Viêm kết mạc lây qua đường nào? Cần kiêng gì khi mắc bệnh?

Bài viết được viết bởi Bác sĩ chuyên khoa I Lê Thị Phương Thảo - Đơn nguyên Mắt - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City. Viêm kết mạc khá phổ biến đối với tất cả mọi giới, ở mọi lứa tuổi. Bệnh rất dễ lây lan và có thể bùng phát thành dịch vào mùa xuân-hè. Vậy viêm kết mạc lây qua đường nào và cần kiêng gì khi mắc bệnh...

Viêm kết mạc lây qua đường nào? Cần kiêng gì khi mắc bệnh? Viêm kết mạc lây qua đường nào? Cần kiêng gì khi mắc bệnh?

Bài viết được viết bởi Bác sĩ chuyên khoa I Lê Thị Phương Thảo - Đơn nguyên Mắt - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Viêm kết mạc khá phổ biến đối với tất cả mọi giới, ở mọi lứa tuổi. Bệnh rất dễ lây lan và có thể bùng phát thành dịch vào mùa xuân-hè. Vậy viêm kết mạc lây qua đường nào và cần kiêng gì khi mắc bệnh? Hãy tham khảo bài viết sau đây. Bệnh viêm kết mạc là tình trạng xảy ra viêm ở lớp màng trong suốt trên bề mặt của nhãn cầu (lòng trắng) và kết mạc mi. Biểu hiện ở một mắt hoặc cả hai mắt. Nguyên nhân có thể do virus, vi khuẩn ... hoặc dị ứng gây ra. Lứa tuổi nào cũng có thể mắc bệnh.

1. Bệnh viêm kết mạc thường lây qua đường nào?

● Tiếp xúc trực tiếp với người mắc bệnh, qua đường hô hấp, qua nước mắt, nước bọt, bắt tay...

● Tiếp xúc gián tiếp qua việc cầm, nắm, chạm vào những vật dụng bị nhiễm vi khuẩn, virus gây bệnh (như tay nắm cửa, đồ chơi, nút bấm cầu thang...)

● Dùng chung vật dụng, đồ dùng cá nhân với người bệnh (như khăn mặt, ly/cốc nước uống, gối...)

● Sử dụng nguồn nước công cộng dễ bị nhiễm mầm bệnh (ao, hồ, bể bơi)

● Thói quen dùng tay dụi mắt, sờ vào mũi, ngậm vào miệng...

Viêm kết mạc lây qua đường nào
Rửa tay với xà phòng và nước sạch sẽ giúp phòng viêm kết mạc lây lan

Một số điều lưu ý đối với khả năng lây nhiễm của viêm kết mạc

● Ở những nơi công cộng, bao gồm bệnh viện, trường học, văn phòng làm việc... hoặc những khu vực có mật độ người đông, thường phải tiếp xúc với cự ly gần như bến tàu xe, trên xe bus, chợ... nguy cơ lây lan bệnh đau mắt đỏ (viêm kết mạc do virus) là rất cao.

● Trong vòng một tuần sau khi hết bệnh, viêm kết mạc vẫn có khả năng lây cho người khác. Vì vậy, để phòng bệnh cho cá nhân và tránh lây lan cho người khác, cần giữ gìn vệ sinh cá nhân thật tốt, rửa tay kỹ, chú ý thói quen sinh hoạt.

● Đặc biệt đối với các bé, phụ huynh nên nhắc nhở con trẻ không dụi mắt, nhất là khi đang sinh hoạt chung với nhóm bạn. Bên cạnh đó, giữ vệ sinh mắt sạch sẽ mỗi ngày, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn.

2. Viêm kết mạc cần kiêng gì?

Viêm kết mạc lây qua đường nào
Dụi mắt gây nhiễm trùng giác mạc

Nhóm thực phẩm gây dị ứng: Nếu cơ địa bệnh nhân bị dị ứng với loại thức ăn gì, kể cả dị ứng nhẹ thì cũng không nên ăn nhóm thực phẩm đó trong khi bị viêm kết mạc.

Nhóm gia vị, thực phẩm cay: Vị cay của thực phẩm dễ làm chảy nước mắt, gây khó chịu đối với người bệnh viêm kết mạc. Vì vậy, nên kiêng những gia vị như ớt, tiêu... trong khi bị bệnh.

Nhóm chất kích thích: Rượu bia, các chất uống có chứa cồn...

● Hạn chế sử dụng các thiết bị điện tử trong thời gian bị viêm kết mạc, nên để mắt nghỉ ngơi, thư giãn tốt.

● Tránh thức khuya. Cần ngủ đủ giấc.

● Tránh các nơi có khói, bụi, gió.

● Tránh day, dụi mắt vì dễ gây các biến chứng nguy hiểm cho giác mạc

● Tránh bơi, tránh để nước bẩn, hóa chất vào mắt khi đang bị bệnh.

● Nếu bị viêm kết mạc do virus (đau mắt đỏ) cần kiêng tiếp xúc với các nơi công cộng để tránh bệnh lây lan cho cộng đồng. Nên đeo khẩu trang y tế khi bị bệnh.

3. Lời khuyên của bác sĩ khi bị viêm kết mạc do virus

Khi có các triệu chứng đỏ mắt, đau nhức, chảy ghèn dử, chảy nước mắt hoặc sưng mi bất thường thì nên đi khám để được bác sĩ tư vấn và điều trị kịp thời.

Nguồn: Vinmec.com

XEM THÊM:

  • Viêm kết giác mạc mùa xuân
  • Các phẫu thuật mắt được thực hiện ở bệnh viện Vinmec
  • Bệnh viêm kết mạc mắt: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng tránh