Viêm phổi ở trẻ sơ sinh có thể gây tử vong nếu không điều trị kịp thời
Viêm phổi ở trẻ sơ sinh là một loại bệnh nặng có thể gây tử vong cho trẻ, nhất là những trẻ sinh non, nhẹ cân nếu như không được điều trị kịp thời. Tuy nhiên triệu chứng của bệnh thường không rõ ràng, do đó nhiều trường hợp trẻ được đưa đến cơ sở y tế khi bệnh đã nặng.
Viêm phổi ở trẻ sơ sinh có thể gây tử vong nếu không điều trị kịp thời
Viêm phổi ở trẻ sơ sinh là gì?
Theo Tổ chức y tế thế giới, viêm phổi là viêm nhu mô phổi bao gồm 4 thể lâm sàng: viêm phế quản phổi, viêm phổi thuỳ, viêm phế quản và áp xe phổi.
Trẻ sơ sinh là những trẻ được tính từ lúc sinh ra cho đến khi được 30 ngày đầu đời, trẻ sơ sinh (nhũ nhi) được tính bao gồm cả trẻ sinh đủ tháng và trẻ sinh thiếu tháng sau khi lọt lòng mẹ.
Như vậy viêm phổi ở trẻ sơ sinh là tình trạng nhiễm khuẩn sơ sinh trong đó nhu mô phổi bị viêm và xảy ra ở những trẻ dưới 30 ngày tuổi
Phân loại viêm phổi ở trẻ sơ sinh
Phân loại theo độ nặng
Viêm phổi: 4 thể lâm sàng trên và không kèm theo bất kì một trong 4 dầu hiệu nguy hiểm toàn thân hay một trong 2 dấu hiệu nặng hô hấp (rút lõm lồng ngực, tiếng thở rít lúc hít vào).
Viêm phổi nặng: 4 thể lâm sàng trên và có kèm ít nhất một trong số 6 dấu hiệu nặng nói trên.Viêm phổi nặng thường có suy hô hấp độ II, III, hội chứng nhiễm trùng nặng, hội chứng nhiễm độc.
Phân loại theo vị trí/chức năng
- Viêm phế quản phổi: theo các thống kê các bệnh viện trẻ em của nước ta, đây là dạng phổ biến nhất của viêm phổi, 80% bệnh nhân là trẻ dưới 3 tuổi và 65% là trẻ dưới 12 tháng tuổi.
- Viêm phổi thuỳ hoặc tiểu thùy: thường gặp ở trẻ trên 3 tuổi.
- Viêm phổi kẽ: mọi tuổi.
- Viêm phế quản đơn thuần: ít gặp ở trẻ nhỏ.
Vì sao trẻ sơ sinh dễ bị viêm phổi?
Nguyên nhân gây viêm phổi ở trẻ sơ sinh thường do các loại vi khuẩn như Listeria, Coli, các vi khuẩn Gram âm.
Nhiễm khuẩn phổi có thể xảy ra từ trước, trong hoặc sau khi sanh, liên quan tới thời gian vỡ ối trước khi sanh. Trẻ cũng có thể bị bệnh ngay trong khi sanh do hít phải nước ối, phân su đã bị nhiễm khuẩn hoặc dịch tiết ở đường sinh dục của người mẹ. Các yếu tố nguy cơ có thường gặp có thể gây viêm phổi ở trẻ sơ sinh:
Yếu tố nguy cơ từ phía Mẹ
- Mẹ mắc bệnh nhiễm trùng trong thời kỳ mang thai (rubella, toxoplasmosis, cytomegalovirus).
- Vỡ ối sớm trước 12 giờ gây nhiễm trùng ối.
- Mẹ sốt trước trong và sau sinh.
- Thời gian chuyển dạ kéo dài trên 12 giờ, nhất là trên 18 giờ.
- Mẹ bị nhiễm khuẩn đường tiết niệu trước sinh mà không điều trị đúng.
Yếu tố nguy cơ từ con
- Trẻ Sinh non.
- Nhẹ cân so với tuổi thai.
- Sang chấn sản khoa.
Yếu tố từ môi trường
- Lây truyền trực tiếp hoặc gián tiếp qua mẹ, thân nhân bệnh nhi, cán bộ y tế.
- Dụng cụ y tế không vô khuẩn.
- Các thủ thuật xâm nhập (đặt catheter, nội khí quản...).
Ngoài ra, ở những trẻ thiếu cân/đẻ non, các phản xạ chưa hoàn thiện ở đường thực quản khiến trẻ dễ bị trào ngược thực quản dạ dày. Do đó, trẻ thường bị nôn, trớ khi bú mẹ. Nếu sữa bị hít nhầm vào khí quản sẽ gây ra các triệu chứng như thở gấp, hụt hơi, mặt tím tái. Càng hít vào nhiều sữa thì khả năng viêm phổi càng cao.
Ngoài ra, có một số bệnh khác cũng có thể dẫn tới viêm phổi sơ sinh như viêm dây rốn, viêm da, viêm khoang miệng,...
Ngoài ra, ở những trẻ thiếu cân/đẻ non, các phản xạ chưa hoàn thiện ở đường thực quản khiến trẻ dễ bị trào ngược thực quản dạ dày. Do đó, trẻ thường bị nôn, trớ khi bú mẹ. Nếu sữa bị hít nhầm vào khí quản sẽ gây ra các triệu chứng như thở gấp, hụt hơi, mặt tím tái. Càng hít vào nhiều sữa thì khả năng viêm phổi càng cao.
Ngoài ra, có một số bệnh khác cũng có thể dẫn tới viêm phổi sơ sinh như viêm dây rốn, viêm da, viêm khoang miệng,...
Cần phát hiện sớm các dấu hiệu ban đầu
Bệnh viêm phổi sơ sinh thường xuất hiện sớm, sau đẻ từ 12 giờ đến vài ngày, diễn tiến nhanh và nặng.
Nếu dấu hiệu viêm phổi ở trẻ lớn thường là sốt cao, ho, nghe tiếng thở thấy rít rít thì với trẻ sơ sinh, các dấu hiệu trên không rõ ràng do đường hô hấp chưa phát triển đẩy đủ. Có thể phát hiện các dấu hiệu viêm phổi ở trẻ sơ sinh thông qua các dấu hiệu như:
- Bú kém hoặc bỏ bú;
- Sốt trên 37,50C hoặc hạ thân nhiệt;
- Thở nhanh trên 60 lần trong 1 phút hoặc khó thở.
Với trẻ sơ sinh, khi các triệu chứng viêm phổi thể hiện rõ ràng thì phần nhiều là bệnh đã ở tình trạng nặng. Lúc này trẻ sốt cao, li bì, bỏ bú hoặc bú kém, khó thở, rút lõm lồng ngực, chướng bụng, thở nhanh ... Nếu thấy các triệu chứng này ở trẻ sơ sinh cần đưa trẻ đến viện ngay để điều trị, tránh biến chứng viêm phổi nặng.
Viêm phổi ở trẻ sơ sinh được chẩn đoán và điều trị như thế nào?
- Các Bác sĩ có thể chẩn đoán viêm phổi sau khi khám lâm sàng. Tuy nhiên cũng cần chỉ định chụp phổi để chẩn đoán xác định và đánh giá chính xác mức độ tổn thương phổi. Ngoài ra các xét nghiệm máu, cấy dịch tiết đường hô hấp cũng được tiến hành tùy thuộc vào mức độ của bệnh và để tìm căn nguyên gây bệnh.
- Tùy thuộc mức độ và nguyên nhân gây bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định cho trẻ uống hoặc tiêm kháng sinh và các thuốc điều trị hỗ trợ khác.
- Trẻ sơ sinh khi bị viêm phổi cần phải được nhập viện điều trị và nằm phòng riêng hạn chế tiếp xúc với người ngoài
Phòng bệnh viêm phổi như thế nào?
- Trong quá trình mang thai các thai phụ phải đi kiểm tra thai định kỳ để phát hiện và can thiệp kịp thời khi xảy ra những bất thường của thai nhi;
- Cần chọn sinh con tại các bệnh viện đảm bảo an toàn cho sản phụ và trẻ sơ sinh;
- Cần chăm sóc tốt cho bà mẹ và trẻ sau khi sinh;
- Tăng đề kháng cho trẻ hoàn toàn bằng sữa mẹ, ít nhất trong 6 tháng đầu đời;
- Giữ vệ sinh sạch sẽ cho trẻ, tránh bị lây nhiễm vi khuẩn bằng cách rửa tay sạch sẽ trước khi tiếp xúc với trẻ;
- Khử trùng/vô trùng toàn bộ đồ dùng chắm óc trẻ (quần áo, khăn tã, bình sữa, cốc, ...) để cách ly với nguồn lây bệnh...
- Trẻ bị viêm phổi không phải hoàn toàn do trẻ không được mặc ấm, vì thời tiết nóng hoặc lạnh (như chúng ta thường nghĩ...), mà chủ yếu do trẻ bị nhiễm từ cộng đồng (trong gia đình hoặc bên ngoài). Do vậy, cần tạo cho trẻ có môi trường sống trong lành: không khói thuốc lá và các ô nhiễm khác.
- Tránh tiếp xúc đám đông, đặc biệt người ốm có dấu hiệu hắt hơi, sổ mũi, đau họng, ho..., chủ động phòng ngừa (đeo khẩu trang khi cần, rửa tay thường xuyên) là những biện pháp hữu hiệu mà chúng ta thường dễ bỏ qua.
- Trẻ cần được tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch theo quy định. Tiêm chủng là biện pháp phòng bệnh đặc hiệu, nhằm tạo cho trẻ có miễn dịch chủ động chống lại bệnh tật khi bị lây nhiễm. Tiêm chủng không chỉ phòng tác nhân gây bệnh đường hô hấp mà còn phòng nhiều bệnh lý khác, góp phần tạo nên cơ thể khỏe mạnh thì nguy cơ bị viêm phổi cũng được hạn chế.
Viêm phổi ở trẻ sơ sinh được xếp vào nhóm nhiễm trùng sơ sinh. Đây là một bệnh nguy hiểm có thể dẫn đến tử vong. Nguyên nhân gây viêm phổi sơ sinh do các ổ nhiễm trùng ở tử cung, các màng vào nước ối đến thai, do mẹ mắc bệnh truyền nhiễm trong quá trình mang thai, thời gian chuyển dạ kéo dài, dụng cụ y tế không vô khuẩn...
Do đó để tránh và phát hiện sớm viêm phổi ở trẻ sơ sinh, các thai phụ cần đi khám thai đều đặn, tiêm chủng đầy đủ và điều trị dứt điểm các bệnh lý và nhiễm trùng tiết niệu sinh dục... Trẻ sau khi sinh cần vệ sinh hàng ngày và được ở trong một môi trường trong lành tránh khói thuốc lá. Cha mẹ cần rửa tay trước và sau khi chăm sóc trẻ và cho trẻ bú mẹ để có kháng thể bảo vệ trẻ tránh bị nhiễm trùng...
Xem thêm:
- Vì sao trẻ nhỏ thường bị bệnh viêm phổi?
- Cách phát hiện sớm trẻ bị viêm phổi
- Cảnh giác bệnh viêm phổi trẻ em trong mùa đông