Viêm đại tràng có dẫn đến ung thư không?
Viêm đại tràng là một căn bệnh về đường tiêu hóa khá phổ biến, viêm đại tràng có thể trở thành bệnh mãn tính, gây nhiều phiền toái cho người bệnh. Vậy viêm đại tràng có dẫn đến ung thư không?
Viêm đại tràng có dẫn đến ung thư không?
Viêm đại tràng là một căn bệnh về đường tiêu hóa khá phổ biến nên rất nhiều người mắc bệnh có tâm lý chủ quan, coi thường bệnh mà ít ai biết rằng, nếu không được chữa trị dứt điểm, viêm đại tràng có thể trở thành bệnh mãn tính, gây nhiều phiền toái cho người bệnh. Vậy, viêm đại tràng là căn bệnh như thế nào, hậu quả của nó là gì? Viêm đại tràng có dẫn đến ung thư không? Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin cần thiết về căn bệnh này.
1. Viêm đại tràng là gì?
Đại tràng là phần cuối của đường ống tiêu hóa của cơ thể, nó có nhiệm vụ hấp thụ nước, muối khoáng từ thức ăn kết hợp với sự phân hủy của vi khuẩn tạo bã thức ăn thành phân, đủ lượng thì đại tràng sẽ tiếp tục co bóp nhu động, bài tiết phân qua trực tràng.
Viêm đại tràng là hiện tượng viêm loét và rối loạn chức năng của đại tràng. Theo các chuyên gia tiêu hóa, nguyên nhân dẫn đến viêm đại tràng chủ yếu là do việc ăn uống và sinh hoạt thiếu khoa học. Hàng ngày, chúng ta vẫn vô tư ăn nhiều loại đồ ăn tanh sống, đồ ăn nhanh, hút thuốc lá, uống rượu bia, ăn uống không đúng giờ hoặc để tình trạng căng thẳng, stress kéo dài,... khiến chức năng đại tràng bị suy giảm, niêm mạc đại tràng dễ bị tấn công bởi các vi khuẩn, các chất độc hại có trong các loại thức ăn không hợp vệ sinh và gây ra các đợt viêm cấp tính với các biểu hiện như đau bụng, tiêu chảy, đầy bụng...
2. Viêm đại tràng biểu hiện như thế nào?
Người bị viêm đại tràng khi ăn xong thường có cảm giác đau bụng âm ỉ, có thể quặn từng cơn, đau dọc theo khung đại tràng, kèm cảm giác chướng bụng đầy hơi, ăn kém, không ngon miệng. Người bị bệnh có thể đi ngoài nhiều lần, cảm giác mót rặn, phân lỏng, có thể lẫn máu nhầy, hoặc cũng có thể bị táo bón, phân rắn, nhiều ngày không đi ngoài. Cũng có những người mắc cả 2 nhóm triệu chứng đi lỏng và táo bón. Dù trong nhóm triệu chứng nào thì các bệnh lý đại tràng cũng gây ảnh hưởng rất lớn tới chất lượng cuộc sống, sinh hoạt của người bệnh.
Cụ thể, khi thấy những dấu hiệu sau thì bạn cần ngay lập tức đến các cơ sở y tế để được thăm khám kịp thời:
- Cơn đau bụng xuất hiện thất thường, khi âm ỉ, lúc đau bụng dữ dội, dai dẳng, lúc đau như kim châm khiến bệnh nhân không thể tập trung làm việc.
- Đi ngoài nhiều hơn 2 lần trong ngày, kèm theo đó là biểu hiện phân sống, lỏng, nát hoặc táo bón.
- Người bệnh luôn có cảm giác mót rặn, vừa đi đại tiện đã muốn có cảm giác đi nữa.
- Khi ăn đồ lạ, đồ tái sống, đồ có nhiều dầu mỡ dễ bị đau bụng và đi ngoài thường xuyên.
- Cơ thể bị suy nhược và dễ bị gầy còm hoặc sụt cân.
- Luôn cảm thấy căng thẳng, mệt mỏi và người dễ tiều tụy.
- Sinh ra tâm lý hay cáu bẳn, trong người thường khó chịu và sinh ra tâm lý chán ăn.
3. Viêm đại tràng có dẫn đến ung thư không?
Khi bị viêm đại tràng, nếu không được điều trị triệt để thì bệnh sẽ trở thành mãn tính. Khi đó, con đường dẫn đến ung thư đại tràng là rất gần. Khi tình trạng viêm loét niêm mạc đại tràng bị kéo dài hoặc tái phát liên tục, các tế bào biểu mô niêm mạc sẽ có nguy cơ chuyển thành tế bào ác tính, gây ra ung thư đại tràng. Các nghiên cứu đã chứng minh, nguy cơ ung thư tăng 20 - 25% ở những người bị viêm đại tràng mãn tính.
Bên cạnh đó, bệnh nhân viêm đại tràng cũng có nguy cơ gặp một số các biến chứng sau:
- Xuất huyết ồ ạt: Tình trạng này xảy ra khi lớp niêm mạc đại tràng bị viêm nhiễm nặng, lớp lông nhung trong đại tràng bị trơ trụi sau khi điều trị bằng kháng sinh hoặc bệnh nhân sử dụng những chất kích thích như rượu bia, ăn các loại thực phẩm kém vệ sinh. Khi không điều trị sớm dễ dẫn đến xuất huyết ồ ạt hoặc giãn đại tràng nhiễm độc.
- Thủng đại tràng: Hiện tượng này cũng do điều trị bằng kháng sinh, lợi khuẩn đường ruột bị tiêu diệt, lông nhung trơ trọi làm cho vết loét ăn sâu vào đại tràng, bào mỏng thành đại tràng, lâu ngày gây thủng đại tràng.
- Giãn đại tràng cấp tính: Theo các bác sĩ chuyên khoa, đại tràng bị giãn, chức năng tiêu hóa giảm nghiêm trọng gây loét và thủng gấp nhiều lần. Bệnh nhân sẽ có hiện tượng đau dữ dội, chướng bụng và gây hôn mê sâu.
4. Làm thế nào để giảm nguy cơ ung thư đại tràng?
- Duy trì trọng lượng khỏe mạnh và kiểm soát chất béo, có nghiên cứu chỉ ra rằng thừa cân, béo phì làm tăng nguy cơ ung thư ruột già.
- Thường xuyên vận động cơ thể với những bài tập hay động tác vừa phải, có thể từ việc dọn dẹp nhà cửa đến chạy bộ. Việc tập thể dục hàng ngày không chỉ tăng cường sức khỏe mà còn có thể giúp tiêu hóa tốt hơn.
- Ăn nhiều thực phẩm chứa chất xơ: Đối với mỗi 10 g chất xơ (ít hơn một tách cà phê) trong chế độ ăn hàng ngày của bạn, nguy cơ ung thư đại tràng có thể giảm đến 10%. Chất xơ có tác dụng làm giảm tình trạng táo bón, giảm áp lực tiêu hóa lên đại tràng.
- Giảm tiêu thụ thịt đỏ và tránh các loại thịt chế biến như thịt chó nóng, thịt xông khói, thịt xúc xích và các món ăn vặt. Thịt chế biến sẵn như thịt đóng hộp có thể làm tăng nguy cơ ung thư ruột già gấp đôi so với thịt đỏ.
- Tránh hoặc hạn chế sử dụng rượu bia, hoặc uống không quá hai ly tiêu chuẩn mỗi ngày cho nam giới và một cho phụ nữ. Rượu được xem là một trong các nguyên nhân hàng đầu gây ra viêm đại tràng.
- Ăn nhiều tỏi: Nhiều bằng chứng cho thấy chế độ ăn nhiều tỏi làm giảm nguy cơ ung thư ruột già. Không chỉ cung cấp dinh dưỡng, các hợp chất có trong tỏi giúp làm chậm hoặc ngừng sự phát triển các tế bào ung thư trên cơ thể, đặc biệt tỏi đen có tác dụng tốt hơn tỏi thông thường.
- Khám sức khỏe định kỳ: Hầu hết ung thư đại tràng phát triển bắt đầu từ polyp, là phát triển bất thường trong ruột già và thời gian đầu thường không gây triệu chứng. Do đó khuyến cáo rằng những người từ 50 tuổi trở lên nên đi nội soi sàng lọc ung thư đại tràng. Sàng lọc có thể phát hiện ung thư trước khi các triệu chứng phát triển, khi đó hiệu quả điều trị sẽ cao hơn.
Viêm đại tràng thường không được phát hiện sớm do triệu chứng khá giống với các rối loạn tiêu hóa thông thường nên người bệnh thường chủ quan, đến khi bệnh nặng mới thăm khám điều trị. Việc này có thể làm tăng nguy cơ dẫn đến ung thư đại tràng, nguy hiểm cho sức khỏe người bệnh. Do đó, việc khám sức khỏe định kỳ là cần thiết để có thể phát hiện và điều trị bệnh kịp thời.
Bên cạnh đó, để phòng tránh viêm đại tràng, ung thư đại tràng, trước tiên bạn cần có chế độ sinh hoạt hợp lý, ăn uống đúng giờ, bổ sung thực phẩm tốt cho đường tiêu hóa, hạn chế ăn đồ cay nóng và nhiều dầu mỡ, kết hợp thể dục thể thao đều đặn thường xuyên và nên đi khám định kỳ sức khỏe 6 tháng/lần.
Xem thêm:
- Triệu chứng của bệnh viêm đại tràng
- Vì sao viêm đại tràng khó điều trị ?
- Cách người Nhật đẩy lùi bệnh viêm đại tràng