Viêm phổi ở trẻ em: Những điều cần biết

Viêm phổi là tình trạng bệnh lý thường gặp ở trẻ gây ra nhiều lo lắng cho các bậc cha mẹ. Hãy cùng các chuyên gia tìm hiểu Viêm phổi ở trẻ em có triệu chứng gì, hướng xử trí và cách phòng ngừa như thế nào để trẻ có được một sức khỏe tối ưu.

Viêm phổi ở trẻ em: Những điều cần biết Viêm phổi ở trẻ em: Những điều cần biết

Viêm phổi là tình trạng bệnh lý thường gặp ở trẻ gây ra nhiều lo lắng cho các bậc cha mẹ. Hãy cùng các chuyên gia tìm hiểu viêm phổi ở trẻ em có triệu chứng gì, hướng xử trí và cách phòng ngừa như thế nào để trẻ có được một sức khỏe tối ưu.

Viêm phổi ở trẻ em là gì?

Viêm phổi ở trẻ em là tình trạng nhu mô phổi bị viêm do sự xuất hiện một số lượng lớn các sinh vật gây bệnh mà các vi sinh vật này phá bỏ được các cơ chế bảo vệ đường hô hấp của trẻ, bao gồm viêm phế quản phổi, viêm phổi thùy, viêm phổi kẽ, áp xe phổi.

Các cơ chế bảo vệ cung cấp sự bảo vệ cho phổi bao gồm hoạt động của lông chuyển ở đường hô hấp, có vai trò bắt các vật lạ được hít vào, 1 lớp chất nhầy được sản xuất để bao lấy vật lạ đồng thời lớp lông chuyển có nhiệm vụ đưa những vật lạ này ra khỏi cơ thể thông qua ho khạc đờm ra ngoài.

Khi trẻ nhiễm virus, chức năng của những lông chuyển này bị rối loạn hay thậm chí là ngưng hoạt động tạo điều kiện cho các vi khuẩn thường trú xâm nhập vào nhu mô phổi. Lúc này trẻ mắc bệnh viêm phổi.

vicare.vn-viem-phoi-o-tre-em-nhung-dieu-can-biet-body-1

Nguyên nhân viêm phổi ở trẻ em

Nguyên nhân gây viêm phổi ở trẻ em phụ thuộc rất nhiều vào độ tuổi của bệnh nhi.

Vi trùng

  • Trong thời kỳ sơ sinh, những tác nhân vi khuẩn gây viêm phổi vừa có khả năng gây nhiễm trùng huyết vừa có thể gây viêm màng não. Đáng lưu ý nhất là Streptococcus nhóm B (GBS) gây nhiễm trùng đường hô hấp dưới nghiêm trọng với tỷ lệ mắc bệnh và tử vong cao. Nhiễm trùng do Streptococcus nhóm B đã được tìm thấy ở trẻ sơ sinh đến 8 tháng tuổi, nhưng khoảng ba phần tư bị nhiễm trùng trước 2 tháng tuổi. Một số tác nhân khác gây viêm phổi trong vài tháng đầu đời bao gồm Escherichia coli, Klebsiella pneumoniae và các vi khuẩn gram âm đường ruột khác. Listeria monocytogenes cũng được coi là tác nhân gây viêm phổi ở trẻ em. Ít gặp hơn bao gồm Haemophilus influenzae, các chủng Streptococcus và Enterococcus khác có thể liên quan đến các đợt nhiễm trùng. Trong một số hiếm các trường hợp vi khuẩn kỵ khí có thể được tìm thấy ở trẻ sơ sinh. Trẻ sơ sinh cũng có thể bị nhiễm Chlamydia trachomatis, dẫn đến viêm phổi với viêm kết mạc.
  • Ngoài thời kỳ sơ sinh, Streptococcus pneumoniae là mầm bệnh quan trọng nhất xét về cả số trường hợp mắc bệnh lẫn khả năng xuất hiện biến chứng, chiếm 25-38% các ca viêm phổi. Sử dụng thường quy vắc-xin phế cầu khuẩn liên hợp đã làm giảm tỷ lệ nhiễm S pneumoniae, bao gồm cả giảm viêm phổi.
  • Trẻ mới biết đi và trẻ nhỏ có thể gặp các tác nhân bao gồm Haemophilus influenzae type B và các chủng Chlamydia trachomatis, Mycoplasma pneumoniae và Moraxella catarrhalis. Các trường hợp viêm phổi do liên cầu khuẩn nhóm tán huyết beta nhóm A đã được báo cáo, thường đi kèm tràn dịch màng phổi, viêm mủ màng phổi, sốc.
  • Trẻ em trong độ tuổi đến trường, Mycoplasma pneumoniae là nguyên nhân chính gây viêm phổi. Chlamydia pneumoniae cũng có thể gây viêm phổi ở trẻ em. Ngoài ra còn gặp S pneumoniae cũng có thể là nguyên nhân gây nhiễm trùng đường hô hấp dưới. Legionella pneumophila cũng có thể là nguyên nhân hiếm gặp gây nhiễm trùng đường hô hấp dưới ở trẻ lớn và thanh thiếu niên.

Virus

  • Trẻ em dưới 5 tuổi cũng có nguy cơ mắc viêm phổi do virus. Lây truyền virus do tiếp xúc trực tiếp hoặc do lây qua các hạt chất tiết trong không khí do trẻ ho tạo ra. Virus hợp bào hô hấp (RSV) lây nhiễm cho hầu hết tất cả trẻ mới biết đi trước 3 tuổi, với 1% trẻ phải nhập viện. Các nguyên nhân gây bệnh khác có thể gặp trong những năm đầu đời bao gồm virus á cúm parainfluenza, cúm và adenovirus.
  • Một điểm quan trọng là nhiều mầm bệnh có thể được tìm thấy trên cùng một bệnh nhân. Khi nhiễm virus, với mất biểu mô và viêm có thể dẫn đến nhiễm trùng thêm vi khuẩn; 16% đến 50% bệnh nhân có thể chứa nhiều hơn một mầm bệnh.

Không do vi trùng

  • Hít sặc thức ăn, dị vật, dịch dạ dày
  • Quá mẫn
  • Thuốc
  • Các chất phóng xạ

Yếu tố nguy cơ

Trẻ tiếp xúc với những yếu tố sau đây sẽ làm tăng khả năng mắc viêm phổi.

  • Tiếp xúc với khói thuốc lá môi trường và các chất ô nhiễm không khí, khói bụi đã được chứng minh là có liên quan đến viêm phổi.
  • Các yếu tố khác có thể làm tăng nguy cơ viêm phổi bao gồm suy dinh dưỡng, suy giảm miễn dịch hoặc chậm phát triển nghiêm trọng.
  • Trẻ sơ sinh có tiền sử sinh non và bệnh phổi mạn tính cũng là đối tượng nguy cơ bị nhiễm trùng đường hô hấp dưới cấp tính (viêm phổi).
  • Hoàn cảnh kinh tế xã hội thấp. Môi trường sống kém vệ sinh.
  • Trẻ mắc sởi hoặc thiếu vitamin A.
  • Thời tiết lạnh.
vicare.vn-viem-phoi-o-tre-em-nhung-dieu-can-biet-body-2

Đối tượng nào dễ gặp nguy hiểm khi mắc viêm phổi?

  • Đối với trẻ dưới 1 tuổi, vì cấu trúc đường thở ngắn, lồng ngực giãn nở kém, dễ bị biến dạng, cơ hô hấp còn yếu nên dễ bị viêm phổi và một khi đã viêm phổi thì thường viêm lan tỏa, dễ suy hô hấp, ngưng thở.
  • Đối với trẻ lớn, hệ thống cây hô hấp phát triển đầy đủ , cơ chế bảo vệ đường thở cũng mạnh hơn nên trẻ ít viêm phổi hơn, nếu đã viêm phổi thì thường khu trú hơn do đó trẻ ít bị suy hô hấp, ít khả năng bị ngưng thở.
  • Trẻ em trong 5 năm đầu đời có tỷ lệ mắc từ 30 đến 45 trường hợp bệnh nhiễm trùng đường hô hấp dưới cấp tính trên 1000 trẻ mỗi năm. Con số này giảm xuống còn khoảng 16 đến 20 trường hợp ở nhóm tuổi từ 5 đến 9 tuổi. Ở trẻ lớn và thanh thiếu niên, tỷ lệ mắc bệnh viêm phổi ở trẻ em được ước tính là từ 6 đến 12 trường hợp trên 1000 trẻ.
  • Trẻ bị suy giảm miễn dịch mắc phải (ví dụ trẻ nhiễm HIV từ mẹ) hoặc trẻ bị suy giảm miễn dịch bẩm sinh làm tăng nguy cơ bị nhiễm trùng phổi ở trẻ. Nguyên nhân do mất đi một số thành phần tế bào bình thường có nhiệm vụ bảo vệ của hệ thống miễn dịch như bạch cầu đa nhân và đại thực bào phế nang, globulin miễn dịch.

Triệu chứng viêm phổi ở trẻ em

Trong thời kỳ sơ sinh (dưới 1 tháng tuổi), các dấu hiệu và triệu chứng có thể không đặc hiệu. Trẻ sơ sinh có thể bị sốt (nhiệt độ đo được tại nách từ 37.5 độ C trở lên), khó chịu, bú kém, bỏ bú, ngủ ít, hay quấy khóc, ho, khò khè, chảy nước mũi và thở nhanh trên 60 lần/phút, thở co lõm ngực hoặc ngưng thở.

Trong số những trẻ lớn hơn, trước khi biểu hiện viêm phổi thì có thể có triệu chứng như sổ mũi, sốt nhẹ, ho, khan tiếng. Về sau trẻ thở nhanh, ho nhiều có thể có ho khạc đờm, sốt cao, lạnh run, đau đầu.

Thở nhanh được định nghĩa là thở từ 60 lần/phút trở lên đối với trẻ dưới 2 tháng tuổi, từ 50 lần/phút trở lên đối với trẻ từ 2 tháng đến 1 tuổi, từ 40 lần/phút trở lên đối với trẻ từ 1 tuổi đến 5 tuổi và từ 30 lần/phút trở lên đối với trẻ trên 5 tuổi. Đếm nhịp thở được thực hiện lúc trẻ đang nằm yên hay đang ngủ, không quấy khóc như sau: đặt tay lên bụng trẻ, mỗi cử động nẩy lên đếm 1 nhịp, tiến hành đếm cử động nẩy lên trong vòng 1 phút.

Ngoài triệu chứng tại đường hô hấp còn có thể bắt gặp triệu chứng tại đường tiêu hóa như đau bụng, buồn nôn, chướng bụng, tiêu chảy.

Điều trị viêm phổi ở trẻ em

Khi nghi ngờ trẻ bị viêm phổi dựa vào những triệu chứng đã nêu ở trên, các bậc cha mẹ nên sớm đưa trẻ đến cơ sở y tế để được bác sĩ chẩn đoán, đưa ra quyết định có cần nhập viện không và tiến hành điều trị bệnh.

- Khi trẻ cần phải nhập viện đối với viêm phổi do vi khuẩn, thường sẽ sử dụng kháng sinh tiêm đường tĩnh mạch. Sử dụng loại kháng sinh nào là còn tùy thuộc độ tuổi và tác nhân tương ứng.

  • Đối với trẻ sơ sinh bị viêm phổi do vi khuẩn, thường cần phải nhập viện. Trong những trường hợp này, ampicillin cùng với một aminoglycoside hoặc cephalosporin thế hệ thứ ba được lựa chọn. Sự kết hợp này cung cấp độ bao phủ tốt cho các nhóm vi trùng thường thấy trong thời kỳ sơ sinh, GBS, vi khuẩn đường ruột gram âm và Listeria.
  • Trẻ lớn hơn khi cần nhập viện có thể được điều trị bằng cefuroxime hoặc cefotaxime tiêm tĩnh mạch. Đối với trẻ em nặng hơn, có thể cân nhắc sử dụng kháng sinh bổ sung với erythromycin hoặc một loại macrolide mới. Những kháng sinh này cũng là lựa chọn hàng đầu trong điều trị viêm phổi ở trẻ em và thanh thiếu niên ở lứa tuổi đi học, do đã bao phủ được cả M. pneumoniae và C. pneumoniae.
  • Đối với những bệnh nhân mắc bệnh ít nghiêm trọng hơn, thuốc kháng sinh đường uống có thể được kê đơn.

- Đánh giá mức độ suy hô hấp, sự hiện diện của thiếu oxy và sự tồn tại của các tình trạng bệnh lý đi kèm khác. Nếu trẻ có suy hô hấp sẽ được hỗ trợ thở Oxy.

- Bù dịch nếu cần.

- Ngoài ra còn sử dụng các thuốc hỗ trợ khác như thuốc hạ sốt, long đờm. Liều lượng và cách dùng tùy vào từng độ tuổi nhất định.

Xem thêm:

  • Giúp mẹ phân biệt ho cảm lạnh và viêm phổi ở trẻ em
  • Viêm phổi ở trẻ nhỏ có gây tử vong không?
  • Trẻ bị viêm phổi có được tắm không?