Viêm tĩnh mạch là gì?

Tĩnh mạch là mạch máu dẫn máu từ các cơ quan về lại tim. Chúng vẫn có nguy cơ bị viêm hay tổn thương khi bị tác động vào, làm ảnh hưởng đến khả năng vận động của cơ thể hay đôi khi nguy hiểm đến tính mạng. Vậy viêm tĩnh mạch là gì? Mời các bạn cùng HoiBenh đi tìm hiểu qua bài viết sau đây.

Viêm tĩnh mạch là gì? Viêm tĩnh mạch là gì?

Tĩnh mạch là mạch máu dẫn máu từ các cơ quan về lại tim. Chúng vẫn có nguy cơ bị viêm hay tổn thương khi bị tác động vào, làm ảnh hưởng đến khả năng vận động của cơ thể hay đôi khi nguy hiểm đến tính mạng. Vậy viêm tĩnh mạch là gì? Mời các bạn cùng HoiBenh đi tìm hiểu qua bài viết sau đây.

1. Viêm tĩnh mạch là gì?

Bệnh lý mạch máu ngoại biên là các bệnh về mạch máu không phải nuôi dưỡng cho tim, não và động mạch chủ. Nói cách khác, đây là nhóm bệnh về động mạch, tĩnh mạch và bạch mạch có chức năng cung cấp máu cho các cơ quan ở phía xa hơn như tay, chân. Viêm tĩnh mạch cũng là một bệnh lý thường gặp trong nhóm các bệnh mạch máu ngoại biên.

Nếu động mạch là những mạch máu dẫn máu từ tim đi đến các cơ quan trong cơ thể, cung cấp oxy và chất dinh dưỡng thì tĩnh mạch là con đường hồi lưu máu từ các cơ quan trở về tim. Viêm tĩnh mạch được nghĩ đến khi những mạch máu này bị tổn thương, biến dạng cấu trúc, sưng đau hay viêm nhiễm.

Tùy vào đặc điểm tĩnh mạch bị tổn thương, bệnh lý viêm tĩnh mạch chia làm hai nhóm: viêm tĩnh mạch nông và viêm tĩnh mạch sâu.

  • Tĩnh mạch nông có kích thước nhỏ, nằm nông dưới da và có thể nhìn thấy bằng mắt thường. Tình trạng viêm tĩnh mạch thường có nguyên nhân là do yếu tố bên ngoài gây tác động vào, như đặt ống thông tĩnh mạch để truyền dịch hay truyền thuốc, các loại dịch ưu trương. Viêm tĩnh mạch nông có thể tự thuyên giảm khi ngừng tác động mà không cần điều trị đặc hiệu gì.
  • Tĩnh mạch sâu có kích thước lớn hơn, nằm sâu bên trong khối cơ chân, tay và có van nhằm giữ cho máu chảy một chiều trở về tim. Viêm tĩnh mạch sâu thường do có sự hiện diện của cục máu đông trong lòng tĩnh mạch và tình trạng này được gọi là viêm tắc tĩnh mạch. Khi đó, nó có nguy cơ di chuyển về phổi, gây hậu quả khó lường nếu không can thiệp kịp thời. Điều quan trọng là phải nhận biết các yếu tố nguy cơ, triệu chứng của bệnh để phát hiện sớm, điều trị sớm.
vicare-viem-tinh-mach-la-gi-body-1
Viêm tĩnh mạch nông

2. Nguyên nhân gì gây viêm tĩnh mạch?

Viêm tĩnh mạch là do chấn thương hoặc niêm mạc mạch máu bị kích thích. Trong trường hợp viêm tĩnh mạch nông, nguyên nhân có thể do:

  • Đặt ống thông IV
  • Tiêm thuốc kích thích vào tĩnh mạch
  • Một cục máu đông nhỏ
  • Nhiễm trùng

Trong trường hợp huyết khối tĩnh mạch sâu, nguyên nhân có thể bao gồm:

  • Kích thích hoặc chấn thương tĩnh mạch sâu do phẫu thuật, gãy xương, chấn thương nghiêm trọng hoặc từng bị huyết khối tĩnh mạch sâu trước đó.
  • Lưu lượng máu chậm do thiếu vận động, có thể xảy ra nếu bạn tĩnh dưỡng lâu trên giường sau phẫu thuật hoặc đi du lịch trong một thời gian dài.
  • Máu có nhiều khả năng đông máu hơn bình thường, có thể là do thuốc, ung thư, rối loạn mô liên kết hoặc tình trạng đông máu di truyền.

3. Các dấu hiệu gây viêm tĩnh mạch là gì?

Các triệu chứng viêm tĩnh mạch thường ảnh hưởng đến tay hoặc chân bị bệnh, bao gồm:

  • Tấy đỏ
  • Sưng phù
  • Tay hoặc chân ấm
  • Có các vệt màu đỏ trên tay hoặc chân
  • Nhạy cảm với cơn đau

Viêm tĩnh mạch nông có thể dẫn đến nhiễm trùng da xung quanh, vết thương trên da và thậm chí nhiễm trùng máu.Nếu cục máu đông trong tĩnh mạch nông đủ lớn và ảnh hưởng đến tĩnh mạch sâu có thể dẫn đến huyết khối tĩnh mạch sâu.Khoảng 50% số người mắc bệnh phát triển các triệu chứng của viêm tĩnh mạch huyết khối sâu như: đau ở bắp chân hoặc đùi, cơn đau tăng khi đi bộ hoặc gập chân.Viêm tĩnh mạch huyết khối sâu có thể dẫn đến biến chứng thuyên tắc động mạch phổi đe dọa tính mạng khi một cục máu đông vỡ ra di chuyển đến phổi và ngăn cản dòng máu đến phổi.

vicare-viem-tinh-mach-la-gi-body-2

Triệu chứng của thuyên tắc động mạch phổi bao gồm:

  • Khó thở không rõ nguyên nhân
  • Đau ngực
  • Ho ra máu
  • Đau khi thở sâu
  • Thở nhanh
  • Cảm thấy choáng váng hoặc mệt mỏi
  • Nhịp tim nhanh

Trong một vài trường hợp, người bệnh không biết bản thân có huyết khối tĩnh mạch sâu cho đến khi có triệu chứng của thuyên tắc động mạch phổi. Vì đây là tình trạng khẩn cấp, người bệnh cần được đưa đến cơ sở y tế để cấp cứu ngay lập tức.

4. Viêm tĩnh mạch có nguy hiểm không?

Viêm tĩnh mạch nông thường khu trú và không dẫn đến biến chứng nghiêm trọng nếu ngăn chặn ngay các yếu tố gây kích thích. Nếu để chậm trễ, viêm tĩnh mạch nông vô trùng sẽ dẫn đến viêm nhiễm trùng và khi tình trạng nhiễm trùng lan ra xung quanh sẽ tạo vết thương trên da hoặc thậm chí đi vào máu gây nhiễm trùng máu.

Đối với viêm tĩnh mạch sâu, ngoài những tổn thương do viêm nhiễm tại chỗ, biến chứng đáng e ngại là khi cục máu đông theo mạch máu di chuyển lên phổi, gây thuyên tắc động mạch phổi. Máu đến phổi không được sẽ dẫn đến nhồi máu phổi. Nếu thể tích vùng phổi bị hoại tử lớn, máu không được nhận oxy từ bên ngoài vào, bệnh nhân dễ dẫn đến suy hô hấp, trụy tuần hoàn và tử vong. Chính vì vậy, huyết khối tĩnh mạch sâu gây biến chứng thuyên tắc phổi là một trường hợp cấp cứu nội khoa cần được điều trị ngay lập tức.

5. Chẩn đoán và điều trị viêm tĩnh mạch

Chẩn đoán viêm tĩnh mạch nông thường đơn giản, dễ nhận biết khi nhận thấy các nguồn tác động. Việc điều trị chỉ cần tháo bỏ ống thông tĩnh mạch, vệ sinh vết thương nếu nguyên nhân là do đặt kim tĩnh mạch; lập đường truyền tĩnh mạch trung tâm khi phải truyền các dung dịch ưu trương, dịch dinh dưỡng... Từ đó, tình trạng viêm, sưng đỏ sẽ mau chóng cải thiện dần. Nếu nghi ngờ nhiễm trùng, chảy dịch mủ, bệnh nhân có thể cần được chỉ định kháng sinh vài ngày.

Đối với viêm tĩnh mạch sâu, ngoài những triệu chứng cơ năng, các yếu tố nguy cơ, bệnh có thể phải dựa vào xét nghiệm, hình ảnh học để chẩn đoán. Bác sĩ sẽ chỉ định siêu âm mạch máu bên chi bị ảnh hưởng và vận tốc sóng âm giúp đánh giá tốc độ dòng chảy, có bị tắc nghẽn hay không; đôi khi có thể quan sát thấy huyết khối, mô tả được kích thước, vị trí qua đầu dò siêu âm. Nếu không loại trừ được khả năng thuyên tắc phổi, nhất là khi bệnh nhân có các triệu chứng như khó thở, suy hô hấp, rối loạn huyết động, hình ảnh chụp cắt lớp vi tính lồng ngực có cản quang cần nhanh chóng thực hiện để kiểm tra sự hiện diện của cục máu đông trong động mạch phổi.

Việc điều trị huyết khối tĩnh mạch sâu luôn phức tạp và phác đồ kéo dài hơn so với bệnh lý trên tĩnh mạch nông. Liệu trình thuốc chống đông máu liên tục trong ba tháng hoặc sáu tháng và đôi khi suốt đời nếu lý do của sự hình thành huyết khối không giải quyết được trọn vẹn. Đối với các bệnh nhân có chống chỉ định với thuốc kháng đông hay gặp phải các biến chứng do thuốc, các trường hợp này cần can thiệp đặt lưới lọc trên tĩnh mạch chủ nhằm ngăn chặn cục máu đông từ chi dưới di chuyển về phổi.

Những bệnh nhân có biến chứng thuyên tắc phổi cũng được chỉ định thuốc kháng đông lâu dài. Tuy nhiên, trong các tình huống cấp cứu, nguy kịch tính mạng, thuốc tiêu sợi huyết nhằm làm tan cục máu đông cần chỉ định tức thì hoặc các thủ thuật can thiệp nội mạch nhanh chóng lấy cục máu đông ra khỏi cơ thể.

vicare-viem-tinh-mach-la-gi-body-3
Làm thế nào để chẩn đoán và điều trị viêm tĩnh mạch

6. Làm thế nào để phòng ngừa viêm tĩnh mạch?

Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm tĩnh mạch:

  • Từng bị huyết khối tĩnh mạch sâu
  • Rối loạn đông máu
  • Liệu pháp nội tiết tố hoặc thuốc tránh thai
  • Không vận động trong thời gian dài
  • Mắc một số loại ung thư và điều trị ung thư
  • Mang thai
  • Thừa cân hoặc béo phì
  • Hút thuốc lá
  • Lạm dụng rượu
  • Trên 60 tuổi

Các biện pháp phòng ngừa viêm tĩnh mạch:

  • Thông báo về các yếu tố nguy cơ với bác sĩ, đặc biệt là trước khi phẫu thuật
  • Tập vận động lại càng sớm càng tốt sau khi phẫu thuật, ngay cả vận động thụ động trên giường.
  • Tránh tư thế đứng lâu một vị trí. Nên mang vớ nén áp lực nếu công việc đòi hỏi phải đi đứng nhiều.
  • Thường xuyên đứng lên, đi vài bước hay duỗi chân tại chỗ và uống nhiều nước khi ngồi trên chuyến bay dài.

Xem thêm:

  • Viêm tĩnh mạch máu chữa gần 10 năm chưa hết phải làm sao?
  • 6 biện pháp tuyệt vời giúp chống lại chứng suy giãn tĩnh mạch
  • Giãn tĩnh mạch chân - căn bệnh phổ biến của dân văn phòng