9 vấn đề về máu cuống rốn mà cha mẹ cần biết
Khi các đặc tính chữa bệnh của máu cuống rốn được phát hiện ngày càng nhiều, người ta bắt đầu thảo luận sôi nổi về việc lưu trữ máu cuống rốn của em bé như thế nào. Sau đây là những vấn đề cơ bản về máu cuống rốn mà những người sắp trở thành cha mẹ cần biết.
9 vấn đề về máu cuống rốn mà cha mẹ cần biết
Máu cuống rốn là nguồn phong phú các tế bào gốc
Máu cuống rốn không phải là một phần của phôi thai nên việc sử dụng nó không vi phạm vấn đề đạo đức. Trong thực tế, máu ởcuống rốn sẽ bị bỏ đi dưới dạng chất thải y tế trừ khi cha mẹ quyết định dự trữ cho con. Quá trình sinh em bé là cơ hội duy nhất để thu thập các tế bào này.
Máu ở cuống rốn chứa tất cả các yếu tố bình thường của máu: hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu và huyết tương. Điểm khác biệt là nó rất giàu tế bào gốc tạo máu, tương tự như các tế bào được tìm thấy trong tủy xương. Đây là lý do tại sao máu ở cuống rốn có thể được sử dụng để cấy ghép thay thế cho tủy xương.
Tế bào gốc máu cuống rốn có thể dùng để điều trị hơn 80 loại bệnh nặng đe dọa đến tính mạng
Ghép tế bào gốc máu cuống rốn hiện là phương pháp điều trị hàng đầu cho các bệnh về máu và hệ miễn dịch như: bệnh bạch cầu, ung thư hạch và u nguyên bào thần kinh. Tế bào gốc máu cuống rốn có thể chữa các rối loạn máu di truyền như bệnh hồng cầu hình liềm, bệnh tan máu bẩm sinh. Danh sách các bệnh có thể điều trị bằng tế bào gốc này đang tiếp tục tăng lên khi các thử nghiệm lâm sàng được thực hiện, ví dụ các nhà khoa học đang nghiên cứu khả năng các tế bào gốc trong máu ở cuống rốn có thể thay thế các tế bào của các mô khác như thần kinh hoặc tế bào tim.
Việc lấy máu cuống rốn không làm ảnh hưởng đến cả mẹ và em bé
Máu cuống rốn được thu thập sau khi em bé được sinh ra, nó không ảnh hưởng tới quá trình sinh nở tự nhiên của người mẹ, chính vì thế nó hoàn toàn không gây hại đến mẹ hay em bé.
Ngân hàng máu cuống rốn và vấn đề trì hoãn kẹp dây rốn
Máu ở cuống rốn rất giàu chất dinh dưỡng cũng như tế bào gốc, có nhiều bằng chứng cho thấy việc trì hoãn kẹp dây rốn trong vòng 30-60 giây có lợi cho em bé của bạn, thời gian trì hoãn này đủ để lấy máu trong dây rốn và nhau thai đem đi lưu trữ.
Ghép tế bào gốc máu cuống rốn có liên quan đến tỷ lệ sống sót cao hơn ở những bệnh nhân mắc bệnh bạch cầu
Trong các nghiên cứu so sánh ghép tế bào gốc máu cuống rốn và tủy xương, ghép tế bào gốc máu cuống rốn được cơ thể người bệnh nhân chấp nhận dễ dàng hơn và thời gian phục hồi sức khỏe cũng nhanh hơn.
Ghép tế bào gốc máu cuống rốn không yêu cầu trùng khớp hoàn toàn
Vì các tế bào gốc máu cuống rốn là tế bào non mới hình thành, chúng có nhiều ưu điểm và khả năng vượt trội so với tế bào gốc trưởng thành. Nghiên cứu cho thấy rằng trong khi những ca ghép tủy xương đòi hỏi một sự trùng khớp hoàn toàn, cấy ghép máu ở cuống rốn có thể thành công chỉ với một phần trùng khớp.
Ghép tế bào gốc máu cuống rốn không phải là một vấn đề mới
Ca ghép tế bào gốc máu cuống rốn thành công đầu tiên là vào năm 1988, khi bệnh nhân nhi tên là Matt Farrow 5 tuổi được điều trị bệnh thiếu máu Fanconi bằng cách sử dụng tế bào gốc máu cuống rốn của chị gái mình. Hiện nay anh đã kết hôn và có một con trai.
Lưu trữ máu cuống rốn là một vấn đề phổ biến
Có hơn 4 triệu mẫu máu cuống rốn được lưu trữ trong hơn 500 ngân hàng máu cuống rốn trên toàn thế giới và số lượng này đang tăng thêm khoảng 250.000 ca mỗi năm.
Tế bào gốc máu cuống rốn đóng vai trò quan trọng đối với y học tái tạo trong tương lai
Trong nhiều thập kỷ qua, các thử nghiệm lâm sàng đã phát triển các liệu pháp máu cuống rốn cho các vấn đề về sự phát triển não bộ ở thời thơ ấu, chẳng hạn như chứng bệnh bại não và tự kỷ. Các tế bào gốc từ mô dây rốn cũng đang được nghiên cứu về khả năng tái tạo và sửa chữa các mô như xương và cơ bắp. Hy vọng rằng những nghiên cứu này sẽ được sử dụng để điều trị nâng cao sự sống cho những bệnh nhân bị chấn thương cấp và các chứng bệnh khác, ví dụ loãng xương.
Việc lưu trữ máu cuống rốn có nhiều tác dụng: dùng để cấy ghép tế bào gốc cho chính em bé đó trong trường hợp cần, sử dụng để điều trị cho những người thân gia đình, hoặc hiến tặng cho cộng đồng. Một yếu tố cần cân nhắc đó là chi phí để lưu trữ còn tương đối cao.
(HoiBenh chuyển ngữ tử Biovaultfamily)
Xem thêm:
- Lấy máu cuống rốn được thực hiện thế nào?
- Lưu trữ máu cuống rốn - ‘Bảo hiểm sinh học’ của con người
- Những địa chỉ lưu trữ máu cuống rốn tại Hà Nội đáng tin cậy