7 dấu hiệu nhận biết trẻ bị khuyết tật vận động
Dưới đây là 7 dấu hiệu giúp các bậc phụ huynh nhận biết trẻ bị khuyết tật vận động để có cách sớm phòng ngừa, nhằm mang đến cho trẻ một cuộc sống tốt đẹp hơn.
7 dấu hiệu nhận biết trẻ bị khuyết tật vận động
Việt Nam là một trong những nước có tỉ lệ trẻ khuyết tật vận động khá cao. Sau nhiều năm chiến tranh, hậu quả để lại đã và đang di truyền cho các thế hệ sau. Có rất nhiều loại khuyết tật, tuy nhiên khuyết tật vận động ở trẻ lại có nhiều đặc thù hơn, vì nó có thể phát hiện ngay từ khi còn nhỏ và nếu có sự quan tâm điều trị kịp thời, đúng cách cho trẻ thì có thể cải thiện, thậm chí là chữa khỏi. Đó là những dị tật, khiếm khuyết ở tứ chi như vận động tay kém, chân yếu, tư thế và dáng đi bất thường, khó khăn trong việc sinh hoạt như ăn uống, thể dục thể thao, hay vệ sinh thân thể. Dưới đây là các dấu hiệu có thể giúp các bậc phụ huynh nhận biết trẻ bị khuyết tật vận động để có cách phòng ngừa, chăm sóc và bảo vệ tốt nhất cho con yêu của mình, nhằm mang đến cho trẻ một cuộc sống tốt đẹp hơn.
1. Bất thường trong giai đoạn thai kỳ
Đây là một trong những điều khá quan trọng mà lại thường bị bỏ quên nhất. Khi mẹ mang thai cần phải chú ý về thời gian thai nhi hình thành các bộ phận, siêu âm để dò tìm những dấu hiệu bất thường của bào thai. Bắt đầu từ 12 tuần tuổi, bé đã bắt đầu phát triển các bộ phận, đó là lý do tại sao bác sĩ khuyên các bà bầu nên bắt đầu siêu âm từ 3 tháng đầu tiên của thai kỳ.
2. Khuyết tật nhìn thấy
Đây là một dấu hiệu dễ dàng và đơn giản nhất để các bậc cha mẹ có thể phát hiện. Khi bé chào đời, cần quan sát, kiểm tra kỹ cơ thể bé có lành lặn đầy đủ các bộ phận hay không, tứ chi có gì bất thường không, nếu thấy cần báo bác sĩ ngay.
3. Dựa vào sự phát triển theo tuổi
Bạn có thể dựa vào sự phát triển về vận động của trẻ để theo dõi và phát hiện những yếu tố bất thường. Ông cha ta có câu “3 tháng biết lẫy, 7 tháng biết bò, 9 tháng lò dò biết đi”. Trong một số trường hợp, bé sẽ phát triển chậm hơn hoặc nhanh hơn những bé bình thường về vận động, hoặc bé có thể nhảy cách bước sau đó đến một độ tuổi nhất định bé vẫn hoàn thiện các kỹ năng thì đó vẫn được coi là bình thường. Những dấu hiệu bất thường điển hình của trẻ như: không làm được những động tác cơ bản của trẻ ở 2 - 3 tháng tuổi trong khi bé đã được tròn 1 tuổi, hay nhiều tháng hơn, thì khi đó bố mẹ nên xem xét cho bé đi khám bác sĩ để kiểm tra.
4. Không bú sữa mẹ
Trẻ có bản năng tìm đến bầu sữa của mẹ để bú, tuy nhiên khi em bé sinh ra, trong nhiều ngày sau mà không thể bú sữa mẹ, không có phản ứng khi mẹ cho bú. Bé cũng có thể ngậm đầu vú rồi lại từ chối ngay sau đó, hoặc quấy khóc liên tục dữ dội mặc dù đã bú xong đến khoảng 20 phút. Đối với những trường hợp khác thường như vậy, bố mẹ cần nên quan sát và ghi nhớ cẩn thận, khi cho bé đi khám bác sĩ cần trình bày và giải thích cặn kẽ các tình huống để kết quả chẩn đoán được chính xác hơn.
5. Hoạt động chạy nhảy bất thường
Không phải tất cả các trẻ có khuyết tật vận động bẩm sinh đều bộc lộ ở những năm tháng đầu đời, thậm chí nhiều bé biết đi bình thường nhưng lại không thể chạy nhảy hay leo trèo, đá bóng và hiếu động như các bạn cùng trang lứa. Đây có thể là một trong những dấu hiệu nhận biết trẻ bị khuyết tật vận động, cho thấy bé có dị tật hoặc khuyết tật trong cơ thể, ảnh hưởng đến tốc độ và sức mạnh của đôi bàn chân.
6. Cầm nắm khó khăn
Trẻ sẽ khó có thể cầm nắm được những vật có trọng lượng hoặc cầm trong một khoảng thời gian cực ngắn. Nhiều trường hợp trẻ không thể cầm cốc uống nước, thìa xúc ăn, hay cúi xuống nhặt rác, đồ chơi được.
7. Khó khăn trong sinh hoạt
Bé không thể tự làm được các hoạt động vệ sinh thân thể, thay quần áo vì những hoạt động này yêu cầu sự liên kết giữa tay và chân nhiều. Nếu bé không thể hoàn thành hay làm quá chậm, bố mẹ cần tìm hiểu và theo dõi, sớm đưa bé đi khám để có hướng điều trị kịp thời.
Cám ơn đã đọc bài viết!