Viêm phổi ở trẻ - bệnh nguy hiểm nhưng khó nhận biết
Viêm phổi là căn bệnh nếu không được phát hiện và chữa trị kịp thời có thể là nguyên nhân gây tử vong cao cho trẻ dưới 5 tuổi. Những bậc phụ huynh, đặc biệt có con nhỏ dưới 5 tuổi hãy lưu tâm những dấu hiệu nhận biết trẻ bị viêm phổi sau đây để đảm bảo an toàn cho chính con của mình.
Viêm phổi ở trẻ - bệnh nguy hiểm nhưng khó nhận biết
Viêm phổi là căn bệnh nếu không được phát hiện và chữa trị kịp thời có thể là nguyên nhân gây tử vong cao cho trẻ dưới 5 tuổi. Những bậc phụ huynh, đặc biệt có con nhỏ dưới 5 tuổi hãy lưu tâm những dấu hiệu nhận biết trẻ bị viêm phổi dưới đây để đảm bảo an toàn cho chính con của mình.
Bệnh viêm phổi là bệnh đường hô hấp rất phổ biến, đặc biệt trẻ nhỏ dưới 5 tuổi có nguy cơ mắc viêm phổi cao. Những biến chứng của viêm phổi diễn ra rất nhanh và khó kiểm soát, có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong nếu không được phát hiện kịp thời. Theo ghi nhận, mỗi năm trên thế giới có khoảng 1 triệu trẻ em chết do viêm phổi, một con số đáng báo động, trong khi viêm phổi nếu được phát hiện sớm hoàn toàn có thể kiểm soát.
Viêm phổi là tình trạng phổi bị nhiễm trùng, các tác nhân vi khuẩn làm tổ và sinh sôi trong phổi tạo thành ổ nhiễm trùng , tác nhân thường gặp nhất là phế cầu khuẩn. Vì biểu hiện ban đầu của trẻ là những cơn ho giống như thông thường nên không ít gia đình chủ quan, chỉ phát hiện và tới bác sĩ khám khi cơ thể trẻ đã chuyển sang giai đoạn nhiễm khuẩn nặng.
Cách nhận biết trẻ bị viêm phổi
Dấu hiệu trẻ bị viêm phổi sẽ diễn ra theo từng giai đoạn như sau:
- Trẻ ho vừa đến ho nặng, tiếng ho có thể nặng nề hơn ho thông thường, tuy nhiên biểu hiện này chưa rõ rệt, khiến cha mẹ lầm tưởng con chỉ bị ho đơn giản.
- Ho kèm biểu hiện thở nhanh liên tục, khác với thở gấp khi bị sốt, dấu hiệu nhận biết là nhịp thở của trẻ khoảng 40 lần/phút (đối với trẻ trên 1 tuổi), trên 50 lần/phút đối với trẻ từ 2 – 12 tháng tuổi, trên 60 lần/phút đối với trẻ dưới 2 tháng tuổi.
- Trẻ phải gắng sức để thở, xương sườn hóp vào, lồng ngực lõm, thở rên, cánh mũi phập phồng là một dấu hiệu trẻ viêm phổi, cha mẹ có thể phát hiện trong lúc chăm sóc trẻ.
- Kèm theo những cơn ho và hít thở khó khăn là những cơn sốt cao.
- Sau những cơn ho mạnh trẻ còn có biểu hiện nôn, ngay cả giữa các cơn ho trẻ cũng dễ bị nôn.
- Khó thở, mặt mày tím tái do thiếu oxy bởi hô hấp khó khăn.
Tóm lại ngay khi phát hiện trẻ có cả 3 dấu hiệu sốt – ho – khó thở, gần như 100% là dấu hiệu bị viêm phổi, cần tức tốc đưa trẻ tới bệnh viện để kiểm tra và điều trị kịp thời. Hoặc nếu không có đủ 3 yếu tố trên, nguy cơ cao trẻ vẫn có thể mắc viêm phổi nhưng chưa biểu hiện hết, cần đi khám và phát hiện kịp thời, tránh những biến chứng nguy hiểm.
2. Nguyên nhân viêm phổi trẻ em
Nguyên nhân gây viêm phổi thường do virus, vi khuẩn hoặc cả 2. Trẻ nhỏ dưới 2 tuổi nguyên nhân gây viêm phổi thường do virus, ở trẻ lớn thường do vi khuẩn.
Với các trẻ có đặc điểm sau, dễ mắc viêm phổi hơn so với các trẻ bình thường cùng tuổi.
- Tuổi càng nhỏ càng dễ mắc bệnh và bệnh càng nặng
- Trẻ sinh non, suy dinh dưỡng
- Trẻ có các dị tật (chẻ vòm hầu, tim bẩm sinh, hội chứng Down ...)
- Trẻ sống trong môi trường chật hẹp, bụi bẩn, khói bụi độc hại, đặc biệt có người thân hút thuốc lá...
- Trẻ sống trong điều kiện lây nhiễm (nhà trẻ, trường học, gia đình có người thân mắc bệnh hô hấp...)
3. Điều trị viêm phổi ở trẻ
Phương pháp sử dụng trong điều trị viêm phổi là dùng kháng sinh tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh. Kháng sinh hay được sử dụng là amoxicillin, liều cao để điều trị viêm phổi cộng đồng. Khi amoxicillin không đáp ứng hoặc trẻ bị dị ứng dòng beta lactam, kháng sinh nhóm macrolid như azithromycin là kháng sinh được dùng thay thế. Điều trị phối hợp (ampicillin và hoặc gentamicin hoặc cefotaxime) thường được sử dụng trong điều trị ban đầu của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
Trong trường hợp nhập viện, trẻ sẽ được làm kháng sinh đồ để xác định vi khuẩn gây bệnh, từ đó chọn lựa kháng sinh để điều trị phù hợp. Đặc biệt là trong viêm phổi do nhiễm khuẩn bệnh viện, việc xác định vi khuẩn là rất quan trọng.
Trong trường hợp cấp cứu, trẻ sẽ phải thở oxy.
Bệnh sẽ lui sau khoảng 5 đến 7 ngày điều tri kháng sinh. Trong quá trình dùng kháng sinh, trẻ có thể bị rối loạn tiêu hóa hoặc nôn do tác dụng phụ của kháng sinh gây ra.
4. Phòng bệnh viêm phổi ở trẻ em
- Chăm sóc trẻ đúng cách: Đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng cho trẻ, để trẻ khỏe mạnh, nâng cao sức đề kháng tránh để trẻ suy dinh dưỡng, còi xương, có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
- Hạn chế đưa trẻ tới nơi đông người, nơi đang có dịch cúm để phòng ngừa lây nhiễm cho trẻ.
- Khi thời tiết thay đổi đột ngột, cần chú ý tới sức khỏe của trẻ, giữ ấm cơ thể cho trẻ để tránh nhiễm lanh.
- Cho trẻ uống nước ấm, hạn chế ăn nhiều đồ lạnh, đặc biệt trong thời tiết mùa hè.
- Lau sạch mồ hôi trên cơ thể của trẻ để tránh tình trạng thấm ngược.
- Tiêm vắc-xin phòng ngừa cho trẻ:
- Vắc-xin cúm được tiêm cho trẻ em từ 6 tháng tuổi trở lên.
- Vắc-xin liên hợp phế cầu khuẩn (PCV13) được tiêm cho tất cả trẻ em dưới 59 tháng tuổi.
- Vắc-xin (PPVSV) được tiêm cho trẻ em 24 tháng tuổi trở lên có nguy cơ cao mắc bệnh phế cầu khuẩn.