Bạn đã biết cách sử dụng paracetamol an toàn?
Hiện nay, paracetamol là loại thuốc thông dụng và dễ dàng mua tại các hiệu thuốc mà không cần đơn. Điều này dẫn đến tình trạng lạm dụng thuốc, có thể dễ gây biến chứng nặng. Trường hợp nào không nên sử dụng Paracetamol? Sử dụng thuốc không đúng cách gây hại như thế nào? HoiBenh sẽ thông tin trong bài viết dưới đây.
Bạn đã biết cách sử dụng paracetamol an toàn?
Cơ chế hoạt động của thuốc Paracetamol
Paracetamol được biết đến với công dụng giảm đau (không bắt nguồn từ nội tạng) và hạ sốt ở dạng nhẹ và vừa.
Trong paracetamol tồn tại chất chuyển hóa có chứa hoạt tính phenacetin, nhờ vậy mà người sử dụng thuốc sẽ cảm thấy giảm nhẹ triệu chứng gây ra bởi các cơn đau đầu, đau họng, đau mỏi cơ, đau răng, đau khớp, ... Đồng thời, khi bị sốt, thuốc sẽ tác động lên vùng dưới đồi, tăng lưu lượng máu ngoại biên và giãn mạch giúp hạ nhiệt.
Paracetamol tồn tại trong một số loại thuốc phổ biến được bán trên thị trường như Panadol, Decolgen hay Hapacol, ... Chúng còn có thể thay thế aspirin nhưng không có hiệu quả điều trị viêm và sưng.
Thông thường, paracetamol được bào chế thành viên nén, sủi, bột cốm, viên đạn, cao dán hoặc dạng thuốc truyền với các liều khác nhau, tương ứng cách dùng và đối tượng sử dụng khác nhau như paracetamol 500mg, paracetamol 150mg, paracetamol 325mg, paracetamol 650mg,...
Tác hại nghiêm trọng khi sử dụng paracetamol không đúng cách
Nguy cơ tổn thương gan
Thực chất, paracetamol là loại thuốc lành tính và được chuyển hóa qua gan. Tuy nhiên, khi lạm dụng với liều lượng không đúng thì thuốc sẽ gây độc, phá hủy tế bào gan, gia tăng khả năng viêm gan và nhiễm độc.
Tình trạng này xảy ra khi bạn uống thuốc dài ngày hay uống lặp lại liều lớn. Gan không đủ lượng glutathione để giải độc nên tích lại trong gan. Nặng nhất là gan có thể bị hoại tử không hồi phục, nhiễm toan chuyển hóa do tác dụng độc cấp tính nghiêm trọng, có thể gây tử vong.
Khả năng ngộ độc cao
Sử dụng thuốc với liều lượng lớn trong thời gian ngắn hoặc kéo dài không đúng cách sẽ gây ra các triệu chứng: khó chịu, mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn hoặc nôn, đau hạ sườn phải, vàng da, tăng bilirubin và rối loạn đông máu. Trường hợp nặng có thể đe dọa tính mạng do suy đa tạng.
Ảnh hưởng đến hệ thần kinh
Paracetamol có khả năng ức chế hoạt động hệ thần kinh, cản trở mức độ nhanh nhạy của não bộ. Trường hợp bị ngộ độc nặng sẽ gây kích thích hệ thần kinh trung ương, mê sảng và kích động. Bệnh nhân thường rơi vào trạng thái hôn mê trước khi tử vong đột ngột hoặc tử vong sau vài ngày hôn mê.
Tổn thương da nghiêm trọng
Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng thuốc có chứa hoạt chất paracetamol gây phản ứng phụ trên da nhưng không phổ biến. Người bệnh có thể gặp hội chứng hoại tử da nhiễm độc (TEN – tổn thương đa dạng ở da), hội chứng Steven-Johnson (SJS – dị ứng thể bọng nước), hội chứng ngoại ban mụn mủ toàn thân cấp tính (AGEP), ...
Những người bị tác dụng phụ này tuyệt đối không được dùng thuốc trở lại và nên báo ngay cho bác sĩ về vấn đề này.
Những ai không nên sử dụng paracetamol?
- Bệnh nhân đang bị tổn thương gan: làm suy giảm chức năng gan, dẫn đến nhiễm độc gan hay hoại tử tế bào gan.
- Viêm dạ dày: lượng thuốc dư thừa có thể khiến tình trạng viêm dạ dày trở nên tồi tệ hơn.
- Những người có cơ địa quá mẫn cảm như mắc bệnh hen bởi thuốc paracetamol trên thị trường có chứa sulfit có nguy cơ gây phản ứng như dị ứng, phản vệ.
- Thận trọng khi sử dụng với người bị thiếu máu vì hội chứng xanh tím do thiếu oxy máu không được biểu lộ rõ.
- Người nghiện rượu: làm tăng độc tính cho gan
- Phụ nữ mang thai: khi dùng quá liều có thể gây độc cho thai nhi, nguy cơ cao mắc bệnh hen suyễn khi chào đời.
- Người cao tuổi sẽ hay bị mệt mỏi khi sử dụng paracetamol lâu dài do làm mất đi phân tử hemoglobin trong tế bào hồng cầu
- Đối với bệnh nhân dùng thuốc chống co giật: gia tăng mức độ gây cảm ứng enzym tại microsom thể gan.
- Người mắc bệnh lý nghiêm trọng về tim, phổi, thận và thiếu hụt glucose-6-phosphat dehydrogenase.
Gợi ý liều dùng paracetamol an toàn cho người lớn và trẻ em
Tùy thuộc mức độ bệnh, thể trạng và độ tuổi mà có liều lượng dùng thuốc khác nhau. Do vậy, bệnh nhân cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng. Dưới đây là gợi ý thông thường mà bạn có thể tham khảo:
Người lớn
Dùng 1 -2 viên nhóm paracetamol 500mg mỗi lần và không quá 3 – 4 lần trong vòng 24 giờ.
Trẻ em
- Trẻ từ 7 - 15 tuổi: dùng 1 viên paracetamol 500mg/lần nhưng không quá 2 gam/ngày.
- Trẻ nhỏ hơn nên dùng thuốc bột dạng cốm hoặc cao dán
Đối với trẻ nhỏ cần đặc biệt lưu ý: liều lượng thuốc mỗi lần dùng hay dựa trên số cân nặng của trẻ. Do vậy, phụ huynh cần đưa trẻ đến bệnh viện để được thăm khám và đưa ra liều dùng phù hợp nhất.
Cần tuyệt đối lưu ý khi dùng paracetamol
- Không được sử dụng thuốc một cách tùy tiện, vô tội vạ. Bạn cần trao đổi trước với bác sĩ điều trị về việc dùng paracetamol để được hướng dẫn về liều lượng và thời gian dùng thuốc tốt nhất.
- Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, tác dụng phụ và khuyến cáo trước khi sử dụng.
- Cần hết sức thận trọng để không dùng thuốc khi không sốt trên 38,5 độ C, không đau nhức. Khi dùng cần tránh trùng lặp thuốc vì dễ gây quá liều.
- Người bệnh trong thời gian dùng thuốc chứa paracetamol không uống chất kích thích có chứa ethanol như bia, rượu, vang, ... Đặc biệt, không kết hợp thuốc cùng thành phần có chứa barbiturat, isoniazid, carbamazepin, phenytoin, ...
- Thuốc có tác dụng đối với cơ thể sau khi uống 15 – 30 phút (tối đa trong 3 – 4 giờ). Chính vì thế, phải dùng thuốc cách nhau ít nhất 4 giờ để gan kịp chuyển hóa và thải trừ ra ngoài bằng nước tiểu.
- Không được uống thuốc khi đói. Không sử dụng paracetamol kéo dài quá 5 ngày với trẻ em và 10 ngày đối với người lớn.
- Dạng viên nén có tác dụng giải phóng kéo dài tránh nghiền nát, hòa tan hoặc nhai khi uống.
Xem thêm:
- Cách dùng thuốc paracetamol 500mg
- Thuốc paracetamol: Dùng sai một li đi cả mạng người
- Xử trí khi bị ngộ độc thuốc giảm đau, hạ sốt Paracetamol