghẹn bận bận ở phần dưới cổ ý ạ và có cả đờm nữa. Vậy bác sĩ cho cháu hỏi cháu bị như vậy là như thế nào ạ?

Bác sĩ Bùi Văn Hòa: Chào bạn. Bác sĩ chẩn đoán bệnh của bạn đúng rồi. Bạn bị trào ngược dạ dày , dịch dạ dày trào ngược lên dẫn đến viêm họng và gây ra hội chứng loạn cảm họng: cảm giác vướng mắc, nghẹn ở cổ trong khi ăn uống hoàn toàn bình thường. Bạn càng lo lắng stress thì cảm giác vướng mắc càng tăng lên. Điều trị vấn đề này ngoài thuốc điều trị trào ngược dạ dày, xúc họng nước muối sinh lý thì vấn đề tâm lý cực kỳ quan trọng. Bạn cần thoải mái tâm lý, ko stress lo lắng thì bệnh tự nhiên sẽ ổn.

3. Câu hỏi của một độc giả giấu tên:

Chào bác sĩ! Bé nhà cháu hơn 2 tuổi, bị viêm tai giữa, đã điều trị ở phòng khám tại Lục Ngạn, Bắc Giang, tại viện Sản Nhi Bắc Giang và tai mũi họng Trung ương nhưng vẫn tái lại nhiều lần. Trước mủ tai cháu không có mùi nhưng hiện giờ có mùi hôi tanh. Cháu rất lo lắng và muốn nghe tư vấn của bác sĩ ạ.

Bác sĩ Bùi Văn Hòa: Chào bạn. Trẻ con thường hay bị các đợt viêm mũi, viêm VA. Và mỗi đợt viêm như thế đều có nguy cơ viêm tai giữa cấp. Vì thế cần phải điều trị tốt các đợt viêm mũi họng và nâng cao thể trạng của trẻ, tiêm phòng đầy đủ sẽ giúp trẻ hạn chế các đợt viêm nhiễm. Nhiều trường hợp cần thiết có thể nạo V.A và cắt Amydal để giảm các đợt viêm nhiễm.

Trẻ em ho
Viêm họng là bệnh thường gặp của trẻ vào thời điểm giao mùa

4. Độc giả Nguyễn Đình Ngạn có hỏi:

Thưa bác sĩ, con em bị khò khử viêm phế quản, khó thở, cháu có biểu hiện khoảng 1 tuần, lên bệnh viện Sản nhi Bắc Ninh khám cũng không đỡ, xin hỏi bác sĩ cháu bị như vậy có ảnh hưởng đến phổi không ạ.

Bác sĩ Bùi Văn Hòa: Chào bạn. Trẻ con khò khè khó thở thường là viêm tiểu phế quản co thắt hoặc viêm phổi. Nếu không điều trị có thể gây khó thở suy hô hấp và có thể gây tử vong bạn nhé. Thường trong những trường hợp này trẻ sẽ được uống thuốc long đờm, giãn phế quản và kèm theo chạy khí dung mũi họng. Dùng thuốc kháng sinh khi có tìn trạng nhiễm khuẩn kèm theo. Bạn nên cho cháu khám lại và điều chỉnh thuốc hợp lý. Nhiều trường hợp còn phải điều trị nội trú.

5. Một độc giả giấu tên gửi câu hỏi:

Bác sĩ ơi, cháu bị viêm Amidam, sốt cao 40 độ. Nguyên ngày hôm qua không ăn gì chỉ đặt Efferalgan 300. Nay đỡ mệt, cháu có dậy ăn, ăn xong cháu thấy đau bụng và ra đi đại tiện thì thấy ra váng mỡ đen nổi, trông như dầu xe máy ạ, liệu cháu có bị Celiac k ạ?

Bác sĩ Bùi Văn Hòa: Đi ngoài có váng mỡ hay đại tiện phân mỡ là hiện tượng cơ thể không dung nạp Gluten gây phản ứng viêm tại ruột. Các vi nhung mao trong lòng ruột trở nên bị viêm và dẹt lại (teo nhung mao) làm giảm bề mặt hấp thu các chất dinh dưỡng từ thức ăn. Khi đó, cơ thể không thể hấp thu tất cả các chất dinh dưỡng cần thiết từ thức ăn. Vì thiếu các chất dinh dưỡng nên những bệnh nhân mắc bệnh tiêu chảy phân mỡ không được chẩn đoán có thể có rất nhiều các biểu hiện dạ dày - ruột và có thể bị thiếu các chất dinh dưỡng. Các triệu chứng có thể thay đổi từ nhẹ đến nặng và có thể bao gồm: đầy bụng, tiêu chảy, buồn nôn, mệt mỏi, táo bón, đau đầu, sụt cân, rụng tóc, các vấn đề về da, đau xương khớp... Phân lỏng tương đối đặc trưng với mùi hôi và trông như có dầu mỡ.

Một số triệu chứng có thể lẫn với các biểu hiện của hội chứng ruột kích thích. Có mối liên quan giữa bệnh tiêu chảy phân mỡ và các bệnh tự miễn dịch khác, thường là đái tháo đường tuýp 1 (đái tháo đường phụ thuộc Insulin) và giảm năng tuyến giáp...Nếu không điều trị kịp thời, đây có thể là tiền đề cho ung thư, thường gặp nhất là ung thư biểu mô thực quản và ruột non, nhưng cũng có nguy cơ biến thành u lympho hoặc biến chứng viêm lan tỏa tá tràng - hồi tràng. Trường hợp của bạn cần khám chuyên khoa tiêu hóa, xét nghiệm phân và các xét nghiệm cần thiết khác để chẩn đoán bệnh và điều trị sớm. Rất may, điều trị bệnh này đơn giản là loại Gluten ra khỏi thực đơn (bác sĩ dinh dưỡng sẽ giúp bạn).

Hãy cùng chia sẻ câu hỏi của bạn về các vấn đề sức khỏe cho các bác sĩ TẠI ĐÂY.

Thông tin bác sĩ Bùi Văn Hòa: Là người đã có 4 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Tai - Mũi - Họng, bác sĩ Bùi Văn Hòa hiện đang làm bác sĩ tại phòng khám chuyên khoa Tai Mũi Họng Người lớn & Trẻ em tại Hà Nội.

XEM THÊM:

  • Bản tin hỏi đáp bác sĩ ngày 19/7 (Phần 2)