Xạ trị là gì? Những điều cần biết về xạ trị
Xạ trị là một phương pháp điều trị ung thư kinh điển hiện nay. Phương pháp xạ trị được cải tiến không ngừng đã tạo ra hiệu quả điều trị ngày một cao giúp nhiều bệnh nhân ung thư trở lại cuộc sống bình thường.
Xạ trị là gì? Những điều cần biết về xạ trị
Xạ trị là gì?
Trị liệu bằng bức xạ hay còn gọi là xạ trị: Là phương pháp sử dụng bức xạ ion hóa để trị liệu ung thư có kiểm soát hay tiêu diệt tế bào ác tính. Phương pháp xạ trị thường được thực hiện bằng máy gia tốc tuyến tính.
Mục đích của xạ trị
Xạ trị tận gốc
Xạ trị đơn thuần hoặc kết hợp với các phương pháp điều trị khác với mục đích tiêu diệt hoàn toàn các tế bào ung thư.
Xạ trị dự phòng
Mục đích là để phòng ngừa tái phát hoặc di căn sau phẫu thuật, sau hoá trị.
Xạ trị hỗ trợ
Làm giảm thể tích khối u, mục đích biến ung thư ở giai đoạn không mổ được thành mổ được, hoặc hỗ trợ cho hoá trị đạt hiệu quả
Xạ trị tạm thời
- Giúp giảm đau trong ung thư di căn xương, gan.
- Giảm áp trong ung thư di căn não, trung thất, tuỷ sống, chèn ép tĩnh mạch chủ.
- Cầm máu trong chảy máu do ung thư vòm họng, bàng quang, tử cung...
- Giảm thể tích khối u, giảm chèn ép nhằm tạo sự thoải mái cho bệnh nhân ở giai đoạn cuối hoặc bệnh nhân mắc các bệnh lý khác mà các biện pháp điều trị khác không thể thực hiện được.
Các phương pháp xạ trị
Việc lựa chọn cách thức nào phụ thuộc vào nhiều yếu tố (như kích thước và vị trí khối u, độ tuổi của bệnh nhân, tình trạng sức khỏe và tiền sử bệnh) .Có ba cách xạ trị chủ yếu:
Xạ ngoài
Có 6 cách xạ ngoài:
- Xạ trị điều biến liều (IMRT): là dùng các chùm bức xạ đã được điều chỉnh đúng với hình dáng khối u để giảm thiểu gây tổn thương các mô lành xung quanh.
- Xạ trị có hướng dẫn của hình ảnh (IGRT): chụp ảnh khối u để tìm hướng điều trị riêng biệt.
- Xạ trị không gian ba chiều (3D-CRT): Chụp ảnh khối u ba chiều, chiếu chùm bức xạ liều cao thẳng vào khối u, giúp giảm đáng kể lượng bức xạ ảnh hưởng tới các tế bào khác.
- Xạ phẫu: Chiếu các chùm tia xạ tập trung từ nhiều hướng phát ra một liều xạ mạnh nhắm thẳng vào khu vực có khối u.
- Xạ trị lập thể: Dựa vào hình ảnh chi tiết, lập kế hoạch điều trị bằng máy tính 3D và thiết lập kế hoạch điều trị để đưa ra liều lượng chính xác nhất.
- Xạ trị bằng máy cung cấp liều xạ từng lát, có thể sử dụng để tiêu diệt nhiều mục tiêu cùng một lúc.
Xạ trị trong
Tia xạ được đưa vào bên trong cơ thể người bệnh bằng cách cấy phóng xạ vào trong hoặc tiếp giáp với khối u trong cơ thể.
Xạ trị hệ thống
Bệnh nhân sẽ được tiêm thuốc phóng xạ vào máu để điều hướng tới các tế bào ung thư.
Các biến chứng gây ra sau khi xạ trị
Các biến chứng cấp tính
Là các biến chứng xuất hiện sau vài ngày hay vài tuần của xạ trị như:
Viêm loét niêm mạc, rụng tóc, viêm giác mạc, mệt mỏi, buồn nôn, đau đầu, ho , viêm phổi do tia, rối loạn tiêu hóa, viêm gan cấp, viêm bàng quang,...
Các biến chứng muộn
Các biến chứng muộn thường ít hồi phục, xuất hiện vài tháng cho tới nhiều năm sau quá trình xạ trị. Một số biến chứng thường gặp là:
Da và niêm mạc
Các phản ứng mạn tính đối với da và niêm mạc là tình trạng da teo, mất màu, rụng lông, loét lâu liền, niêm mạc khô.
Đường tiêu hoá
Mất khẩu vị, khô miệng, giảm tiết tuyến nước bọt, teo niêm mạc nặng hơn có thể gây nên teo thực quản, dạ dày, ruột...
Gan
- Viêm gan cấp
- Viêm gan mạn và xơ gan do tia xạ.
Phổi
Xơ phổi: xuất hiện chậm thường vào cuối năm đầu sau xạ trị
Tim
Viêm màng tim mạn tính xảy ra với biểu hiện tràn dịch màng tim, có thể viêm cơ tim.
Thận
Biến chứng thận thường xuất hiện với biểu hiện: protein niệu, tăng huyết áp nhẹ, có thể dẫn tới suy thận mạn.
Bàng quang và niệu quản
Biến chứng thường gặp là: xơ chai làm giảm thể tích bàng quang, gây teo, hẹp niệu đạo, niệu quản
Tuyến sinh dục
- Nam: có thể dẫn tới tình trạng vô tinh tạm thời trong vòng 1 - 2 năm. nghiêm trọng hơn có thể làm vô tinh vĩnh viễn.
- Nữ: lứa trẻ có thể làm mất kinh hoàn toàn, ở người ≥ 45 tuổi có thể dẫn tới vô kinh tạm thời.
Xương - sụn
- Làm chậm tăng trưởng xương, có thể đưa đến ngừng phát triển hoàn toàn tế bào xương.
- có thể gây hoại tử xương.
Hệ thần kinh
- Có thể gây nên giảm trí nhớ, nhược não.
- Có thể xuất hiện các triệu chứng: tê đầu chi, buốt do tình trạng tổn thương myelin, tình trạng này sẽ hồi phục sau 4 - 6 tháng.
- Làm tổn thương các dây thần kinh ngoại vi với biểu hiện: giảm cảm giác, giảm phản xạ, giảm vận động.
Xem thêm:
- Làm thế nào để giảm tác dụng phụ khi xạ trị ung thư?
- Xạ trị gây tác dụng phụ gì cho người bệnh?
- 10 năm ung thư gan, không hoá trị, xạ trị vẫn sống khoẻ