5 chứng bệnh dễ mắc khi trời lạnh
Khi thời tiết sang đông, sự thay đổi đột ngột của nhiệt độ và độ ẩm cộng với sự thiếu chủ động trong việc phòng chống giá rét có thể khiến cơ thể bạn gặp phải các chứng bệnh nguy hiểm sau đây.
5 chứng bệnh dễ mắc khi trời lạnh
Khi thời tiết sang đông, trời lạnh đột ngột và độ ẩm cộng với sự thiếu chủ động trong việc phòng chống giá rét có thể khiến cơ thể bạn gặp phải các chứng bệnh nguy hiểm dưới đây.
Hạ thân nhiệt
Thời tiết quá lạnh dễ khiến cơ thể bị hạ thân nhiệt xuống còn 35 độ C. Người già, trẻ nhỏ, người mắc các bệnh lý về dinh dưỡng, tuyến giáp hoặc hệ miễn dịch là những đối tượng có nguy cơ cao mắc phải tình trạng này. Vấn đề nằm ở chỗ là tình trạng hạ thân nhiệt không có biểu hiện đặc trưng khiến người bệnh thường không nhận biết được rõ rệt tình trạng bệnh của mình cho tới khi môi tái xanh, cơ thể lừ đừ, lơ mơ, rùng mình liên tục đồng tử giãn, thậm chí mất ý thức.
Chính vì vậy khi thấy cơ thể có dấu hiệu rùng mình, lạnh đi và khó thở, mệt mỏi, chúng ta nên nghĩ ngay tới tình trạng hạ thân nhiệt và sớm có biện pháp xử trí hiệu quả để tránh những biến chứng nguy hiểm xảy ra cho sức khỏe và tính mạng.
Dị ứng
Thời tiết khô hanh hoặc nồm ẩm đều có nguy cơ cao gây ra tình trạng dị ứng cho da kể cả đối người khỏe mạnh lẫn những người có tiền sử mắc các bệnh về dị ứng. Không chỉ gây ra những triệu chứng lâm sàng như nứt nẻ, khô da, tình trạng dị ứng còn thường khiến nhiều bệnh lý mãn tính có điều kiện tái phát và diễn tiến nghiêm trọng như hen phế quản, viêm da cơ địa, viêm mũi dị ứng...
Để giảm thiểu tình trạng dị ứng vào mùa đông, tốt nhất là chúng ta nên chủ động sử dụng kem dưỡng da và thường xuyên vệ sinh cơ thể. Đối với các bệnh nhân có tiền sử bệnh mạn tính cần sử dụng các sản phẩm như máy tạo ẩm hoặc máy sưởi để cân bằng không khí, giúp cho các chức năng của cơ thể hoạt động nhịp nhàng hơn. Riêng đối với các trường hợp dị ứng nặng cần sử dụng thuốc, bệnh nhân nên tuân theo sự chỉ định của bác sĩ để đảm bảo an toàn cho sức khỏe của bản thân.
Đau nhức xương khớp
Ở những người lớn tuổi hoặc người lao động trên 35 tuổi, sự chênh lệch và giảm sâu của nhiệt độ thường gây ra tình trạng đau nhức xương khớp. Chứng bệnh này thường diễn ra vào thời điểm mức nhiệt hạ thấp nhất trong ngày, tức vào buổi đêm hoặc rạng sáng khiến người bệnh bị co cứng khớp, gây ra nhiều đau đớn và bất tiện trong sinh hoạt và lao động. Tình trạng này ở những người đã có sẵn bệnh lý về khớp lại càng có dấu hiệu nguy hiểm, có thể khiến người bệnh không thể di chuyển, gây ra những biến chứng nặng nề cho sức khỏe.
Do đó, khi đến mùa đông lạnh, chúng ta cũng cần chủ động bảo vệ cơ thể, duy trì vận động thường xuyên với các bài tập thể thao, tăng cường bổ sung các dưỡng chất có lợi cho khớp vào bữa ăn để đảm bảo hệ cơ xương khớp luôn khỏe mạnh.
Viêm phổi
Mùa lạnh, chúng ta và nhất là trẻ nhỏ rất dễ mắc phải căn bệnh viêm phổi do hệ thống miễn dịch của trẻ còn non yếu và mong manh, chưa đủ sức để chống chịu lại sự thay đổi của thời tiết.
Các triệu chứng điển hình của viêm phổi là ho, ho kéo dài về đêm, ho có đờm đặc, xuất huyết trong đờm khi ho, cơ thể mệt mỏi, khó thở, đau tức ngực. Nếu không sớm phát hiện và điều trị kịp thời, tình trạng viêm phổi của thể khiến trẻ nhỏ bị tràn dịch màng phổi, áp xe màng phổi gây viêm nhiễm và đe dọa tính mạng của trẻ.
Do đó cha mẹ nên cố gắng giữ ấm cho trẻ trong mùa đông giá lạnh, sử dụng khẩu trang và các loại bịt mặt khi đi đường để bảo vệ phổi của trẻ khi tiếp xúc với không khí giá rét, khuyến khích trẻ vận động và tăng cường sức đề kháng cho các em bằng các loại vitamin và khoáng chất có sẵn trong thực phẩm để phòng ngừa căn bệnh viêm phổi.
Đột quỵ
Người cao tuổi và đặc biệt là những người có tiền sử mắc các bệnh về tim mạch thường có nguy cơ đột quỵ cao vào mùa đông do sự thay đổi đột ngột của thời tiết khiến cho cơ thể thiếu sự thích nghi, dễ sinh ra phản ứng kích ứng, gây khó khăn trong việc lưu thông máu trên toàn cơ thể.
Để phòng tránh tình trạng đột quỵ, tốt nhất nên giữ ấm cho cơ thể trước khi ra ngoài đường bằng cách trang bị cho bản thân những đồ dùng cần thiết như quần áo len, mũ, khẩu trang, găng tay để hạn chế tình trạng sốc nhiệt có thể khiến cho cơ thể tăng nguy cơ đột quỵ. Ngoài ra, cũng cần giữ cho tâm lý luôn ổn định, thoải mái, vui vẻ, vận động hợp lý, dinh dưỡng lành mạnh để giữ cho cơ thể luôn ở trạng thái khỏe mạnh nhất.
Lưu ý một số cách bảo vệ sức khỏe trong mùa đông
Vào mùa đông, tốt nhất chúng ta nên chủ động phòng chống rét bằng các loại áo len, mũ len, găng tay, khẩu trang. Ngoài ra vào ban đêm và rạng sáng, mỗi người cũng nên chú ý với việc giữ ấm cho các bộ phận như đầu, cổ, ngực, chân, tay để tránh bị nhiễm lạnh.
Đối với những người có tiền sử mắc phải các bệnh mạn tính cần hạn chế ra ngoài trời lúc lạnh giá, gió rét, tránh những nơi đông người để đảm bảo sức khỏe.
Chế độ dinh dưỡng trong mùa đông cũng cần phải cân bằng, ưu tiên các loại rau xanh và trái cây tươi có tác dụng tăng cường hệ thống miễn dịch để chống lại sự khắc nghiệt của thời tiết cũng như hạn chế tối đa các trường hợp nhiễm vi khuẩn, virus.
Gia đình cũng nên giữ ấm nhà cửa, giữ sạch môi trường xung quanh để phòng tránh sự phát triển của các bệnh truyền nhiễm, hạn chế sự diễn tiến của các căn bệnh nguy hiểm, bảo vệ an toàn cho sức khỏe và tính mạng của mỗi thành viên trong gia đình, đặc biệt là người già và trẻ nhỏ.
Đừng quên đảm bảo vệ sinh cá nhân và vận động thể dục thể thao để phòng tránh các bệnh truyền nhiễm, nâng cao sức đề kháng cho sức khỏe.
Bên cạnh việc chủ động phòng tránh và ngăn ngừa các chứng bệnh dễ mắc vào mùa đông, các gia đình cũng cần sớm phát hiện và đưa đi điều trị kịp thời các trường hợp người thân có chuyển biến xấu về sức khỏe như khó thở, mất ý thức, liệt nửa người, méo miệng để đảm bảo an toàn tính mạng cũng như khả năng phục hồi của bệnh nhân.