Ảo tưởng về "Rượu thuốc” trong ngày Tết

Ngày Tết, dường như nhà nào phải họp mặt và dùng rượu để chúc những lời chúc đầu năm. Nói đến rượu thì cánh mày râu rất ít người không uống. Tuy nhiên, nhiều người đã sử dụng rượu quá đà, dẫn đến ngộ độc rượu, phải nằm viện điều trị, thậm chí tử vong. Trước và trong mỗi dịp Tết, các bệnh viện đều phải tiếp nhận rất nhiều ca ngộ độc rượu.

Ảo tưởng về Ảo tưởng về "Rượu thuốc” trong ngày Tết

Những ngày giáp Tết này, mỗi ngày Trung tâm chống độc – Bệnh viện Bạch Mai đều phải cấp cứu 2-3 ca ngộ độc rượu. Càng gần Tết, số bệnh nhân nhập viện càng có xu hướng tăng lên.

Hầu hết những người bị ngộ độc rượu do uống quá nhiều đồ uống có cồn, đặc biệt là trong một thời gian ngắn. Khác với thực phẩm cần thời gian để tiêu hóa, rượu được hấp thu rất nhanh, đặc biệt là nếu uống khi đói thì có khoảng 20% rượu được hấp thụ trực tiếp từ dạ dày và có thể đi tới não trong chưa đầy một phút.

Theo bác sỹ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm chống độc, đáng lo ngại khi số bệnh nhân ngộ độc rượu pha cồn công nghiệp methanol khá nhiều với tỷ lệ tử vong cao. Mà, những người may mắn thoát khỏi thần chết thì những di chứng cũng khá nặng nề như mù mắt, tổn thương não, hôn mê, rối loạn ý thức kéo dài. Các bệnh nhân ngộ độc rượu chứa methanol đều rơi vào tình trạng rất nặng. Trong đó, lo sợ nhất là tổn thương não, dây thần kinh thị giác, hoại tử não giống những trường hợp đột quỵ nặng nề, thêm tình trạng tổn thương nội tạng. Vì thế, đa phần bệnh nhân không qua khỏi.

Không chỉ uống phải rượu có chứa methanol, nhiều người còn thích uống rượu ngâm các loại cây cỏ, hay mật gấu, rắn vv... và được gọi chung là “rượu thuốc”. TS Phạm Duệ-nguyên Giám đốc Trung tâm Chống độc- cho biết, ông từng phải điều trị nhiều bệnh nhân uống rượu ngâm mật gấu. Với quan niệm sai lầm rằng mật gấu chữa được bách bệnh, nhất là có khả năng “tăng sức mạnh đàn ông”, nên năm nào, hàng chục ca cấp cứu vì nhiễm độc do uống rượu mật gấu phải vào cấp cứu tại Trung tâm chống độc.

Có người uống quá nhiều nên bị ngộ độc, dẫn đến suy gan, suy thận cấp phải lọc máu nhiều ngày mới qua khỏi. Một bệnh nhân ở Quảng Ninh đã tử vong vì bị suy gan, suy thận vì rượu mật gấu. Đó là chưa tính đến số bệnh nhân vào điều trị các bệnh viện khác trên cả nước.

vicare.vn-ao-tuong-ve-ruou-thuoc-trong-ngay-tet-body-1

Các bác sĩ đang cấp cứu bệnh nhân ngộ độc rượu.

Với những dược liệu ngâm rượu, cũng cần hết sức cẩn trọng vì một đợt khảo sát của Viện Dược liệu với các dược liệu có giá trị cao trên thị trường Hà Nội đã cho thấy, những loại đắt tiền thường bị làm giả mạo với loại có hình dạng tương tự như Thổ phục linh với Kim cang; âm Việt Nam nhầm với sâm Vũ Điệp. Khoảng 50% số mẫu sâm Việt Nam có hình thái khá giống với sâm Việt Nam nhưng thành phần hóa học thì rất khác với sâm Việt.

Riêng nhân sâm có tới 60% mẫu kiểm tra không đạt hàm lượng Ginsenoid Rb1. 40% mẫu Hà thủ ô không đạt hàm lượng, ngoài ra có một số mẫu định tính không đúng là Hà thủ ô. 80% số mẫu Đương quy di thực không đạt chỉ tiêu chất chiết được trong Ethanol 50% và hàm lượng Ligustilid giảm nhanh theo thời gian. 100 mẫu Địa liền đều không đạt về hàm lượng tinh dầu. 30% mẫu nghệ có hàm lượng Curcuminoid rất thấp, có mẫu hàm lượng cao tới 9,64% (nhất là mẫu bột nghệ) đã bị chiết xuất bởi hoạt chất còn lại bã được nghiền bán.

Thân và rễ cây anh túc ngâm rượu cũng là một thức uống được nhiều người đàn ông thích dùng, vì cũng cho rằng tăng sức mạnh đàn ông. Tuy nhiên, Ths. Trần Ích Quân, Phó Giám đốc BV Y học cổ truyền - Bộ Công an, người từng du học ở Trung Quốc về chuyên ngành bệnh lý đàn ông, khẳng định: Rượu ngâm thân, lá, hoa, quả cây anh túc dễ gây nghiện, trong khi hoàn toàn không bổ cho sinh khí đàn ông. Bởi, bản thân các loại rượu đều đã gây nghiện, mà ma túy có trong quả anh túc, nên càng khiến người sử dụng dễ phụ thuộc vào nó. Không chỉ thế, uống loại rượu này còn có hại cho thần kinh, riêng những người nóng trong sẽ dễ bị táo bón và tích nhiệt.

vicare.vn-ao-tuong-ve-ruou-thuoc-trong-ngay-tet-body-2

Là người có kinh nghiệm ứng phó với các loại ngộ độc, PGS.TS Phạm Duệ cho hay: Morphin không phải là thuốc kích thích cho đàn ông, mà chỉ gây ảo giác, vì thế, sự thật là những người nghiện ma túy thường không mấy quan tâm đến quan hệ tình dục. Quả anh túc có chứa morphin, nên nếu uống loại rượu này nhiều, còn dễ bị ngộ độc: nhẹ thì gây ức chế, hôn mê, có ảo giác đi mây về gió, còn nặng thì bị trụy mạch, suy hô hấp, thậm chí ngừng thở. Thực tế, cũng giống như rượu tay gấu, rượu mật trắm, “rượu 138” chả có gì liên quan với sinh lý đàn ông, chỉ có điều khác là uống rượu thông thường dễ bị say và mệt, còn uống “rượu 138” khó say và tỉnh táo hơn.

Các chuyên gia nhấn mạnh: Nếu sử dụng các loại rễ cây, thảo dược, các loại động vật ngâm vào rượu mà không rõ thành phần hay công dụng, vẫn có nguy cơ gây ngộ độc cho cơ thể. Nếu uống quá nhiều các loại rượu ngâm thì vẫn có thể bị nghiện rượu, ngộ độc rượu và các tác hại tương tự rượu bia thông thường. Uống rượu quá nhiều có thể bị ngừng chức năng hô hấp và tuần hoàn.

Trước tình hình ngộ độc rượu gia tăng, ngày 23-1, Cục An toàn thực phẩm -Bộ Y tế đã có khuyến cáo: Để phòng ngừa ngộ độc rượu bia trong dịp Tết, người dân không uống cồn công nghiệp và rượu có hàm lượng Methanol > 0,1% vì có thể gây mù mắt và tử vong.

Những ngày lễ Tết, mọi người cần cẩn trọng với những thứ nạp vào cơ thể, không uống rượu từ 30 độ trở lên vượt quá 30ml/người/ngày. Không uống rượu ngâm với lá, rễ cây, nội tạng động vật không rõ độc tính hay rượu ngâm theo kinh nghiệm cá nhân. Không uống rượu khi chưa biết là rượu gì, không rõ nguồn gốc, rượu không công bố tiêu chuẩn chất lượng, đặc biệt là khi đang đói, mệt hoặc đang uống thuốc điều trị.

Bác sỹ Nguyễn Trung Nguyên cũng lưu ý, sau khi uống rượu, nếu thấy xuất hiện tình trạng lịm dần, tinh thần lơ mơ, kích thích quá nhiều... nên đưa bệnh nhân tới viện để được kiểm tra và xử lý kịp thời.

Theo Công an nhân dân