3 cách điều trị cảm cúm không cần đến kháng sinh
Hãy bỏ túi một vài bài thuốc dân gian từ các loạ gia vị có sẵn trong bếp/vườn nhà bạn, giúp chữa cảm cúm khi cần thiết mà không cần phải dùng đến kháng sinh.
3 cách điều trị cảm cúm không cần đến kháng sinh
Cảm cúm do loại virut cúm gây ra, là căn bệnh có thể xuất hiện quanh năm với những người có hệ miễn dịch kém. Khi bị cảm cúm, chúng ta thường sử dụng ngay kháng sinh để giảm các triệu chứng mà bệnh gây ra, nhưng việc lạm dụng kháng sinh như vậy hoàn toàn nguy hiểm: vừa gây ra các tác dụng phụ cho cơ thể, vừa dẫn đến hiện tượng kháng thuốc ở vi khuẩn. Vì vậy, việc bỏ túi một vài bài thuốc dân gian từ các dược liệu tự nhiên trị cảm cúm là hoàn toàn cần thiết.
1. Chữa cảm cúm bằng tỏi
Tỏi tên khoa học là Allium sativum, thuộc họ Hành. Trong tỏi chứa một chất kháng sinh có tên là allicin với công dụng kháng khuẩn, kháng virut và kháng ký sinh trùng rất hiệu quả. Do vậy tỏi là phương thuốc chữa cảm cúm hàng đầu được khuyên dùng vì sự an toàn và hiệu quả khi sử dụng. Bên cạnh đó, tỏi không chỉ là món gia vị có công dụng giảm ốm nghén mà còn rất giàu vitamin và các khoáng chất tốt cho bà bầu. Để điều trị cảm cúm bằng tỏi, chỉ cần giã tỏi uống với nước.
Đối với những ai không quen ăn tỏi sống, có thể giã nát và ngửi để xông mũi họng, đây là phương pháp lành tính nhưng hiệu quả tốt. Ngoài ra, khi chuyển mùa, thời tiết dễ gây bệnh, có thể ăn giấm tỏi để phòng ngừa cảm cúm.
2. Chữa cảm cúm bằng hành
Hành hoa hay còn gọi là hành hương, hành lá hay hành ta, có tên khoa học là Allium fistulosum, thuộc họ Hành (Alliaceae), do đó cũng có chứa chất kháng sinh allicin. Hành có tính sát khuẩn mạnh, được dùng để chữa cảm cúm rất nhạy. Hành, ngoài là một loại rau gia vị quen thuộc trong các bữa ăn gia đình, còn là loại cây gia vị dễ trồng trong vườn nhà.
Trong dân gian người Việt Nam ta thường nấu cháo hành để ăn, trị cảm cúm và phòng bệnh rất hiệu quả. Chỉ cần nấu cháo trắng bằng gạo nếp rồi thái nhiều hành lá cho vào quấy đều cho hành chín tái, bắc ra và ăn khi còn nóng cho vã mồ hôi, sẽ giúp nhẹ người, thông mũi và giảm đau đầu hiệu quả. Ngoài ra, chất xơ trong hành lá cũng làm giảm nguy cơ táo bón, trĩ, viêm ruột thừa và hỗ trợ tốt cho hệ tiêu hoá. Có thể kết hợp nấu cháo lá hành với lá tía tô, rau kinh giới để giúp ngon miệng hơn, vừa tăng tác dụng giải cảm.
3. Chữa cảm cúm bằng gừng
Trong gừng chứa gingerol và shogaol, có tác dụng thông mũi, thông xoang vì thế cũng rất tốt cho hệ hô hấp, trị các chứng cảm cúm, viêm họng và dị ứng mãn tính. Nhờ hoạt tính kháng khuẩn, gừng cũng giúp hạn chế sự lây lan của virut cúm và virut cảm lạnh. Chữa cảm cúm bằng cách cho vài lát gừng (lưu ý không gọt lớp vỏ ngoài) vào ấm nước đun sôi, pha cùng ít đường phèn hay ít mật ong vào cho dễ uống. Uống 3 lần/ngày sẽ giúp bạn giảm nhanh các triệu chứng cảm cúm mà không cần dùng đến các loại thuốc kháng sinh.
Cúm là một bệnh khá phổ biến và rất dễ gặp phải ở tất cả lứa tuổi. Từ trẻ em, người trưởng thành đến người già đều có nguy cơ mắc bệnh cúm khi thời tiết thay đổi, hoặc sức đề kháng cơ thể yếu, hay khi có dịch cúm hoành hành. Khi bị bệnh cúm thông thường, ta có thể sử dụng các bài thuốc dân gian trên. Tuy nhưng khi bệnh có dấu hiệu trở nên nghiêm trọng thì cần phải đến các cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị hiệu quả nhất.
Cám ơn đã đọc bài viết!