6 nguyên nhân hàng đầu gây bệnh ung thư tử cung
Ung thư tử cung là loại ung thư phổ biến nhất của cơ quan sinh sản nữ. Đây là bệnh ung thư phổ biến thứ tư ở phụ nữ nói chung, sau ung thư vú, ung thư phổi và ung thư đại trực tràng. May mắn thay, nó cũng là một trong những loại bệnh ung thư có khả năng chữa khỏi nhiều nhất, đặc biệt khi được chẩn đoán và điều trị từ giai đoạn sớm.
6 nguyên nhân hàng đầu gây bệnh ung thư tử cung
Có 95% trường hợp bệnh ung thư tử cung là ung thư nội mạc tử cung (lớp tế bào lót bên trong lòng tử cung); 5% còn lại là các khối u của lớp lót cơ bên ngoài, được gọi là sarcomas. Nói chung, bệnh sarcomas có xu hướng ác tính và lây lan nhanh hơn.
Nguyên nhân của bệnh ung thư tử cung
Hormone estrogen
Là yếu tố nguy cơ quan trọng nhất của bệnh này. Estrogen kích thích niêm mạc tử cung (lớp nội mạc) phát triển, những phụ nữ có lượng estrogen cao trong cơ thể dễ có nguy cơ mắc ung thư nội mạc tử cung. Quá trình tích lũy lượng estrogen diễn ra suốt cuộc đời nên những phụ nữ lớn tuổi có nguy cơ cao nhất. Hầu hết các bệnh ung thư nội mạc tử cung xuất hiện sau khi mãn kinh, và nguy cơ tiếp tục tăng lên sau mỗi 10 năm, có khoảng 95% các ca bệnh này xảy ra ở phụ nữ trên 40 tuổi.
Béo phì
Là một yếu tố nguy cơ rất lớn đối với ung thư nội mạc tử cung. Nguyên nhân của vấn đề này là do mô mỡ ở phụ nữ thường xuyên sản xuất một lượng lớn estrogen, vì vậy phụ nữ thừa cân có nguy cơ mắc bệnh cao hơn người thường từ 3 - 10 lần, tùy thuộc vào trọng lượng thừa và thời gian bị thừa cân của người đó. Do đó, chế độ ăn uống nhiều chất béo là một yếu tố nguy cơ, trong trường hợp này cần tăng cường hoạt động thể chất không chỉ vì mục đích giảm cân mà còn để tăng cường sức khỏe.
Chu kì kinh nguyệt
Estrogen được sản xuất trong mỗi chu kỳ kinh nguyệt và những phụ nữ có nhiều chu kỳ kinh nguyệt có nguy cơ cao hơn. Điều này có nghĩa là một phụ nữ 40 tuổi bắt đầu có kinh ở tuổi 11 có nhiều khả năng bị khối u nội mạc tử cung hơn so với một người cùng tuổi bắt đầu có kinh ở tuổi 14. Giai đoạn mang thai sẽ làm gián đoạn các chu kỳ này, nên phụ nữ đã có con có nguy cơ thấp hơn những người không có, người mang thai càng nhiều thì hiệu quả bảo vệ càng lớn. Tuy nhiên, số lần mang thai và số chu kỳ kinh của một người phụ nữ là một yếu tố nguy cơ gây bệnh nhỏ hơn nhiều so với nguy cơ liên quan đến béo phì.
Bổ sung estrogen: (hoặc liệu pháp thay thế hormone, HRT)
Được sử dụng để làm giảm các triệu chứng mãn kinh, có thể làm tăng nhẹ nguy cơ ung thư nội mạc tử cung. Tuy nhiên, estrogen thường được sử dụng kết hợp với một loại hormone khác gọi là progesterone, chất đối nghịch tác dụng của estrogen trên nội mạc tử cung và làm giảm nguy cơ ung thư nội mạc tử cung. Do đó, các thuốc tránh thai đường uống có hàm lượng progesterone lớn hơn estrogen, được cho rằng có tác dụng bảo vệ cơ thể chống lại bệnh này. Progesterone là hormone chi phối trong thời kỳ kinh nguyệt bình thường, nên những phụ nữ trẻ không có kinh nguyệt đều đặn (trừ khi do dùng thuốc) có nguy cơ mắc ung thư nội mạc tử cung cao hơn.
Thuốc tamoxifen citrate
Một loại thuốc phổ biến cho bệnh nhân ung thư vú. Do có tác dụng giống như estrogen, thuốc này được cho là làm tăng nguy cơ ung thư nội mạc tử cung từ 3-5 lần ở những phụ nữ dùng nó để ngăn ngừa ung thư vú tái phát. Tuy nhiên, nguy cơ tái phát ung thư vú mà không dùng tamoxifen citrate ở những phụ nữ được kê đơn thuốc cao hơn nhiều so với nguy cơ mắc ung thư tử cung, vì vậy khi cân nhắc lợi ích và nguy cơ, bác sĩ vẫn chỉ định cho bệnh nhân dùng thuốc. Những người đang dùng loại thuốc này cần đi khám bác sĩ thường xuyên để giúp phát hiện sớm những thay đổi của niêm mạc tử cung.
Tiền sử gia đình
Những người có tiền sử gia đình mắc bệnh này và những người trong gia đình mắc một số loại ung thư ruột kết hoặc ung thư vú có thể có nguy cơ cao hơn.
Triệu chứng và biến chứng
Ung thư nội mạc tử cung ở giai đoạn đầu có một triệu chứng rất nổi bật: chảy máu tử cung bất thường.
- Đối với phụ nữ tiền mãn kinh, hiện tượng chảy máu chỉ là bất thường trong một số trường hợp.
- Đối với phụ nữ sau mãn kinh, bất kỳ hiện tượng chảy máu tử cung nào cũng được cho là bất thường. Theo thống kê, có 1/3 phụ nữ sau mãn kinh đi khám về vấn đề chảy máu này được chẩn đoán bị ung thư nội mạc tử cung.
Đây là triệu chứng cho phép phát hiện sớm ung thư để được điều trị hiệu quả. Xét nghiệm PAP (phết tế bào cổ tử cung), chỉ giúp sàng lọc ung thư cổ tử cung, và thường bỏ qua ung thư tử cung nằm sâu bên trong.
Có 9/10 trường hợp ung thư tử cung xuất hiện chảy máu, ngoài ra thường không có triệu chứng hoặc dấu hiệu cảnh báo sớm nào khác. Khi bệnh tiến triển hơn có thể gây đau vùng chậu, giảm cân, trướng bụng và sưng bụng (vùng bụng dưới).
Chẩn đoán ung thư tử cung
Không có xét nghiệm sàng lọc cho bệnh này. Có trường hợp phát hiện được bệnh bằng xét nghiệm PAP, nhưng đó là do tình trạng bệnh lý khi các tế bào nội mạc tử cung phát triển khỏi vị trí bình thường, lan xuống cổ tử cung.
Xét nghiệm chẩn đoán tin cậy duy nhất cho ung thư nội mạc tử cung là dùng mẫu mô. Việc thu thập mẫu mô được thực hiện bằng phương pháp sinh thiết, hoặc bằng kỹ thuật nong cổ tử cung và nạo lòng tử cung (kỹ thuật D&C) – đây là một thủ thuật ngoại khoa, cần gây mê và có thể không phù hợp với người phụ nữ rất cao tuổi hoặc bị bệnh nặng. Siêu âm qua ngả âm đạo là một cách khác có thể giúp chẩn đoán, nhưng kết quả không chính xác bằng sinh thiết.
Phần lớn ung thư tử cung được phát hiện khi người phụ nữ thấy có chảy máu âm đạo bất thường. Dấu hiệu này không được phép bỏ qua, đặc biệt là ở phụ nữ mãn kinh: bất kỳ phụ nữ nào trên 40 tuổi bị chảy máu âm đạo bất thường nên đi khám bác sĩ để được chẩn đoán chính xác.
Siêu âm và kỹ thuật D&C đang được nghiên cứu về giá trị trong sàng lọc cho những phụ nữ nguy cơ cao, bao gồm: những người bổ sung estrogen liều cao không cân bằng với progesterone, phụ nữ béo phì và phụ nữ dùng tamoxifen (một loại thuốc trị ung thư vú). Những đối tượng này cần tham khảo ý kiến bác sĩ để xem có cần sàng lọc hay không.
Điều trị và phòng ngừa
- Cắt bỏ tử cung: là biện pháp cần thiết để điều trị ung thư nội mạc tử cung. Việc này không ảnh hưởng đến quan hệ tình dục, nhưng sẽ dẫn đến vô sinh không hồi phục. Sau khi cắt bỏ tử cung, ống dẫn trứng và buồng trứng, các bác sĩ mới có thể đánh giá mức độ của bệnh. Nếu ung thư không xâm lấn sâu vào thành tử cung (giai đoạn đầu) và không phải là loại ung thư tiến triển (mức độ thấp), thì không cần điều trị bổ sung.
- Biện pháp xạ trị và/hoặc hóa trị: có thể được sử dụng trong trường hợp ung thư đã lan rộng, để thay cho phẫu thuật, hoặc sau phẫu thuật. Nếu khối u đã xâm lấn sâu hơn vào thành tử cung hoặc ung thư cấp độ cao hơn có thể cần làm xạ trị vùng chậu, hóa trị hoặc cả hai để tiêu diệt các tế bào ung thư còn lại.
- Xạ trị vùng chậu có thể gây tác dụng phụ khó chịu, bao gồm: buồn nôn, đau bụng, mệt mỏi và làm hẹp âm đạo (một tác dụng phụ phổ biến), điều này có thể khiến quan hệ tình dục khó khăn hoặc gây đau. Hóa trị cũng gây ra nhiều tác dụng phụ, chúng phụ thuộc vào loại thuốc hóa trị mà người bệnh sử dụng.
- Progestin tổng hợp: một dạng của hormone progesterone, đôi khi được sử dụng để điều trị ung thư nội mạc tử cung khi bệnh tiến triển hoặc tái phát. Thuốc gây tác dụng phụ nhẹ hơn so với các loại thuốc điều trị ung thư điển hình; tuy nhiên, cơ hội thành công khi được điều trị bằng hóa trị hoặc progestin đơn độc là rất thấp.
Đối với căn bệnh ung thư tử cung này, người phụ nữ cần hiểu và chú ý những dấu hiệu bất thường của cơ thể, đi khám phụ khoa định kỳ để có thể phát hiện và có biện pháp điều trị sớm.
Xem thêm:
- Phụ nữ mãn kinh cần cảnh giác với ung thư niêm mạc tử cung
- 7 dấu hiệu ung thư cổ tử cung điển hình
- Cách chữa ung thư tử cung gồm những phương pháp nào?