Xử trí vết phỏng đúng cách
Phỏng là nốt phồng rộp trên da. Phỏng xảy ra do sơ ý, bất cẩn hay tai nạn, do bỏng bô xe máy, bỏng điện, bỏng nước sôi, bỏng dầu mỡ chiên, hay hoá chất, lò hơi trong lao động.... với nhiều mức độ khác nhau từ nhẹ tới nặng, có thể để lại di chứng hay thậm chí dẫn đến tử vong.
Xử trí vết phỏng đúng cách
Phỏng là nốt phồng rộp trên da. Phỏng xảy ra do sơ ý, bất cẩn hay tai nạn... với nhiều mức độ khác nhau từ nhẹ tới nặng, có thể để lại di chứng hay thậm chí dẫn đến tử vong.
Có nhiều tác nhân gây ra phỏng như: do bỏng bô xe máy, bỏng điện, bỏng nước sôi, bỏng dầu mỡ chiên, hay hoá chất, lò hơi trong lao động. Các nốt phỏng cần được xử trí đúng cách.
Phỏng làm tổn thương da và các mô sâu dưới da. Tùy theo độ sâu và mức độ lan rộng của da. Phỏng được chia làm 3 loại: Độ 1: tổn thương ở lớp biểu bì của da, với các biểu hiện da đỏ, đau và rất nhạy cảm khi chạm vào; Độ 2: tổn thương ở lớp bì của da, với các biểu hiện da đỏ, đau, nhạy cảm khi chạm vào và thường xuất hiện các mụn nước ở trên da; Độ 3: tổn thương suốt chiều sâu của da và các mô dưới da, với các biểu hiện da có màu trắng, đen, kém nhạy cảm khi chạm vào và không đau (do các dây thần kinh cảm giác ở dưới da bị tổn thương), ít xuất hiện mụn nước.
Phỏng độ 1 và 2 được coi là phỏng nhẹ, có thể xử trí và điều trị tại nhà. Bài viết này sẽ đề cập tới phỏng độ 3, phỏng diện rộng độ 2, phỏng do hóa chất và phỏng ở tay, chân, mặt, háng được xếp vào phỏng nặng, cần nhanh chóng đưa đi cấp cứu tại bệnh viện.
Xử lý ban đầu vết phỏng đúng cách
Chỗ da phồng do bị cọ xát mạnh và liên tục có hình dạng như những bong bóng nước và chúng chứa đầy nước bên trong, gây cảm giác đau rát, khó chịu. Khi bị bỏng với những nguồn nhiệt lớn bô xe máy, dầu mỡ thì vết bỏng thường sâu hơn, nặng hơn, đặc biệt ngay trong bước đầu sơ cứu bỏng nếu không làm mát ngay với nước mát thì những vết bỏng này thường bị phồng nước lên luôn, tùy vào diện tích da bị ảnh hưởng bởi bỏng mà những vết phồng nước có những kích thước về độ rộng khác nhau.
Phải xử trí đúng ngay sau khi bị phỏng, nếu để quá 15 phút thì hiệu quả sẽ giảm đi một nửa. Việc đầu tiên là phải sát khuẩn các vết phỏng. Nên rửa vết phỏng dưới nước sạch. Có thể dùng nước muối loãng (natri clorua 0,9%) để lau nhẹ vết phồng rộp. Đối với các vết phồng nhẹ và nhỏ, có thể làm vết phỏng mau lành bằng các cách: Dùng một chiếc khăn sạch thấm nước trà đặc để nguội hoặc nước mát đắp lên chỗ phồng khoảng 30 phút. Sau đó dùng một băng gạc che vùng bị rộp lại để tránh va chạm gây vỡ vết phồng.
Không ít người đã tự ý điều trị tại nhà bằng các kinh nghiệm truyền miệng như: bôi xà phòng, xoa nước mắm, bôi kem đánh răng, đắp thuốc... thậm chí còn dội nước đá lên nốt phỏng. Tác dụng của những cách này chưa được xác thực, trong khi biến chứng để lại nặng nề hơn vì dễ gây nhiễm khuẩn vết thương. Nước mát sạch là phương thuốc sơ cứu phỏng tốt nhất. Nước mát sẽ làm giảm đau, giảm nóng rát ngay tức thì. Đồng thời có tác dụng giảm viêm, giảm phù nề, làm giảm độ sâu của tổn thương đối với tổn thương phỏng nông. Không dùng nước lạnh, nước đá (trong tủ lạnh) để làm mát da vùng bị phỏng dễ gây ra hiện tượng co mạch máu và làm tình trạng phỏng nặng nề hơn.
Thông thường, các vết phồng sẽ khỏi sau chừng 3 - 4 ngày thì da sẽ liền. Nhưng nếu không xử trí đúng cách, chọc vỡ gây nhiễm khuẩn làm đau và vết thương kéo dài thậm chí nguy hiểm do nhiễm khuẩn vết thương.
Lưu ý: Nếu nước chảy ra từ chỗ phồng có mùi hôi, vết phồng bất thường (đau, đỏ, lan rộng, lâu lành da...) là vết phồng đã bị nhiễm khuẩn. Vì vậy, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được cán bộ y tế thăm khám và xử trí.
Chăm sóc vết phỏng bị vỡ
Vết phồng nước khi bị vỡ thường rất khó chịu và gây đau đớn hơn cho người bị thương, cần chăm sóc kĩ lưỡng để tránh nhiễm khuẩn. Có một vài bước đơn giản mà bạn nên thực hiện hàng ngày để chăm sóc vết phồng rộp bị vỡ, đảm bảo cho vết thương mau lành.
Cần thường xuyên thay rửa vết thương phồng rộp cũng như thay miếng dán trên vết phồng rộp. Trước khi thay miếng dán khác nên nhẹ nhàng rửa sạch vết bỏng rồi bôi thuốc mỡ kháng sinh. Bạn nên sử dụng miếng dán đến khi vết phồng rộp lành hoàn toàn. Nếu vết thương có hiện tượng ngứa vì lên da non, thì không nên gãi cũng như động vào vết thương nhiều. Cần giữ cho vết thương thoáng mát và khô ráo, có thể thấm ướt một miếng khăn sạch trong nước đá và đắp lên vùng da đang lành. Nên nhớ rửa da phồng rộp lại và bôi thuốc mỡ, băng lại.
Lấy miếng da bị bong sau khi vết thương không còn bị đau, vùng da phía dưới vết phồng dần lành, không bị mềm thì có thể gỡ miếng da cũ bằng các dụng cụ tiệt trùng. Nếu có hiện tượng bị viêm nhiễm: vết thương đỏ rát, sưng phồng, có mủ, sốt, đau đớn,... cần đến gặp bác sĩ để có hướng giải quyết kịp thời.
Lời khuyên của thầy thuốc
Phỏng là hiện tượng thường gặp hàng ngày, những đối tượng thường bị bỏng là trẻ em, những người làm công việc nội trợ, hoặc làm những công việc có tiếp xúc với nguồn nhiệt lớn. Chỉ một sơ suất nhỏ là có thể bị bỏng ngay. Đối với trẻ em, chúng ta nên hướng dẫn trẻ tránh xa những nguồn có thể gây bỏng như nước sôi hoặc bô xe máy. Đối với những bà nội trợ thì nguy cơ bị bỏng từ dầu mỡ trong lúc nấu ăn là thường xuyên, nên cần hết sức cẩn thận.
Để tránh những vết phồng nơi bàn tay khi lao động, cần mang loại găng tay mềm và dày. Thay đổi tư thế làm việc của bàn tay thường xuyên. Khi làm việc, tiếp xúc trực tiếp với những vật nặng có bề mặt thô nhám và cứng, nhất thiết phải tập thói quen mang găng tay. Cần xoa bóp tay mỗi ngày trong vài tuần để làm tăng sức chịu đựng của da tay.
Để tránh những vết phồng nơi bàn chân, khi lao động (làm nương, leo núi), phải mang giày bảo hộ, không nên đi chân đất, chọn cỡ giày thích hợp, không quá chật cũng không quá rộng. Không nên dùng loại giày làm bằng nguyên liệu thô, cứng.
Theo SK&ĐS
Xem thêm:
- Mẹo hay chữa bỏng bô an toàn, hiệu quả không để lại sẹo
- 6 cách điều trị sẹo bỏng tại nhà hiệu quả