Bại não bẩm sinh - Những điều bạn cần biết

Hầu hết, nguyên nhân của bại não bẩm sinh là do tổn thương não bộ trong quá trình thai nhi ở trong tử cung. Vậy bại não bẩm sinh chữa trị thế nào, cha mẹ cần làm gì để hỗ trợ trẻ? Cùng chuyên gia Vinmec giải đáp nhé.

Bại não bẩm sinh - Những điều bạn cần biết Bại não bẩm sinh - Những điều bạn cần biết

1. Tìm hiểu về bại não bẩm sinh ở trẻ

1.1 Bại não bẩm sinh là gì?

Bại não bẩm sinh là bệnh do tổn thương tế bào não trong quá trình phát triển thai nhi hoặc trong lúc sinh gây nên. Hầu hết trẻ bại não bẩm sinh có rối loạn vận động kèm theo những rối loạn thị lực, ngôn ngữ, lời nói, sức nghe, khả năng học tập của trẻ do ảnh hưởng của vùng não tổn thương đến cơ quan tương ứng

Phần lớn những tổn thương của não bộ gây bại não bẩm sinh không thể hồi phục được. Tuy vậy, các triệu chứng của bại não bẩm sinh ở trẻ có thể được cải thiện, nhưng cũng có thể xấu đi tùy theo các điều trị, xử lý của cha mẹ. Điều trị bại não bẩm sinh càng sớm thì khả năng phục hồi càng tốt.

1.2 Nguyên nhân nào gây bại não bẩm sinh

Rất khó để có thể xác định chính xác nguyên nhân chính xác gây tổ thương bại bão bẩm sinh, tuy nhiên một số nguyên nhân chính được xác định như sau:

Thời kỳ mang thai

  • Mẹ mang thai trong 3 tháng đầu bị bệnh do virus, nhiễm cúm nặng
  • Không tương hợp yếu tố Rh giữa máu thai và máu mẹ.
  • Mẹ bị tiểu đường, nhiễm độc thai nghén.
  • Các bất thường của thai nhi gây thiếu oxy não như dây rốn quấn cổ.
  • Mẹ mang thai bị dính chấn thương, động thai.
  • Di truyền
vicare.vn-bai-nao-bam-sinh-nhung-dieu-ban-can-biet-body-1
Trẻ có thể bị bại não ngay từ trong bụng mẹ

Trong khi sinh

  • Trẻ bị sinh non: Những trẻ sinh trước 9 tháng, nhất là dưới 28 tuần tuổi, cân nặng dưới 2kg rất dễ mắc bệnh bại não.
  • Sang chấn sản khoa như đẻ khó, can thiệp thủ thuật giác hút, Forceps.
  • Trẻ bị ngạt thiếu oxy trong và sau khi sinh.
  • Ngoài ra, bại não có thể xuất hiện trong những năm đầu phát triển của trẻ, với những tổn thương não bộ do tác động của môi trường, bệnh lý hay chấn thương vật lý.

1.3 Có bao nhiêu thể bại não bẩm sinh?

Bại não bẩm sinh ở trẻ rất đa dạng, khác nhau ở mỗi trẻ, các chuyên gia xếp trẻ vào các thể bại não khác nhau, từ đó đưa ra hướng điều trị khác nhau.

Bại não thường chia làm 4 thể chính là: Thể co cứng, Thể múa vờn, Thể thất điều, Thể nhẽo.

Thể co cứng

Trẻ bại não bị căng cơ, 2 chân thường duỗi chéo, bàn chân thuồng, tay co cứng, gập mạnh ở khớp khủy, duỗi cứng xoay trong vai, cổ rủ xuống hoặc ưỡn mạnh, trẻ khó cử động từng khớp riêng biệt.

Thể múa vờn

Trẻ vận động cử động cánh tay, bàn tay, bàn chân hoặc các cơ mặt lúc nhanh, lúc chậm hoặc lúc bị run. Nhất là phần đùi và cánh tay có thể bị run giật, tình trạng có thể xảy ra ở bàn tay, các ngón chân.

Thể thất điều

Trẻ bị rối loạn thăng bằng, khó tập ngồi, đứng, các cử động không chính xác nên bàn tay vụng về, dễ té ngã, dáng đi lảo đảo như người say rượu.

vicare.vn-bai-nao-bam-sinh-nhung-dieu-ban-can-biet-body-2

Thể nhẽo

Thể này ít gặp ở bại não bẩm sinh, trẻ bị liệt do giảm hoặc mất hẳn trương lực cơ, người mềm nhũn, có thể biểu hiện thời gian đầu sau đó chuyển tiếp sang thể co cứng hay múa vờn.

2. Dấu hiệu và ảnh hưởng bại não bẩm sinh ở trẻ.

2.1 Dấu hiệu bất thường vận động ở trẻ

Bạn nên nghĩ tới khả năng trẻ bị bại não bẩm sinh khi có các biểu hiện:

  • Trẻ đẻ ra không khóc hoặc khóc yếu, da tím tái, người mềm rũ.
  • Trẻ phát triển chậm hơn so với các trẻ cùng trang lứa, chậm biết bò, ngồi, biết đi.
  • Trẻ chỉ sử dụng được 1 bàn tay hoặc không sử dụng được cả 2 bàn tay.
  • Trẻ gặp khó khăn khi bú, nhai hoặc nuốt, dễ bị nghẹt thở hoặc nghẹn khi ăn hoặc bú, tình trạng xảy ra cả khi trẻ đã lớn.
  • Trẻ lớn lên không học được cách tự ăn, tự đi vệ sinh, tự mặc quần áo.
  • Trẻ gặp khó khăn trong học nói và giao tiếp, không đáp ứng như trẻ bình thường.

2.2 Trí thông minh của trẻ bại não bẩm sinh

Chỉ khoảng hơn 1 nửa số trẻ bị bại não bẩm sinh bị chậm phát triển tâm thần, trẻ học mọi thứ chậm hơn hoặc không thể làm được việc theo đúng sự phát triển bình thường.

vicare.vn-bai-nao-bam-sinh-nhung-dieu-ban-can-biet-body-3
Trí thông minh của trẻ bại não có thể không bị ảnh hưởng

Tuy nhiên, nếu trẻ được giúp đỡ, huấn luyện tốt, trẻ sẽ có thể biểu hiện và cho người khác biết suy nghĩ của chúng. Trẻ bại não thường biết nhiều hơn những gì chúng thể hiện.

2.3 Khả năng nghe, nói, nhìn của trẻ bại não bẩm sinh

Khả năng nghe và nhìn của trẻ bại não bẩm sinh đôi khi bị ảnh hưởng, có thể đến điếc hoặc mù, cha mẹ cần chú ý quan sát trẻ thật kỹ, tìm cách thử chức năng nghe, nhìn của trẻ.

2.4 Trẻ bại não bẩm sinh gặp vấn đề gì về tâm thần kinh?

Trẻ bị bại não có thể gặp những vấn đề tính khí thất thường như: Trẻ có thể thay đổi tính tình nhanh chóng, từ sợ hãi, giận dữ, cười qua khóc cùng những trạng thái tinh thần bất ổn khác.

Do đó, trẻ cảm thấy bất lực, không thể làm điều mình muốn với cơ thể. Ngoài ra, những tổn thương não bộ cũng ảnh hưởng tới tình tình trẻ.

Những trẻ này cần rất nhiều sự động viên, kiên nhẫn và giúp đỡ từ gia đình để có thể giúp trẻ vượt qua những khó khăn này.

3. Phòng ngừa bại não bẩm sinh cho trẻ

Có thể giảm nguy cơ trẻ bị bại não bẩm sinh nếu mẹ và cán bộ y tế thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa sau:

3.1 Trước sinh

Không kết hôn cùng huyết thống.

Cha mẹ không sinh con khi quá 35 tuổi, nếu mang thai thì cần thường xuyên đi khám và theo dõi sự phát triển của thai nhi.

Hạn chế tiếp tục với nguồn lây nhiễm vi khuẩn, virus như: Herpes, cúm, Toxoplasma...

vicare.vn-bai-nao-bam-sinh-nhung-dieu-ban-can-biet-body-4

Mẹ bầu mang thai phải cải thiện môi trường sống, điều kiện sống, hạn chế tới nơi đông người, tránh xa người có biểu hiện cúm và bị cúm.

Mẹ bầu không sử dụng chất gây nghiện, chất kích thích (rượu, thuốc lá...). Không tiếp xúc nguồn chất độc hại (thủy ngân, chì).

Nếu mẹ bầu gặp vấn đề về khả năng sinh sản như người thấp còi, khung chậu hẹp... thì cần lựa chọn phương pháp sinh con thật kỹ, tránh quá trình gây ngạt thở cho bé.

Mẹ mắc các bệnh thận, đái tháo đường, làm việc trong môi trường độc hại... cần sự tư vấn và chăm sóc y tế.

Mẹ bầu mang thai tới gần ngày sinh (khoảng 8-9 tháng thai) cần chủ động tới cơ sở y tế để được tiêm, uống vitamin K để hạn chế mất máu nhiều, phòng ngừa xuất huyết não, viêm màng não cho trẻ.

Mẹ có nguy cơ sinh non, nhẹ cân cần được chăm sóc y tế đặc biệt.

Sản phụ cần được thực hiện sàng lọc trước khi sinh và khám thai định kỳ theo chỉ dẫn.

3.2 Trong khi sinh

Sinh tại cơ sở y tế uy tín, đảm bảo, tránh các tai biến sản khoa như trẻ sơ sinh bị ngạt, sinh non...

4. Kết luận

Bại não bẩm sinh hiện nay chưa tìm được phương pháp điều trị triệt mà chỉ có thể điều trị hỗ trợ để cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân, gồm quá trình trị liệu phối hợp của bác sỹ, chuyên gia thần kinh, sư phạm, ngôn ngữ... cùng các thuốc hỗ trợ điều trị.

Bệnh bại não bẩm sinh về lâu về dài sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống sau này của trẻ mà khó có thể phục hồi. Do đó, cha mẹ khi mang thai cần có ý thức phòng ngừa, phát hiện sớm bệnh để có can thiệp y tế và điều trị kịp thời, giúp phục hồi tốt nhất.

Trên đây là những kiến thức y học về bại não bẩm sinh, nếu cần hỗ trợ và tư vấn điều trị, cha mẹ hãy liên hệ sớm với các chuyên gia đầu ngành của Vinmec. Chúng tôi luôn đồng hành với sức khỏe của bạn và con em.

Xem thêm:

  • Dấu hiệu bệnh bại não ở trẻ sơ sinh rất điển hình, dễ nhận biết
  • Bệnh bại não: Nguyên nhân, triệu chứng, cách chữa trị
  • Những điều cần biết về bệnh bại não trẻ em