12 mẹo từ chuyên gia giúp trẻ sơ sinh ngủ ngon

Cha mẹ cần biết cách giúp trẻ sơ sinh rèn luyện thói quen ngủ ngon ngay từ sớm. Mỗi người cần kiên nhẫn để rèn em bé ngủ ngon từ khi lọt lòng. Dưới đây là 12 cách giúp trẻ sơ sinh ngủ ngon có thể áp dụng hàng ngày.

12 mẹo từ chuyên gia giúp trẻ sơ sinh ngủ ngon 12 mẹo từ chuyên gia giúp trẻ sơ sinh ngủ ngon

Học cách đi ngủ cũng là một kỹ năng của em bé trong năm đầu đời. Các bậc cha mẹ cần biết cách giúp trẻ sơ sinh rèn luyện thói quen ngủ ngon ngay từ đầu. Vấn đề này không có một phương thức chung mà mỗi người cần có sự nhạy cảm, biết quan sát và kiên nhẫn thực hành để có thể rèn luyện cho em bé ngủ ngon từ khi lọt lòng.

Đặc điểm giấc ngủ của trẻ sơ sinh

Trẻ sơ sinh thường ngủ rất nhiều, lên đến 16 đến 17 giờ mỗi ngày. Trong vài tuần đầu tiên từ khi lọt lòng, hầu hết trẻ sơ sinh không ngủ quá hai đến bốn giờ mỗi lần, kể cả ban ngày hay ban đêm.

Kết quả của vấn đề này là: Một em bé sơ sinh ngủ rất nhiều giấc, không theo lịch trình nào sẽ khiến các bậc phụ huynh vô cùng mệt mỏi, bạn và chồng (thậm chí ông bà nội/ ngoại) sẽ bị thức dậy nhiều lần trong đêm để tã, cho bú và vỗ về khi em bé khóc.

Tại sao cách ngủ của trẻ sơ sinh lại không thể đoán trước?

Chu kỳ giấc ngủ của em bé ngắn hơn nhiều so với người lớn và các bé sơ sinh dành nhiều thời gian hơn cho giấc ngủ mắt chuyển động nhanh (REM - rapid eye movement), điều này được các nhà khoa học lý giải là cần thiết cho sự phát triển đặc biệt xảy ra trong não bộ của em bé ở giai đoạn nhỏ tuổi.

Tất cả những giấc ngủ không theo quy luật này là một giai đoạn cần thiết trong quá trình phát triển của em bé và nó thường không kéo dài lâu, tuy nhiên vào thời điểm khi khi bạn bị thiếu ngủ thì việc này dường như kéo dài bất tận.

Khi nào em bé sẽ bắt đầu ngủ lâu hơn?

Khi được 6 đến 8 tuần tuổi, phần đông các bé bắt đầu ngủ khoảng thời gian ngắn hơn vào ban ngày và dài hơn vào ban đêm, mặc dù hầu hết vẫn tiếp tục thức dậy để bú trong đêm. Các bé bắt đầu có thời gian ngủ REM ngắn hơn và có nhiều thời gian ngủ sâu hơn (giấc ngủ Non-REM).

Các chuyên gia cho biết, trong khoảng từ 4 đến 6 tháng, hầu hết các em bé đều có khả năng ngủ trong khoảng thời gian dài từ 8 đến 12 giờ suốt đêm (ngủ nguyên đêm). Một số trẻ sơ sinh có thể ngủ nguyên đêm sớm nhất là thời điểm 6 tuần, nhưng nhiều trẻ không làm được điều này cho đến khi chúng được 5 hoặc 6 tháng tuổi, thậm chí một số trẻ tiếp tục thức dậy vào ban đêm đến tận khi chập chững đi.

Nếu mục tiêu của bạn là giúp trẻ sơ sinh có giấc ngủ ngon, hãy tiến hành các cách dạy bé thói quen ngủ tốt ngay từ đầu, điều này sẽ giúp bé sớm có thể ngủ nguyên đêm.

vicare.vn-12-meo-tu-chuyen-gia-giup-tre-so-sinh-ngu-ngon-body-1

Các nguyên tắc giúp trẻ sơ sinh ngủ ngon

  1. Thường xuyên cho bé ngủ những giấc ngắn

Trong 6 đến 8 tuần đầu tiên, hầu hết trẻ sơ sinh không thể chịu được việc mỗi lượt thức lâu quá hai giờ. Nếu bạn chần trừ lâu chưa đặt em bé xuống để ngủ tiếp, bé có thể bị quá sức và khó ngủ. Dùng đúng nguyên tắc này là một trong những cách giúp trẻ sơ sinh ngủ ngon ngay từ đầu.

2. Dạy bé sự khác biệt giữa ngày và đêm

Một số trẻ sơ sinh được mệnh danh là cú đêm (bạn có thể thấy một vài dấu hiệu từ khi mang thai), bé sẽ tỉnh như sáo khi nghe thấy dù chỉ một tiếng động nhỏ nhất. Trong vài ngày đầu mới sinh, bạn sẽ không thể làm gì để cải thiện vấn đề này, nhưng khi em bé của bạn được khoảng 2 tuần tuổi, bạn có thể bắt đầu dạy bé phân biệt ban đêm với ban ngày.

Khi em bé thức dậy và tỉnh táo vào ban ngày, hãy trò chuyện và chơi với bé nhiều nhất có thể, luôn để cho phòng của em bé có nhiều ánh sáng, không phải cố gắng giảm nhỏ các âm thanh như trò chuyện, chuông điện thoại, tiếng nhạc, tivi hoặc âm thanh đường phố. Nếu bé có vẻ muốn ngủ qua bữa ăn, hãy nhẹ nhàng đánh thức em bé dậy.

Vào ban đêm, đừng chơi với bé kể cả khi bé thức dậy, hãy để đèn và tiếng ồn ở mức thấp, không dành quá nhiều thời gian để nói chuyện với bé. Chẳng bao lâu sau, em bé sẽ hiểu ra rằng ban đêm là thời gian để ngủ.

3. Để ý những dấu hiệu mệt mỏi của em bé

Những dấu hiệu chứng tỏ em bé đang mệt mỏi có thể là: dụi mắt, kéo tai, hay quấy khóc hơn bình thường. Nếu bạn thấy những điều này hoặc bất kỳ dấu hiệu buồn ngủ nào khác, hãy thử đặt em bé xuống ngủ. Ở địa vị một người mẹ, bạn sẽ sớm phát triển giác quan thứ sáu để cảm nhận nhịp điệu, thói quen sinh hoạt của bé, và bản năng người mẹ sẽ mách bảo bạn khi nào bé sẵn sàng đi ngủ.

4. Thiết lập một thói quen đi ngủ cho bé

Không bao giờ là quá sớm để bắt đầu rèn một thói quen đi ngủ tốt cho em bé. Đó có thể chỉ đơn giản như: đặt em bé vào giường, hát một vài đoạn hát ru và một nụ hôn chúc bé ngủ ngon.

5. Đặt bé vào giường từ khi bé bắt đầu buồn ngủ nhưng vẫn còn tỉnh

Khi bé được khoảng 6 đến 8 tuần tuổi, bạn có thể bắt đầu rèn cho bé tự ngủ bằng cách đặt bé xuống khi bé bắt đầu có dấu hiệu buồn ngủ nhưng vẫn còn thức, đây là gợi ý của bác sĩ Jodi Mindell, phó giám đốc của Trung tâm Rối loạn giấc ngủ tại Bệnh viện Nhi đồng Philadelphia, Mỹ và tác giả của cuốn sách “Ngủ nguyên đêm”.

Mindell khuyên không nên lắc lư để dỗ em bé ngủ, ngay cả những em bé sơ sinh. Cô nói rằng: "Các ông bố bà mẹ thường nghĩ rằng nếu đặt bé xuống giường sớm như vậy thì không có tác dụng, nhưng thực tế là ngược lại. Trẻ sơ sinh đang cần học cách tự đi ngủ, nếu hàng đêm bạn lắc lư dỗ con ngủ trong 8 tuần đầu, sao bé có thể làm khác được trong những tuần tiếp theo?".

Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng ý với phương pháp này. Rất nhiều cha mẹ thường xuyên vỗ về hay lắc lư để ru em bé ngủ bởi nhiều lí do: vì họ tin đó một việc hết sức bình thường và đúng tự nhiên, vì họ cảm thấy thích làm điều đó, hoặc đơn giản là vì họ không biết cách nào khác để giúp bé. Những bậc cha mẹ này thường sẽ phải thức dậy với con vài lần trong đêm để giúp bé ngủ lại được.

12 cách giúp trẻ sơ sinh ngủ ngon hơn

  • Lắp rèm cửa. Có thể bạn chưa cần dùng trong giai đoạn bé sơ sinh, nhưng về sau sẽ rất cần để tạo thói quen cho bé. Đây là cách giúp trẻ sơ sinh ngủ ngon khá hữu hiệu.
  • Một số cha mẹ rất tin tưởng vào các động tác như: xoa bóp, massage cho trẻ sơ sinh, nhẹ nhàng vuốt khăn giấy lên mặt bé để giúp chúng bình tĩnh lại và khiến chúng ngủ say, ... hãy làm bất cứ cách giúp trẻ sơ sinh ngủ ngon mà bạn cho rằng có hiệu quả. Tuy nhiên phải luôn nhớ rằng không nên tạo thói quen xấu cho trẻ sơ sinh.
  • Có biện pháp chống sập cửa khiến bé bị giật mình.
  • Cho bé vào cũi mà không đánh thức chúng:
vicare.vn-12-meo-tu-chuyen-gia-giup-tre-so-sinh-ngu-ngon-body-2

Quan sát mắt của bé, nếu mắt của bé đã nhắm và hơi giật, chúng bắt đầu đi vào giấc ngủ sâu, hãy đợi cho đến khi các cơ của bé giãn ra và bé thở sâu hơn, khi đó hãy kiểm tra cánh tay (nâng một cánh tay bé lên và thả nhẹ xuống) nếu em bé không cựa quậy, bạn có thể đi ra ngoài.

Khi chuyển cần em bé vào cũi, hãy làm thật nhẹ nhàng và giữ nguyên tay trên người bé thêm vài phút nữa, điều này sẽ giúp bé thích nghi dần với sự thay đổi chỗ nằm, nếu bé bị giật mình, bạn hãy vỗ nhẹ bụng bé vài cái.

Cố gắng giữ bé ở nguyên tư thế ngủ khi nhấc bé lên hay đặt bé xuống. Đặt bé nằm thẳng trong cũi, có thể sử dụng thêm gối nếu cần.

  • Chú ý giai đoạn tỉnh ngủ của trẻ sơ sinh. Trẻ sơ sinh thường chỉ tỉnh những khoảng ngắn từ 30 đến 60 phút trong vòng bốn tháng đầu đời; hãy cho bé ngủ ngay khi bé có vẻ mệt mỏi.
  • Thay tã/bỉm cho bé trước khi cho bé ăn đêm để giảm thiểu việc đánh thức bé. Không cần phải thay tã/bỉm vào ban đêm trừ khi em bé đi ị hoặc đi tè, hãy để bé được ngủ ngon trừ những lúc cần thức dậy để bú.
  • Khi thức dậy cho bé ăn vào ban đêm, đừng bật đèn sáng. Hãy mua loại đèn ngủ có ánh sáng vừa phải, có thể đặt ở bất kỳ vị trí nào và bật tắt dễ dàng. Điều này cũng giúp làm giảm các tín hiệu thức dậy ở não của bố mẹ và cả em bé, vì vậy bé sẽ dễ dàng quay trở lại giấc ngủ sau khi bú. Đây là cách giúp trẻ sơ sinh thường được áp dụng ở hầu hết các gia đình.
  • Có thể để chăn đệm trong cũi của bé hơi ấm một vài phút đầu (bằng cách hơ ấm chăn, dùng túi sưởi, ...), điều này sẽ giúp làm ấm em bé và khiến cho việc chuyển bé từ cánh tay cha mẹ vào cũi dễ dàng hơn. Tuy nhiên bạn cần kiểm tra lại nhiệt độ chăn đệm, không được để quá nóng hoặc nóng quá lâu.
  • Phân công kế hoạch chăm bé vào ban ngày và buổi đêm, do các bé sơ sinh vừa chào đời chưa làm quen được ngay với nhịp sinh học mới nên chúng sẽ thức dậy vào giữa đêm và bạn cần có cách để xử lí tình huống đó, ít nhất là trong vài tháng đầu.
  • Nếu em bé ngủ cùng phòng với bạn, để không đánh thức chúng khi bạn đi ra vào phòng, có thể sử dụng máy tạo tiếng ồn trắng và làm tất cả các hoạt động khác ở bên ngoài phòng ngủ.
  • Ban ngày, nếu em bé ngủ thiếp trên tay bạn, đừng lo lắng phải kiếm cũi hoặc nôi để đặt bé vào, bạn chỉ cần đặt bé xuống một vị trí an toàn, thậm chí có thể là sàn nhà (không làm vậy nếu nhà có chó hoặc có trẻ lớn hơn tập đi). Nếu cảm thấy quá mệt mỏi, hãy coi chừng vì bạn có thể ngủ thiếp đi mà vẫn đang bế em bé trên tay.
  • Tận hưởng khoảng thời gian chợp mắt của bé: bạn có thể uống tách trà, tập thể dục, đọc sách hoặc tin tức, chat chit với bạn bè, hãy làm mọi điều bạn thích, ... để thư giãn.

Việc giúp trẻ sơ sinh ngủ ngon sẽ khiến bé sớm hình thành thói quen tốt, điều này quan trọng đối với sự phát triển của bé và khiến các bậc cha mẹ đỡ vất vả hơn trong việc chăm sóc em bé.

Xem thêm:

  • Trẻ sơ sinh khó ngủ - Nguyên nhân và giải pháp khắc phục
  • Mẹ cần làm gì khi trẻ sơ sinh ngủ ít?