Viêm phổi ở trẻ nhỏ khi nào thì nguy hiểm, cần đưa đi viện?

Trẻ nhỏ có hệ miễn dịch chưa hoàn thiện, trẻ rất nhạy cảm với sự biến đổi dù nhỏ nhất từ môi trường. Mỗi khi thời tiết chuyển mùa, các bậc cha mẹ luôn luôn lo lắng về tình trạng viêm phổi lại đến với con yêu của mình. Việc tự trang bị kiến thức về viêm phổi ở trẻ nhỏ vô cùng cần thiết.

Viêm phổi ở trẻ nhỏ khi nào thì nguy hiểm, cần đưa đi viện? Viêm phổi ở trẻ nhỏ khi nào thì nguy hiểm, cần đưa đi viện?

HoiBenh sẽ cùng các phụ huynh tìm hiểu bệnh lý này qua bài viết sau đây.

Dấu hiệu nhận biết viêm phổi ở trẻ nhỏ

Thở nhanh

Triệu chứng viêm phổi khá giống với viêm mũi họng thông thường. Tuy nhiên phụ huynh hãy đặc biệt chú ý đến nhịp thở của trẻ. Bởi vì một trong những triệu chứng viêm phổi ở trẻ nhỏ chính là thở nhanh.

Theo Tổ chức y tế thế giới đưa ra tiêu chuẩn thở nhanh như sau: từ hơn 60 lần/phút với trẻ dưới 2 tháng tuổi, từ 50 lần/phút với trẻ 2-12 tháng và 40 lần/phút trở lên với trẻ từ 1-5 tuổi. Đếm khi trẻ nằm yên hoặc ngủ, canh đúng 1 phút và lặp lại 2-3 lần lấy kết quả trung bình.

Thở rên, rút lõm lồng ngực

Thở rên, phập phồng cánh mũi hoặc khó thở, lõm lồng ngực. Rút lõm lồng ngực là triệu chứng của viêm phổi nặng. Để phát hiện triệu chứng này hãy nhìn vào phần dưới của lồng ngực (khoảng 1/3 dưới) sẽ lõm vào khi trẻ hít vào. Nếu chỉ có các phần mềm giữa xương sườn hoặc phần trên xương đòn lõm vào khi thở thì không gọi là rút lõm lồng ngực.

Sốt cao

Trẻ sốt cao (trên 37.5 độ C), kéo dài 2-3 ngày hoặc hơn nữa. Trẻ sốt cao không hạ đặc biệt nguy hiểm, không nên chủ quan để bé ở nhà, dù là nguyên nhân nào cũng nên đưa trẻ đi khám hoặc nhập viện để kiểm soát, bình ổn thân nhiệt.

Ho khan hay ho có đờm

Ngoài ho khan, ho có đờm, viêm phổi nặng ở trẻ em còn gây triệu chứng tím tái (mặt, tay chân hoặc toàn thân nhợt nhạt) biểu hiện của rối loạn hô hấp, co giật, lơ mơ hoặc hôn mê. Trẻ có thể bỏ bú hoặc không chịu ăn uống, thậm chí nôn, đau ngực (ít hoặc nhiều).

vicare.vn-viem-phoi-o-tre-nho-khi-nao-thi-nguy-hiem-can-dua-di-vien-body-1

Viêm phổi ở trẻ nhỏ có nguy hiểm không?

Các bậc cha mẹ thường bỏ qua các triệu chứng viêm phổi ở trẻ nhỏ hoặc lầm tưởng bé chỉ bị cảm thông thường khi trời chuyển lạnh. Do đó, không ít trường hợp nhập viện khi viêm phổi đã tiến triển nặng, thậm chí trẻ phải thở máy.

Các chuyên gia y tế cảnh báo viêm phổi ở trẻ nhỏ là một bệnh nguy hiểm. Việt Nam đứng hàng thứ 9 trên tổng số 15 quốc gia có số trẻ bị viêm phổi hàng năm cao nhất. Viêm phổi là bệnh truyền nhiễm có tỉ lệ tử vong cao cho trẻ dưới 5 tuổi. Thống kê trên thế giới hàng năm có khoảng 1 triệu trẻ em chết do viêm phổi, chiếm tỉ lệ 15% tổng số ca tử vong trẻ em dưới 5 tuổi. Năm 2013, trên thế giới có 935.000 trẻ em qua đời vì viêm phổi, trung bình hơn 2.500 trẻ qua đời mỗi ngày.

Đặc biệt với trẻ bị suy dinh dưỡng cấp tính nặng sẽ có nguy cơ tử vong cao hơn khi bị viêm phổi. Tình trạng suy dinh dưỡng làm hệ thống miễn dịch suy yếu, không đủ sức đề kháng để chống chọi bệnh tật. Các bậc cha mẹ nên chú ý yếu tố liên quan đến dinh dưỡng vì đây là nguyên nhân dẫn đến 45% các ca tử vong ở trẻ em dưới năm tuổi.

Trẻ em dưới một tuổi có số lượng phế nang còn ít, mỗi khi trẻ thở gần như tập trung tất cả phế nang hoạt động. Ở trẻ nhỏ, hoạt động phế nang nhanh hơn bình thường nhằm đáp ứng nhu cầu oxy cao hơn người lớn. Khi nhịp thở tăng quá nhanh và kéo dài dễ khiến trẻ kiệt sức, dẫn đến suy hô hấp rất nguy hiểm. Đối với trẻ lớn hơn, cơ quan hô hấp và hệ miễn dịch phần nào phát triển hoàn thiện hơn. Khi trẻ hơn 5 tuổi, tỉ lệ mắc viêm phổi giảm hẳn đồng thời các biến chứng nặng cũng ít xảy ra.

Nguyên nhân gây viêm phổi ở trẻ nhỏ

Bệnh viêm phổi nói chung là do virus, vi khuẩn, vi nấm và ký sinh trùng gây ra. Theo kinh nghiệm điều trị của bác sĩ nhi khoa, viêm phổi ở trẻ lớn hơn 5 tuổi thường là do vi khuẩn. Đối với trẻ dưới 5 tuổi, tác nhân gây bệnh chủ yếu do virus. Tuy nhiên thực tế để phân biệt giữa nguyên nhân do vi khuẩn hay virus lại không hề đơn giản. Với trẻ nhỏ hơn 5 tuổi, khởi đầu hoàn toàn có thể là do nhiễm virus, nhưng do hệ miễn dịch yếu ớt dẫn đến việc bội nhiễm vi khuẩn.

Một số tác nhân gây bệnh viêm phổi thường gặp: Streptococcus pneumoniae, Haemophilus influenzae type b, Mycoplasma pneumoniae, Respiratory Syncytial virus (RSV – virus hợp bào hô hấp), Adenovirus...

Viêm phổi ở trẻ nhỏ có lây lan không?

Bệnh lây truyền qua đường hô hấp, từ người sang người, có thể từ người lớn qua trẻ nhỏ hoặc ngược lại (hiếm hơn vì hệ miễn dịch người lớn phát triển) và lây giữa các trẻ nhỏ với nhau. Tác nhân gây bệnh có trong chất dịch từ mũi hoặc miệng người bệnh, lây lan khi ho hoặc hắt hơi vào người khác, dùng chung dụng cụ ăn uống, tiếp xúc với khăn giấy hoặc khăn mặt đã qua sử dụng của người mắc bệnh. Khi trong gia đình có người bị viêm phổi nên hết sức chú ý phòng tránh cho trẻ tiếp xúc.

vicare.vn-viem-phoi-o-tre-nho-khi-nao-thi-nguy-hiem-can-dua-di-vien-body-2

Viêm phổi ở trẻ nhỏ: Khi nào nên nhập viện?

Trẻ có các triệu chứng báo động viêm phổi nặng:

  • Lõm ngực khi hít vào.
  • Khó thở, hai cánh mũi phập phồng liên tục và xuất hiện dấu hiệu
  • tím tái.
  • Thở khò khè hoặc thở rít ngay cả khi nằm yên, khi ngủ.
  • Không thể uống được, bỏ ăn, bỏ bú, co giật hoặc trẻ luôn trong trạng thái li bì khó đánh thức.

Viêm phổi có thể được điều trị ngoại trú (tại nhà) bằng các thuốc đường uống theo chỉ định của bác sĩ nhi khoa. Tuy nhiên các phụ huynh nên lưu ý cho bé nhập viện khi có các dấu hiệu sau đây:

  • Viêm phổi xảy ra ở trẻ dưới 6 tháng tuổi.
  • Triệu chứng không thuyên giảm mà còn nặng nề hơn sau 48-72 giờ điều trị tại nhà (điều trị ngoại trú thất bại).
  • Trẻ hiện có biểu hiện nhẹ nhưng không thể uống thuốc do nôn nhiều hoặc do ăn uống kém.
  • Gia đình không đảm bảo việc chăm sóc và theo dõi bé tại nhà.

Chăm sóc tại nhà cho trẻ nhỏ bị viêm phổi

  • Phụ huynh phải tuân thủ theo y lệnh của bác sĩ. Cho trẻ uống đúng thuốc, đúng liều, đúng số lần và số ngày, chú ý khoảng cách giữa những lần dùng thuốc. Không tự ý dừng thuốc hoặc thay đổi thuốc dù trẻ đã có dấu hiệu khỏe lại.
  • Cho trẻ nghỉ ngơi, ăn uống đầy đủ và chia nhỏ số bữa, giảm lượng thức ăn mỗi bữa để tránh nôn ói của thức ăn lẫn thuốc. Cho ăn theo nhu cầu của trẻ.
  • Chú ý các dấu hiệu cần nhập viện ở trẻ.
  • Tái khám theo lời dặn của bác sĩ.
vicare.vn-viem-phoi-o-tre-nho-khi-nao-thi-nguy-hiem-can-dua-di-vien-body-3

Phòng bệnh viêm phổi ở trẻ nhỏ

  • Cho trẻ bú mẹ ít nhất trong 6 tháng đầu và kéo dài cho đến khi trẻ được 18 - 24 tháng (nếu có thể), đảm bảo chế độ dinh dưỡng khoa học.
  • Không ủ ấm quá mức. Cảm giác nóng – lạnh của trẻ không hoàn toàn giống như người lớn. Mặc quá ấm, trẻ vận động ra mồ hôi nhiều, mồ hôi bị giữ lại bên trong và thấm ngược lại.
  • Tạo môi trường sống trong lành: không khói thuốc lá và ô nhiễm khác
  • Hạn chế tiếp xúc và chơi đùa nơi công cộng, đặc biệt không cho trẻ đến gần người hắt hơi, sổ mũi, ho... Đeo khẩu trang rửa tay thường xuyên cho trẻ khi dẫn trẻ ra ngoài.
  • Tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch là biện pháp phòng bệnh đặc hiệu, tạo miễn dịch chủ động chống lại bệnh tật.
  • Tiếp xúc với trẻ phải rửa tay thường xuyên bằng nước sạch và xà phòng. Giữ vệ sinh đồ chơi và dụng cụ ăn uống cho trẻ.

Xem thêm:

  • Dấu hiệu viêm phổi ở trẻ em mẹ nên chú ý
  • Vì sao trẻ em dễ mắc viêm phổi? Cách phòng tránh viêm phổi ở trẻ em
  • Viêm phổi ở trẻ nhỏ gây nên những biến chứng nguy hiểm gì?