Viêm nang lông: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Viêm nang lông là tình trạng bị viêm nhiễm ở phần nông của nang lông. Bệnh thường gây nên triệu chứng như: vùng da viêm bị ngứa, mụn mủ, xuất hiện sẩn, các vết trợt. Bệnh thường ảnh hưởng đến các vùng da của cơ thể như vùng mọc râu, lưng, cánh tay, mông và chân.
Viêm nang lông: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Triệu chứng của viêm nang lông
Viêm nang lông thường gây nên triệu chứng khó chịu cho người bệnh như :
- Nổi nhiều nốt đỏ, vùng da viêm bị ngứa, có thể sần sùi, lông không mọc ra ngoài mà xoắn lại bên trong.
- Nốt đỏ không lớn nhưng dày đặc gây ra thiếu thẩm mỹ và ảnh hưởng đến sinh hoạt bình thường của người mắc chứng bệnh này.
- Sau khi những nốt đỏ được hình thành và gây ra ngứa, viêm ở nang lông – viêm ở lỗ chân lông sẽ chuyển sang giai đoạn mụn nước có mủ trắng ở đầu, khi sờ vào thấy đau và nhức, các mụn nước vỡ ra sẽ dần đóng vẩy làm khô da.
- Mụn mủ thường mọc thành từng đợt, sau từ 7-10 ngày sẽ khỏi nhưng có thể sẽ để lại nốt thâm trên da.
Trong 1 số trường hợp, bệnh diễn biến dai dẳng trở thành mãn tính. Nếu không được chữa trị kịp thời, bệnh sẽ phát triển thành cụm nhọt, nhọt, ổ gà, đinh râu gây ra đau nhức và nhiều phiền toái cho người bệnh.
Trên thực tế, viêm nang lông không phải là bệnh khó chữa trị nếu như được dùng thuốc thích hợp và kịp thời.
Nguyên nhân gây ra viêm nang lông
Viêm nang lông do nhiễm khuẩn tại lỗ chân lông hoặc là chân tóc, gây ra bởi vi khuẩn (hay nấm nhưng hiếm gặp).
Nguyên nhân phổ biến nhất là do vi khuẩn Staphylococcus Aureus (đa số là tụ cầu trùng). Ngoài ra có thể là do vi khuẩn gram âm, Proteus, Pseudomonas, ..., nấm men, nấm sợi, u mềm lây, ký sinh vật demodex và virut herpes. Nguyên nhân khiến các loại vi khuẩn, virut và nấm hoành hành gây ra viêm nang lông là:
- Do rối loạn tuyến dầu: Tuyến dầu hoạt động mạnh quá mức hoặc là chất dầu nhiều, gây bức bí và bịt kín nang lông, cản trở sự phát triển của các sợi lông. Khi lỗ chân lông bị bịt kín tạo điều kiện cho các vi khuẩn liên cầu hay tụ cầu, virut, nấm, ký sinh trùng cư trú tại các lỗ chân lông gây ra bệnh.
- Do cạo, nhổ hay tẩy lông và vệ sinh không đúng cách: Sau khi cạo, nhổ lông khiến cho lông bị nhiễm trùng gây nên tình trạng viêm nhiễm các lỗ chân lông, gây ra bệnh viêm nang lông.
- Sử dụng các quần áo bó sát bằng sợi tổng hợp, cọ xát mạnh vào da...cũng là 1 nguyên nhân gây ra viêm nang lông.
- Sử dụng thuốc kháng sinh lâu dài tạo điều kiện cho những vi khuẩn kỵ khí phát triển.
- Ngoài ra, rối loạn nội tiết, khí hậu nóng, độ ẩm cao, môi trường bị ô nhiễm, người ra nhiều mồ hôi là các yếu tố tác động trực tiếp lên da gây ra hiện tượng này.
- Những người bị suy yếu hệ miễn dịch như đái tháo đường, da bị tổn thương sẵn, suy thận, dùng thuốc kháng sinh lâu ngày...cũng hay bị viêm nang lông hơn so với người bình thường.
Từ các nguyên nhân gây nêu trên, mỗi người cần tự bảo vệ bản thân khỏi nguy cơ bị mắc căn bệnh khó chịu này bằng cách tăng cường vệ sinh thân thể và giữ cho da khô thoáng về mùa hè. Nếu thấy có triệu chứng bị viêm nang lông bạn cần dùng ngay sản phẩm chất lượng tốt để điều trị tránh gây nguy cơ nặng thêm về sau.
Điều trị bệnh viêm nang lông
- Điều trị tại chỗ: Có thể dùng những loại thuốc bôi chống nhiễm trùng như cồn iod, Betadine, các loại kem hoặc mỡ kháng sinh như Fucidin, Bactroban,...
- Điều trị toàn thân: Trường hợp viêm nặng và tái phát có thể sử dụng thuốc đường toàn thân theo chỉ định của bác sĩ
- Kháng sinh: Kháng sinh thuộc nhóm Beta – lactam, co-trimoxazol, ciprofloxacin, cyclin và metronidazol.
- Viêm nang lông do nấm: sử dụng thuốc chống nấm bôi và phối hợp với thuốc uống. Thuốc bôi như ketoconazole, clotrimazole,... Có nhiều loại thuốc chống nấm đường uống như terbinafin, itraconazole,...
- Viêm nang lông do vi rút herpes: bôi kem acyclovir và uống acyclovir.
- Viêm nang lông do demodex: có thể sử dụng kem permethrin bôi hoặc là kem metronidazole phối hợp cùng với uống metronidazole.
Phòng ngừa viêm nang lông
- Vệ sinh cá nhân và vệ sinh môi trường là điều bắt buộc đối với điều trị viêm nang lông.
- Mặc quần áo rộng cho da thở đồng thời mồ hôi và hơi ẩm cũng theo đó bốc hơi dễ dàng hơn.
- Khi cạo râu, sử dụng 1 lưỡi dao sắc và 1 loại kem cạo râu để dao cạo trượt trơn tru hơn trên da.
Xem thêm:
- Bệnh viêm nang lông có bị lây không?
- Chia sẻ cho bạn 5 cách chữa viêm nang lông cực hay
- Để không bị viêm nang lông thì bạn cần chú ý những điều gì?