Virus Herpes là gì? Tại sao người mắc bệnh Virus Herpes khi hôn trẻ sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ
Virus Herpes có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ nhỏ thông qua một hành động tưởng chừng chỉ đơn thuần thể hiện tình yêu thương của người lớn: nụ hôn. Đây là một loại virus gây bệnh dễ lây lan và hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.
Virus Herpes là gì? Tại sao người mắc bệnh Virus Herpes khi hôn trẻ sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ
Virus Herpes có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ nhỏ thông qua một hành động tưởng chừng chỉ đơn thuần thể hiện tình yêu thương của người lớn: nụ hôn. Đây là một loại virus gây bệnh dễ lây lan và hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Vậy virus Herpes là gì? Virus Herpes nguy hiểm như thế nào? Tại sao người mắc virus Herpes khi hôn trẻ có thể gây tử vong cho trẻ? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết sau đây.
Virus Herpes là gì? Virus Herpes gây bệnh gì?
Bệnh Herpes là một bệnh lây nhiễm thường gặp, hay tái phát, gây tổn thương ở da, niêm mạc và hiếm hơn là nội tạng. Tác nhân gây bệnh này là virus Herpes Simplex (HSV), kích thước khoảng 150 - 200nm, mang vật chất di truyền là DNA. Có 2 loại HSV thường gặp:
- HSV-1: gây bệnh chủ yếu ở vùng môi - miệng.
- HSV-2: gây bệnh chủ yếu ở cơ quan sinh dục và ở trẻ sơ sinh bị nhiễm từ mẹ trong lúc sinh.
Virus Herpes lây truyền qua các tiếp xúc trực tiếp: da - da, da - niêm mạc, niêm mạc - da và niêm mạc - niêm mạc.
Các dấu hiệu bị nhiễm virus Herpes
2.1. Nhiễm virus Herpes lần đầu (nguyên phát)
Nhiễm virus Herpes nguyên phát thường không biểu hiện triệu chứng gì. Đa phần các trường hợp được ghi nhận tại bệnh viện, khoa da liễu đều là dạng Herpes tái phát.
Các trường hợp Herpes nguyên phát có triệu chứng thường nằm trong các dạng sau:
Viêm miệng - lợi cấp tính
- Thường gặp ở trẻ nhỏ từ 6 tháng - 3 tuổi (với một trong những nguy cơ tiềm ẩn chính là những nụ hôn âu yếm từ người lớn).
- Lợi sưng to và chảy máu, những vết trợt xám có viền đỏ, tập hợp thành hình đa cung. Mụn nước mọc thành chùm hoặc đóng vảy ở môi.
- Có thể sốt cao trên 390C, mệt mỏi đau nhức, kèm theo nổi hạch to và rất đau khiến cho trẻ khó chịu và quấy khóc, bú kém, chán ăn,...
- Bệnh thường lành tự nhiên sau 10 - 15 ngày.
Herpes sinh dục
- Bệnh Herpes ở sinh dục có tên gọi phổ thông là mụn rộp sinh dục. Bệnh đa số gặp ở phụ nữ trẻ với một tình trạng viêm âm đạo - âm hộ cấp tính rất đau, cổ tử cung có thể sưng đỏ. Ở nam giới, vị trí thường gặp là bao dương vật, rãnh quy đầu.
- Bệnh thường khởi đầu với cảm giác ngứa rát, khó chịu ở vị trí nhiễm virus Herpes. Sau khoảng 6 - 8 giờ xuất hiện hồng ban rồi mụn nước nổi và sắp xếp thành chùm trên nền hồng ban. Các mụn nước rất dễ vỡ, để lại những vết trợt hình tròn hoặc đa cung. Hạch to, đau, đi kèm sốt cao và thể trạng suy kiệt, mệt mỏi.
- Thời gian lành tự nhiên: 2 - 3 tuần
Các dạng nặng và nguy hiểm
- Người suy giảm miễn dịch: tổn thương da, niêm mạc lan tỏa trên diện rộng, hoại tử, kèm theo tổn thương nội tạng như viêm gan tối cấp, viêm não - màng não,...
- Trẻ sơ sinh: Mặc dù bệnh Herpes ở trẻ sơ sinh rất hiếm gặp (1/5000 - 1/3000) nhưng khi lây nhiễm thì tiên lượng thường nặng và đe dọa đến tính mạng của trẻ. Khoảng 80% trường hợp nhiễm virus Herpes từ mẹ qua đường tử cung lúc sinh. 20% còn lại do tiếp xúc với virus trong những năm tháng phát triển đầu tiên mà nguy cơ tiềm ẩn chính là những hành động gần gũi với người xung quanh như thơm má, hôn môi,... Bệnh Herpes ở trẻ sơ sinh có 2 dạng tổn thương đều rất nguy hiểm:
- Dạng tổn thương thần kinh với viêm não - màng não, mắt, da, niêm mạc.
- Dạng lan tỏa (10%): tổn thương đa cơ quan như gan, thận, phổi,... và đi kèm viêm não trong một nửa số trường hợp. Trên 80% trường hợp tử vong nếu không điều trị kịp thời.
2.2. Herpes tái phát
- Virus Herpes ở dạng tiềm ẩn trong cơ thể, gây bệnh tái phát khi gặp các yếu tố thuận lợi:
- Có kích thích lên da, niêm mạc (tia UV)
- Rối loạn hormone (kinh nguyệt)
- Stress
- Giao hợp (herpes sinh dục hay tái phát hơn herpes môi)
- Tất cả các trường hợp ảnh hưởng đến miễn dịch của cơ thể (HIV, corticoid toàn thân kéo dài, ghép tạng, thuốc ức chế thải ghép, hóa trị, xạ trị...)
- Khởi đầu bệnh nhân có cảm giác đau rát, kim châm, ngứa ngáy ở vị trí sắp xuất hiện hồng ban (nhưng cường độ không dữ dội như nhiễm virus Herpes nguyên phát). Sau giai đoạn hồng ban khoảng vài giờ, các mụn nước nhỏ xuất hiện mọc thành chùm, nhanh chóng vỡ ra tạo thành các vết trợt và đóng vảy trong vài ngày.
- Các dấu hiệu toàn thân như sốt, nổi hạch thường không có hoặc rất nhẹ.
- Bệnh lành tự nhiên sau 1 - 2 tuần
Tại sao người mắc virus Herpes khi hôn trẻ có thể gây tử vong cho trẻ?
Trẻ nhỏ là những búp măng non, sức đề kháng còn yếu do hệ miễn dịch chưa phát triển đầy đủ. Vì vậy, trẻ dễ mắc các bệnh truyền nhiễm do tiếp xúc với tác nhân gây bệnh từ môi trường ngoài.
Những cử chỉ âu yếm gần gũi, ôm hôn mặc dù làm trẻ vui, nhưng cũng là con đường dẫn tác nhân có hại xâm nhập vào cơ thể của trẻ. Đặc biệt, những virus lây truyền trực tiếp như Herpes khi tấn công vào cơ thể nhạy cảm của trẻ, các triệu chứng càng dễ lan rộng trên da và niêm mạc, đồng thời có thể gây tổn thương nội tạng, nguy cơ tử vong là rất cao. Hơn nữa, kể cả khi kết quả điều trị tích cực, các triệu chứng mất đi, thì virus Herpes vẫn luôn tồn tại bên trong cơ thể mà không thể điều trị tận gốc.
Bệnh Herpes lại là bệnh thường hay tái phát, gây ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng cuộc sống và giao tiếp xã hội, cũng như đời sống sinh hoạt và quan hệ tình dục.
Những lưu ý phòng tránh lây nhiễm virus Herpes cho trẻ
Để giảm nguy cơ tái phát gần khi sinh, người mẹ có tiền sử Herpes có thể được kê đơn thuốc kháng virus như acyclovir, bắt đầu vào khoảng tuần thứ 36. Điều này làm giảm sự phát tán của virus ở vùng sinh dục trong khoảng thời gian chuyển dạ. Nếu người mẹ mắc Herpes sinh dục trong khoảng 6 tuần cuối thai kỳ, các bác sĩ sẽ cân nhắc phương pháp sinh mổ để tránh bé tiếp xúc với vùng tầng sinh môn.
Để đảm bảo an toàn cho trẻ, bố mẹ nên hạn chế cho người lạ gần gũi và hôn trẻ trong khoảng thời gian 1 - 2 tháng sau khi chào đời, thậm chí kể người thân trong gia đình và bản thân bố mẹ cũng không nên ôm hôn trẻ quá nhiều.
Khi tiếp xúc với trẻ, người lớn cần đảm bảo vệ sinh tay sạch sẽ, tình trạng bản thân khỏe mạnh, không mắc các bệnh truyền nhiễm hay bệnh răng miệng, da liễu,...
Ngay khi thấy trẻ có các biểu hiện bất thường như sốt, quấy khóc, bỏ bú, đặc biệt các dấu hiệu điển hình của bệnh Herpes như nổi hồng ban, mụn nước, cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
Xem thêm:
- Quan hệ với gái mại dâm có nguy cơ nhiễm virus Herpes không?
- Người bị bệnh herpes nên kiêng ăn gì?