Viêm ruột thừa diễn biến thế nào và kéo dài bao lâu?

Viêm ruột thừa tiến triển rất nhanh, có thể vỡ, hoại tử, gây khó khăn cho việc điều trị và dễ dẫn tới các biến chứng như viêm ruột, tắc ruột, gây nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân.

Viêm ruột thừa diễn biến thế nào và kéo dài bao lâu? Viêm ruột thừa diễn biến thế nào và kéo dài bao lâu?

Bài viết được viết bởi Bác sĩ Ngô Việt Thắng - Bác sĩ Ngoại tiêu hóa, Khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

1. Viêm ruột thừa là gì?

Ruột thừa là một bộ phận nhỏ như ngón tay cái, nằm phía dưới bên phải bụng, một đầu bịt kín và đầu kia thông với manh tràng (đoạn đầu tiên của ruột già). Viêm ruột thừa là tình trạng ruột thừa bị viêm nhiễm. Nguyên nhân ruột thừa bị viêm chủ yếu là do nhiễm khuẩn khi lòng ruột thừa bị bít tắc bởi sự quá sản của tổ chức lympho ở thành ruột thừa hoặc bị sỏi phân, ký sinh trùng, hạt trái cây,... chui vào ruột thừa.

2. Thời gian ủ bệnh viêm ruột thừa

Đau ruột thừa là triệu chứng đầu tiên và luôn có của viêm ruột thừa. Thời gian đau ruột thừa kéo dài bao lâu phụ thuộc chủ yếu vào thể trạng của từng người. Thông thường cơn đau xảy ra rất nhanh chóng. Khi mới chớm viêm ruột thừa, bệnh nhân thường bị đau ruột thừa kéo dài 1 – 12 tiếng, chủ yếu đau ở phía bên phải bụng, khu vực quanh rốn và vùng thượng vị. Tiếp theo, cơn đau chuyển dần xuống bụng dưới cạnh hố chậu bên phải. Lúc này cơn đau sẽ âm ỉ, đôi khi đau tăng lên khiến người bệnh rất khó chịu.

Sau khi cơn đau xuất hiện, các triệu chứng khác của viêm ruột thừa cũng sẽ biểu hiện trong vòng 24 giờ. Khoảng 65% bệnh nhân bị viêm ruột thừa có biến chứng vỡ sau 48 giờ. Vì vậy, nếu bệnh nhân bị đau bụng dữ dội đi kèm với các dấu hiệu đau ruột thừa như sốt, rối loạn tiêu hóa,... thì cần tới bệnh viện ngay để được chẩn đoán và cấp cứu kịp thời.

3. Diễn tiến của viêm ruột thừa

Khi bệnh nhânviêm ruột thừa không được chẩn đoán và điều trị kịp thời nó có thể diễn tiến theo những cách như sau:

3.1 Đám quánh ruột thừa

  • Ruột thừa bị viêm được mạc nối lớn và các cấu trúc xung quanh bao bọc.
  • Trên lâm sàng về mặt cơ năng sẽ giảm dần, không sốt, bệnh nhân cảm thấy đỡ hoặc hết đau bụng.
  • Khi khám lâm sàng ở hố chậu phải thấy một mảng cứng, sờ vào giống tấm bìa, có ranh giới không rõ ràng. Đôi khi bác sĩ rất khó phân biệt giữa đám quánh ruột thừa và áp xe ruột thừa.
  • Đám quánh ruột thừa có thể phát triển theo hai hướng: hoặc tan dần, bệnh nhân bớt đau, giảm phản ứng viêm hoặc tạo thành ổ áp xe ruột thừa.
vicare.vn-viem-ruot-thua-dien-bien-nao-va-keo-dai-bao-lau-body-1
Viêm ruột thừa

3.2 Áp xe ruột thừa

  • Viêm ruột thừa cấp vỡ mủ được các tạng lân cận như mạc nối lớn, ruột non bao quanh, cô lập tạo thành ổ mủ khu trú gọi là áp xe ruột thừa.
  • Thời gian hình thành ổ áp xe ruột thừa là khoảng 4 – 5 ngày.
  • Khi khám lâm sàng bác sĩ sờ thấy một khối ở hố chậu phải, di động kém, ấn vào thấy rất đau và có phản ứng thành bụng.

3.3 Viêm phúc mạc

  • Ruột thừa viêm vỡ mủ được bao bọc khu trú 1 phần hoặc không được bao bọc khiến mủ lan rộng một phần hoặc toàn bộ ổ bụng gây viêm phúc mạc khu trú hoặc toàn thể.
  • Có thể khu trú ở hố chậu phải, nửa bụng dưới hoặc viêm phúc mạc toàn bộ.
  • Viêm phúc mạc ruột thừa thường xảy ra khi bệnh nhân được phát hiện viêm ruột thừa muộn.
  • Triệu chứng lâm sàng thường thấy là: bệnh nhân đau hố chậu phải nhiều, sốt cao trên 39 độ C, chướng bụng, bí đại tiện.
  • Khi khám lâm sàng bệnh nhân có biểu hiện đau vùng hố chậu phải hoặc khắp vùng bụng.

Khi thấy đau bụng, nhất là đau vùng hố chậu phải kèm sốt nghi ngờ do viêm ruột thừa, người bệnh cần ngay lập tức tới bệnh viện để được phát hiện, chẩn đoán sớm và xử lý can thiệp phẫu thuật kịp thời nhằm phòng ngừa biến chứng.

XEM THÊM:

  • Điều trị viêm ruột thừa có cần mổ hay không?
  • Cẩm nang những điều cần biết về viêm ruột thừa cấp
  • Nhận biết ruột thừa đau bên nào và cách điều trị hiệu quả