4 dấu hiệu cảnh báo nguy cơ đột quỵ
Đột quỵ hay còn gọi là tai biến mạch máu là một bệnh phổ biến ở người già, xảy ra đột ngột, có tính chất nguy hiểm cao.
4 dấu hiệu cảnh báo nguy cơ đột quỵ
Đột quỵ là tình trạng bệnh lý tổn thương mạch máu não. Vì thế mọi người cần biết những dấu hiệu của đột quỵ để điều trị càng sớm càng tốt. Dưới đây là 4 dấu hiệu cảnh báo nguy cơ đột quỵ mà HoiBenh sẽ cung cấp cho bạn đọc.
Có một quy tắc về triệu chứng để nhận biết nguy cơ đột quỵ cho người bệnh đó là FAST và bốn chữ cái đầu viết tắt của các bộ phận bị đột quỵ đầu tiên. Face (mặt), Arm (tay), Speech (lời nói) và Time (thời gian). Vậy những biểu hiện cho thấy dấu hiệu đột quỵ trên những bộ phận này là gì?
1. Mặt (Face)
Đây là một dấu hiệu dễ nhận thấy khi bạn quan sát trên khuôn mặt của người thân thấy một bên mặt bị méo, mất cân xứng. Có thể nhân trung hơi lệch qua một bên, các nếp của cơ mặt như mũi, má, mắt bị rũ xuống. Nếu nghi ngờ bạn hãy yêu cầu người thân cười hoặc nói thì bạn sẽ nhận thấy sự thay đổi đột ngột rõ rệt này. Người bị cũng có cảm giác yếu và tê cứng 1⁄4 đến một nửa bên mặt.
2. Tay (Arm)
Tay tê liệt là một trong những dấu hiệu của tai biến. Đó là tình trạng tay không cầm nắm được vật, khi cầm cốc nước uống hoặc đang làm việc cảm thấy người mất sức, Ở mức độ nhẹ hơn thì các thao tác tay chân vụng về, khó điều khiển hay kiểm soát được.
Cùng với tay thì các dấu hiệu tê liệt xảy ra ở chân như đi dễ vấp ngã, đứng lên ngồi xuống khó khăn, bước đi nặng nề hơn, cảm giác chao đảo muốn ngã. Thông thường các ca tai biến vào viện thường là yếu liệt nửa người.
3. Lời nói (Speech)
Nguy cơ bị đột quỵ khi miệng thấy tê cứng, mở khó, phải gắng sức mới mở ra để nói được. Khi nói bị ngọng hoặc nói ấp úng không thành câu. Nhiều trường hợp còn nói linh tinh không biết mình đang nói gì.
Những lúc nghi ngờ người thân bị đột quỵ, bạn hãy hỏi một số câu về không gian, nơi chốn, thời gian để đưa ra những phán đoán ban đầu về dấu hiệu tai biến.
4. Thời gian (Time)
Những triệu chứng tai biến đến đột ngột, rất nhanh có thể là đang lúc ăn uống, tập thể dục, ngồi chơi, hoặc đi dạo. Nhiều trường hợp những triệu chứng xuất hiện nhẹ, người nhà và bản thân người bị không nhận biết được, nhưng khi các dấu hiệu này xảy ra nhiều lần lặp đi lặp lại mới bắt đầu đưa đến cơ sở y tế khám và điều trị. Hãy nhớ chỉ trong vòng 6 giờ từ khi có triệu chứng đột quỵ các bác sĩ mới có khả năng cứu vùng não nhồi máu bị tác động do mạch vì vậy bạn cần nhớ mốc thời gian xảy ra các triệu chứng này để được điều trị kịp thời.
Bên cạnh dấu hiệu FAST nói trên thì những triệu chứng dễ nhầm với nhiều bệnh khác như chóng mặt, mất thăng bằng, đau đầu, giảm tầm nhìn đột ngột, cơ thể bất ổn, nóng ruột cũng cần chú ý và đi khám ngay lập tức trước khi có những diễn biến xấu hơn xảy ra.
>>> Xem thêm: Cách điều trị đột quỵ kịp thời để cứu người bệnh