Viêm tiểu phế quản bội nhiễm - bệnh phổ biến ở trẻ trong mùa đông
Một bệnh lý thường gặp ở trẻ nhỏ hơn 2 tuổi đó là viêm tiểu phế quản bội nhiễm. Hiểu rõ các bệnh lý đường hô hấp nói chung cũng như viêm tiểu phế quản bội nhiễm nói riêng là vô cùng cần thiết đối với các gia đình có con nhỏ.
Viêm tiểu phế quản bội nhiễm - bệnh phổ biến ở trẻ trong mùa đông
Trẻ em là nhóm đối tượng thường xuyên mắc phải các bệnh lý hô hấp, do sức đề kháng yếu và hệ miễn dịch chưa phát triển toàn diện.
Thế nào là viêm tiểu phế quản?
Viêm tiểu phế quản là tình trạng nhiễm trùng phổi gây ra bởi một số loại virus. Tình trạng này làm tắc nghẽn tiểu phế quản (phế quản nhỏ, phế quản tận cùng gọi là tiểu phế quản).
Khi bị bệnh, các tiểu phế quản này bị viêm, sưng, phù nề, tiết ra nhiều dịch nhầy làm cho đường thở trẻ bị chít hẹp, gây ra khó thở, thậm chí tắc nghẽn do các nốt nhầy, dẫn đến xẹp phổi. Viêm tiểu phế quản thường gặp ở trẻ < 2 tuổi, đặc biệt là từ 3 đến 6 tháng tuổi.
Bệnh xuất hiện vào mùa đông, đầu mùa xuân ở khí hậu ôn đới và xảy ra quanh năm, cao trào vào mùa mưa ở khí hậu nhiệt đới. Hầu hết trẻ bệnh khoảng 10 ngày sau đó tự hồi phục, tuy vậy có một số ít trường hợp cần phải nhập viện.
Tác nhân gây bệnh viêm tiểu phế quản
Tác nhân thường làm cho trẻ viêm tiểu phế quản là các virus, đứng hàng đầu là virus hợp bào hô hấp Respiratory Syncytial virus (RSV) chiếm 45-90% các trường hợp mắc bệnh. Ngoài ra còn có Human metapneumovirus (HMPV) chiếm khoảng 8%, Rhino virus, Adeno virus, Influenza virus.
Thời gian ủ bệnh vài ngày đến một tuần. RSV sống 30 phút trên da, 6-7 giờ trên đồ vật hoặc quần áo, vài ngày trong giọt chất tiết lớn bắn ra từ mũi miệng người bệnh và trong không khí. Có 1/3 trẻ nhỏ đồng nhiễm các loại virus. 45% người lớn sẽ mắc bệnh nếu trong gia đình có 1 trẻ bị viêm tiểu phế quản bội nhiễm.
Viêm tiểu phế quản rất hay xuất hiện ở trẻ có sức đề kháng yếu (trẻ đẻ non, sơ sinh nhẹ cân, suy dinh dưỡng bào thai), trẻ mắc bệnh phổi mãn tính (đã được thở máy và thở oxy kéo dài trước đó), trẻ có các bệnh lý bẩm sinh...
Viêm tiểu phế quản bội nhiễm
Viêm tiểu phế quản bội nhiễm là một biến chứng của viêm tiểu phế quản. Hãy nhớ rõ một vấn đề: viêm tiểu phế quản chỉ do virus gây ra, viêm tiểu phế quản bội nhiễm tức là có sự xuất hiện của cả vi khuẩn. Các trường hợp bội nhiễm trên bệnh lý nền là viêm tiểu phế quản: bội nhiễm vi khuẩn thứ phát chiếm 1.2%, bội nhiễm viêm phổi: 0.9%, nhiễm trùng huyết/viêm màng não chiếm 1-2%, nhiễm trùng tiểu: 1-5 %... bội nhiễm tăng ở trẻ em nằm phòng Hồi sức tích cực (ICU), nhất là trẻ có thở máy.
Triệu chứng viêm tiểu phế quản bội nhiễm ở trẻ
Triệu chứng viêm tiểu phế quản (rất khó phân biệt với bệnh viêm phổi ở trẻ, vì nhìn chung các bệnh lý hô hấp đều có các triệu chứng tương tự, để chẩn đoán xác định cần thực hiện các xét nghiệm y khoa)
Khởi phát: kéo dài 2-3 ngày: chảy nước mũi, ho ít, sốt nhẹ
Phát bệnh: 3-5 ngày sau:
- Ho nhiều, khò khè, khó thở, co kéo cơ hô hấp, co lõm ngực, phập phồng cánh mũi, tím tái, thở nhanh (theo tiêu chuẩn WHO: < 2 tháng: ≥ 60 lần/phút, từ 2 -> 12 tháng: ≥ 50 lần/phút, từ 12 ->24 tháng: ≥ 40 lần/phút).
- Ngưng thở chiếm 20% ở nhóm trẻ dưới 6 tháng tuổi và có thể gây đột tử ở trẻ nhũ nhi.
- Bỏ bú, bú kém, không uống được, mất nước.
- Sốt cao, quấy khóc, li bì...
Dấu hiệu bội nhiễm
- Sốt cao đột ngột, kéo dài không dứt ngay cả khi dùng thuốc hạ sốt.
- Viêm tai giữa cấp, chảy mủ tai.
- Các triệu chứng tiến triển xấu đi nhanh chóng.
- Xét nghiệm máu cho thấy bạch cầu tăng cao, nhất là bạch cầu đa nhân chiếm ưu thế; CRP tăng > 20mg/l (bạch cầu và CRP là các số hiệu chứng tỏ có ổ nhiễm trùng trong cơ thể), chụp X-quang phổi thấy có thâm nhiễm và cấy vi khuẩn dương tính (đa số viêm tiểu phế quản là do virus, nếu xuất hiện vi khuẩn là do có sự bội nhiễm xảy ra).
Viêm tiểu phế quản bội nhiễm: Khi nào nên nhập viện?
Viêm tiểu phế quản bội nhiễm là viêm tiểu phế quản đã có biến chứng bội nhiễm, do đó, cấp thiết nhất là đưa trẻ đến bệnh viện để được can thiệp y tế kịp thời. Cha mẹ thông thường khó nhận biết trẻ có bội nhiễm hay không, do đó khi thấy trẻ có các triệu chứng như đã nêu ở trên và kèm theo các tiêu chuẩn nhập viện như:
- Trẻ nhỏ < 3 tháng, nhất là 6 tuần.
- Sinh non (< 34 tuần); cân nặng < 2500g
- Bệnh lý nền: tim, bệnh phổi mãn tính, bệnh não thần kinh;
- Suy giảm miễn dịch;
- Môi trường sống đông đúc, kinh tế xã hội thấp.
- Cha mẹ lo lắng, không thể chăm sóc.
- Trẻ nhỏ hơn 5 tháng 1 trong các biểu hiện: nhịp thở ≥ 70 lần/phút, nhịp tim ≥ 150 lần/phút, tím tái, mất dần tri giác.
Điều trị viêm tiểu phế quản bội nhiễm ở trẻ em
Viêm tiểu phế quản bội nhiễm được phân thành 2 yếu tố cần đánh mạnh điều trị: viêm tiểu phế quản và tình trạng bội nhiễm.
Điều trị viêm tiểu phế quản
- Cho trẻ nằm đầu cao: tư thế đầu cao 30o
- Giải quyết tắc nghẽn mũi: hút đờm dãi, thông thoáng đường thở cho trẻ
- Cho trẻ thở oxy (nếu trẻ khó thở)
- Đảm bảo đủ dinh dưỡng: cung cấp đủ nước, cho đổ thìa sữa mẹ...
- Truyền dịch nếu trẻ không bú được.
- Sử dụng khí dung nước muối hoặc dùng thuốc giãn phế quản để điều trị triệu chứng khi trẻ khò khè, co thắt nhiều. (thuốc giãn phế quản sẽ được thử trước, tùy theo đáp ứng của từng trẻ mà quyết định sử dụng).
Điều trị bội nhiễm
- Dùng kháng sinh để điều trị bội nhiễm phổi
- Cách ly trẻ.
Cách phòng tránh viêm tiểu phế quản bội nhiễm
- Người mẹ cần chú ý từ trong thời gian mang thai: khám thai định kỳ, chế độ dinh dưỡng đầy đủ và lao động hợp lý, đảm bảo trẻ sinh đủ tháng, đủ cân.
- Tiêm phòng cho trẻ đầy đủ, đúng theo chương trình tiêm chủng mở rộng.
- Cung cấp đủ chất dinh dưỡng trong khẩu phần ăn hàng ngày cho trẻ: đạm, chất béo, bột đường, vitamin, muối khoáng...
- Khi trời lạnh hoặc giao mùa, giữ ấm cho, không để trẻ quá lạnh cũng như quá nóng, nên mặc quần áo đủ ấm.
- Thường xuyên sát khuẩn mũi họng cho trẻ bằng cách rửa với dung dịch nước muối sinh lý 0.9%.
Xem thêm:
- Viêm tiểu phế quản ở trẻ sơ sinh có nguy hiểm như mẹ nghĩ?
- Viêm tiểu phế quản khác viêm phế quản như thế nào?