Ăn uống ngày Tết như thế nào cho đúng cách?
Ngày Tết đoàn viên đang cận kề, việc lựa chọn các món ăn cổ truyền của dân tộc nên được lưu ý ở cả hai khía cạnh văn hóa và dinh dưỡng. Do vậy các chị em cần phải chú ý tới việc ăn uống ngày Tết như thế nào cho hợp khẩu vị của cả gia đình mình và sao cho đảm bảo sức khỏe nhất nhé!
Ăn uống ngày Tết như thế nào cho đúng cách?
Ngày Tết đoàn viên đang cận kề, việc lựa chọn các món ăn cổ truyền của dân tộc nên được lưu ý ở cả hai khía cạnh văn hóa và dinh dưỡng. Do vậy các chị em cần phải chú ý tới việc ăn uống ngày Tết như thế nào cho hợp khẩu vị của cả gia đình mình và sao cho đảm bảo sức khỏe nhất nhé!
Chế độ ăn uống ngày Tết hợp lý
Bữa sáng rất quan trọng, chúng ta nên ăn sáng thật no và đầy đủ dinh dưỡng sau đó mới nên đi chúc Tết.
Tránh tình trạng sụt cân hoặc tăng cân nhanh sau ngày Tết chúng ta nên ăn đủ ngày 3 bữa, nên ăn ít chất bột đường, ít chất béo, nên ăn nhiều thịt nạc, rau, củ, quả, tránh ăn nhiều bánh kẹo dẫn đến chán ăn bữa chính, hạn chế ăn quá nhiều trong một bữa vì cơ thể chưa kịp tiêu hóa lại ăn tiếp bữa khác sẽ làm tăng cân nhanh.
Hạn chế rượu, bia vì ngày Tết chúng ta thường sử dụng rượu bia vượt mức cho phép sẽ ảnh hưởng không những đến sức khỏe mà còn ảnh hưởng đến an toàn giao thông.
Lưu ý việc ăn uống ngày Tết với một số món ăn
Bánh chưng, dưa muối: Lượng muối cao
Bánh chưng, bánh tét có gần như đầy đủ các chất dinh dưỡng cho cơ thể, chỉ thiếu một ít chất xơ nhưng sẽ được cân bằng nếu ăn với các loại dưa món, dưa hành và sau đó tráng miệng bằng vài lát dưa hấu.
Cần lưu ý là các loại bánh này rất giàu năng lượng (trên 200Kcal/100g), nhiều chất béo và là các chất béo từ thịt mỡ ít có lợi cho sức khỏe. Bánh chưng lại khá mặn ngay cả khi không ăn kèm dưa món nên có thể gây tăng tiết axit dịch vị nếu ăn nhiều.
Do đó, ở người thừa cân, cao huyết áp, tiểu đường, bệnh dạ dày có tăng tiết dịch vị... không nên dùng nhiều bánh chưng. Hầu như không gia đình Việt Nam nào thiếu món dưa hành trong những ngày Tết.
Các món dưa này chủ yếu dùng ăn với bánh chưng nhưng cũng có người thích ăn với cơm hoặc nhâm nhi lai rai với những món chiên giòn nhiều dầu mỡ. Các món dưa này cung cấp chất xơ là chủ yếu, không có nhiều các chất thiết yếu như vitamin và rất ít năng lượng.
Tùy theo cách chế biến mà lượng muối trong các loại dưa này khác nhau, nhưng nhìn chung dưa muối đều chứa nhiều muối, nhất là các dạng dưa ngâm trong nước mắm thay vì ngâm dấm.
Thịt, giò chả: Nhiều chất béo, đạm
Loại thịt động vật hiện diện thông dụng nhất trong những món ăn cổ truyền ngày Tết Việt là thịt heo. Người miền Nam có tập quán kho một nồi thịt ba rọi với trứng vịt ăn kèm với dưa giá và nấu một nồi canh khổ qua nhồi thịt heo băm nhuyễn với một số nguyên liệu khác. Người miền Bắc thì lại hay nấu thịt đông, hoặc làm món chân giò ninh măng.
Tuy nhiên, những người có bệnh lý như thừa cân, cao huyết áp, bệnh tim mạch, tiểu đường, rối loạn chuyển hóa mỡ cũng cần lưu ý là các món ăn này đều khá nhiều chất béo không no không tốt cho tim mạch và lại khá mặn.
Vì vậy chỉ nên dùng với một số lượng hạn chế khoảng 100g mỗi ngày, ít hơn nữa nếu các bệnh lý cao huyết áp, tim mạch vẫn chưa được điều trị ổn định.
Các loại giò lụa, giò thủ... cũng hay được dự trữ trong tủ lạnh vào dịp Tết vì là các món ăn cơ động, ít ngán, được nhiều người ưa thích từ trẻ con đến người lớn. Các loại giò này cung cấp chủ yếu chất đạm cho bữa ăn, riêng với giò thủ thì thành phần chất béo cao hơn, chủ yếu là acid béo no bão hòa nên cũng tránh dùng cho những người có vấn đề về huyết áp, tim mạch và các bệnh lý chuyển hóa mỡ.
Đồ khô: Hãy coi chừng vệ sinh thực phẩm
Các loại thức ăn khô như tôm khô, khô gà, khô bò, lạp xưởng, vịt lạp, khô cá, măng khô cũng thường được dùng để biếu nhau trong dịp Tết, và hiện diện khá thường xuyên trong bữa ăn ngày Tết của các gia đình từ thành thị đến nông thôn. Tùy theo chất lượng của từng loại sản phẩm mà thời gian bảo quản và sử dụng khác nhau, nhưng các thực phẩm này nhìn chung đều quá mặn, có một số thì quá béo (như lạp xưởng, vịt lạp) nên cũng không tốt cho những người cần kiêng muối và kiêng mỡ.
Việc bảo quản trong quá trình bày bán và ngay tại gia đình cũng là một vấn đề cần chú ý, vì các thực phẩm này dễ bị bám bụi, bám khói, đồng thời là môi trường rất tốt cho nấm mốc và vi trùng phát triển. Ngoài nguy cơ gây một số bệnh lý ung thư của các loại nấm mốc và các sản phẩm của khói, nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm và dị ứng từ các loại này cũng khá cao. Vì vậy chỉ nên mua một số lượng vừa đủ ăn và lựa chọn nơi sản xuất uy tín, được quản lý về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm.
Bánh kẹo và mứt: Làm tăng đường huyết
Thành phần dinh dưỡng chủ yếu của bánh mứt là chất bột đường và có thể có một lượng rất ít chất xơ không đáng kể.
Hàm lượng đường đơn giản cao này đương nhiên là không cho phép ở những bệnh nhân tiểu đường hay người thừa cân, béo phì, nhưng cũng không mấy tốt cho những người bình thường thậm chí cả người suy dinh dưỡng, vì cung cấp một lượng năng lượng rỗng, làm tăng đường huyết dẫn đến chán ăn và làm mất cân đối khẩu phần ăn.
Trái cây: Góp phần cân đối dinh dưỡng ngày Tết
Trái cây các loại là loại thực phẩm được khuyến cáo nên dùng nhiều nhất trong những ngày Tết, vì đây là nguồn cung cấp vitamin quan trọng, là nguồn cung cấp nước, chất xơ làm cân đối khẩu phần ăn vốn nhiều năng lượng, nhiều đạm, nhiều béo trong những ngày xuân. Đương nhiên, để tốt nhất cho sức khỏe, chỉ nên ăn những loại trái cây còn tươi, sạch sẽ không dập nát, không có những vết thâm hay úng bên trong thịt quả cho dù vỏ bên ngoài tươi đẹp.
Những loại trái cây họ Citrus như cam, quýt, bưởi rất tốt cho những ngày này vì nhiều nước, nhiều chất xơ, giàu vitamin C, có lớp vỏ tự nhiên có thể bảo quản lâu và thuận tiện khi mang theo trong những chuyến đi ngắn ngày dịp Tết.
Phương Nguyễn