3 loại bệnh thường gặp ở trẻ em vào mùa đông
Dưới ảnh hưởng bất thường của thời tiết, bố mẹ cần chú ý phòng tránh cho các bé, đặc biệt là các bệnh thường gặp ở trẻ em vào mùa đông như sau:
3 loại bệnh thường gặp ở trẻ em vào mùa đông
Theo trung tâm Khí Tượng Thủy Văn Quốc Gia nhận định, mùa đông năm 2015 - 2016 sẽ tiếp tục là một mùa đông ấm. Tuy nhiên, rét đậm rét hại vẫn sẽ xuất hiện với các đợt khoảng từ 4 - 7 ngày. Dưới ảnh hưởng bất thường của thời tiết, trẻ em là đối tượng dễ bị mắc bệnh do hệ miễn dịch còn chưa hoàn thiện. Sau đây là những bệnh thường gặp ở trẻ em vào mùa đông mà bố mẹ cần chú ý phòng tránh cho bé.
1. Cảm lạnh
Cảm lạnh là một trong những bệnh lý đường hô hấp trên hàng đầu ở trẻ em. Nhóm các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp trên là điển hình đối với trẻ nhỏ. Trong đó, đường hô hấp trên bao gồm mũi, khoang miệng, hầu họng, nắp thanh quản. Các biến chứng thường gặp trong cảm lạnh ở trẻ em như viêm tai giữa, viêm xoang, viêm Amidan, viêm khí phế quản, viêm phổi cấp tính,...
Khi bị cảm lạnh, trẻ thường không có các triệu chứng điển hình. Các triệu chứng thường thấy gồm hắt hơi, ngạt mũi, chảy nước mũi... Nước mũi sau vài ngày trở nên đặc quánh và có màu vàng. Nếu có sốt thì nhiệt độ hiếm khi cao quá 38,8°C kèm theo triệu chứng thông thường là ngứa hoặc đau ở họng,ho khan và khàn giọng.
2. Viêm phổi
Đây là bệnh lý phổ biến thường gặp ở trẻ em (đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi). Bệnh viêm phổi được Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) đánh giá là 1 trong 5 nguyên nhân chính gây tử vong trẻ em ở nước ta, trong đó nguyên nhân chủ yếu gây viêm phổi là vi khuẩn như Streptococcus pneumoniae (phế cầu khuẩn), tiếp đến là Haemophilus influenzae (HI) , sau đó là các loại vi khuẩn khác. Ngoài ra virus cũng là nguyên nhân gây viêm phổi như virus hợp bào hô hấp, virus cúm A, B; các virus Á cúm (điển hình hay gây bệnh cho trẻ em vào mùa đông là Adenovirus)
Đối với trẻ đang bú mẹ, biểu hiện ban đầu của viêm phổi là sổ mũi, mệt mỏi, chán ăn, quấy khóc, bỏ bú, bú kém (trẻ bú ít đi chỉ bằng nửa lượng sữa hàng ngày. Mẹ có thể đánh giá thay đổi lượng sữa bú dựa vào thời gian trẻ bú). Đối với trẻ thiếu niên, biểu hiện giống người lớn, trẻ có 1 giai đoạn viêm đường hô hấp trên ngắn.
3. Tiêu chảy
Tiêu chảy được định nghĩa là đi phân lỏng hoặc tóe nước trên 3 lần/ngày (trừ những trẻ bú mẹ, thường đi mỗi ngày 1 vài lần, phân nhão). Có 2 loại là tiêu chảy cấp và tiêu chảy kéo dài. Trong đó, nguyên nhân gây tiêu chảy, cao điểm là vào mùa đông tại các nước nhiệt đới chủ yếu là do Rotavirus.
Tác nhân gây tiêu chảy thường truyền qua đường phân-miệng, thông qua thức ăn hay nước uống bị ô nhiễm hay do tiếp xúc trực tiếp với phân đã nhiễm khuẩn gây bệnh.Tiêu chảy là nguyên nhân hàng đầu gây suy dinh dưỡng. Lý do chính của tình trạng này là do trẻ ăn ít đi và khả năng hấp thụ các chất dinh dưỡng giảm trong quá trình trẻ bị tiêu chảy. Trong khi đó nhu cầu dinh dưỡng lại tăng do tác nhân virus hay vi khuẩn gây nhiễm trùng.
Trên đây là 3 bệnh lý phổ biến mà trẻ thường hay gặp vào mùa đông. Ngoài ra, bố mẹ cần quan tâm đến một số bệnh thường gặp ở trẻ em khác như thủy đậu, quai bị, sởi... Để phòng tránh chung, Vicare khuyên bạn nên:
- Tăng cường sức đề kháng cho trẻ như cung cấp đủ chất dinh dưỡng, cho trẻ uống đủ nước (khoảng 1,5 lít nước, bao gồm nước có trong thực phẩm và hoa quả)
- Giữ ấm, giữ vệ sinh kỹ lưỡng cho trẻ vào mùa đông
- Khi phát hiện những biểu hiện bất thường ở trẻ, cần đến ngay các cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị.
Để giúp bạn có cái nhìn chi tiết hơn về những bệnh lý kể trên cũng như cách điều trị và chăm sóc bé tại nhà, Vicare hẹn bạn vào các bài tiếp theo trong chuyên mục Mẹ & bé.