Vú to ở đàn ông: Nguyên nhân và cách điều trị

Nhiều đấng mày râu sở hữu bầu ngực to như phụ nữ mặc dù họ không mong muốn. Đây không phải là biểu hiện đáng lo về sức khỏe nhưng nó lại khiến cánh mày râu cảm thấy tự ti về bản thân. Vậy đâu nguyên nhân gây ra hội chứng này và có cách nào để chữa trị chứng vú to ở đàn ông?

Vú to ở đàn ông: Nguyên nhân và cách điều trị Vú to ở đàn ông: Nguyên nhân và cách điều trị

Nhiều đấng mày râu sở hữu bầu ngực to như phụ nữ mặc dù họ không mong muốn. Đây không phải là biểu hiện đáng lo về sức khỏe nhưng nó lại khiến cánh mày râu cảm thấy tự ti về bản thân. Vậy đâu nguyên nhân gây ra hội chứng này và có cách nào để chữa trị chứng vú to ở đàn ông?

Tìm hiểu về chứng vú to ở nam giới

Vú to ở đàn ông (hay còn gọi gynecomastia), là tình trạng tuyến vú ở nam giới có kích thước mô vú lớn hơn bình thường, khoảng 5 cm (phì đại tuyến vú) khiến bộ ngực có kích thước và hình dạng lớn hơn mức bình thường.

Cần phân biệt với các trường hợp “vú to nam giả” (pseudogynecomatia) hay “vú to mỡ” (lipomastia), là tình trạng mỡ tụ nhiều vùng vú ở nam giới béo phì.

Trên lâm sàng, vú to ở đàn ông được chia thành bốn mức độ:

  • Độ 1: vú to ít, không có phần da thừa
  • Độ 2: vú to vừa, không có da thừa
  • Độ 3: vú khá lớn, có da thừa
  • Độ 4: vú rất lớn, phần da thừa nhiều

Vú to ở đàn ông không phải là bệnh lý của vú, mà là biểu hiện lâm sàng tại tuyến vú của tình trạng rối loạn cân bằng nội tiết sinh dục (nội tiết nữ nổi trội hơn nội tiết nam). Hormone sinh dục chia ra làm 2 nhóm: Các hormone nam - androgens, đại diện là testosterone, và các hormone nữ - estrogens, đại diện là estradiol.

vicare.vn-vu-to-o-dan-ong-nguyen-nhan-va-cach-dieu-tri-body-1

Hai nhóm hormone sinh dục nam và nữ đều hiện diện ở cả hai giới, nhưng với tỷ lệ nồng độ khác nhau: ở nam hormone testosterone ưu thế và ngược lại ở nữ estrogen lại nhiều hơn.

Điểm mấu chốt sinh lý của bệnh vú to nam chính là sự mất cân bằng giữa nồng độ hormone sinh dục nam và hormone sinh dục nữ trong cơ thể nam giới: khi tỷ lệ estrogen/androgen cao hơn mức bình thường.

Chứng vú to ở nam có thể ảnh hưởng tới một hoặc cả 2 bên, chứ không nhất thiết xảy ra với cả 2 bên ngực và thậm chí ngực họ còn có thể tiết ra sữa trong một vài trường hợp.

Nam giới nào dễ mắc chứng to vú?

  • Chứng vú to ở nam đặc biệt phổ biến ở đàn ông béo phì.
  • 70% trẻ trai sẽ mắc chứng này ở dạng nhẹ vào tuổi dậy thì. Khi đó, hai vú to ở bé trai thường là biểu hiện lành tính của tình trạng hormone dao động (một tình trạng hoàn toàn tự nhiên trong thời kỳ dậy thì).
  • Với đàn ông lớn tuổi, vú to là do lượng hormone thay đổi khi cơ thể bước vào giai đoạn lão hóa và là biểu hiện của sự tắt dục nam (tương đương với tình trạng mãn kinh ở phụ nữ). Thực chất của trường hợp này là nam giới lớn tuổi bị mất androgen (giống như phụ nữ lớn tuổi mất estrogen khi mãn kinh).
  • Trong số những người mắc chứng vú to ở tuổi trưởng thành, có khoảng 1/4 trong số đó dường như không có căn bệnh tiềm ẩn nào, số còn lại có thể tìm thấy nguyên nhân gây ra bệnh. Ví như, vú to ở nam là một biểu hiện của hội chứng Klinefelter - hội chứng hiếm gặp và có tính di truyền (chính là nguyên nhân hàng đầu gây vô sinh và làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú ở đàn ông).
  • Hội chứng vú to ở nam giới cũng có thể là biểu hiện của khối u tuyến yên, chứng rối loạn gan, ung thư tinh hoàn. Nó cũng có thể là phản ứng của cơ thể đối với một trong rất nhiều loại thuốc điều trị như: thuốc trị hói đầu, tăng huyết áp, trầm cảm, suy tim hay các bệnh về tuyến tiền liệt. Nó cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo tình trạng lạm dụng cần sa hay thuốc có steroid.
  • Cuối cùng, tình trạng vú căng ở nam hay nữ cũng có thể là cảnh báo các chứng rối loạn lành tính nào đó ở vú như u nhú và u xơ tuyến (là những khối u không phải ung thư trong các tuyến sữa). Nó cũng có thể là biểu hiện cảnh báo ung thư vú ở đàn ông.

Nguyên nhân gây ra bệnh vú to ở đàn ông

Có tới 50% bệnh vú to ở đàn ông không xác định được nguyên nhân, cho dù bệnh nhân đã làm đủ các xét nghiệm về sinh học để tầm soát.

Ba tình huống vú to nam “sinh lý”

Chứng vú to ở đàn ông có thể xảy ra tạm thời với cả trẻ sơ sinh bởi vì nồng độ estrogen của mẹ truyền sang con thông qua máu tình trạng này gọi là vú nam lớn “sinh lý”.

Có đến 75% trẻ em nam bị mắc bệnh vú to ở tuổi dậy thì từ 12-14 tuổi. Trẻ thường bị vú to vừa ở cả hai bên và đau khi sờ vào. Điều này khiến bản thân trẻ và cả các bậc phụ huynh rất lo lắng. Tuy nhiên đây chỉ là hiện tượng sinh lý bình thường trong tuổi dậy thì và sẽ tự hết sau 1-2 năm.

Và cứ 4 người đàn ông trong độ tuổi từ 50 - 70 sẽ có 1 người có biểu hiện của chứng vú to (do tuổi tác ảnh hưởng tới sự hoạt động của các hormon sinh dục và do tích mỡ).

Các trường hợp vú to nam bệnh lý

  • Béo phì, xơ gan làm thay đổi chuyển hóa hormon sinh dục, giảm thoái biến các nội tiết tố nữ - estrogens. Bệnh vú to ở đàn ông rất hay gặp ở những người bị xơ gan, nhất là xơ gan do rượu, có trường hợp vú to lại là triệu chứng đầu tiên giúp thầy thuốc phát hiện ra bệnh xơ gan ở đàn ông.
  • Những bệnh lý ở tinh hoàn như hội chứng Klinefelter, các khối u tinh hoàn, chấn thương, viêm nhiễm tinh hoàn... Đưa đến hậu quả là sự tổng hợp hormon nam testosterone bị suy giảm cuối cùng làm mất cân bằng là hormon sinh dục nữ nhiều hơn hormon sinh dục nam. Ngoài ra, nhiều bệnh lý nội tiết chuyển hóa như: bệnh tuyến thượng thận, hội chứng cường giáp, các khối u tuyến yên, các khối u ác tính của lồng ngực cũng có thể gây hội chứng này ở nam giới.
  • Nhiều loại tân dược có thể là nguyên nhân gây ra bệnh vú to. Các loại thuốc này thể do bệnh nhân sử dụng để chữa bệnh hoặc có trong thức ăn, nhất là thức ăn từ động vật được nuôi theo phương pháp công nghiệp (có sử dụng hormon tăng trưởng). Điển hình là nội tiết tố nữ Estrogen và các loại thuốc kháng Estrogen như các phtalate như DEP, DEHP...trong đồ ăn, thức uống, đồ chơi... Đây là những estrogens ngoại lai (xeno-estrogens) có tác dụng như hormone nữ.
  • Tác dụng phụ của một số loại thuốc như thuốc trị bệnh tâm thần, rối loạn thần kinh thực vật, thuốc chống trầm cảm, hóa xạ trị, thuốc điều trị AIDS... cũng là nguyên nhân gây bệnh.
  • Nghiên cứu khoa học cũng ghi nhận việc lạm dụng cần sa, heroin, steroid... cũng có thể gây ra chứng vú to cho người sử dụng.
  • Thiểu dưỡng và đói: Khi thiếu dinh dưỡng, nồng độ testosterone máu sẽ giảm xuống trong khi mức estrogen vẫn không đổi, gây ra sự mất cân bằng. Đặc biệt khi được bồi dưỡng trở lại, người bị suy dưỡng sẽ bị hội chứng tái dưỡng (refeeding syndrome) thường gây ra vú to.
vicare.vn-vu-to-o-dan-ong-nguyen-nhan-va-cach-dieu-tri-body-2

Cách xác định hội chứng vú to ở nam giới

Để xác định chứng vú to ở bệnh nhân nam bác sĩ cần lưu ý:

  • Kiểm tra toàn diện vú về kích thước, mật độ chắc, dịch tiết, hạch lympho;
  • Phân biệt vú to ở nam thật với giả;
  • Kiểm tra dương vật, tinh hoàn, hệ dục tính kỳ hai như lông, giọng nói..;
  • Kiểm tra kỹ những loại thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng người bệnh đã dùng.

Thực hiện 4 xét nghiệm cần thiết để xác định bệnh lý vú to nam:

  • (1) Nồng độ các hóc môn liên quan: Estradiol, Testosterone, LH, FSH, Prolactin, TSH...
  • (2) Chức năng gan, thận, bilan mỡ máu
  • (3) Siêu âm tuyến vú và
  • (4) Chụp nhũ ảnh (mammography).

Chứng vú to ở nam giới có thể điều trị?

Vú to nam không phải là bệnh lý của vú, mà chỉ là biểu hiện lâm sàng tại tuyến vú của nhiều bệnh nội tiết chuyển hóa toàn thân khác. Tuy rất ít biến chứng thực thể, nhưng nam giới mà “vú như nữ” sẽ gây phản cảm và tạo những vấn đề tâm lý, thần kinh quan trọng ảnh hưởng chất lượng cuộc sống của chính họ.

Những trường hợp vú to nam “sinh lý” sẽ tự lành theo thời gian. Những trường hợp vú to nam khác phải được điều trị theo nguyên nhân chính xác gây ra bệnh.

Với chứng vú to ở nam, việc đầu tiên là phải chuẩn đoán được nguyên nhân gây bệnh bằng cách thăm khám kỹ càng (kể cả khám bộ phận sinh dục) và làm các xét nghiệm sinh học để định lượng các loại hormone gây ra bệnh. Từ đó có phương pháp điều trị triệt để theo nguyên nhân.

Về thuốc điều trị nội khoa, cho đến nay, Cơ quan Quản lý Dược và Thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) cũng chưa thống nhất cho phép một loại thuốc “chuyên” trị tình trạng vú to nam nào! Và việc điều trị nội khoa nếu có chỉ có tác dụng trong giai đoạn sớm, khi nhu mô vú chưa thành sẹo.

Có ba nhóm thuốc nội khoa có thể dùng hiện nay là:

  • Một là hormone nam testosterone để bù lại lượng thiếu hụt dưới dạng uống, kem bôi và tiêm bắp, thời gian sử dụng thường phải kéo dài trên 3 tháng mới có kết quả chủ yếu là làm giảm đau.
  • Hai là thuốc điều hòa thụ thể Estrogen như tamoxifen (Nolvadex) và raloxifene (Evista)
  • Ba là thuốc ức chế enzyme aromatase, enzyme chính để sinh tổng hợp estrogen, là anastrozole (Arimidex).

Thực tế cho thấy 3 nhóm thuốc này ít hiệu quả.

Với những trường hợp vú to nam giới quá lớn và gây đau, đều phải chọn cách phẫu thuật cắt bỏ mô vú thừa (phương pháp được sử dụng nhiều trên thế giới). Quá trình phẫu thuật cũng rất đơn giản, ít biến chứng và bệnh nhân có thể ra về trong ngày. Phương pháp này giúp người bệnh xóa bỏ mặc cảm tự ti, lấy lại tự tin trong cuộc sống và trong quan hệ xã hội.

Sau khi điều trị dù bằng phương pháp nào đi nữa bạn cũng cần duy trì lối sống lành mạnh. Hạn chế để bị tăng cân, hạn chế sử dụng steroid hoặc một số loại thuốc có thể ảnh hưởng đến nồng độ testosterone trong máu bởi vì những điều này sẽ khiến hội chứng vú to ở đàn ông quay trở lại.

Xem thêm:

  • Núm vú sưng lâu năm ở nam có khó chữa?
  • Ung thư vú ở nam giới: Hiếm gặp nhưng đã bệnh là rất nguy hiểm