Viêm phế quản phổi ở trẻ em do vi khuẩn

Bệnh viêm phế quản phổi là bệnh rất phổ biến ở trẻ em nhất là trẻ sơ sinh. Tuy nhiên triệu chứng của bệnh lại rất dễ khiến phụ huynh nghĩ rằng bé bị cảm thông thường. Vicare sẽ cung cấp những thông tin về bệnh viêm phế quản phổi ở trẻ em do vi khuẩn gây ra để các phụ huynh dễ nhận biết về bệnh lý hô hấp này.

Viêm phế quản phổi ở trẻ em do vi khuẩn Viêm phế quản phổi ở trẻ em do vi khuẩn

Viêm phế quản phổi là bệnh gì?

Viêm phế quản phổi là tổn thương cấp tính đường hô hấp. Phản ứng viêm xảy ra ở các phế quản nhỏ, phế nang và các tổ chức xung quanh phế nang, mô kẽ phế quản và rải rác cả hai phổi. Viêm phế quản phổi dẫn đến rối loạn trao đổi khí, có nguy cơ suy hô hấp và dễ dẫn tới tử vong nếu không được phát hiện và điều trị sớm. Bệnh thường do virus gây ra, sau đó bội nhiễm vi khuẩn hoặc do cả hai. Vi khuẩn xâm nhập qua đường hô hấp là chủ yếu, ngoài ra vi khuẩn còn xâm nhập qua đường máu, bạch huyết.

Những vi khuẩn gây viêm phế quản phổi ở trẻ em

  • Trẻ dưới 1 tháng tuổi nhiễm viêm phế quản phổi thường do các vi khuẩn như: E.coli, Staphylococcus Pneumoniae (tụ cầu vàng), Klebsiella, Pseudomonas aeruginosa (trực khuẩn mủ xanh)...
  • Trẻ từ 1-3 tuổi: Haemophilus influenzae, Streptococcus pneumoniae (phế cầu).
  • Trẻ từ 3 tuổi trở lên: Streptococcus Pneumoniae (phế cầu), Staphylococcus Aureus (tụ cầu vàng), Mycoplasma Pneumoniae.

Yếu tố thuận lợi gây bệnh

  • Tuổi: trẻ em nhỏ hơn 2 tuổi nhất là trẻ sơ sinh.
  • Cân nặng lúc sinh: trẻ sinh non, cân nặng khi sinh thấp hơn 2500g, suy dinh dưỡng thai nhi.
  • Tình trạng dinh dưỡng kém, không được bú sữa mẹ, trẻ còi xương.
  • Mắc bệnh mãn tính: viêm mũi họng, hen suyễn... hoặc sau khi mắc các bệnh nhiễm trùng khác như: sởi, ho gà...
  • Thời tiết thay đổi, độ ẩm cao, nhất là mùa lạnh.
  • Sử dụng máy thở.

Triệu chứng viêm phế quản phổi do vi khuẩn

Giai đoạn đầu:

Sốt nhẹ tăng dần kèm mệt mỏi, trẻ quấy khóc, kém ăn, luôn khó chịu và không chịu ngủ. Xuất hiện các triệu chứng bệnh hô hấp như nghẹt mũi, chảy dịch mũi kèm theo ho khan hoặc ho đờm. Bên cạnh đó trẻ hay nôn trớ hay tiêu chảy.

Giai đoạn bệnh tiến triển nặng:

Sốt khá cao từ 38-39 độ C, có thể xuất hiện đột ngột hoặc từ từ. Trường hợp khác không sốt thì có thể hạ thân nhiệt, hay gặp ở trẻ sơ sinh hoặc trẻ suy dinh dưỡng nặng.

Ho là triệu chứng thường gặp nhất ở trẻ sơ sinh, ho có đờm màu vàng, xanh hay rỉ sắt. Ho từng tiếng hoặc ho thành cơn, có thể ho khan sau đó ho có đờm

Nhịp thở tăng nhanh, rút lõm lồng ngực. Nhịp thở nhanh ở trẻ theo lứa tuổi:

  • Trẻ dưới 2 tháng tuổi có nhịp thở lớn hơn 60 lần/phút.
  • Trẻ từ 2 tháng đến tuổi có nhịp thở lớn hơn 50 lần/phút
  • Trẻ từ 1 tuổi đến 5 tuổi: lớn hơn 40 lần/phút.

Khi thở 2 cánh mũi của bé phập phồng, sùi bọt ở trẻ sơ sinh.

Li bì, khò khè, tím tái, co giật, xuất hiện cơn ngừng thở

vicare.vn-viem-phe-quan-phoi-o-tre-em-do-vi-khuan-body-1

Điều trị viêm phế quản phổi cho trẻ

Điều trị triệu chứng

  • Cho trẻ nằm ở nơi thoáng mát, khô ráo và tránh gió lùa
  • Hạ nhiệt độ cho trẻ nếu có sốt trên 38 độ C, dùng Paracetamol theo cân nặng của trẻ với liều 10–15mg/kg cân nặng, 6 giờ dùng 1 lần đến khi hạ sốt <38 độ C thì ngừng. Tuyệt đối không dùng paracetamol vượt quá liều 100 mg/kg trong vòng 24 giờ.
  • Làm thông thoáng đường thở, cho trẻ nằm đầu cao, hút dịch mũi họng sạch sẽ, nhỏ mũi 2-3 giọt nước muối sinh lý và làm sạch mũi cho trẻ.
  • Cho trẻ nhập viện sớm khi trẻ: khó thở, tím tái, có dấu hiệu suy hô hấp, không bú hoặc bỏ ăn.

Dùng kháng sinh

Tùy theo các chủng vi khuẩn gây viêm phế quản phổi mà trẻ mắc phải theo chỉ định của bác sĩ.

vicare.vn-viem-phe-quan-phoi-o-tre-em-do-vi-khuan-body-2

Chăm sóc và vệ sinh ăn uống cho trẻ viêm phế quản phổi

  • Theo dõi nhiệt độ sáng, chiều.
  • Theo dõi nhịp thở và tinh thần của trẻ.
  • Vệ sinh thân thể trẻ sạch sẽ, nhất là ở các hốc, kẽ tay chân, hốc nách, bẹn.
  • Uống nhiều nước hoa quả tươi, ăn thức ăn dễ tiêu như sữa, cháo, bột...
  • Cần đảm bảo đủ dinh dưỡng cho trẻ

Phòng bệnh cho trẻ

Hãy chăm sóc và phòng bệnh ngay từ giai đoạn đầu cho trẻ. Tránh để tình trạng bệnh tiến triển nặng sẽ khó chữa, thậm chí có thể gây tử vong trẻ. Để loại bỏ bớt yếu tố nguy cơ, ngay khi mang thai, các mẹ nên tuân thủ đúng các chỉ dẫn về dinh dưỡng và hoạt động thể chất để tránh sinh non, trẻ sơ sinh nhẹ cân.

  • Khi trẻ sinh cần được chú ý công tác vô khuẩn khi đỡ đẻ và chăm sóc cho trẻ, đảm bảo môi trường sạch sẽ, thoáng mát. Nên cho trẻ bú mẹ, nếu trẻ không tự bú thì cần hút sữa ra bình hoặc cho trẻ ăn sữa ngoài khi mẹ không có sữa.
  • Tiêm chủng theo chương trình tiêm mở rộng cho trẻ em đúng quy định.
  • Cách ly trẻ với các trẻ đang mắc bệnh dễ lây nhiễm hoặc hạn chế mang trẻ đến các khu vực truyền nhiễm trong mùa dịch bệnh.
  • Giữ ấm cho trẻ và đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ đặc biệt vào những ngày thời tiết chuyển mùa hoặc lạnh đột ngột.
  • Trẻ hay bị viêm họng, viêm amidan, viêm mũi thì phải chú ý điều trị dứt điểm.
  • Tránh xa khói thuốc lá, hạn chế ra ngoài vì bụi và các ô nhiễm khác, mang khẩu trang cho trẻ.

Xem thêm:

  • Viêm tiểu phế quản ở trẻ sơ sinh có nguy hiểm như mẹ nghĩ?
  • Trẻ bị viêm phế quản có nên tắm không?