21 dấu hiệu mang thai tuần đầu trước khi chậm kinh của phụ nữ
Thời điểm người phụ nữ bắt đầu mang thai được tính từ lúc trứng được thụ tinh thành công vào làm tổ trong buồng tử cung. Cơ thể phụ nữ sẽ xuất hiện những triệu chứng khác thường ngay sau khi họ thụ thai được một vài ngày hoặc vài tuần trước khi bị chậm kinh, Sau đây là những dấu hiệu mang thai tuần đầu trước khi chậm kinh mà một bà bầu có thể sẽ gặp phải.
21 dấu hiệu mang thai tuần đầu trước khi chậm kinh của phụ nữ
21 dấu hiệu mang thai tuần đầu bạn cần biết
1. Xuất huyết làm tổ, chảy máu và co thắt
Hiện tượng co thắt, chảy máu nhẹ và rỉ máu thấm giọt thường được gọi là xuất huyết làm tổ. Đây là một vài dấu hiệu sớm và rõ ràng của thai kỳ.
Trứng sau khi thụ tinh sẽ tự động bám vào thành trong buồng tử cung của người phụ nữ (hiện tượng làm tổ). Khi đó, mô hình thành quanh trứng (gọi là nguyên bào nuôi phôi) có thể gây tổn thương một số mạch máu trong tử cung của người phụ nữ, dẫn đến chảy một lượng máu nhỏ từ cổ tử cung xuống âm đạo.
Nếu bạn thường có chu kỳ kinh nguyệt đều đặn, thì dấu hiệu xuất huyết làm tổ sẽ xảy ra trước khi có dấu hiệu mất kinh một hoặc vài tuần, việc này có thể diễn ra trong một vài giờ hoặc thậm chí vài ngày. Biểu hiện có thể là một vài vết máu xuất hiện ở quần lót hoặc trong khi lau rửa âm đạo.
Tuy nhiên, bạn phải cảnh giác với các dấu hiệu chảy máu nhiều, đó có thể là hiện tượng sảy thai hoặc ra máu của chu kỳ kinh nguyệt.
2. Thân nhiệt tăng - dấu hiệu mang thai tuần đầu điển hình
Dấu hiệu này thường chính xác hơn các dấu hiệu mang thai tuần đầu khác. Để nhận biết được điều này người phụ nữ cần theo dõi thân nhiệt của mình trong nhiều tháng để tìm ra sự khác biệt. Trước giai đoạn rụng trứng bình thường, thân nhiệt của phụ nữ sẽ tăng nhẹ và trở lại như cũ sau chu kỳ kinh nguyệt, nhưng khi mang thai, thân nhiệt của bà bầu có xu hướng duy trì ở mức cao trong suốt thời kỳ này.
Lý do khiến thân nhiệt của bà bầu tăng lên là sau khi xảy ra hiện tượng làm tổ của trứng, cơ thể của họ sẽ tự động điều chỉnh chuẩn bị sẵn sàng để thích nghi với sự thay đổi của bản thân, hệ thống miễn dịch cũng tự động điều chỉnh để thích nghi với em bé trong suốt giai đoạn mang thai.
Nếu nhiệt độ cơ thể của bạn tăng lên trong suốt hơn 20 ngày sau thời điểm rụng trứng, thì chứng tỏ bạn đã bước vào hành trình mang thai.
3. Đau tức, căng và nặng ngực
Hiện tượng đau tức, căng, nặng ngực hoặc ngực xuất hiện quầng thâm là những dấu hiệu mang thai tuần đầu đáng chú ýư, thường xảy ra một tuần trước khi mất kinh. Sau khi thụ thai, lượng hormone estrogen tăng lên khiến người phụ nữ cảm thấy căng, tức và xuất hiện cơn đau cấp ở bầu ngực. Núm vú bắt đầu chuyển sậm màu và có cảm giác râm ran, ngứa ngáy hoặc châm chích. Các triệu chứng này không khác biệt nhiều so với các dấu hiệu trước kỳ kinh nguyệt nhưng nó còn kéo dài sau khi đã bị chậm kinh.
4. Mệt mỏi và kiệt sức
Việc thay đổi nội tiết tố khi mang thai khiến người phụ nữ cảm thấy mệt mỏi và kiệt sức mọi lúc. Đây là những dấu hiệu sớm của việc mang thai, thậm chí chỉ làm việc một nhỏ cũng khiến họ bị mệt và điều này hết sức bình thường. Nồng độ progesterone tăng là nguyên nhân của vấn đề buồn ngủ và sẽ kéo dài trong ba tháng đầu tiên của thai kỳ. Cơ thể cũng bắt đầu sản xuất nhiều máu hơn để hỗ trợ thai nhi đang phát triển dẫn đến tình trạng kiệt sức. Một chế độ ăn uống lành mạnh, dễ tiêu hóa, bổ sung sắt, các vitamin và khoáng chất, sẽ giúp cải thiện tình trạng mệt mỏi này.
5. Buồn nôn
Buồn nôn hoặc nôn là dấu hiệu mang thai tuần đầu rất phổ biến, thường được gọi là ốm nghén. Đây là một triệu chứng rất rõ chứng tỏ người phụ nữ đang mang thai. Vài ngày đầu sau khi thụ thai, bạn có thể bắt đầu cảm thấy khó chịu và cảm thấy buồn nôn. Sự gia tăng nồng độ estrogen và progesterone vào buổi sáng khiến bạn cảm thấy buồn nôn ngay sau khi thức dậy mỗi ngày. Tuy nhiên hiện tượng buồn nôn không chỉ xảy ra vào buổi sáng, nó có thể xuất hiện bất cứ lúc nào trong ngày và kéo dài suốt toàn bộ giai đoạn chín tháng mang thai.
Theo thống kê, có khoảng 80% phụ nữ mang thai bị buồn nôn trong những tuần đầu tiên trước khi mất kinh; mức độ nghiêm trọng của ốm nghén hoặc triệu chứng buồn nôn khác nhau ở những phụ nữ khác nhau nhưng có 50% phụ nữ mang thai cảm thấy buồn nôn trong vòng sáu tuần của thai kỳ hoặc thậm chí sớm hơn.
6. Thèm ăn, ác cảm hoặc nhạy cảm với mùi
Các hormone trong giai đoạn mang thai là nguyên nhân chính khiến bạn tự nhiên rất thèm loại đồ ăn nào đó và có ác cảm với một số mùi nhất định. Trong những tuần đầu sau khi thụ thai, người phụ nữ có thể đột ngột nhạy cảm hơn với các mùi, vị mạnh, hoặc có cảm giác chán ăn, điều này có thể kéo dài (hoặc không) trong toàn bộ thai kỳ, ngược lại một số bà bầu lại có cảm giác chán ăn trước khi bị chậm kinh.
7. Đầy hơi và cảm giác chướng bụng
Một trong những dấu hiệu mang thai phổ biến nhất trước khi chậm kinh là đầy hơi hoặc co thắt dạ dày, đây là kết quả của nồng độ hormone progesterone gia tăng. Khi lượng hormone này tăng lên sẽ cản trở vấn đề tiêu hóa và làm xuất hiện những bóng khí trong đường ruột, hậu quả tiếp theo là hiện tượng ợ hơi hoặc xì hơi. Progesterone có tác dụng làm giãn các cơ có thể khiến van đóng ngăn thực quản với dạ dày bị hơi hé ra, kết quả là, axit có thể trào ngược lên trên, dẫn đến chứng ợ nóng hoặc trào ngược axit. Bên cạnh đó, khi dạ dày phình ra sẽ khiến quần áo thít chặt vào vòng eo và dẫn đến khó chịu. Bạn cần chuẩn bị chế độ ăn uống lành mạnh, kiểm soát kỹ các thành phần trong thức ăn để có thể làm giảm các dấu hiệu khó chịu này.
8. Cảm giác buồn đi tiểu
Thường xuyên có cảm giác buồn đi tiểu cũng là một dấu hiệu mang thai sớm nhất, nổi bật nhất. Xu hướng này sẽ ngày càng tăng theo quá trình mang thai của người phụ nữ do tử cung phát triển lớn dần và chèn ép vào bàng quang. Sự thay đổi nội tiết tố, việc sản sinh thêm máu, và đi tiểu thường xuyên là bộ ba triệu chứng phổ biến sẽ kéo dài trong toàn bộ thai kỳ. Thận phải làm việc quá công suất để lọc máu cũng gây ra cảm giác buồn đi tiểu thường xuyên hơn.
9. Tâm trạng thất thường
Những thay đổi về hormone khiến bạn cảm thấy hưng phấn hoặc buồn bực, đây cũng là một dấu hiệu mang thai sớm của phụ nữ trước khi bị chậm kinh. Tâm trạng thất thường khi mang thai sẽ khiến người phụ nữ thổn thức về những vấn đề nhỏ nhặt nhất. Sự mất cân bằng nội tiết tố ảnh hưởng đến các chất dẫn truyền thần kinh trong não, dẫn đến việc biểu hiện quá mức các cung bậc cảm xúc, ví dụ như giận giữ hay đột ngột bùng phát cảm xúc vui buồn. Hãy dành thời gian để thư giãn và nghỉ ngơi nếu bạn cảm thấy không được ổn.
10. Chóng mặt
Chóng mặt và cảm giác đau đầu nhẹ là một dấu hiệu mang thai sớm xảy ra ở một số phụ nữ, nguyên nhân là do các mạch máu giãn ra, dẫn đến huyết áp bị giảm, gây ra cảm giác chóng mặt và mất cân bằng. Các triệu chứng này có thể kéo dài trong ba tháng đầu và giảm dần trong các giai đoạn tiếp theo. Tuy nhiên, nếu xuất hiện tình trạng chóng mặt đi kèm với chảy máu âm đạo và đau bụng thì bạn nên đi khám bác sĩ chuyên khoa ngay lập tức.
11. Táo bón
Hormone progesterone tăng có xu hướng gây táo bón và nếu bạn thấy mình khó đi vệ sinh, thì đó có thể là dấu hiệu mang thai sớm. Sự gia tăng mạnh lượng hormone này khiến nhu động ruột bị chậm lại và làm giảm tốc độ thức ăn đi qua hệ thống tiêu hóa. Nếu cảm thấy bị táo bón thường xuyên trong vòng một tuần sau khi chậm kinh, bạn nên xem xét việc thử thai. Hãy đảm bảo uống đủ nước và tăng cường thực phẩm giàu ma-giê để giúp cho ruột co bóp dễ dàng hơn.
12. Đau đầu
Đau đầu là triệu chứng tiền kinh nguyệt phổ biến nhất. Tuy nhiên khi xảy ra hiện tượng thụ thai, các hormone estrogen và progesterone sẽ hoạt động mạnh lên để chuẩn bị tử cung cho thai nhi, chính điều này gây ra sự sụt giảm lượng đường trong máu, dẫn đến các cơn đau đầu vì các tế bào não phải đấu tranh với tình trạng lượng đường cung cấp bị giảm.
13. Đau mỏi người
Các hormone làm nhiệm vụ xây dựng không gian cho mầm sống mới bên cơ thể người phụ nữ sẽ có tác động kéo giãn dây chằng. Giãn dây chằng và khớp có thể sẽ dẫn đến đau ở vùng cột sống trước khi bị chậm kinh.
14. Miệng có vị lạ
Nguyên nhân của hiện tượng này cũng là do sự thay đổi hormone, bạn có thể cảm thấy như mình đã nuốt một món đồ kim loại nào đó. Vị kim loại trong miệng này cũng có thể là một dấu hiệu mang thai sớm để nói với bạn rằng bạn đã bắt đầu hành trình làm mẹ. Triệu chứng này thường biến mất sau ba tháng đầu nhưng có thể kéo dài hơn ở một số phụ nữ.
15. Xu hướng khát quá mức hoặc thèm ăn kinh khủng
Bạn đừng bất ngờ khi tự nhiên mình muốn uống nhiều nước quá mức bình thường, hoặc có cảm giác thèm ăn khủng khiếp đi cùng với buồn nôn, chính việc lượng máu và lượng hormone tăng lên trong cơ thể khiến bạn có những cảm giác kỳ lạ như vậy.
16. Thay đổi chất nhầy cổ tử cung
Sự gia tăng chất nhầy cổ tử cung, là một dấu hiệu chỉ điểm sớm của thai kỳ. Sau khi thụ thai, chất nhầy ở cổ tử cung tiết ra đặc quánh hơn và sẽ giữ nguyên như vậy cho đến khi chậm kinh, sau đó chất nhầy đặc vẫn tiếp tục được sinh ra để giữ cho âm đạo sạch sẽ và làm giảm khả năng vi khuẩn xấu tiếp cận em bé trong toàn bộ thai kỳ. Bạn cũng có thể xuất hiện cảm giác châm chích khi đi tiểu hoặc ngứa và đau quanh âm đạo.
17. Thở gấp
Thở gấp có thể là một dấu hiệu mang thai sớm vì cơ thể người phụ nữ bắt đầu cần thêm nhiều oxy và máu để cung cấp cho cả mẹ và thai nhi. Hiện tượng này kéo dài trong suốt giai đoạn mang thai vì em bé trong bụng mẹ đang trong quá trình phát triển, có nhu cầu sử dụng nhiều oxy và chất dinh dưỡng.
18. Tiết nhiều nước bọt hoặc chảy nước miếng
Mặc dù không phải là một dấu hiệu mang thai tuần đầu quá phổ biến nhưng một số phụ nữ mang thai sẽ gặp phải hiện tượng tiết nước bọt quá nhiều trước cả khi chậm kinh. Tình trạng này được gọi là ptyalis gradidarum có liên quan đến triệu chứng ốm nghén và ợ nóng. Những cơn đau khi buồn nôn sẽ làm tích tụ thêm chất lỏng trong khoang miệng dẫn đến chảy nước miếng.
19. Cơn bốc hỏa
Đây là dấu hiệu rất phổ biến của các chu chu kỳ kinh nguyệt hoặc bắt đầu thời kỳ tiền mãn kinh của người phụ nữ, ngoài ra cơn bốc hỏa cũng có thể là một dấu hiệu mang thai sớm. Nếu bạn cảm thấy đang phải chịu đựng những cơn bốc hỏa trong người, có khả năng bạn đang có thai.
20. Xuất hiện mụn nhọt, trứng cá
Sự xuất hiện bất ngờ của mụn nhọt, trứng cá là hiện tượng phổ biến trước mỗi chu kỳ kinh nguyệt, và đó cũng có thể là kết quả của sự gia tăng nồng độ hormone sau khi thụ thai sảy ra. Mang thai có thể khiến mụn trứng cá xuất hiện trước chu kỳ kinh, báo hiệu việc có một mầm sống đang hình thành trong cơ thể bạn.
21. Gặp phải những giấc mơ kỳ lạ
Những giấc mơ kỳ lạ có thể xuất hiện liên tục trong những tuần đầu của thai kỳ trước khi chậm kinh. Đây là một dấu hiệu mang thai khó giải thích, nhưng rất nhiều phụ nữ trải qua cảm giác kỳ lạ ở thời điểm một hoặc hai tuần sau khi thụ thai. Chính các hormone của thai kỳ hoạt động là nguyên nhân gây ra những giấc mơ và ảo mộng không thể giải thích được ở các bà bầu.
Các dấu hiệu mang thai sớm xuất hiện khi nào?
Sự xuất hiện của các dấu hiệu mang thai sớm chắc chắn không giống nhau giữa người này và người kia, thậm chí các dấu hiệu này cũng khác nhau trong mỗi lần mang thai của người phụ nữ.
Các dấu hiệu căng ngực, buồn nôn, mệt mỏi, buồn ngủ, nhạy cảm với mùi và đầy hơi thường bắt đầu xuất hiện trong khoảng một tuần hoặc mười ngày trước chu kỳ kinh bình thường. Cảm giác buồn đi tiểu thường xảy ra một vài ngày trước chu kỳ. Các dấu hiệu khác như tăng tiết dịch âm đạo, thay đổi màu sắc của chất nhầy cổ tử cung, hay các quầng thâm sẽ xuất hiện sau đó và cần được theo dõi chặt chẽ.
Các dấu hiệu mang thai tuần đầu sẽ xảy đến trong vòng 6 đến 14 ngày sau khi thụ thai. Khi người phụ nữ có quan hệ tình dục trong thời kỳ rụng trứng, cơ thể của họ sẽ tự động chuẩn bị cho sự phát triển thai nhi, trứng được thụ tinh trong vòi trứng và tự đi vào làm tổ trong buồng tử cung. Người phụ nữ sẽ đậu thai trong khoảng mười ngày trước chu kỳ kinh nguyệt bình thường. Đó là thời điểm họ bắt đầu trải qua những dấu hiệu mang thai sớm: buồn nôn, mệt mỏi và kiệt sức.
Sự khác biệt giữa hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS) và dấu hiệu mang thai sớm là gì?
Các dấu hiệu mang thai tuần đầu và triệu chứng của hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS- pre-menstrual syndrome) rất giống nhau, vì vậy bạn cần phải chờ thêm một thời gian nữa để khẳng định có thai hay không.
Những yếu tố như: Thân nhiệt tăng hằng định, tăng tiết dịch đặc ở âm đạo và xuất hiện quầng thâm là một số dấu hiệu chỉ điểm của việc thụ thai, tuy nhiên đó không phải là bằng chứng chắc chắn. Cách duy nhất để xác nhận các dấu hiệu bạn đang có là do thụ thai hay do hội chứng tiền kinh nguyệt đó là làm xét nghiệm (dùng dụng cụ thử thai, xét nghiệm máu).
Có thể bị chậm kinh mà không mang thai?
Bị nhỡ một kỳ kinh không đồng nghĩa với việc bạn có thai. Có một số lý do khiến chu kỳ kinh bị thay đổi như: nồng độ nội tiết tố thay đổi, căng thẳng, thay đổi chế độ sinh hoạt, ăn uống, ... Cần phải sử dụng dụng cụ thử thai để khẳng định điều này thay vì chỉ chú ý đến vấn đề chậm kinh.
Có thể mang thai và vẫn có kinh?
Không hiếm các bà bầu ở giai đoạn đầu của thai kỳ gặp phải hiện tượng ra máu. Hiện tượng xuất huyết làm tổ xảy ra trong vòng 6 đến 12 ngày sau khi thụ thai, đó có thể là các giọt màu hồng nhạt, hồng thẫm hoặc nâu nhạt kéo dài trong vài giờ hoặc vài ngày. Tuy nhiên, nếu bạn vốn có chu kỳ kinh không đều, việc xuất hiện máu thấm giọt có thể là một trục trặc nhỏ giữa chu kỳ bình thường. Để khẳng định tình trạng mang thai, bạn cần dùng dụng cụ thử thai hoặc đi khám bác sĩ chuyên khoa để có câu trả lời chắc chắn.
Cần đợi bao lâu trước khi sử dụng biện pháp thử thai?
Các dấu hiệu mang thai tuần đầu xuất hiện vài tuần trước chu kỳ kinh, nhưng mọi người khuyến cáo nên chờ khoảng hai tuần kể từ ngày rụng trứng để sử dụng bất kỳ biện pháp thử thai nào.
Human Chorionic Gonadotropin (HCG) là một loại hormone do nhau thai sản xuất ra sẽ có mặt trong nước tiểu sau khi phôi thai vào làm tổ trong buồng tử cung. Việc này diễn ra khoảng 6 đến 12 ngày sau ngày thụ tinh. Nồng độ HCG có thể được xác định khi gần đến ngày của chu kỳ kinh nguyệt, vì vậy thời gian lý tưởng để sử dụng biện pháp thử thai là một tuần sau ngày kinh bình thường, khoảng 90% kết quả của phép thử thai sẽ chính xác nếu làm xét nghiệm ở thời điểm này.
Các dấu hiệu mang thai và các giai đoạn mang thai không bao giờ giống nhau y hệt ở tất cả phụ nữ, đôi khi một số triệu chứng bạn gặp có thể là do vấn đề nào đó của sức khỏe mà bản thân chưa nhận ra.
Các dấu hiệu mang thai tuần đầu được liệt kê ở trên không hoàn toàn khẳng định tình trạng này, đó chỉ là những dấu hiệu cần chú ý nếu bạn đang lên kế hoạch sinh em bé. Cũng có trường hợp người phụ nữ không gặp phải bất kỳ triệu chứng nào trong số kể trên mà vẫn mang thai và sinh con hoàn toàn bình thường.
Việc mang thai chỉ có thể được khẳng định khi có hiện tượng chậm kinh, bằng dụng cụ thử thai và quan trọng nhất là được các nhân viên y tế khẳng định qua thăm khám và bằng xét nghiệm máu. Việc xác định sớm vấn đề mang thai sẽ giúp người phụ nữ có sự chuẩn bị đầy đủ về thể chất và tâm lý cho thai nhi và những thay đổi trong cuộc sống tương lai.
(HoiBenh chuyển ngữ từ Parenting)
Xem thêm:
- Bí quyết và dấu hiệu nhận biết mang thai 2 tuần đầu tiên
- Dấu hiệu mang thai ngay tuần đầu tiên, ai cũng nên giắt lưng