Xử lý thế nào khi trẻ bị sốt cao liên tục?
Khi trẻ bị sốt cao liên tục, nhiệt độ cơ thể có thể lên đến 39, 40 độ C hoặc cao hơn và kéo dài trong nhiều tiếng đồng hồ. Nếu không được xử lý đúng cách, kịp thời trẻ có thể gặp biến chứng nguy hiểm như co giật, rối loạn ý thức, bại liệt và nặng nhất là tử vong.
Xử lý thế nào khi trẻ bị sốt cao liên tục?
Những nguyên nhân khiến trẻ bị sốt cao liên tục
Trẻ bị sốt cao liên tục là hiện tượng thân nhiệt của trẻ tăng cao có thể lên đến 39, 40 độ C hoặc hơn, kéo dài trong nhiều giờ đồng hồ mà không giảm nhiệt. Có 3 nguyên nhân chính khiến trẻ bị sốt cao liên tục:
Trẻ bị mắc các bệnh nhiễm trùng
Các bệnh nhiễm trùng như viêm màng não, viêm phổi và nhiễm trùng tai là các nguyên nhân hàng đầu gây nên hiện tượng sốt, sốt cao ở cả người lớn và trẻ nhỏ.
- Viêm màng não là tình trạng mà màng bao phủ não và tủy sống bị nhiễm trùng. Khi bị viêm màng não, trẻ thường có các biểu hiện sốt cao, cứng đầu, ói mửa và nhức đầu. Viêm màng não là một căn bệnh nguy hiểm, nếu bố mẹ thấy con xuất hiện các triệu chứng này thì nên đưa con đến bệnh viện ngay lập tức.
- Nhiễm trùng tai: Trẻ bị nhiễm trùng tai thường có hiện tượng sốt cao và cáu kỉnh.
- Viêm phổi là một trong những bệnh nhiễm trùng khiến trẻ bị sốt cao kèm theo các hiện tượng đau ngực, ớn lạnh, khi ho thì có đờm xanh hoặc đờm vàng.
- Viêm đường tiết niệu
Trẻ mắc một số bệnh nguy hiểm
Một số bệnh nguy hiểm như: bệnh bạch cầu, bệnh Hodgkin (ung thư to gan, to lá lách) và ung thư hạch không Hodgkin thường gây nên hiện tượng sốt cao ở trẻ. Bên cạnh đó, một số bệnh tự miễn dịch khác cũng gây nên tình trạng sốt cao tương tự bao gồm viêm khớp dạng thấp; các bệnh viêm, rối loạn đường ruột hay gặp ở trẻ như bệnh Crohn và viêm loét đại tràng.
Trẻ bị cảm nhiệt
Đây cũng là nguyên nhân khiến trẻ bị sốt cao liên tục. Khi trẻ bị cảm nhiệt thường có các biểu hiện mất ý thức, bị sốc, cháy da, lưỡi khô, buồn nôn, tiêu chảy và sốt cao. Người cao tuổi và trẻ nhỏ rất dễ bị cảm nhiệt vào mùa hè khi trời nắng nóng kéo dài với thân nhiệt có lên tới 40 độ C. Nếu không có sự can thiệp y tế kịp thời có thể dẫn đến tàn tật hoặc tử vong.
Xử lý thế nào khi trẻ bị sốt cao liên tục?
Khi trẻ bị sốt cao liên tục, nếu bố mẹ và người chăm sóc có cách xử lý đúng sẽ giúp trẻ giảm sốt. Ngược lại, nếu xử lý sai cách trẻ có thể bị sốt cao hơn, nguy cơ dẫn đến co giật và đe dọa tính mạng. Dưới đây là một số cách giảm sốt cho trẻ hiệu quả và đơn giản mà bố mẹ nên biết:
Làm mát cho trẻ
- Nhúng khăn vào một chậu nước có nhiệt độ tầm 35 độ C đến 36 độ C rồi vắt cho ráo nước sau đó đắp khăn lên trán, lau vào 2 nách, 2 bẹn của trẻ. Cứ hai phút, bố mẹ lại nhúng khăn vào nước ấm và làm tương tự cho đến khi thân nhiệt của bé ở mức bình thường.
- Cho một vài giọt dầu khuynh diệp vào chậu nước tắm ấm rồi lau người cho trẻ.
- Lưu ý: Không nên thoa dầu gió và dùng nước lạnh lau người khi trẻ bị sốt.
Bổ sung nước và chất dinh dưỡng cho cơ thể của trẻ
Trẻ bị sốt cao liên tục nhiều giờ đồng hồ thường đối mặt với hiện tượng mất nước nhanh chóng. Do vậy, bố mẹ nên bổ sung nước thường xuyên cho trẻ thông qua nước lọc, nước canh, sữa, nước hoa quả hoặc cho trẻ ăn các loại trái cây giàu vitamin và có tác dụng thanh nhiệt như cam, bưởi, quýt. Bên cạnh đó, bố mẹ cũng nên cho trẻ ăn những thức ăn dễ tiêu hóa như cháo và súp.
Cho trẻ uống thuốc hạ sốt
Cho trẻ uống thuốc hạ sốt là biện pháp hiệu quả nhất để giúp hạ nhiệt ở cơ thể của trẻ. Tuy nhiên, bố mẹ cần lưu ý là không nên cho trẻ uống thuốc nếu như chưa có sự tư vấn của bác sĩ. Thuốc hạ sốt có thể giúp thân nhiệt của trẻ giảm từ 1 đến 1,5 độ C. Nếu trẻ uống thuốc rồi mà thân nhiệt vẫn cao, nhiệt độ giảm không đáng kể thì nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được điều trị kịp thời.
Những trường hợp cần đưa trẻ đến bệnh viện khi bị sốt cao liên tục
Với một số trẻ bị sốt cao liên tục, bố mẹ có thể giảm sốt cho trẻ ngay tại nhà nhưng một số trường hợp bố mẹ cần lập tức đưa trẻ đến bệnh viện:
- Tuổi: Trẻ dưới 2 tháng tuổi.
- Thời gian sốt: kéo dài trên 24h hoặc đã hạ sốt nhưng sốt lại sau 24h.
- Thân nhiệt cao trên 40 độ C.
- Trẻ sốt cao kèm theo hiện tượng quấy khóc, ngủ li bì, khó đánh thức, bứt rứt khi cử động.
- Trẻ sốt kèm theo hiện tượng cổ cứng và phát ban.
- Trẻ sốt, khi ăn thì khó nuốt và gặp hiện tượng khó thở.
- Sốt xuất hiện thêm các biểu hiện như co giật, tiểu buốt, tiểu ra máu, nôn, nôn ra máu.
Làm sao để phòng ngừa sốt cao liên tục ở trẻ?
Để phòng ngừa sốt cao liên tục ở trẻ, bố mẹ cần:
- Cung cấp đầy đủ các dưỡng chất cho trẻ.
- Giữ ấm cho trẻ vào mùa đông và tạo môi trường thoáng mát cho trẻ vào mùa hè.
- Khi ra đường nên đeo khẩu trang cho trẻ để tránh khói bụi.
- Giữ vệ sinh sạch sẽ cho trẻ, không để trẻ tiếp xúc với các nhân tố gây bệnh như: người bị bệnh, thuốc lá, khói bụi, ẩm mốc.
- Làm sạch môi trường sống để hạn chế sự sinh sôi nảy nở của muỗi để phòng ngừa sốt xuất huyết.
Tốt nhất, ngay khi trẻ có hiện tượng sốt, bố mẹ nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ để có biện pháp điều trị hợp lý, tránh trường hợp trẻ bị sốt cao liên tục mới vội vàng đưa trẻ đi khám/cấp cứu.
Xem thêm:
- Khi bé bị viêm họng sốt cao liên tục phải làm gì?
- Phải làm gì khi bé viêm họng sốt cao liên tục?