7 điều cần biết trước khi quyết định thắt ống dẫn trứng

Thắt ống dẫn trứng được xem là một phương pháp tránh thai gần như tuyệt đối với nữ giới, được không ít chị em lựa chọn vì tỉ lệ thành công lên đến 99%, được đánh giá là an toàn và ít tác dụng phụ. Tuy nhiên phương pháp trên có phù hợp với tất cả chị em phụ nữ không, phẫu thuật được thực hiện như thế nào,.. mọi người có thế tìm hiểu trong bài viết dưới đây.

7 điều cần biết trước khi quyết định thắt ống dẫn trứng 7 điều cần biết trước khi quyết định thắt ống dẫn trứng

Thủ thuật thắt ống dẫn trứng được tiến hành như thế nào?

Thắt ống dẫn trứng là một phẫu thuật nhỏ để cột và cắt rời 2 vòi trứng nhằm mục đích ngăn cản không cho trứng gặp tinh trùng để tiến hành thụ tinh. Thông thường mỗi tháng, ở nữ giới sẽ có một trứng rụng, trứng qua ống dẫn trứng để vào tử cung và thụ tinh nếu gặp tinh trùng. Thắt ống dẫn trứng sẽ chặn đường đi của trứng, trứng vẫn rụng nhưng không thể di chuyển vào tử cung, do đó phụ nữ sẽ không thể mang thai.

Tuy là một thủ thuật đơn giản nhưng được thực hiện trong ổ bụng nên bệnh nhân cần phải được nhập viện. Chị em phụ nữ cần được thăm khám và làm các xét nghiệm cần thiết trước khi phẫu thuật bắt đầu, thông thường chỉ mắc 1-2 ngày nằm viện cho một ca phẫu thuật thắt ống dẫn trứng. Trước đây, việc thắt ống dẫn trứng thường thực hiện cùng lúc với thủ thuật mổ bắt con (ngay sau khi người mẹ sinh con), nhưng hiện tại các bác sĩ cho rằng phẫu thuật nên được tiến hành lùi lại vài tháng sau sinh sẽ ít có nguy cơ biến chứng hơn.

vicare.vn-7-dieu-can-biet-truoc-khi-quyet-dinh-that-ong-dan-trung-body-1

Phẫu thuật thắt ống dẫn trứng có ảnh hưởng đến sức khỏe của người phụ nữ không?

Mặc dù chỉ là tiểu phẫu và có thể xuất viện trong thời gian ngắn, nhưng cũng có trường hợp chị em phụ nữ nhận thấy một số bất thường trong chu kỳ kinh nguyệt sau khi thắt ống dẫn trứng như: chu kỳ trở nên không đều và máu ra nhiều, thời gian có thể kéo dài hơn. Nếu trước đây, một chu kì thường chỉ là 4-5 ngày thì sau khi phẫu thuật thắt ống dẫn trứng sẽ kéo dài lên tới 1 tuần hoặc lâu hơn. Thêm vào đó, có thể gặp một số biến chứng như:

  • Có nhiều cục máu đông, thường xuyên bị chuột rút và đau đớn trong khi hành kinh
  • Dễ cáu giận, thay đổi tâm trạng trong thời gian tiền kinh
  • Hiện tượng rong kinh hay cảm giác co rút vùng chậu, thông thường cũng sẽ tự hết sau khoảng 36 giờ mà không phải dùng thuốc.

Nói chung tiểu phẫu ít gây biến chứng nghiêm trọng như: nhiễm trùng hay chảy máu, tổn thương nội tạng,..Một số ít trường hợp phẫu thuật thắt ống dẫn trứng thất bại là do các mô quanh vùng bị thắt tạo ra vết hở làm noãn bào và tinh trùng có thể gặp nhau và tiến hành thụ tinh, phẫu thuật cũng sẽ không thành công nếu thực hiện tại thời điểm mang thai.

Đối tượng nào thích hợp sử dụng phương pháp tránh thai này?

Thắt ống dẫn trứng được xem là phương pháp triệt sản ở phụ nữ vì ngăn chặn khả năng sinh sản ngay cả khi trứng vẫn rụng. Do đó phương pháp này là hình thức tránh thai cần phải được cân nhắc lựa chọn cuối cùng.

Phương pháp này phù hợp cho những phụ nữ đã có gia đình ổn định và có từ 2-3 con sống khỏe mạnh, phụ nữ trên 30 tuổi và cả vợ và chồng đều không có nhu cầu có thêm con nữa.

Ngoài ra, một số trường hợp phụ nữ có bệnh lý nền nặng như suy tim nặng, bệnh phổi mạn tính, tăng huyết áp, tâm thần, suy thận,..người bị ung thư sinh dục, sa sinh dục, mổ bóc nhân xơ tử cung...cũng được chỉ định triệt sản.

Có trường hợp nào thắt ống dẫn trứng vẫn có thai không?

Phẫu thuật thắt ống dẫn trứng được tiến hành bằng cách buộc và cắt rời ống dẫn trứng. Người ta sử dụng các biện pháp như đốt điện, sử dụng cặp kim loại, kẹp hay thắt bằng vòng để thắt ống dẫn trứng. Tuy nhiên vẫn có một số trường hợp tai vòi tự thông, đó là nguyên nhân dẫn đến tránh thai thất bại. Khoảng một năm đầu sau thủ thuật, khả năng có thai ngoài ý muốn chỉ dưới 1%, dần về sau hai mỏm ống dẫn trứng có thể liền vào nhau làm chị em phụ nữ mang thai trở lại. Tỉ lệ mang thai ngoài ý muốn sau khi thắt ống dẫn trứng ở phụ nữ còn trẻ có thể tới 5% và thấp hơn với phụ nữ đã nhiều tuổi.

Việc có thể mang thai trở trong lúc vẫn đang thắt ống dẫn trứng có thể xem là một điều diệu kỳ với người mẹ. Tuy nhiên cũng rất nguy hiểm vì khả năng người mẹ mang thai ngoài tử cung là rất cao. Thai ngoài tử cung là tình trạng trứng đã được tinh trùng thụ tinh nhưng không thể bám được vào tử cung (thai phát triển trong ống dẫn trứng thay vì tử cung), do đó thai không thể tiếp tục phát triển mà buộc phải phá bỏ, nếu không sẽ nguy hiểm đến người mẹ.

Vì vậy, bác sĩ khuyến cáo những phụ nữ đã triệt sản nếu bị trễ kinh hoặc que thử thai 2 vạch (dương tính) kèm theo các dấu hiệu như: đau bụng, âm đạo ra máu nhẹ, đau vùng xương chậu hoặc có cảm giác bị đè nặng, đặc biệt là khi đi đại tiện,..thì nên nhanh chóng đến kiểm tra ở phòng khám chuyên khoa.

vicare.vn-7-dieu-can-biet-truoc-khi-quyet-dinh-that-ong-dan-trung-body-2

Nếu muốn có con lại thì phải làm sao?

Có thể tiến hành tái thông ống dẫn trứng sau khi thắt, tuy nhiên việc này là rất khó. Với phụ nữ trẻ dưới 30 tuổi, tỷ lệ thành công của thủ thuật tái thông có thể đến 80% và chỉ còn khoảng 30% đối với phụ nữ trên 40 tuổi.

Phụ nữ đã thắt ống dẫn trứng có ảnh hưởng đến đời sống vợ chồng không?

Nhiều người thường truyền miệng nhau rằng khi tiến hành triệt sản bằng phương pháp thắt ống dẫn trứng chị em sẽ kém hấp dẫn hơn, trở nên nam tính và giảm ham muốn, tuy nhiên điều này là không đúng.

Thắt ống dẫn trứng chỉ đơn thuần ngăn cản tinh trùng gặp trứng để thụ tinh, thủ thuật này không hề đụng chạm đến 2 buồng trứng và tử cung. Do đó hoàn toàn không ảnh hưởng đến lượng hormon trong cơ thể phụ nữ, nội tiết tố estrogen đặc trưng cho phái nữ, thể hiện qua mái tóc, giọng nói hay kích thước ngực,...vẫn được tiết ra. Do vậy bạn vẫn có chu kỳ kinh nguyệt cũng như chu kỳ buồng trứng bình thường cũng đồng nghĩa với việc không hề ảnh hưởng đến các đặc tính nữ giới, sự ham muốn tình dục và khả năng sinh hoạt tình dục của bạn. Thậm chí chị em phụ nữ còn được giải tỏa tâm lý thoải mái hơn, không lo vỡ kế hoạch trong lúc quan hệ.

Giá phẫu thuật thắt ống dẫn trứng là bao nhiêu?

Chi phí ở các bệnh viện dao động trong khoảng 4-5 triệu đồng chưa bao gồm chi phí phòng bệnh và tiền thuốc.

Xem thêm:

  • Có thể nối lại ống dẫn trứng sau 14 năm thắt ống dẫn trứng không?
  • Thắt ống dẫn trứng: Tránh thai hiệu quả nhưng cần cân nhắc
  • Tắc ống dẫn trứng có nguy hiểm không?