13 nguyên nhân hàng đầu gây táo bón ai cũng có thể mắc

Táo bón là tình trạng mất cân bằng của bộ máy tiêu hóa, cụ thể là phân bị cứng và rất khó thải ra ngoài. Vấn đề này xảy ra thường là do những thức ăn có trong phần ruột kết (trực tràng) đã bị ruột hấp thu lại gần hết nước, khiến phân vón thành cục cứng. Sau đây là những nguyên nhân chính có thể gây táo bón và cách phòng tránh chúng.

13 nguyên nhân hàng đầu gây táo bón ai cũng có thể mắc 13 nguyên nhân hàng đầu gây táo bón ai cũng có thể mắc

Táo bón là tình trạng mất cân bằng của bộ máy tiêu hóa, cụ thể là phân bị cứng và rất khó thải ra ngoài. Vấn đề này xảy ra thường là do những thức ăn có trong phần ruột kết (trực tràng) đã bị ruột hấp thu lại gần hết nước, khiến phân vón thành cục cứng. Sau đây là những nguyên nhân chính có thể gây táo bón và cách phòng tránh chúng.

4 điểm cần nhớ về táo bón

  • Táo bón thường xảy ra do nước từ thực phẩm bị ruột hấp thụ quá nhiều
  • Nguyên nhân chính gây táo bón bao gồm: không hoạt động thể chất, tác dụng phụ của một số loại thuốc và quá trình lão hóa
  • Nhiều trường hợp bệnh táo bón được cải thiện do thay đổi lối sống
  • Thuốc nhuận tràng chỉ nên là biện pháp điều trị cuối cùng

Các triệu chứng của táo bón

Triệu chứng chính thường gặp của táo bón là cực kỳ khó đi đại tiện và số lần đi ít hơn bình thường.

Các triệu chứng khác bao gồm:

  • Đau bụng
  • Co thắt dạ dày
  • Cảm thấy chướng bụng và buồn nôn
  • Chán ăn
vicare.vn-tao-bon-va-cac-nguyen-nhan-thuong-gap-body-1

Nguyên nhân của táo bón

Vấn đề cốt lõi để xuất hiện tình trạng táo bón là đại tràng hấp thụ quá nhiều nước, nó có thể xảy ra nếu các cơ trong đại tràng co thắt chậm hoặc kém. Thức ăn di chuyển qua đường tiêu hóa càng chậm, đại tràng sẽ hấp thụ càng nhiều nước, hậu quả là phân trở nên khô, cứng, và tạo thành một vòng luẩn quẩn, phân tiếp tục di chuyển cực chậm và mất nhiều nước hơn.

Sau đây là những nguyên nhân phổ biến nhất gây táo bón:

1.Thiếu chất xơ trong chế độ ăn uống

Những người thực hiện chế độ ăn kiêng ít chất xơ thường có khả năng cao bị táo bón.

Cần sử dụng thường xuyên các thực phẩm giàu chất xơ như trái cây, rau và ngũ cốc trong chế độ ăn uống hàng ngày, chất xơ sẽ giúp thúc đẩy nhu động ruột và ngăn ngừa táo bón.

Nên có sự phân loại thức ăn, ăn vừa phải các thực phẩm ít chất xơ, điển hình là thực phẩm giàu chất béo (ví dụ: phô mai, thịt và trứng).

2. Không hoạt động thể chất

Táo bón rất dễ xảy ra ở những người hầu như không vận động cơ thể, điều này thường gặp ở đối tượng người lớn tuổi. Đối với những người phải nằm liệt giường trong một thời gian dài (có thể trong vài ngày hoặc vài tuần), nguy cơ bị táo bón của họ tăng lên đáng kể.

Người lớn tuổi có xu hướng ít vận động hơn so với người trẻ tuổi và do đó có nguy cơ táo bón cao hơn. Những người thỉnh thoảng hoạt động thể chất có khả năng bị táo bón ít hơn những người không hoạt động chút nào.

Hiện nay, các chuyên gia chưa lý giải được nguyên nhân chắc chắn cho vấn đề này. Nhiều người cho rằng, hoạt động thể dục sẽ giúp duy trì sự trao đổi chất ở mức cao, khiến cho mọi quá trình trong cơ thể diễn ra nhanh hơn, trong đó có thúc đẩy nhu động ruột, giúp tống phân ra ngoài.

3. Các loại thuốc

Các loại thuốc phổ biến nhất để gây táo bón là:

  • Thuốc giảm đau gây nghiện (opioid), ví dụ: codein (Tylenol), oxycodone (Percocet) và hydromorphone (Dilaudid)
  • Thuốc chống trầm cảm, ví dụ: amitriptyline (Elavil) và imipramine (Tofranil)
  • Thuốc chống co giật, ví dụ: phenytoin (Dilantin), carbamazepine (Tegretol)
  • Thuốc chặn kênh canxi, ví dụ: diltiazem (Cardizem) và nifedipine (Procardia)
  • Thuốc kháng acid dạ dày có chứa nhôm, ví dụ: Amphojel và Basaljel
  • Thuốc lợi tiểu, ví dụ: chlorothiazide (Diuril)

4. Sữa

Một số người bị táo bón khi uống sữa và sử dụng các chế phẩm từ sữa.

5. Hội chứng ruột kích thích

Những người bị hội chứng ruột kích thích (IBS) thường bị táo bón nhiều hơn so với những người không bị bệnh này.

6. Mang thai

Quá trình mang thai làm nảy sinh vấn đề thay đổi nội tiết tố có thể khiến nhiều phụ nữ dễ bị táo bón. Bên cạnh đó còn do nguyên nhân khi tử cung chứa em bé lớn lên, chèn ép vào ruột, làm chậm quá trình di chuyển của thức ăn.

vicare.vn-tao-bon-va-cac-nguyen-nhan-thuong-gap-body-2

7. Quá trình lão hóa

Khi một người già đi, quá trình trao đổi chất của cơ thể chậm lại, dẫn đến giảm hoạt động của ruột, các cơ trong đường tiêu hóa không còn hoạt động linh hoạt như trước. Họ sẽ dễ bị táo bón.

8. Thay đổi thói quen sinh hoạt

Khi một người di chuyển đến một địa điểm khác (đi du lịch, công tác), các thói quen sinh hoạt bình thường của họ sẽ bị thay đổi, điều này có tác động rõ rệt đến hệ thống tiêu hóa: ăn uống vào những khung giờ khác, hoặc đi ngủ, thức dậy và đi vệ sinh khác với thường quy, nhịp sinh học bị xáo trộn mà cơ thể cần có thời gian để thích nghi. Tất cả những thay đổi đột ngột này rất dễ làm tăng nguy cơ táo bón.

9. Lạm dụng thuốc nhuận tràng

Một số người cho rằng cần phải đi vệ sinh ít nhất một lần một ngày, quan niệm này là không đúng. Và để đảm bảo điều này xảy ra, một số người thường tự ý sử dụng thuốc nhuận tràng.

Thuốc nhuận tràng có hiệu quả trong việc giúp đi đại tiện, nhưng khi sử dụng thuốc quá thường xuyên sẽ gây ra các vấn đề:

  • Cơ thể sẽ quen với tác dụng này của thuốc và về lâu dài người dùng cần tăng liều dần để có được hiệu quả tương tự.
  • Sử dụng thuốc nhuận tràng sẽ tạo thành thói quen, khi một người bị phụ thuộc vào thuốc, họ sẽ nguy cơ cao bị táo bón khi muốn dừng thuốc.

10. Không đi vệ sinh khi có nhu cầu

Nếu một người cố nhịn, bỏ qua sự thôi thúc của tín hiệu cơ thể cần đi vệ sinh, theo thời gian, sự thôi thúc đó có thể dần dần biến mất cho đến khi người đó không còn cảm thấy cần phải đi vệ sinh nữa. Việc trì hoãn này về lâu dài sẽ khiến thời gian phân lưu lại trong ruột lâu hơn bình thường và trở nên khô cứng hơn.

11. Không uống đủ nước

Nếu một người có cơ địa vốn bị táo bón, thì việc uống thêm nước có thể không có tác dụng nhiều. Tuy nhiên, ở người bình thường, thường xuyên uống nhiều nước sẽ giúp giảm nguy cơ bị hiện tượng này.

Nhiều loại soda và đồ uống có chứa caffeine có thể gây mất nước và khiến tình trạng táo bón nặng hơn. Các đồ uống chứa cồn (rượu, bia) cũng làm cơ thể mất nước nên những người bị táo bón hoặc dễ bị táo bón cần hạn chế.

12. Các bệnh của đại tràng hoặc trực tràng

Các khối u có thể chèn ép, gây cản trở cho các đoạn ruột và gây táo bón. Ngoài ra các vấn đề khác như: mô sẹo, viêm túi thừa đại tràng hoặc chứng hẹp đại tràng/ trực tràng bất thường, cũng gây ra tình trạng tương tự.

Những người bị bệnh Hirschsprung (chứng phình đại tràng bẩm sinh), cơ thể bị thiếu các tế bào hạch thần kinh ở đoạn ruột già, thường dẫn đến táo bón nghiêm trọng đòi hỏi các biện pháp can thiệp.

13. Một số bệnh khác

Các bệnh có xu hướng làm chậm sự di chuyển của phân qua đại tràng, trực tràng hoặc hậu môn có thể gây táo bón. Một số bệnh điển hình như sau:

  • Các bệnh rối loạn thần kinh: bệnh đa xơ cứng (MS - Multiple Sclerosis), bệnh Parkinson, đột quỵ, chấn thương cột sống và hội chứng tắc ruột giả mãn tính tự phát (CIP) có thể dẫn đến táo bón.
  • Các bệnh về nội tiết và chuyển hóa: bệnh tăng urê huyết, tiểu đường, tăng canxi máu, kiểm soát đường huyết kém và bệnh suy giáp.
  • Bệnh hệ thống: Đây là những bệnh ảnh hưởng đến một vài cơ quan, mô, hoặc ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể, bao gồm: bệnh lupus, xơ cứng bì, bệnh amyloidosis (hiện tượng tích tụ protein amyloid bất thường trong các cơ quan của cơ thể).
  • Ung thư: Táo bón xảy ra ở những người bị ung thư, chủ yếu là do sử dụng nhiều thuốc giảm đau và hóa trị. Ngoài ra, có thể do khối u chèn ép hệ thống tiêu hóa.

Điều trị táo bón

vicare.vn-tao-bon-va-cac-nguyen-nhan-thuong-gap-body-3

Trong phần lớn các trường hợp, táo bón có khả năng tự khỏi mà không cần điều trị và không gây hậu quả gì lớn cho sức khỏe.

Việc phòng tránh táo bón tái phát có thể thực hiện nhờ thay đổi lối sống: tập thể dục nhiều hơn, ăn nhiều chất xơ và uống nhiều nước hơn.

Thông thường, thuốc nhuận tràng sẽ có hiệu quả trong hầu hết các trường hợp táo bón, tuy nhiên cần sử dụng thuốc cẩn thận và chỉ dùng khi thật sự cần thiết. Trong những trường hợp nặng hơn, người bệnh có thể đi khám để bác sĩ chẩn đoán và kê thuốc điều trị.

Vấn đề quan trọng là chúng ta cần phải hiểu nguyên nhân gây nên tình trạng táo bón của cơ thể mình, đó có thể là biểu hiện hoặc nguy cơ tiềm ẩn của một bệnh nào đó. Những người bị táo bón thường xuyên có thể sử dụng nhật ký hàng ngày để ghi lại nhu động ruột, cấu trúc của phân, các đặc điểm sinh hoạt khác, ... để giúp bác sĩ và bệnh nhân đưa ra được phương pháp điều trị phù hợp nhất.

Một số bác sĩ tiêu hóa nhận thấy rằng, có nhiều người không dành đủ thời gian cho việc đi vệ sinh: bỏ qua tín hiệu buồn đi vệ sinh, đi quá vội, đi ngắt quãng, mất tập trung trong khi đi vệ sinh, ... là nguyên nhân gây táo bón. Và lời khuyên của bác sĩ dành cho họ là phải ngừng những thói quen xấu này ngay lập tức.

Biện pháp tự nhiên

Có một số cách để giảm bớt các triệu chứng táo bón mà không cần sử dụng thuốc, bao gồm:

  • Tăng lượng chất xơ: những người bị táo bón nên ăn từ 18 đến 30g chất xơ mỗi ngày, ăn nhiều trái cây, rau quả tươi, ngũ cốc, là các nguồn có hàm lượng chất xơ cao.
  • Uống nhiều nước: Uống nhiều nước có thể cải thiện tình trạng mất nước của cơ thể.
  • Xoa bụng: nếu bị táo bón mức độ nhẹ có thể xoa bụng hàng ngày để tăng nhu động ruột, giúp đi vệ sinh dễ hơn.
  • Dùng chất độn: thêm những loại này vào chế độ ăn uống giúp làm mềm phân và làm phân dễ đi ra ngoài hơn, ví dụ: cám lúa mì.
  • Tập thể dục thường xuyên: điều này giúp cho các quá trình của cơ thể hoạt động nhịp nhàng hơn, bao gồm cả việc đi đại tiện.
  • Thiết lập thói quen: dành thời gian cố định trong ngày để đi nhà vệ sinh, không nhất thiết phải đi đại tiện mà chỉ cần ngồi rặn để tạo thói quen cho cơ thể.
  • Tránh việc nhịn đi vệ sinh: hãy đi vệ sinh ngay khi cơ thể có nhu cầu, đây là chìa khóa để không bị táo bón hành hạ.
  • Kê cao chân khi đi vệ sinh: đặt chân lên một cái ghế để đầu gối cao hơn hông là tư thế ngồi đi vệ sinh tốt cho người dễ bị táo bón, ở vị trí này phần ruột dưới thẳng hơn khiến việc đi vệ sinh dễ dàng hơn.
  • Sử dụng các loại thảo dược: nhiều thảo dược được dùng cho người bị táo bón và cho thấy có hiệu quả thực tế, ví dụ: các loại trà thảo dược, nước lá cây thạch xanh, thạch đen, ...

Nếu các triệu chứng táo bón không thuyên giảm sau khi đã sử dụng các biện pháp trên, bạn nên đi khám bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị.

vicare.vn-tao-bon-va-cac-nguyen-nhan-thuong-gap-body-4

Biện pháp sử dụng thuốc nhuận tràng không cần kê đơn

Mọi người cần nhớ chỉ sử dụng các thuốc nhuận tràng khi đó là biện pháp cuối, khi các giải pháp khác không có hiệu quả:

  • Chất kích thích nhu động ruột: làm cho các cơ trong ruột co bóp nhịp nhàng hơn, ví dụ: Correctol, Dulcolax và Senokot.
  • Chất bôi trơn đường ruột: giúp phân đi qua đại tràng dễ dàng hơn, ví dụ: các loại dầu khoáng, Fleet.
  • Chất làm mềm phân: có tác dụng làm ẩm và mềm phân, ví dụ: Colace, Surfak.
  • Thực phẩm bổ sung chất xơ: Đây có lẽ là thuốc nhuận tràng an toàn nhất, ví dụ một số nhãn hiệu: FiberCon, Metamucil, Konsyl, Serutan, Citrucel. Các loại này nên được uống với nhiều nước.
  • Thuốc nhuận tràng thẩm thấu: làm tăng áp suất trong lòng ruột, gây giữ nước để làm mềm phân, đồng thời kích thích nhu động ruột. Ví dụ: Cephulac, Sorbitol và Miralax.
  • Thuốc nhuận tràng dạng muối: có tác dụng hút nước vào đại tràng, ví dụ dạng sữa magiê.
  • Chất kích hoạt kênh Clo: đây là loại thuốc cần kê đơn, ví dụ: lubiprostone (Amitiza).
  • Chất chủ vận 5-HT-4: làm tăng sự tiết dịch trong ruột và tăng tốc độ thức ăn đi qua ruột kết, ví dụ: Prucalopride.

Nếu táo bón không đáp ứng với bất kỳ điều trị bằng thuốc nào, biện pháp cuối cùng là bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật cắt bỏ một phần của ruột kết. Trong phẫu thuật này, đoạn cơ thắt hậu môn hoặc trực tràng gây táo bón được loại bỏ.

Biến chứng

Táo bón có thể gây khó chịu nhưng không nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên, táo bón nặng trong thời gian dài có thể dẫn đến các bệnh nghiêm trọng hơn, ví dụ:

  • Chảy máu trực tràng sau khi cơ thể liên tục phải rặn để đi đại tiện
  • Nứt hậu môn, có những vết rách nhỏ quanh hậu môn
  • Bệnh trĩ, hoặc sưng, viêm các mạch máu ở trực tràng
  • Phân bị nén chặt, tình trạng này do phân khô tập trung ở hậu môn và trực tràng, dẫn đến tắc nghẽn, phân không thể thải ra ngoài, nếu để lâu có thể gây tắc ruột.

Tình trạng táo bón thông thường rất dễ xử lý, hãy tích cực áp dụng các biện pháp để cải thiện điều này trước khi nó gây khó chịu và có những vấn đề nặng hơn cần can thiệp của bác sĩ.

(Theo Medicalnewstoday)

Xem thêm:

  • Cách điều trị chứng táo bón tại nhà
  • Những loại thực phẩm sẽ khiến táo bón trầm trọng hơn