Ăn lá ổi chữa tiêu chảy: Sai lầm trầm trọng
Bệnh tiêu chảy là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm. Nhiều bậc phụ huynh thay vì đưa trẻ đến bác sĩ khám thì tự chữa ở nhà bằng các bài thuốc dân gian như dùng búp ổi, hồng xiêm xanh, lá chè... Thực tế có đúng không? Ăn lá ổi chữa tiêu chảy là sai hay đúng?
Ăn lá ổi chữa tiêu chảy: Sai lầm trầm trọng
Bệnh tiêu chảy là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm, triệu chứng chính của bệnh là tiêu chảy, nôn, mất nước, rối loạn điện giải nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong. Bệnh tiêu chảy rất hay gặp ở trẻ em. Nhiều bậc phụ huynh thay vì đưa trẻ đến bác sĩ khám thì tự chữa ở nhà bằng các bài thuốc dân gian như dùng búp ổi, hồng xiêm xanh, lá chè... Thực tế có đúng không? Ăn lá ổi chữa tiêu chảy là sai hay đúng? Cùng HoiBenh tìm hiểu trong bài viết sau.
Thế nào là tiêu chảy?
Tiêu chảy là tình trạng đi phân tóe nước từ 4 lần/ ngày đối với người lớn, trẻ em. Riêng với trẻ em nếu phân thay đổi tính chất như phân lỏng hơn, phân có hạt lợn cợn, phân có đàm nhớt phân thay đổi màu (trắng, xanh,..) hoặc trẻ són phân ra quần là trẻ bị tiêu chảy.
Nguyên nhân gây ra bệnh tiêu chảy là gì?
Có nhiều nguyên nhân gây bệnh tiêu chảy như:
- Do vi-rút : Rotavirus gây bệnh tiêu chảy nhiều nhất ở trẻ nhỏ và các virus gây bệnh đường ruột khác.
- Do vi khuẩn : tả, lỵ trực khuẩn, thương hàn, E.Coli, nhóm Salmonella (thường có trong trứng còn sống bị ô nhiễm).
- Do thức ăn nhiễm độc: ôi thiu, hóa chất độc, tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật, nấm mốc, thực phẩm quá hạn sử dụng.
- Uống nước chưa được đun sôi.
Bệnh tiêu chảy có khả năng gây dịch không? Bệnh lây truyền qua đường nào?
Bệnh tiêu chảy lây theo đường tiêu hóa qua thức ăn, nước uống bị nhiễm khuẩn.
Bệnh có thể lây lan nhanh và gây thành dịch lớn, nhất là ở những nơi đông dân cư. Bệnh có liên quan chặt chẽ với điều kiện môi trường, nước, an toàn thực phẩm và thói quen vệ sinh của người dân.
Những nguy cơ gây mắc bệnh tiêu chảy
- Nhiễm khuẩn thực phẩm: chọn thực phẩm không còn tươi, do không giữ vệ sinh trong nấu ăn, lẫn thức ăn sống và thức ăn chín, thức ăn nấu xong để quá lâu, vật dụng chứa thức ăn không sạch.
- Nhiễm độc thực phẩm : Thực phẩm bị nấm, mốc.
- Vệ sinh môi trường không đảm bảo để các loại kí sinh trùng gây bệnh xâm nhập vào thức ăn.
- Không đảm bảo vệ sinh trong ăn uống và sinh hoạt.
- Không rửa tay trước khi nấu ăn, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh và sau khi vệ sinh cho trẻ.
Khi mắc bệnh tiêu chảy cần phải làm gì?
Khi phát hiện trẻ tiêu chảy lần đầu tiên, việc trước tiên là cho trẻ bù nước bằng cách cho uống dung dịch ORESOL, nước cháo muối, nước trái cây...
Ăn lá ổi chữa tiêu chảy: Đúng hay sai?
Trong dân gian có nhiều biện pháp để chữa bệnh tiêu chảy như: dùng búp ổi, hồng xiêm xanh, lá chè... Theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế các phương pháp này đều không có tác dụng, việc dùng các cách dân gian chữa bệnh dẫn đến che lấp các triệu chứng của bệnh, gây khó khăn trong việc phát hiện các biến chứng nguy hiểm, khó khăn trong việc chẩn đoán, điều trị của bác sĩ, gây nguy hại cho sức khỏe trẻ.
Phương pháp chữa bệnh kiểu này rất nguy hiểm, bởi bản thân búp chè, búp ổi, hồng xiêm xanh... đều có tỷ lệ chất tannin rất cao, có thể làm giảm nhu động ruột. Chính tình trạng giảm nhu động ruột cũng làm trẻ giảm số lần tiêu chảy đi và vì thấy con giảm số lần tiêu chảy nên cha mẹ thấy thích và nghĩ có hiệu quả. Nhưng thực tế, tổn thương ở trong đường tiêu hóa của trẻ vẫn còn nguyên, không có gì thay đổi khi ăn, uống các loại lá cây, quả có chất tanin này. Điều này sẽ gây nguy hiểm cho sức khỏe trẻ vì virus, vi khuẩn gây bệnh vẫn sinh sôi nảy nở trong hệ tiêu hóa của trẻ, phân, chất thải xuất tiết ra không đi ra ngoài mà tích tụ trong ruột.
Tiêu chảy ở trẻ em do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra như vi khuẩn, virus, kí sinh trùng... Việc nhận biết không chính xác nguyên nhân thường dẫn đến tư tưởng chủ quan và cách điều trị sai.
Đặc biệt, sai lầm trong phương pháp điều trị hoặc áp dụng các bài thuốc dân gian như sử dụng lá ổi xanh, hồng xiêm xanh, lá chè... khi không hiểu đúng về cơ chế gây bệnh sẽ làm cho bệnh của trẻ ngày càng nặng hơn.
Và chính việc tự ý điều trị cho con, tư tưởng chủ quan đã khiến trẻ bị mất nước, gây rối loạn điện giải, co giật, nguy hiểm đến tính mạng. Vì vậy, khi bé có dấu hiệu mắc bệnh, gia đình cần bù nước, điện giải sớm, làm hạn chế sự mất nước của cơ thể.
Cần phải làm gì để phòng bệnh tiêu chảy ?
Để chủ động phòng chống tiêu chảy, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo cộng đồng:
1. Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, thực hiện ăn chín, uống chín, không uống nước lã.
2. Sử dụng nước sạch trong ăn uống và sinh hoạt, đặc biệt trong chế biến thực phẩm.
3.Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
4. Mỗi gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh, không đi tiêu bừa bãi; không đổ rác thải, phân xuống ao, hồ; không sử dụng phân tươi, phân chưa xử lý đảm bảo vệ sinh để bón cây trồng
5. Khi có dấu hiệu tiêu chảy cấp phải đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và điều trị kịp thời.
Đối với trẻ em khi mắc bệnh tiêu chảy cần:
- Cho trẻ bú mẹ ngay trong giờ đầu sau sinh và bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, hạn chế cho trẻ bú bình, nếu bú bình cần vệ sinh sạch, luộc sôi bình trước khi pha sữa.
- Vệ sinh cá nhân: thường rửa tay với xà phòng trước khi cho trẻ ăn và trước khi ăn và rửa tay với xà phòng sau khi đi vệ sinh cho trẻ. Không cho bé mút tay hoặc ngậm đồ chơi vào miệng.
- Thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm: Chọn thực phẩm tươi, sạch; Nấu chín kỹ thức ăn, không ăn thức ăn tái, thức ăn sống; Ăn ngay sau khi nấu xong; Thức ăn để quá 4 giờ phải nấu sôi lại trước khi ăn; Không cho trẻ em ăn thức ăn cũ nấu lại.
- Uống nước đã được đun sôi để nguội.
Xem thêm:
- Bệnh tiêu chảy cấp mùa hè và cách phòng chống
- Cách điều trị bệnh tiêu chảy kéo dài ở trẻ nhỏ
- Khi bị tiêu chảy kiêng ăn gì để làm dịu tình trạng bệnh?