Ăn đậu ván có tốt không?
Đậu ván là một loại dây leo, được trồng ở khắp nơi, để lấy quả non ăn, còn quả già lấy hạt để dùng thuốc. Trong Đông y, hạt đậu ván có chứa rất nhiều thành phần dinh dưỡng rất tốt cho sức khỏe. Vậy ăn đậu ván có tốt không?
Ăn đậu ván có tốt không?
Đậu ván là một loại dây leo, được trồng ở khắp nơi, để lấy quả non ăn, còn quả già lấy hạt để dùng thuốc. Trong Đông y, hạt đậu ván có chứa rất nhiều thành phần dinh dưỡng rất tốt cho sức khỏe. Vậy ăn đậu ván có tốt không?
Đậu ván là đậu gì?
Đậu ván là loại cây được trồng ở nhiều nơi vùng quê, thường trồng để lấy quả non để xào ăn hoặc lấy hạt già để nấu chè, làm thuốc, pha nước uống. Đậu ván thường có 2 loại là đậu ván trắng và đậu ván tím, trong đó, đậu ván trắng được sử dụng nhiều hơn, phần lớn đậu ván chủ yếu được dùng để nấu chè, rang làm nước uống thanh nhiệt.
Đặc điểm của cây đậu ván
Đậu ván với đặc thù là loại dây leo sống 1-3 năm, dài tới 5m. Thân có góc, hơi có rãnh, có lông thưa. Lá kép mọc so le, có 3 lá chét hình trứng chỉ có ít lông ở mặt dưới. Hoa đậu ván có màu trắng hoặc tím nhạt, mọc thành chùm ở ngọn cành hoặc nách lá. Quả đậu ván màu lục nhạt, khi chín có màu vàng nhạt, đầu quả có mỏ nhọn cong. Hạt hình trứng tròn, dẹt, rộng 6 - 8mm, dài 8 - 15mm, dày 2 - 4mm. Vỏ hạt màu trắng ngà, có khi có chấm đen, nhẵn, hơi bóng, ở mép có rốn lồi lên, màu trắng. Ra hoa kết quả chủ yếu vào mùa thu và đông.
Thành phần dinh dưỡng của đậu ván
So với đậu ván tím thì giá trị dinh dưỡng của hạt đậu ván trắng rất cao. qua phân tích, người ta thấy trong hạt đậu ván trắng chưa một tỷ lệ protid cao tới 22,7%, tức là nhiều hơn cả thịt lợn nạc (19%) và thịt bê nạc (20%). Lượng tinh bột có trong đậu ván trắng cũng nhiều tới 57%, tương đương với nhiều loại lương thực thường dùng.
Ngoài ra hạt đậu ván trắng còn là nguồn vitamin phong phú, cả những vitamin tan trong nước như vitamin C, vitamin B và những vitamin tan trong dầu như vitamin A.
Vậy ăn đậu ván có tốt không?
Với những thành phần dinh dưỡng được nêu trên thì những thắc mắc về việc: “Ăn đậu ván có tốt không?” câu trả lời là có. Việc chế đậu ván để ăn hay uống đều rất tốt cho sức khỏe của chúng ta. Với tác dụng thanh nhiệt, làm mát cơ thể, lợi tiểu, nước đậu ván rang còn có nhiều tác dụng cực kỳ tốt như:
- Uống nước đậu ván rang có công dụng tuyệt vời trong việc chữa trị nôn ói, tiêu chảy, viêm đường ruột cấp.
- Là thức uống thanh nhiệt, chống nắng trong các ngày hè nóng bức.
- Tăng cường chức năng hệ tiêu hóa, điều trị chứng biếng ăn, giúp ăn ngon miệng hơn.
- Thức uống tốt cho trẻ nhỏ bị đổ mồ hôi trộm hoặc ra nhiều mồ hôi.
- Hỗ trợ điều trị chứng kinh nguyệt không đều, khí hư bạch đới ở các chị em.
- Bồi bổ, điều dưỡng cho các chị em thai nhi yếu, động thai.
- Có tác dụng giải độc cho da ở trẻ nhỏ nếu bị nhiễm đậu, lở loét.
- Giải dị ứng hoặc ngộ độc thức ăn khi ăn phải các loại thức ăn gây dị ứng ngứa ngáy, mẩn đỏ...
- Tác dụng làm giảm các cơn đau khi chân tay bị tê, khớp xương đau nhức.
- Nước đậu ván rang là thức uống tuyệt vời để giữ vóc dáng, giúp da săn chắc, đẹp hơn.
Đậu ván dùng làm thực phẩm
Từ đậu ván trắng, bà con ta đã chế biến thành nhiều món ăn ngon, bỗ dưỡng cho gia đình.
Sữa đậu ván trắng
Quả đậu ván trắng phơi khô, bóc hạt rang như rang lạc, xát, bóc vỏ, cho vào cối xay bột, xay với nước sẽ thu được sữa đậu ván trắng. Đem sữa này đun sôi để nguội rồi lọc qua, trước khi uống cho thêm đường. Sữa đậu ván trắng thơm ngon có tác dụng bồi bổ sức khỏe, giải khát và giải nhiệt, chống mệt mỏi.
Bột dinh dưỡng
Tán hạt đậu ván trắng thành bột, bỏ vào lọ sạch dùng dần. Hàng ngày nấu bột cho trẻ em, cho thêm vài thìa bột đậu ván trắng để tăng thêm giá trị dinh dưỡng của bát bột.
Chè đậu ván:
Nguyên liệu: đậu ván tốt, hạt mẩy, căng đều (mới thu hoạch càng tốt) 500g, đường cát trắng hoặc đường mía vàng 200 - 250g, bột năng 50 - 100g, lá dứa (lá nếp) 5 lá cái, hoặc dùng 1 ống bột vani, muối 5g. Hộp nước cốt dừa: 1 hộp.
Cách làm: đậu ván vo sạch, đem ngâm nước ấm khoảng 6 - 10 giờ, tốt nhất nên ngâm qua đêm. Khi vỏ đậu đã tách, bỏ hạt đậu nổi, đãi sạch vỏ, để ráo nước. Cho đậu vào nồi cùng với 5g muối, hấp chín khoảng 30 phút.
Hòa thật đều bột năng với 1 chén nước (khoảng 100ml), không để bột bị vón cục, nếu muốn chè không bị đặc, có thể giảm bớt lượng bột năng. Lá dứa rửa sạch, để ráo, cột thành bó.
Cho đường và lá dứa vào nồi cùng với 1,5 - 2 lít nước. Bắc lên bếp và đun cho thật sôi sau đó giảm thật nhỏ lửa xuống, khuấy nhẹ để đường tan, nước lá dứa thơm. Đun sôi hỗn hợp trên trong khoảng 5 - 10 phút thì vớt bỏ lá dứa. Nêm nếm lại vị ngọt cho vừa ăn.
Đổ từ từ chén bột năng vào, khuấy đều tay cho bột tan và chín đều. Khi nào nồi bột sánh và trong lại, từ từ cho phần đậu đã hấp chín vào nồi, khuấy nhẹ để đậu không bị nát. Tiếp tục đun thêm khoảng 2 - 3 phút nữa thì tắt bếp.
Nếu thích ăn chè đậu ván nước, thì nấu nước đường xong, thả đậu đã hấp vào, quấy đều, không dùng bột năng, chỉ dùng bột vani cho thơm.
Chờ cho chè nguội bớt thì múc ra chén hoặc ly, cho nước cốt dừa lên trên, lượng nước cốt dừa tùy theo sở thích của từng người, có thể cho thêm dừa tươi nạo sợi.
Chế biến nước cốt dừa dùng trong món chè đậu ván: trộn đều 200ml sữa tươi với hộp nước cốt dừa đã chế biến sẵn, đun sôi trên bếp, để nguội.
Chè đậu ván đặc có vị ngọt thanh, mùi thơm hấp dẫn, béo bùi, ăn rất ngon miệng, bổ dưỡng, giải thử, giải khát.
Chè đậu ván, nếp:
Người ta còn nấu chè đậu ván với nếp. Hương vị đậu ván quyện với hương nếp dẻo mềm, hương vị cay nồng của gừng, tạo ra một món ăn rất ngon miệng. đem đến sự ấm áp, xua tan đi cái lạnh của những ngày đông.
Hoặc chế món mứt đậu ván trắng, có vị ngọt, thơm, béo bùi, dùng trong dịp Tết.
Người dân miền Trung, còn dùng quả đậu còn xanh non, luộc chín, chấm mắm, ớt, tỏi; hoặc xào với tôm, thịt, ăn rất ngon.
Hạt đậu già, khô, rang chín vàng sậm, nấu với nước sôi thành nước mát, thơm, giải khát rất tốt.
Cách dùng đậu ván trong các bài thuốc Đông y
Trong đậu ván có chứa: carbohydrat 57%, protein 22,70%, chất béo 1,8%, các chất khoáng vi lượng: calcium 0,046%, phosphor 0,052%, sắt 0,001%. Ngoài ra còn men tyrosinase, axit cyanhydric, vitamin A, vitamin B1, B2, vitamin C...
Trong protein của đậu ván có nhiều loại axit amin như: trytophan, arginin, lysin, tyrosin...
Hạt đậu ván trắng
Cũng vì vậy mà đậu ván trắng được coi là loại thức ăn ngon, bổ, đồng thời cũng là vị thuốc quý đặc biệt đối với trẻ em.
Chữa cảm nắng, tiêu chảy, khát nước
- Đậu ván trắng 120g,
- Cát căn 400g,
- Hoài sơn 120g.
Các vị thuốc sao giòn, tán nhỏ, rây lấy bột mịn. Khi dùng uống với nước nóng ngày 2-3 lần. Trẻ em mỗi lần 2-5g tùy tuổi. Người lớn mỗi lần 12-15g. Kiêng ăn chất cay, nóng, tanh, mỡ.
Chữa cảm nắng, nôn mửa, tiêu chảy, khát nước
- Đậu ván trắng 200g,
- Ô mai (bỏ hạt) 80g,
- Sa nhân (bỏ vỏ) 40g,
- Thảo quả (bỏ vỏ) 40g,
- Cam thảo 40g,
- Cát căn 200g.
Các vị thuốc sao giòn, tán nhỏ, rây lấy bột mịn. Khi dùng uống với nước nóng ngày 2-3 lần. Trẻ em mỗi lần 2-5g tùy tuổi. Người lớn mỗi lần 12-15g. Kiêng ăn chất cay, nóng, tanh, mỡ.
Bồi bổ tỳ vị
Tăng cường chức năng tiêu hóa, chữa chứng kém ăn, tiêu lỏng, lợm giọng buồn nôn:
- Hạt đậu ván trắng 250g (tẩm nước gừng, bỏ vỏ, sao qua),
- Bạch truật 250g (sao vàng),
- Củ mài 100g (sao vàng);
Tất cả nghiền thành bột mịn, trộn đều, uống ngày 2 lần, mỗi lần 10g.
Viêm ruột cấp tính
Hạt đậu ván trắng nghiền thành bột mịn, ngày uống 3 - 4 lần, mỗi lần 12g, dùng nước ấm chiêu thuốc. Hoặc dùng đậu ván trắng 30 - 60g, sắc với nước, chia thành 3 phần uống trong ngày.
Phù thũng
Hạt đậu ván trắng sao vàng, tán thành bột mịn, ngày uống 2 - 3 lần, mỗi lần 10g; trẻ nhỏ tùy theo tuổi giảm liều lượng.
Ban xuất huyết
Hạt đậu ván trắng 100g, hồng táo 20 trái, đường phèn 50g, tất cả cho vào nồi sắc với nước, chia 2 lần uống trong ngày.
Phụ nữ khí hư, bạch đới, kinh nguyệt thất thường
Phụ nữ bị khí hư ngứa âm đạo, đau ngang thắt lưng, tức bụng dưới, bạch đới tiết ra chất nhầy trắng. Có thể dùng:
1 cân hạt đậu ván trắng sao chín, tán mịn; ngày uống 3 lần, mỗi lần 8g, hòa với nước đun sôi hoặc với nước cơm uống, liên tục trong nhiều ngày sẽ khỏi.
Phụ nữ bị động thai
Phụ nữ đang mang thai, do bị ngã hoặc uống nhầm thuốc bị động thai, có thể lấy hạt đậu ván trắng sống 30g nghiền mịn, uống cùng với nước cơm, hoặc sắc kỹ với nước uống. Để an toàn nên tham khảo thêm thầy thuốc Đông Tây y.
Trẻ nhỏ đổ mồ hôi trộm hoặc ra nhiều mồ hôi
Đậu ván trắng sao chín, tán mịn; ngày uống 5 - 10g, chiêu bột thuốc bằng nước sôi để nguội, liên tục trong nhiều ngày sẽ khỏi. Không sợ có phản ứng phụ.
Trẻ nhỏ lên đậu, bị nhiễm độc, toàn thân lở loét
Hạt đậu ván trắng nghiền thành bột mịn; dùng bột này xoa vào những chỗ bị bệnh, có tác dụng giải độc và chóng lên da.
Giải độc
Ăn phải thịt gia cầm, tôm, cá... có độc, dẫn tới dị ứng hoặc ngộ độc, có thể dùng hạt đậu ván trắng để chữa trị theo các phương pháp như sau:
- Hạt đậu ván trắng tươi 30g quả giã nát, hòa với nước sôi để nguội uống.
- Lấy một vốc hạt đậu ván trắng sống (khoảng 20g), hòa với nước sôi để nguội nghiền mịn, uống.
- Hạt đậu ván trắng 1 cân, rang chín, nghiền thành bột mịn, hòa với nước sôi để nguội uống ngày 3 lần, mỗi lần 12g, liên tục trong nhiều ngày, có tác dụng giải độc.
Hoa đậu ván trắng
Vị ngọt, tính bình, không độc có tác dụng kiện tỳ hòa vị, thanh thử hóa thấp. Dùng chữa bệnh lỵ, tiêu chảy, xích bạch đới hạ. Liều 4 - 9g, hoa đậu ván trắng ăn như rau sống kiện tỳ hòa vị, thanh thử hóa thấp, thanh nhiệt sinh tân, nhuận tràng, sáp tinh.
Tiểu đường người mệt mỏi, ăn nhiều, uống nhiều, đi tiểu nhiều, người gầy sút cân đột ngột, cơ nhão, nước tiểu ngọt
- Hoa đậu ván trắng 12g,
- Lô hội 20g,
- Cây đậu bắp 20g,
- Nấm mèo 16g,
- Khổ qua 20g. Sắc uống ngày 1 thang.
Mùa hạ đi lỵ, tiêu chảy, phát sốt
Hoa đậu ván 15 - 20g, cho vào nồi luộc với một quả trứng gà; ăn trứng và uống nước thuốc. Hoặc dùng hoa đậu ván trắng sấy khô, nghiền thành bột mịn; ngày uống 3 lần, mỗi lần 3g, chiêu thuốc bằng nước cơm.
Trẻ nhỏ kém ăn
Hoa đậu ván trắng 15 - 20g, sắc với nước, thêm chút đường vào uống hàng ngày, liên tục trong nhiều ngày.
Mùa hạ bị trúng nắng, ngực đầy tức, buồn nôn, tiêu lỏng
Dùng hoa đậu ván trắng 8g, lá hoắc hương tươi 12g, sắc uống thay nước trong ngày.
Phụ nữ bị khí hư bạch đới kinh nguyệt không đều
Hoa khô tán bột, uống 2g mỗi lần ngày 2 - 3 lần lúc đói với nước cơm.
Viêm ruột cấp tính
Hoa đậu ván trắng 60g sao đen sắc nước uống chia 2 lần trong ngày.
Lá đậu ván trắng
Vị cay, ngọt, tính bình, hơi độc. Chủ trị: Tiêu chảy nôn mửa chuột rút.
- Tiểu ra máu: lá đậu ván tươi 20 - 30g sao vàng sắc uống 2 - 3 lần trong ngày.
- Miệng nôn trôn tháo chân tay chuột rút. Hái một nắm lá đậu ván trắng giã nát thêm chút giấm chắt nước uống.
Rễ đậu ván trắng
Liều 6 - 9g. Rễ đào lấy sau thu hoạch đậu rửa sạch phơi khô để dùng dần.
Khi khớp xương đau nhức, có thể dùng 30g rễ đậu ván trắng, sắc kỹ với nước, chia thành nhiều phần uống trong ngày; có tác dụng giảm đau.
Đậu ván rất dễ tìm và việc ăn đậu ván thường xuyên rất tốt cho sức khỏe của chúng ta. Hi vọng với những nội dung từ bài viết “Ăn đậu ván có tốt không?” giúp các bạn có thêm nhiều thông tin hữu ích để hiểu rõ hơn về loại đậu này.
Xem thêm:
- Bệnh gút có ăn được rau muống không?
- Uống nước khổ qua nhiều có tốt không?
- Ăn gì tốt cho tuyến giáp?