Vụ cháy Rạng đông: Làm sao tránh hít hơi kim loại thủy ngân trong không khí?
Vụ cháy Rạng đông làm dấy lên mối nguy hại của thủy ngân đối với sức khỏe của con người. Vụ cháy này làm cho một lượng lớn thủy ngân ở dạng hơi xuất hiện trong không khí. Thủy ngân dạng hơi rất độc hại và làm ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của con người. Vậy làm sao tránh hít hơi kim loại thủy ngân trong không khí?
Vụ cháy Rạng đông: Làm sao tránh hít hơi kim loại thủy ngân trong không khí?
Vụ cháy Rạng đông làm dấy lên mối nguy hại của thủy ngân đối với sức khỏe của con người. Vụ cháy này làm cho một lượng lớn thủy ngân ở dạng hơi xuất hiện trong không khí. Thủy ngân dạng hơi rất độc hại và làm ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của con người. Vậy làm sao tránh hít hơi kim loại thủy ngân trong không khí? Đó có lẽ là băn khoăn chưa có lời giải của nhiều người trong thời điểm hiện tại.
Những nguyên nhân làm cho hơi kim loại thủy ngân bị phát tán trong không khí?
Vụ cháy tại Công ty phích nước bóng đèn Rạng Đông đã xảy ra cách đây gần 1 tháng (29/8) làm dấy lên lo ngại thủy ngân bị rò rỉ ra bên ngoài, làm ảnh hưởng đến sức khỏe của con người. Theo các chuyên gia, lượng thủy ngân trong một bóng đèn luôn đảm bảo ở mức an toàn với vài mg thủy ngân, không gây nguy hại đối với sức khỏe con người nếu không may một chiếc bóng đèn bị vỡ. Tuy nhiên, nếu nhiều bóng đèn cũng bị vỡ một lúc sẽ làm cho lượng thủy ngân phát tán trong không khí rất cao, nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe là điều không thể tránh khỏi. Hơn nữa, không chỉ có thủy ngân bị phát tán ra bên ngoài môi trường mà vụ cháy này còn có thể làm phát tán một số chất khác như photpho, bột kẽm,.. cũng gây nguy hại đến sức khỏe.
Sau vụ cháy này, nhiều người bắt đầu quan tâm hơn về những mối nguy hại rò rỉ thủy ngân, nhiễm độc thủy ngân đang tiềm ẩn trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Một trong những mối nguy hại thường trực đó chính là chiếc cặp nhiệt độ, nhiều trẻ em đã bị nhiễm thủy ngân từ dụng cụ y tế này mà bố mẹ không hề hay biết. Dưới đây là một số tình huống điển hình khiến trẻ bị nhiễm thủy ngân:
- Trẻ nghịch, cắn nhiệt độ khiến cho thủy ngân đi vào bụng
- Trẻ uống phải thủy ngân do bố mẹ dùng cặp nhiệt độ để đo nhiệt độ nước pha sữa
- Thu dọn cặp nhiệt độ bị vỡ không đúng cách: Nhiều bậc phụ huynh bất cẩn để cặp nhiệt độ gần trẻ, trẻ tò mò nên đụng vào và vô tình làm vỡ khiến cho thủy ngân bị trào ra. Sau đó, thủy ngân bị trào ra sẽ hình thành nhiều hạt mercury lăn tròn trên mặt đất. Ở nhiệt độ phòng bình thường, những hạt mercury rất dễ bị bốc hơi biến thành hơi mercury rất độc hại và dễ xâm nhập vào cơ thể con người theo đường thở hoặc qua các tuyến chân lông.
Thủy ngân là gì? Nó nguy hại như thế nào đến sức khỏe của con người?
Theo ThS Vũ Thị Tuyết Mai (ThS Y tế Công cộng, Bác sĩ đa khoa, Bộ Y tế), thủy ngân là kim loại, có màu trắng bạc, thể lỏng, không tan trong nước và dễ bốc hơi ở nhiệt độ phòng, nhiệt độ càng cao thì tốc độ bốc hơi của thủy ngân càng cao.
Bên cạnh đó, theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Hồng Côn (Trường Đại học Khoa Học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội) thủy ngân lỏng ít độc nhưng nếu thủy ngân lỏng chuyển thể sang dạng hơi, hợp chất và muối thì cực độc. Dưới đây là một số tác động mà thủy ngân gây ra khi xâm nhập vào cơ thể con người:
- Ban đầu, khi hít phải hơi thủy ngân, nó sẽ kích thích đường hô hấp dẫn đến ho húng hắng, ho ra đờm, khó thở, da có thể tím tái do thiếu oxy. Nặng hơn, người hít phải thủy ngân sẽ mắc bệnh viêm phổi cấp tính, làm cho nạn nhân bị ho, khó thở, đau tức ngực, nóng rát ở phổi. Thậm chí khi hít phải lượng lớn thủy ngân có thể gây ra ngộ độc cấp tính, suy hô hấp, thậm chí tử vong.
- Cảm thấy có mùi kim loại trong miệng, viêm miệng, lợi sưng đỏ, niêm mạc bị vỡ và xuất huyết
- Mất trí nhớ, cơ thể không tỉnh táo, tinh thần hoảng loạn, mất ngủ, co giật, nôn ói, toàn thân đau mỏi, lạnh bụng
- Viêm ruột
- Viêm da, phát ban đỏ trên diện tích lớn kèm theo ngứa và đau nhẹ ở mặt, cổ, đùi nách và bẹn.
- Nếu trẻ nhỏ hít phải thủy ngân, nó sẽ hấp thu nhanh qua đường hô hấp, qua màng phế nang vào máu đến thận, gan nách và hệ thần kinh trung ương.
- Phụ nữ mang thai hít phải thủy ngân trong không khí, chúng sẽ xuyên qua cuống rau rồi lọt vào tử cung và gây hại cho em bé.
Làm sao tránh hít hơi kim loại thủy ngân trong không khí?
Làm sao tránh hít hơi kim loại thủy ngân trong không khí? Chắc hẳn, cho đến thời điểm hiện tại, vẫn còn nhiều người lo lắng về sự ảnh hưởng của thủy ngân đến sức khỏe con người sau vụ cháy Công ty Rạng Đông, đặc biệt là những người dân sống gần khu vực này. Chính quyền và các chuyên gia cũng đã có những khuyến cáo và hướng dẫn cách bảo vệ sức khỏe cho người dân:
- Cơ quan chức năng khuyến cáo người dân sống xung quanh khu vực đám cháy nên rửa mắt mũi, súc miệng họng hằng ngày bằng dung dịch natri clorid 4-6 lần/ngày, trong khoảng thời gian từ 7 đến 10 ngày kể từ thời điểm xảy ra vụ cháy.
- Theo BS.Nguyễn Đức Thắng (Khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện Y học cổ truyền) khuyên người dân nên đeo khẩu trang đầy đủ khi ra ngoài đường. Lưu ý: khẩu trang phải đạt tiêu chuẩn cao, khẩu trang y tế hoặc khẩu trang có hoạt tính sẽ đảm bảo an toàn hơn so với những loại khẩu trang bán ở bên ngoài thị trường với mức giá rẻ từ 5.000 – 10.000 đồng. Những loại khẩu trang này không ngăn được thủy ngân mà chỉ ngăn được vi khuẩn và khói bụi.
- Không nên sử dụng thực phẩm ăn uống hàng ngày tại xung quanh khu vực bị cháy trong vòng bán kính 1km kể từ tâm đám cháy. Tốt nhất, nên mua thực phẩm ở những siêu thị có uy tín vì hầu hết các thực phẩm ở các siêu thị đều được sản xuất ở xa khu vực bị cháy và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm
- Vệ sinh quần áo nhiễm khói bụi từ vụ cháy sạch sẽ: giặt sạch nhiều lần, ngâm nước nóng ở nhiệt độ từ 70 đến 80 độ C
- Vệ sinh thau rửa, dụng cụ trong nhà sạch sẽ
- Trẻ em, người già, người ốm cần được sơ tán khỏi khu vực bị cháy trong vòng từ 1 đến 10 ngày để tránh bị ảnh hưởng đến sức khỏe
- Quan sát cơ thể, nếu có biểu hiện bất thường (đã đề cập ở phần trên) thì cần đến các cơ sở y tín để được thăm khám.
Bên cạnh đó, trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, có không ít những trường hợp thủy ngân bị rò rỉ, phát tán ra không khí ngay tại nhà của mình điểu hình như trường hợp cặp nhiệt độ bị vỡ. Cách xử lý hiệu quả nhất như sau:
- Nhanh chóng đưa mọi người trong nhà di chuyển đến phòng khác, đóng cửa phòng lại để tránh hít phải hơi thủy ngân
- Đối với căn phòng bị rò rỉ thủy ngân: lưu thông không khí trong phòng bằng cách mở cửa sổ và bật quạt điện đồng thời tắt điều hòa, lò sưởi để làm giảm hiện tượng thủy ngân bị bốc hơi
- Nếu bạn có nhiệm vụ thu dọn cặp nhiệt độ bị vỡ, hãy đeo khẩu trang chuyên dụng, gang tay; chuẩn bị lọ thủy tinh, que bông ướt hoặc tờ danh thiếp (card) hay giấy Pơluya để tiến hành thu gom thủy ngân. Thủy ngân cần được cho vào lọ bịt kín để tránh phát tán ra bên ngoài, tuyệt đối không chổi quét thủy ngân rồi cho vào thùng rác như cách xử lý rác thông thường. Nếu bạn có bột lưu huỳnh hoặc lòng đỏ trứng gà thì hãy đổ vào chỗ cặp nhiệt độ bị vỡ để hạn chế thủy ngân bốc hơi.
- Sau khi đã cho thủy ngân và lọ chứa, hãy bịt kín, ghi nhãn ở bên ngoài và cho vào thùng rác phân loại. Tuyệt đối không vứt lọ thủy ngân vào rãnh nước vì sẽ làm ô nhiễm nguồn nước ngầm
- Nếu trẻ nuốt phải thủy ngân, bố mẹ nên gọi cấp cứu, tìm sự trợ giúp từ bác sĩ để xử lý sớm, không nên móc họng, bóp bụng gây nôn cho trẻ
- Cơ thể chúng ta có khả năng đào thải thủy ngân ra khỏi cơ thể thông qua nước tiểu và phân; vì vậy, hãy ăn nhiều rau xanh, thực phẩm giàu chất xơ và uống nhiều nước để hỗ trợ quá trình đào thải thủy ngân ra khỏi cơ thể
- Cuối cùng, hãy đi khám nếu bạn bị nhiễm thủy ngân hoặc nghi ngờ mình bị nhiễm thủy ngân.
Xem thêm:
- Làm cách nào để thải độc thủy ngân ra khỏi cơ thể?
- Thủy ngân dạng nào độc nhất?
- Trực tiếp chạm vào thủy ngân ở nhiệt kế có nguy hiểm không?