6 dấu hiệu thai lưu không thể bỏ qua

Thai lưu là một trong những bệnh lý sản khoa thường gặp. Bệnh có thể ảnh hưởng lớn đến tâm lý và sức khoẻ của người mẹ. Do đó, cần phát hiện sớm tình trạng thai lưu để điều trị nhằm tránh những biến chứng nguy hiểm. Vậy dấu hiệu thai lưu là gì, cùng HoiBenh tìm hiểu qua bài viết sau.

6 dấu hiệu thai lưu không thể bỏ qua 6 dấu hiệu thai lưu không thể bỏ qua

Thai lưu là gì?

Thai lưu còn được gọi là thai chết lưu hay thai chết trong tử cung, là tất cả các trường hợp thai bị chết mà còn lưu lại trong buồng tử cung trên 48 giờ. Thai lưu có thể xảy ra vào bất cứ giai đoạn nào của thai kỳ, nhưng thường xảy ra nhiều nhất trong 3 tháng đầu. Tuy nhiên trong thời gian này, các dấu hiệu thai lưu lại rất dễ bị bỏ qua, do đó đòi hỏi bà mẹ cần phải hết sức chú ý.

Có rất nhiều nguyên nhân gây thai lưu như mẹ bị nhiễm trùng trong thai kỳ, mắc các bệnh lý nội khoa, thai nhi bị bất thường nhiễm sắc thể hoặc dị dạng... Tuy nhiên, thực tế có đến 50% trường hợp không thể xác định rõ nguyên nhân thai lưu.

Thai lưu là một bệnh lý rất nguy hiểm, không chỉ ảnh hưởng đến tâm lý người mẹ mà còn có thể gây các biến chứng như:

  • Rối loạn đông máu: có thể gây chảy máu nhiều, máu không đông, gây mất máu cấp tính nặng.
  • Nhiễm trùng: xảy ra khi màng ối bị vỡ, có thể dẫn đến nhiễm trùng nặng, thậm chí sốc nhiễm trùng.

Như vậy, cần phát hiện sớm thai lưu để có thể điều trị cũng như trấn an tinh thần bà mẹ.

vicare.vn-6-dau-hieu-thai-luu-khong-the-bo-qua-body-1

6 dấu hiệu thai lưu điển hình

Không cảm nhận được thai máy

Sự chuyển động của thai nhi trong tử cung người mẹ được gọi là thai máy. Thai máy thường xuất hiện khoảng từ tháng thứ 4 trở đi. Thời điểm để theo dõi sự xuất hiện của thai máy tốt nhất là khi bà bầu nằm nghỉ ngơi và sau khi ăn no. Khi không cảm nhận được thai máy trong khoảng 8 đến 10 giờ thì bà bầu cần phải hết sức chú ý. Qua việc theo dõi thai máy giúp đánh giá tình trạng sức khoẻ của thai nhi như thế nào. Do đó, thai máy mất là một dấu hiệu nguy hiểm cho thấy thai đang có vấn đề lớn.

Mất các dấu hiệu mang thai

Trong thai kỳ, bạn sẽ có các dấu hiệu đặc trưng của mang thai như ốm nghén, ngực căng... Khi thai chết, các dấu hiệu này sẽ mất đi. Bạn sẽ giảm hoặc mất cảm giác nghén, ngực mềm, không còn căng và nhỏ dần. Ngoài ra, bạn có thể xuất hiện các dấu hiệu thai lưu khác như: vú tiết sữa non, cảm giác bồn chồn, lo lắng, nặng hoặc hơi tức bụng, xuất huyết âm đạo...

Tử cung không to thêm

Khi thai lớn lên, tử cung cũng phát triển theo làm bụng bà mẹ to dần. Nếu thai chết thì thai sẽ không còn phát triển nữa, dẫn đến tử cung không phát triển theo và bà mẹ sẽ thấy bụng mình không còn to ra nữa và thậm chí nhỏ dần theo thời gian. Bà mẹ cần theo dõi sự phát triển của tử cung trong vòng một tuần, nếu sau một tuần mà tử cung vẫn không to thêm thì đây có thể là dấu hiệu thai lưu. Hai chỉ số để bác sĩ đánh giá tử cung có phát triển hay không là chiều cao tử cung và vòng bụng. Mỗi đợt khám thai thì hai chỉ số này phải tăng lên, nếu hai chỉ số này không tăng thì có thể thai đang gặp vấn đề.

Tim thai bị mất

Khi khám thai, một công việc thường được bác sĩ thực hiện cho bạn đó là siêu âm thai. Siêu âm thai giúp đánh giá tình trạng của thai bên trong cơ thể người mẹ. Trong đó, một vấn đề vô cùng quan trọng mà siêu âm thai không thể bỏ qua chính là theo dõi tim thai. Tim thai bắt đầu được phát hiện trên siêu âm từ khoảng tuần thứ 7 đến tuần thứ 8. Nếu thấy tim thai đập thì chứng tỏ thai còn sống và ngược lại nếu tim thai bị mất thì chứng tỏ là thai đã bị chết lưu. Đây là một dấu hiệu thai lưu đáng tin cậy, tuy rằng một số trường hợp thai vẫn còn sống nhưng rất khó phát hiện được tim thai đập trên siêu âm. Trong trường hợp này, bác sĩ sẽ hẹn bạn thêm một lần khám thai khác để xác định chính xác. Do đó, bạn cũng đừng quá lo lắng khi rơi vào tình huống này.

Vỡ nước ối

Vỡ nước ối cũng là một dấu hiệu thai lưu đáng tin cậy nếu bạn chưa có dấu hiệu sẩy thai hay chuyển dạ sinh. Bà mẹ vỡ nước ối sẽ chảy một lượng dịch từ âm đạo ra ngoài. Vỡ nước ối có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập vào buồng ối và tử cung gây nhiễm trùng nặng ở người mẹ. Nên khi có dấu hiệu thai lưu này thì bạn nên nhanh chóng đến cơ sở y tế để được can thiệp sớm.

Tiết dịch âm đạo bất thường

Khi mang thai, phụ nữ thường có lượng dịch tiết âm đạo nhiều hơn bình thường do đó nhiều bà bầu thường bỏ qua dấu hiệu này. Tuy nhiên, nếu tiết dịch âm đạo với lượng rất nhiều kèm máu và có mùi hôi thì đây có thể là một dấu hiệu thai lưu rất có giá trị. Bạn cần đặc biệt chú ý khi gặp phải dấu hiệu này.

vicare.vn-6-dau-hieu-thai-luu-khong-the-bo-qua-body-2

6 dấu hiệu thai lưu kể trên rất đáng tin cậy nếu kết hợp với các yếu tố nguy cơ sau:

  • Mẹ mắc các bệnh lý nội khoa từ trước như viêm thận, xơ gan, bệnh tim, đái tháo đường, suy giáp, cường giáp...
  • Mẹ mắc các bệnh lý trong thai kỳ: mẹ bị cao huyết áp trong thai kỳ, sản giật, viêm nhiễm trong thai kỳ như nhiễm lậu, giang mai, ký sinh trùng sốt rét, quai bị, cúm, sởi, viêm gan siêu vi, suy nhược cơ thể khi mang thai, sử dụng thuốc hoặc tiếp xúc chất độc có hại trong thai kỳ...
  • Bất thường ở thai nhi: đa thai, dị tật thai nhi, nhiễm khuẩn ở thai nhi, bất thường nhiễm sắc thể ở thai nhi...
  • Bất thường ở dây rốn: dây rốn thắt nút, dây rốn ngắn, dây rốn quấn cổ, dây rốn bị chèn ép hoặc bị xoắn quá mức...
  • Bất thường ở bánh rau: phù rau thai, bánh rau xơ hoá, bánh rau bị bong...

Xem thêm:

  • Phụ nữ mang thai tiêm vắc xin có khả năng thai chết lưu thấp hơn 51%
  • Dấu hiệu thai chết lưu tháng thứ 5 mà bạn cần biết
  • 8 nguyên nhân thai chết lưu thường gặp nhất