8 lý do gây hiện tượng kinh nguyệt ra nhiều

Một số phụ nữ có hiện tượng kinh nguyệt ra nhiều (cường kinh) từ những chu kỳ kinh nguyệt đầu tiên. Những phụ nữ khác lại bỗng nhiên xuất hiện cường kinh sau khi có chu kỳ kinh bình thường trong nhiều năm hoặc vài chục năm.

8 lý do gây hiện tượng kinh nguyệt ra nhiều 8 lý do gây hiện tượng kinh nguyệt ra nhiều

Nhiều phụ nữ có chu kỳ kinh nguyệt bị chảy máu rất nhiều nhưng chưa nhiều đến mức như hiện tượng rong kinh, đó được gọi là hiện tượng cường kinh. Nếu bạn gặp tình trạng cường kinh này, lượng máu kinh của bạn sẽ nhiều đến mức cần phải thay tampon/ băng vệ sinh mỗi giờ trong suốt cả ngày, ngoài ra bạn cũng sẽ bị chuột rút nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến sinh hoạt thường ngày.

Khi bất ngờ xuất hiện tình trạng này, bạn nên đi khám bác sĩ vì nếu để lâu mà không có can thiệp gì, nó có thể dẫn đến thiếu máu (nồng độ hồng cầu thấp), khiến bạn cảm thấy yếu, mệt mỏi hoặc khó thở.

Phụ nữ bị cường kinh thường gặp phải các vấn đề:

  • Bị chuột rút đau đến mức không làm được gì cả
  • Có nhiều cục máu đông có kích thước lớn
  • Có chu kỳ kinh kéo dài hơn 7 ngày
  • Cảm thấy mệt mỏi hoặc thở dốc
  • Ra máu giữa các chu kỳ kinh
  • Ra máu sau mãn kinh.

Nguyên nhân khiến kinh nguyệt ra nhiều

Có nhiều lý do khiến phụ nữ gặp phải hiện tượng kinh nguyệt ra nhiều, sau đây là một số nguyên nhân phổ biến:

Vấn đề về nội tiết tố

Hàng tháng lớp niêm mạc tử cung sẽ dần hình thành bên trong tử cung, sau đó nó sẽ bị bong ra khi tới chu kỳ kinh. Nếu nồng độ hormone trong cơ thể bạn không phát triển cân bằng, nó có thể khiến lớp niêm mạc hình thành quá dày, dẫn đến chảy máu nhiều hơn khi lớp này bong ra. Nếu chu kỳ không có sự rụng trứng (giải phóng trứng từ buồng trứng), điều này cũng có thể làm mất cân bằng hormone trong cơ thể, dẫn đến lớp niêm mạc dày hơn và chu kỳ kinh chảy máu nhiều hơn.

Tăng sinh trong tử cung

Các polyps có thể phát triển cùng với lớp niêm mạc tử cung; các u xơ (khối u lành tính, không gây ung thư) có thể phát triển trong tử cung. Cả hai yếu tố này sẽ khiến cho chu kỳ kinh ra máu nhiều hơn hoặc kéo dài hơn bình thường.

Một số loại dụng cụ tử cung (IUD - intrauterine device)

Nhiều phụ nữ sử dụng dụng cụ tử cung để ngừa thai, nếu dụng cụ này không chứa hormone, nó có thể làm cho kinh nguyệt ra máu nhiều hơn.

Các vấn đề liên quan đến thời kỳ mang thai

Trong một số ít trường hợp, sau khi tinh trùng và trứng gặp nhau, phôi thai được hình thành và phát triển ở bên ngoài tử cung thay vì bên trong. Tình trạng này được gọi là thai ngoài tử cung. Nó không có khả năng trở thành một phôi thai bình thường mà ngược lại có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, chẳng hạn như chảy máu ồ ạt, mà bạn có thể lầm tưởng là hiện tượng cường kinh. Hiện tượng sảy thai (nghĩa là thai nhi chưa chào đời bị chết trong bụng mẹ) cũng có thể là nguyên nhân gây chảy nhiều máu.

Một số bệnh ung thư nữ

vicare.vn-8-ly-do-gay-hien-tuong-kinh-nguyet-ra-nhieu-body-1

Tuy hiếm gặp nhưng ung thư tử cung, cổ tử cung hoặc buồng trứng có thể gây chảy máu quá mức ở một số phụ nữ, mà nhiều người có thể lầm tưởng đó là hiện tượng kinh nguyệt ra nhiều.

Rối loạn đông máu

Một bệnh mang tính di truyền (tuy không phổ biến) là bệnh rối loạn đông máu, là hiện tượng rất khó cầm khi bị chảy máu, cũng có thể làm cho chu kỳ kinh nguyệt của người phụ nữ ra máu nhiều hơn và kéo dài hơn.

Một số loại thuốc

Các chất chống đông máu hoặc thuốc chống viêm có thể khiến kinh nguyệt ra nhiều.

Một số vấn đề về sức khỏe

Những phụ nữ gặp phải một trong số các bệnh sau đây có thể bị cường kinh:

  • Lạc nội mạc tử cung
  • Các vấn đề về tuyến giáp
  • Bệnh viêm vùng chậu (PID)
  • Bệnh thận
  • Bệnh gan

Khám và chẩn đoán

Bác sĩ sẽ hỏi về tiền sử sức khỏe của bệnh nhân và yêu cầu họ mô tả các triệu chứng gặp phải. Họ cũng sẽ tiến hành khám thực tế và thực hiện các xét nghiệm như: siêu âm, xét nghiệm Pap hoặc xét nghiệm máu. Ngoài ra họ có thể lấy một mẫu mô ở niêm mạc tử cung để xem xét kỹ hơn nếu cần. Sau khi loại trừ các nguyên nhân do bệnh lý khác, bác sĩ mới có thể chẩn đoán bệnh nhân bị cường kinh.

Điều trị chứng kinh nguyệt ra nhiều

Bác sĩ chuyên khoa có thể điều trị kinh nguyệt ra nhiều bằng các phương pháp sau:

  • Lựa chọn tránh thai phù hợp: Uống thuốc tránh thai có thể làm thay đổi sự cân bằng của hormone trong cơ thể bạn, điều này có thể chấm dứt các chu kỳ ra máu nhiều, ngoài ra có thể sử dụng dụng cụ tránh thai có chứa nội tiết tố.
  • Một số loại thuốc: Bác sĩ có thể kê toa thuốc để giảm bớt lượng máu kinh chảy trong chu kỳ, thuốc này chỉ cần dùng khi bạn có kinh nguyệt.
  • Phẫu thuật. Nếu bác sĩ khám thấy bạn có polyp hoặc u xơ, họ có thể sử dụng các phẫu thuật để thu nhỏ hoặc loại bỏ chúng. Điều này sẽ giúp ngăn chặn tình trạng chảy máu nhiều trong chu kỳ kinh.
vicare.vn-8-ly-do-gay-hien-tuong-kinh-nguyet-ra-nhieu-body-2
  • Loại bỏ bớt lớp niêm mạc tử cung: Bác sĩ có nhiều cách khác nhau để làm điều này. Thủ thuật đơn giản nhất được gọi là nong cổ tử cung và nạo lòng tử cung (D&C - Dilation and Curettage), việc này sẽ chỉ loại bỏ lớp ngoài cùng của niêm mạc tử cung của bạn. Cách này sẽ giúp chấm dứt hiện tượng cường kinh, nhưng một số phụ nữ cần phải thực hiện thủ thuật này nhiều lần để đạt kết quả mong muốn.

Các thủ thuật khác, được gọi là cắt bỏ nội mạc tử cung, sẽ loại bỏ hoặc phá hủy vĩnh viễn lớp niêm mạc tử cung. Sau khi thực hiện thủ thuật này, phụ nữ sẽ có chu kỳ kinh ra máu ít hơn hẳn. Tuy nhiên hãy nhớ vẫn cần sử dụng biện pháp tránh thai vì những thủ thuật này không phải là biện pháp tránh thai và không nên mang thai ngay sau khi cắt bỏ nội mạc tử cung.

  • Cắt tử cung: Trong trường hợp đặc biệt, bạn có thể được tư vấn sử dụng phẫu thuật này, nó sẽ cắt bỏ hẳn tử cung của bạn. Sau đó bạn sẽ không còn chu kỳ kinh nguyệt, đồng thời không thể mang thai được nữa.

Kinh nguyệt ra nhiều là một hiện tượng xảy ra với nhiều người, nếu có bất thường về lượng máu kinh hay thời gian hành kinh, chị em cần đến ngay các cơ sở y tế hoặc phòng khám phụ khoa để được các bác sĩ chuyên khoa khám bệnh, chẩn đoán, và điều trị kịp thời, tránh làm ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống.

Xem thêm:

  • Tại sao nên tính chu kì kinh nguyệt?
  • Cách điều trị kinh nguyệt không đều