Ai không nên dùng nấm linh chi?
Từ nhiều năm nay, người ta tin dùng nấm linh chi như một loại dược phẩm với mục đích tăng cường sức khỏe, hỗ trợ chữa bệnh, hỗ trợ ngăn ngừa và hỗ trợ điều trị nhiều bệnh nguy hiểm như: ung thư, mỡ máu, tiểu đường, thừa cân béo phì...
Ai không nên dùng nấm linh chi?
Tuy nhiên nấm linh chi cũng có rất nhiều loại, để phân biệt được cần có vốn kiến thức nhất định. Bài viết sau đây sẽ giúp các bạn đọc bổ sung kiến thức về các loại nấm linh chi.
Nấm linh chi là nấm gì?
Nấm linh chi (tên khoa học là Ganoderma lucidum) thuộc họ Nấm lim (Ganodermataceae) còn được gọi Tiên thảo, Nấm trường thọ, Vạn niên nhung.
Từ ngàn xưa trong quyển "Thần nông bản thảo" xếp nấm linh chi vào loại thảo dược quý hơn cả nhân sâm. Trong "Bản thảo cương mục" đã biết đến tác dụng bảo vệ gan, giải độc, bổ não, tiêu đờm, lợi niệu, bổ dạ dày của nấm linh chi. Gần đây các nhà khoa học còn phát hiện ra nấm này có tác dụng phòng và chống ung thư, chống lão hóa, làm tăng tuổi thọ.
Giáo sư Trịnh Tam Kiệt tác giả của quyển “Nấm Lớn ở Việt Nam” viết rằng nấm linh chi tự nhiên trên thế giới có hơn 50 loài, ở Trung Quốc có 48 loài và ở Việt Nam có khoảng 37 loài, phân bố chủ yếu ở các rừng có nhiều gỗ của cây lá rộng, đặc biệt là rừng gỗ lim nên còn gọi được gọi là nấm Lim.
Một số công trình nghiên cứu định danh được các hoạt chất cho tác dụng dược lý chính trong thành phần nấm linh chi: germanium, acid ganoderic, acid ganodermic, acid oleic, ganodosteron... Đặc biệt hàm lượng germanium trong nấm này cao hơn cả trong nhân sâm từ 5 - 8 lần giúp tế bào hấp thụ oxy tốt hơn; polysaccharide trong nấm linh chi giúp tăng cường hệ miễn dịch, làm mạnh gan, tiêu diệt tế bào ung thư; acid ganodermic cho tác dụng chống dị ứng, chống viêm. Bên cạnh đó, trong thành phần nấm có chứa 21 nguyên tố vi lượng hỗ trợ quá trình chuyển hóa: đồng, sắt, kali, magie, natri, calci...
Một số nguồn gốc xuất xứ của nấm linh chi trên thị trường hiện nay
Nấm linh chi Việt Nam
Có loại nấm lim xanh (thuộc loại nấm linh chi) là loại nấm rất quý, nấm mọc trên cây gỗ lim đã chết. Nấm Việt Nam có giá trị kinh tế cao cũng như giá trị lớn về mảng dược liệu, giúp bồi bổ sức khỏe rất tốt, hỗ trợ phòng ngừa nhiều căn bệnh mãn tính, đáng chú ý nhất là những bệnh về gan và bệnh ung thư.
Nấm linh chi Hàn Quốc
Nổi tiếng khắp thế giới và là loại nấm rất được ưa chuộng hiện nay - nấm linh chi Hàn Quốc có ưu điểm hơn nấm từ các quốc gia khác do có nhiều chủng loại, được chăm sóc và nuôi dưỡng theo phương pháp hiện đại, đem lại giá trị dinh dưỡng cao. Một số ít nấm Hàn Quốc có nguồn gốc từ tự nhiên, nhưng tất cả đều được kiểm định về chất lượng. Các loại nấm xứ Hàn nổi tiếng: nấm linh chi đỏ - vàng, nấm linh chi Thượng Hoàng, nấm cổ linh chi...
Nấm linh chi Nhật Bản
Chủ yếu là nấm đỏ, là loại nấm mới nhất đã được thuần chủng bởi bàn tay con người. Tai nấm Nhật Bản thường dày và cứng hơn nhiều so với nấm Việt Nam. Mặt dưới của nấm có màu vàng chanh và thời gian nuôi trồng thường kéo dài hơn gấp đôi so với các loại nấm linh chi khác trên thế giới. Vị của nấm Nhật cũng đắng hơn.
Nấm linh chi Trung Quốc
Nấm đến từ Trung Quốc thường có hình dạng quả thận, màu vàng nâu hoặc vàng xám, tính chất của tai nấm khá xốp, ấn mạnh vào mặt trên cho cảm giác mềm và lõm xuống.
Nấm Trung Quốc thường được trộn lẫn hoặc làm giả nấm Hàn Quốc. Tuy nhiên điểm phân biệt khá rõ là trọng lượng của nấm Trung Quốc thường nhẹ hơn nấm linh chi Hàn Quốc rất nhiều, rất dễ bị mốc, mối mọt và không đảm bảo về chất lượng dinh dưỡng vì chủ yếu là những loại nấm “mọc dại”, không rõ nguồn gốc hoặc chỉ là xác nấm đã chiết kiệt hoạt chất.
Kiểm tra mặt dưới của nấm linh chi Trung Quốc có màu vàng nghệ, ít dày và mềm, trong khi đó nấm Hàn Quốc có màu vàng chanh, dày và rất cứng, nấm Việt Nam thì có màu trắng đục, mềm xốp nhất, có thể bẻ đôi được.
Thực tế việc phân biệt thật giả lại rất khó bởi nấm này rất dễ làm giả hoặc bị chiết xuất hết dưỡng chất mà mắt thường không thể phân biệt được, tốt nhất nên chọn mua nấm chất lượng ở cơ sở uy tín có nguồn gốc rõ ràng.
Phân loại nấm linh chi theo màu sắc và công dụng cơ bản của từng loại
- Nấm xanh (Thanh chi): giúp ổn định thần kinh (an thần), sáng mắt, thanh nhiệt giải độc gan, dùng thường xuyên giúp cơ thể nhẹ nhàng, thoải mái và cải thiện trí nhớ. Nấm có màu xanh, vị chua, tính bình, không chứa độc tố.
- Nấm đỏ: (Xích chi, Hồng chi, Đơn chi): có vị đắng, tính bình, không độc. Tác dụng bổ máu, tốt cho hệ tim mạch, chữa trị chứng khó thở, đau tức ngực, tăng cường trí tuệ ...
- Nấm đen (Hắc chi, Huyền chi): nấm có vị mặn, tính bình, không độc. Dùng trong trường hợp bị bí tiểu, giúp bổ thận. Đây là loại nấm phổ biến nhất hiện nay.
- Nấm trắng (Bạch chi, Ngọc chi): nấm có vị cay, tính bình, không độc. Có tác dụng bổ phổi, giúp thông mũi, an thần, chữa ho hen.
- Nấm vàng (Kim chi, Hoàng chi): có vị ngọt, tính bình, không độc. Tác dụng hỗ trợ tiêu hóa, an thần.
- Nấm tím (Tử chi, Mộc chi): vị ngọt, tính ôn, không độc. Trị đau nhức xương khớp, cứng gân cối, giúp làn da tươi đẹp.
Lưu ý để sử dụng nấm linh chi hiệu quả
Nấm linh chi có nhiều màu sắc khác nhau, mỗi loại sẽ tác dụng tốt nhất ở một cơ quan khác nhau, do đó khi sử dụng tốt nhất nên tham khảo hướng dẫn của bác sĩ y học cổ truyền. Nấm tươi có thể được bảo quản trong ngăn đá hoặc đem phơi khô và để ở nơi thoáng khí, mát mẻ, tránh mối mọt. Loại được dùng phổ biến nhất hiện nay là nấm linh chi đỏ.
GS.TS, BSCKII Dương Trọng Hiếu (chuyên khoa Nội Y học cổ truyền - Bệnh Y học cổ truyền Trung ương) cho biết nếu chỉ nấu 10 gram nấm linh chi cho cả nhà cùng uống thì chắc chắn không cho tác dụng gì. Nên đun khoảng 20 gram linh chi cô đặc còn 1-2 chén, ngoài ra nên kết hợp vị thuốc này với các dược liệu khác để phát huy hết tác dụng.
- Khi đun nên để nhỏ lửa trong khoảng 20 - 60 phút trước khi thêm vào các thành phần thảo dược khác, nếu chỉ đun 5 phút như đun trà thì hoạt chất trong nấm không ra hết trong nước rất lãng phí.
- Các dược liệu có thể kết hợp như cam thảo, táo tàu, atiso, hoặc cỏ ngọt giúp giảm bớt vị đắng, tăng mùi vị giúp dễ uống, phối hợp thêm vitamin C giúp tăng hấp thu dược chất trong nấm. Ngoài ra, có thể dùng linh chi dưới dạng bột nghiền mịn pha với nước uống. Nấm linh chi nấu các loại canh thịt hoặc súp làm thức ăn bồi bổ cho người vừa ốm dậy hoặc người già yếu.
- Nên uống nước nấm linh chi vào mỗi buổi sáng, lúc bụng đói. Uống nhiều nước sẽ làm tăng công hiệu thải độc của nấm, biểu hiện đi tiểu nhiều chứng tỏ nấm đang phát huy tác dụng thanh lọc chất độc trong cơ thể. Thông thường sau 2-3 ngày dùng nấm linh chi đỏ có thể xuất hiện chứng táo bón hoặc tiêu chảy, mẩn ngứa, đó là dấu hiệu bình thường không đáng ngại. Khắc phục bằng cách giảm lượng dùng hoặc ngừng hẳn trong khoảng 4 - 5 ngày rồi mới sử dụng trở lại.
- Người bị huyết áp thấp có thể gặp phải tình trạng chóng mặt do đó lời khuyên nếu có sử dụng nấm này nên dùng sau khi ăn no và không được uống vào buổi tối.
Nấm linh chi đã được chứng minh khoa học rất tốt cho sức khỏe nhưng nếu sử dụng nấm không có nguồn gốc rõ ràng, chứa thuốc bảo quản sẽ rất nguy hiểm. Đặc biệt với người mắc các bệnh suy gan, suy thận nếu sử dụng phải nấm linh chi giả hoặc chứa hóa chất độc hại, chất bảo quản... gan, thận không đủ chức năng đào thải chất độc gây tích tụ và suy gan, thận trầm trọng hơn.
Do đó, cần tìm mua nấm ở những địa chỉ uy tín, chất lượng, không mua hàng trôi nổi và chọn những tai nấm còn nguyên bào tử (bột mịn màu nâu trên thân nấm), không chọn tai nấm quá bóng bẩy.
Người không nên dùng nấm linh chi
- Nấm linh chi rất tốt cho người bệnh tăng huyết áp nhưng phải hết sức thận trọng với người huyết áp thấp vì dễ gây nên tình trạng hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn... Nếu có sử dụng nên dùng bắt đầu từ liều thấp thăm dò, uống sau khi ăn no và không uống vào buổi tối.
- Những người vừa mới phẫu thuật xong hoặc đang chờ phẫu thuật không nên sử dụng nấm này vì lúc này cơ thể cần sự ổn định để theo dõi.
- Người bị dị ứng với các họ nấm nên cẩn thận khi sử dụng nấm linh chi.
Xem thêm:
- Nấm linh chi - vị thuốc quý từ thiên nhiên
- Thực hư chuyện chữa ung thư vòm họng bằng nấm lim xanh và nấm linh chi