Xăm môi có hại không?
Xăm môi có hại không là thắc mắc của không ít người bởi nhu cầu làm đẹp đôi môi bằng phun, xăm ngày một tăng cao. Tuy nhiên, trước khi lựa chọn phương pháp làm đẹp đơn giản, rẻ tiền và dễ thực hiện này bạn nên cân nhắc kỹ tránh "tiền mất tật mang".
Xăm môi có hại không?
Phương pháp xăm môi là gì?
Phun, xăm môi là biện pháp dùng kim loại đưa một lượng chất tạo màu vào sâu dưới lớp thượng bì của da.
Hiện nay có 2 phương thức thực hiện là xăm bằng tay hoặc phun bằng máy, trong đó phun, xăm môi bằng máy khá phổ biến và mang lại hiệu quả cao hơn vì dễ thao tác, điều chỉnh lớp xăm nông sâu tùy theo yêu cầu của khách hàng.
Rủi ro khi xăm môi
Ưu thế của phương pháp xăm môi được biết tới là rẻ, đẹp, dễ thực hiện... hơn hết là giúp phái nữ có đôi môi thâm, xỉn màu luôn được tươi tắn và 'giảm' thời gian trang điểm. Tuy nhiên, xăm môi cũng tiềm ẩn không ít rủi ro vì vậy việc cân nhắc kỹ trước khi thực hiện thủ thuật là điều vô cùng cần thiết.
Khi xăm môi các mũi kim nhỏ đâm xuyên trực tiếp vào da nên có thể mang lại nhiều nguy cơ gây hại cho sức khỏe. Đặc biệt, nếu thực hiện thủ thuật tại các cơ sở thẩm mĩ thiếu chuyên môn, nghiệp vụ sẽ dẫn tới những biến chứng khó kiểm soát.
Một số nguy hiểm tiềm ẩn khi xăm môi
Nhiễm trùng tại chỗ xăm: Môi có hiện tượng sưng, tấy đỏ kéo dài, chảy máu, nổi mụn, môi bị tụ mủ là những hậu họa khó lường sau khi xăm môi, bên cạnh biểu hiện hay gặp như sưng nề trong vài ngày đầu tùy cơ địa của từng người.
Nếu sưng khoảng 2 – 3 ngày bạn không cần phải lo lắng quá vì chỗ sưng sẽ tự lành, nhưng nếu môi vẫn sưng sau 5 - 6 ngày tiếp đó thì cần đến bác sĩ để được tư vấn, điều trị.
Dị ứng với mực xăm: Dị ứng khi phun, xăm môi thường biểu hiện bằng việc da bị viêm, tróc kéo dài nhiều tháng, thậm chí nhiều năm.
Mắc các bệnh lây nhiễm: Trong quá trình phun, xăm các vật dụng nếu không được tiệt trùng sạch sẽ có thể mang theo các mầm bệnh như HIV, viêm gan B,C, giang mai...
Ngoài việc có thể bị một trong các vấn đề tiềm ẩn trên, người xăm còn có thể không đạt được hình dáng đôi môi như ý muốn khi chuyên viên phun xăm không được đào tạo về kỹ thuật phun, xăm hay nhân tướng học.
Bên cạnh đó, nhu cầu thay đổi phong cách cũng như theo xu hướng màu sắc môi, khi mực xăm khó phai người xăm sẽ phải sử dụng các phương pháp khác như xăm chồng lên màu cũ hoặc sử dụng mỹ phẩm. Và việc mực xăm cũng có thể biến đổi khi xăm lên môi.
Việc xăm môi có hại không phụ thuộc vào từng trường hợp cũng như nơi thực hiện. Trước khi thực hiện xăm môi, bạn nên tìm hiểu kỹ cũng như được các chuyên gia tư vấn kỹ. Đặc biệt cần hiểu rõ về cơ thể mình xem có tiền sử dị ứng với hóa chất lạ hay không, nên đến các cơ sở thẩm mĩ uy tín, có chuyên môn cao, đặc biệt yêu cầu tiệt trùng dụng cụ, thay kim xăm... giúp việc xăm môi được như ý và phòng tránh tối đa các rủi ro có thể xảy ra.