Ăn đường trắng gây nên ung thư?
Đường trắng là một loại gia vị được sử dụng ở khắp mọi nơi. Hầu hết mọi người đều nạp đường trắng vào cơ thể mỗi ngày theo một cách nào đó qua những hoạt động ăn uống. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng ăn đường trắng gây nên ung thư. Để biết ý kiến này có chính xác hay không, HoiBenh mời bạn đọc cùng theo dõi qua bài viết dưới đây.
Ăn đường trắng gây nên ung thư?
Đường trắng là gì?
Chúng ta đều biết, phần lớn tất cả các loại đường như đường nâu, đường trắng, đường tinh luyện đều xuất thân từ cây mía, mật mía, củ cải đường hoặc các loài thực vật có vị ngọt. Loại đường được chế biến đơn giản nhất là đường nâu, từ mía hoặc từ nước của củ cải đường sau khi ép lọc và loại bỏ bã, nấu chín và cô đặc sẽ thành đường nâu. Kế đến là đường trắng, từ đường nâu đã sản xuất ở trên, người ta tiếp tục thanh lọc lại, loại bỏ tạp chất và tẩy trắng. Đường tinh luyện hay còn gọi là đường trắng tinh luyện cũng được sản xuất từ đường trắng nêu trên, sau đó làm ra những hạt đường trong suốt hơn, với kích cỡ và độ mịn mà nhà sản xuất yêu cầu.
Sự khác biệt cơ bản giữa đường trắng và đường nâu đối với sức khỏe
Mặc dù đường mía thô và đường trắng đều cung cấp năng lượng cho cơ thể nhưng khác nhau ở cách mà chúng giải phóng năng lượng bên trong.
Đường trắng hoặc đường tinh luyện thường lập tức được hấp thu vào máu và giải phóng lượng năng lượng lớn. Điều này có xu hướng gây hại cho một số cơ quan nội tạng của cơ thể như thận, mắt và não bộ. Đặc biệt đối với những bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường.
Đường thô hoặc đường nâu thường chứa nhiều hỗn hợp phức tạp hơn so với đường đã loại tạp và tẩy trắng, đây là những chuỗi đường dài nên được tiêu hóa chậm hơn và năng lượng mà nó cung cấp từ từ, không hấp thu ngay lập tức. Đây là một ưu điểm của đường nâu vì nó ít làm tăng đường huyết nhanh như đường trắng tuy nhiên vẫn không phù hợp cho bệnh nhân tiểu đường. Đường nâu cũng chứa chất sắt rất tốt cho sức khỏe, đặc biệt với người bị thiếu máu hoặc thiếu sắt, ngoài ra còn có nhiều loại muối khoáng khác nhau.
Ăn đường trắng gây nên ung thư đúng không?
Viện Ung Thư Quốc gia Hoa Kỳ (NIH) khẳng định: vẫn chưa có nghiên cứu nào đáng tin cậy cho kết quả rằng việc ăn đường trắng sẽ khiến ung thư phát triển hoặc khi kiêng đường trắng hoàn toàn sẽ khiến ung thư giảm kích thước. Tuy nhiên, có rất nhiều nghiên cứu đã chứng minh được đường, đặc biệt là đường trắng thường liên quan đến các bệnh lý như gan nhiễm mỡ, tim mạch, huyết áp, tiểu đường... Từ các bệnh lý này sẽ gián tiếp làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư.
Cách đây khoảng 10 năm, các công trình nghiên cứu đã phát hiện ra rằng: hàm lượng insulin trong máu càng cao sẽ tỉ lệ thuận với khả năng phát triển khối u ung thư càng mạnh. Vậy tại sao ung thư lại dễ xuất hiện hơn khi hàm lượng insulin tăng cao? Điều này được giải thích là do insulin tác động rất nhiều tới hoạt động sống của cơ thể theo những cách khác nhau, trong đó có việc kích thích các tế bào kể cả nhân bên trong, dễ khiến các khối u phát triển và giảm khả năng tiêu diệt các tế bào ung thư, còn gọi là chết tế bào theo chương trình.
Một số tác hại khác khi tiêu thụ quá nhiều đường trắng
Suy giảm trí nhớ
Đây là kết quả thu được từ những nghiên cứu tiến hành trên chuột bạch, việc ăn đường trắng cho thấy có sự ảnh hưởng nhất định lên não, biểu hiện dễ nhận biết nhất là suy giảm trí nhớ.
Tăng độ cận thị
Theo báo cáo từ Hội chống cận thị Nhật Bản, lượng đường quá nhiều trong cơ thể sẽ ảnh hưởng đến lượng canxi, làm tăng sự đàn hồi của nhãn cầu dẫn đến đường kính nhãn cầu tăng, vì vậy mức độ cận thị cũng tăng theo. Một bác sĩ nhà nhãn khoa nổi tiếng người Mỹ vừa đưa ra những số liệu về dinh dưỡng, liên quan đến bệnh cận thị tiến triển nặng, đó là chế độ ăn thừa đường và nhưng lại thiếu crôm.
Bệnh lý tim mạch
Tiêu thụ một lượng lớn carbohydrate như đường trắng sẽ thúc đẩy sự gia tăng của mỡ máu, từ đó tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch. Đặc biệt là chỉ số triglyceride tăng cao, mức cholesterol tốt (HDL) giảm, cholesterol xấu (LDL) tăng.
Hư hỏng răng
Khi ăn nhiều đường trắng mà không súc miệng, số vi khuẩn trong khoang miệng sẽ tăng lên đột ngột. Những vi khuẩn này sẽ biến đường thành axit làm phá hủy men răng. Vị ngọt đọng lại khi ăn các thức ăn ngọt như kẹo thường đọng lại khoảng 1 giờ trước khi nước bọt trung hòa hết, thời gian này đủ để hình thành axit và gây sâu răng.
Đẩy nhanh quá trình lão hóa
Ăn nhiều đường không khiến bạn béo phì mà còn ảnh hưởng không tốt đến sức đề kháng của cơ thể, làm mất đi tính đàn hồi của mô da, Hàm lượng đường trong máu càng cao thì càng đẩy nhanh tốc độ lão hóa, da càng nhiều nếp nhăn.
Tổn hại đến sức khỏe xương
Một nghiên cứu đã được công bố trên Tạp chí Dinh dưỡng lâm sàng (Hoa Kỳ) vào năm 2006 cho thấy: việc tiêu thụ nhiều nước uống chứa chất ngọt có liên quan đến mật độ xương thấp ở phụ nữ.
Nên ăn bao nhiêu đường là đủ?
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y Tế Thế giới (WHO) năm 2015 khuyến cáo, cả người lớn và trẻ em nên cắt giảm lượng đường đưa vào cơ thể mỗi ngày đến mức tối đa (gồm đường có trong thực phẩm và đường thêm vào các thức uống) xuống mức sao cho lượng calo từ đường cung cấp chỉ chiếm dưới 10%. Tốt nhất là 5% tương đương với 25g đường mỗi ngày (có trong tất cả các thức ăn kể cả trái cây), tương đương 6 muỗng cà phê đường.
Xem thêm:
- Những thực phẩm là 'kẻ thù số 1' của bệnh gan nhiễm mỡ
- Ăn nhiều đường tăng nguy cơ mắc ung thư
- Cứ ăn những thứ này thì bạn khó có được chiều cao lý tưởng