Viêm túi mật-Biến chứng nguy hiểm nhất của bệnh sỏi mật
Sỏi mật là một căn bệnh về đường tiêu hóa rất phổ biến hiện nay. Bệnh hình thành do hiện tượng xuất hiện sỏi trong túi mật hoặc các ống dẫn mật. Hiện nay, vẫn còn rất nhiều người chủ quan về căn bệnh này nhưng thực tế nó có thể gây nên nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí gây tử vong. Viêm túi mật là một trong những biến chứng nguy hiểm nhất của bệnh sỏi mật.
Viêm túi mật-Biến chứng nguy hiểm nhất của bệnh sỏi mật
Túi mật là gì?
Túi mật là bộ phận có hình dạng quả lê, màu xanh, nằm ở mặt dưới của thùy gan phải. Túi mật có chiều dài khoảng từ 6 – 8cm và chiều rộng lên đến 3cm mỗi khi căng đầy. Đây là bộ phận của đường dẫn mật ngoài gan, bao gồm 3 phần đó là: đáy, thân và cổ. Ống dẫn mật từ túi mật tới ống mật chủ có chiều dài khoảng 3 – 4cm, đoạn đầu rộng 4 – 5mm, đoạn cuối hẹp 2,5mm. Ở phần trên của ống túi mật có những van gọi là van Heister làm cho ống túi mật không bị gấp lại và giúp cho mật lưu thông dễ dàng.
Chức năng của túi mật
Trong quá trình hoạt động gan liên tục sản xuất ra mật. Mật là một chất dịch màu vàng hơi xanh lục, có vị đắng, đóng vai trò quan trọng vào quá trình tiêu hoá thức ăn. Muối mật bao gồm Natri Glycocholate và Natri Taurocholate có vai trò phân huỷ các chất béo, hỗ trợ thúc đẩy hoạt động của các men Lipase (giúp phân huỷ Lipid). Chúng còn giúp cho các chất béo đã được tiêu hoá có thể đi qua được thành ruột.
Ngoài ra, muối mật có tác dụng vận chuyển các Vitamin tan trong dầu như vitamin A, D, E và K. Muối mật được tái hấp thu sau khi sử dụng mà không bị mất đi. Trong cơ thể, túi mật là một cơ quan chịu trách nhiệm lưu trữ dịch mật do gan bài tiết, hỗ trợ quá trình tiêu hóa thức ăn làm việc được trơn tru, hiệu quả. Thế nhưng, do những thói quen về chế độ ăn uống hay sinh hoạt hàng ngày có thể là nguyên nhân dẫn đến bệnh viêm túi mật.
Tìm hiểu về viêm túi mật
Viêm túi mật là biến chứng nguy hiểm nhất của bệnh sỏi túi mật, gây nên tình trạng tắc nghẽn ở các ống dẫn mật dẫn đến ứ trệ dịch mật ở túi mật. Theo thời gian, dịch mật bị ứ trệ sẽ bị rò rỉ dẫn đến tình trạng nhiễm khuẩn thứ cấp từ các sinh vật trong ruột, chủ yếu là các loài E.coli và Bacteroides. Hậu quả của tình trạng này là gây đau ở vị trí hạ sườn, nặng hơn sẽ là hoại tử túi mật và thậm chí có thể gây tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
Khi nào cần điều trị bệnh
Trường hợp sỏi túi mật xuất hiện các triệu chứng đều sẽ có chỉ định điều trị không kể kích thước hay số lượng sỏi. Bệnh nhân không cần thiết phải cắt túi mật để phòng ngừa, ngoại trừ trường hợp bệnh nhân có nguy cơ cao mắc ung thư túi mật như túi mật sứ, sỏi kết hợp với polyp túi mật lớn hơn 10 mm, sỏi lớn hơn 25 m.
Cắt túi mật nội soi là phương pháp điều trị được chọn lựa cho sỏi túi mật có triệu chứng. Trước khi có chỉ định phẫu thuật, phải loại trừ khả năng các cơn đau của bệnh nhân là triệu chứng của một bệnh lý khác sỏi túi mật.
Xem thêm:
- Bệnh sỏi mật có cần thiết phải phẫu thuật không?
- Dẫn lưu đường mật tá tràng, thủ thuật nhỏ để chẩn đoán sỏi mật.
- Người bệnh sỏi mật, cần kiêng gì để tránh tái phát?