Viêm da cơ địa ở trẻ em được điều trị như thế nào?
Viêm da cơ địa ở trẻ em là một bệnh lý thường gặp và có thể khiến nhiều bậc cha mẹ lo lắng. Vậy bệnh viêm da cơ địa ở trẻ em do nguyên nhân gì, triệu chứng và cách điều trị như thế nào, bài viết sẽ giải đáp những thắc mắc này cho bạn.
Viêm da cơ địa ở trẻ em được điều trị như thế nào?
Viêm da cơ địa ở trẻ em là gì?
Viêm da cơ địa ở trẻ em là một tình trạng viêm của da xảy ra ở trẻ em trong một khoảng thời gian dài (mạn tính). Đây là một bệnh lý rất phổ biến và thường bắt đầu xuất hiện ở độ tuổi rất sớm, khoảng từ 3 đến 6 tháng tuổi.
Nguyên nhân gây viêm da cơ địa ở trẻ em là gì?
Nguyên nhân chính xác gây viêm da cơ địa ở trẻ em hiện tại vẫn còn chưa rõ. Nhưng có một số yếu tố được các nhà khoa học chứng minh là có liên quan đến bệnh lý này, bao gồm:
- Yếu tố gen: Tình trạng viêm da cơ địa được nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng có tính chất di truyền theo gia đình.
- Yếu tố miễn dịch: Một hệ thống miễn dịch không được phát triển tốt có thể ảnh hưởng đến khả năng bảo vệ của da chống lại các bệnh lý, trong đó có bệnh viêm da cơ địa ở trẻ em.
- Yếu tố bên ngoài: Các yếu tố này bao gồm thời tiết mùa đông, khô hay nhiệt độ nóng và thiếu sự dưỡng ẩm cho da.
Những trẻ nào có nguy cơ mắc viêm da cơ địa?
Trẻ em có nguy cơ mắc viêm da cơ địa cao nếu gặp phải một trong hai trường hợp sau đây:
- Thành viên trong gia đình (cùng huyết thống với trẻ) bị viêm da cơ địa hoặc bị một bệnh lý dị ứng nào khác, chẳng hạn như hen phế quản, viêm mũi dị ứng...
- Bản thân trẻ có tiền sử dị ứng.
Các triệu chứng viêm da cơ địa ở trẻ em
Các triệu chứng viêm da cơ địa có thể xuất hiện trong một khoảng thời gian và sau đó biến mất, hoặc cũng có thể xảy ra dai dẳng, liên tục.
Các triệu chứng có thể xuất hiện không giống nhau ở các trẻ, bao gồm các triệu chứng sau đây:
- Da khô, bong vảy.
- Ngứa dữ dội.
- Da đỏ và sưng.
- Da dày.
- Da nổi các mụn nước, sau đó mụn nước có thể vỡ ra và rỉ dịch.
- Xuất hiện những vết sần sùi trên da.
- Xuất hiện những mảng da tối màu.
Bất kỳ vị trí nào trên cơ thể của trẻ đều có thể bị ảnh hưởng.
- Ở trẻ nhỏ: các triệu chứng thường ảnh hưởng đến vùng da đầu, mặt, cổ, khuỷu tay và đầu gối...
- Ở trẻ lớn: các triệu chứng thường ảnh hưởng đến vùng da quanh miệng, hai bên cổ, mặt trong khuỷu tay, cổ tay, bàn tay, mặt sau đầu gối và mắt cá chân...
Khi trẻ có các triệu chứng như trên, bạn nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ sớm để được khám và chẩn đoán chính xác.
Làm thế nào để chẩn đoán viêm da cơ địa ở trẻ em?
Để chẩn đoán viêm da cơ địa ở trẻ em, bác sĩ có thể thực hiện các công việc như sau:
Hỏi về các triệu chứng hiện tại cũng như tình trạng sức khoẻ trong quá khứ của trẻ.
Tìm hiểu xem các thành viên trong gia đình có cùng huyết thống với trẻ, ví dụ như ông bà, cha mẹ, anh chị em ruột của trẻ, có ai bị viêm da cơ địa, hen phế quản, viêm mũi dị ứng hoặc một tình trạng dị ứng nào khác hay không.
Tiến hành thăm khám nhằm phát hiện những bất thường của trẻ.
Hiện nay, không có một xét nghiệm nào có thể chẩn đoán chính xác được bệnh viêm da cơ địa ở trẻ em. Tuy nhiên, bác sĩ có thể thực hiện một số xét nghiệm để giúp hỗ trợ trong việc chẩn đoán. Việc chỉ định xét nghiệm sẽ dựa vào tình trạng bệnh lý của từng trẻ. Ví dụ như có đến một phần ba trẻ nhỏ bị bệnh viêm da cơ địa nghiêm trọng liên quan đến dị ứng thức ăn. Do đó, trong trường hợp bác sĩ nghi ngờ trẻ bị dị ứng thức ăn thì có thể chỉ định các xét nghiệm như sau:
- Xét nghiệm máu: Máu của trẻ sẽ được kiểm tra nồng độ của một loại kháng thể có tên là immunoglobulin E (IgE). IgE được sản xuất bởi hệ thống miễn dịch của cơ thể. IgE có thể tăng rất cao ở hầu hết những trẻ bị dị ứng hay viêm da cơ địa.
- Xét nghiệm da: Các xét nghiệm về da có thể được thực hiện để kiểm tra tình trạng dị ứng hoặc các vấn đề khác.
Hiện nay, tại Việt Nam đã có những cơ sở y tế thực hiện khám, chẩn đoán và điều trị bệnh viêm da cơ địa ở trẻ em uy tín như: Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Bệnh viện Da liễu Trung ương, Bệnh viện Da liễu Hà Nội...
Riêng tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec hiện đang cung cấp gói dịch vụ khám và tư vấn điều trị toàn diện, chất lượng cao và giá ưu đãi đối với bệnh viêm da cơ địa ở trẻ em, cũng như ở cả người lớn tại hai cơ sở là Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City tại Hà Nội và Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Central Park tại thành phố Hồ Chí Minh.
Viêm da cơ địa ở trẻ em được điều trị như thế nào?
Việc điều trị viêm da cơ địa sẽ phụ thuộc vào các triệu chứng, tuổi và sức khỏe tổng quát của trẻ, ngoài ra còn phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh. Không có cách điều trị đặc hiệu nào dành cho viêm da cơ địa ở trẻ em.
Mục tiêu của điều trị bao gồm:
- Giảm viêm da.
- Giảm ngứa.
- Dưỡng ẩm cho da.
- Ngăn ngừa nhiễm trùng.
Điều trị viêm da cơ địa cho trẻ em bao gồm:
- Cho trẻ tránh xa các chất gây dị ứng nếu đã biết, thận trọng khi cho trẻ tiếp xúc với những chất hay đồ dùng lạ.
- Tắm cho trẻ thường xuyên bằng nước ấm.
- Cắt ngắn móng tay của trẻ và che chắn các khu vực bị viêm da cơ địa bằng quần áo hoặc khăn, để giúp ngăn ngừa việc trẻ cào gãi do ngứa gây trầy xước, làm kích ứng da và nhiễm trùng da.
- Bạn có thể cho trẻ sử dụng các sản phẩm dưỡng ẩm da theo sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa.
- Thông thường, bác sĩ sẽ kê toa thuốc cho trẻ. Các loại thuốc được kê toa có thể sử dụng riêng lẻ hoặc phối hợp với nhau. Một điều lưu ý cho bạn là tuyệt đối không được tự ý sử dụng thuốc cho trẻ khi chưa có sự cho phép của bác sĩ, nhằm tránh những tác dụng phụ ngoài ý muốn.
Sau đây là một số loại thuốc được sử dụng phổ biến ở trẻ em để điều trị viêm da cơ địa:
- Corticosteroid dạng chế phẩm kem hoặc mỡ, thường được sử dụng để bôi ngoài da. Loại thuốc này có tác dụng làm giảm viêm da và ngứa da.
- Thuốc kháng sinh dạng chế phẩm kem hoặc mỡ dùng ngoài da, dạng lỏng hoặc viên dùng đường uống. Thuốc kháng sinh chỉ được sử dụng khi trẻ có tình trạng nhiễm trùng da.
- Thuốc kháng histamine. Đây là loại thuốc có tác dụng ức chế hoạt động của histamine - một chất gây ngứa do cơ thể tự sản xuất ra. Do histamine thường được sản xuất nhiều vào buổi tối và thuốc kháng histamine có tác dụng phụ gây buồn ngủ nên thuốc thường được sử dụng vào buổi tối để giúp trẻ giảm ngứa mà không ảnh hưởng đến các hoạt động sinh hoạt, vui chơi của trẻ. Thuốc thường có dạng lỏng hoặc dạng viên dùng đường uống.
- Thuốc ức chế calcineurin dạng chế phẩm kem hoặc mỡ, thường được sử dụng ngoài da. Thuốc có tác dụng giảm sưng da và ngứa da.
- Liệu pháp ánh sáng là phương pháp dùng ánh sáng nhân tạo để điều trị bệnh viêm da cơ địa, phương pháp này thường được thực hiện tại cơ sở y tế dưới sự giám sát của bác sĩ chuyên khoa.
- Thuốc điều hoà miễn dịch là một loại thuốc có dạng lỏng hoặc dạng viên dùng đường uống. Thuốc có tác động lên hệ thống miễn dịch - một hệ thống có liên quan mật thiết đến bệnh viêm da cơ địa. Tuy nhiên, do đây là loại thuốc có khá nhiều tác dụng phụ nên thường chỉ được sử dụng khi các phương pháp điều trị khác không còn hiệu quả. Trong quá trình sử dụng thuốc, trẻ có thể sẽ được xét nghiệm máu thường xuyên để theo dõi, phát hiện sớm những bất thường gây ra do thuốc.
Các biến chứng của viêm da cơ địa ở trẻ em là gì?
Các biến chứng của viêm da cơ địa ở trẻ em thường không nặng nếu được điều trị sớm, nhưng lại có ảnh hưởng khá nhiều đến chất lượng cuộc sống của trẻ. Các biến chứng phải kể đến như:
- Tình trạng dày da, nhiễm trùng da do vi khuẩn.
- Bệnh cũng có thể khiến trẻ mất ngủ vì bị ngứa dữ dội.
- Một số ít trường hợp có thể dẫn đến trầm cảm.
- Ngoài ra, việc lạm dụng thuốc bôi corticosteroid trong điều trị có thể dẫn đến mỏng da và mô dưới da, gây teo da, nhiễm nấm da.
Viêm da cơ địa ở trẻ em có ngăn ngừa được không?
Viêm da cơ địa là một bệnh lý di truyền, nghĩa là nó có thể được truyền từ cha mẹ sang con cái. Vì vậy, bệnh lý này không thể ngăn ngừa được. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu đã phát hiện ra rằng việc điều trị cũng như chăm sóc trẻ đúng cách có thể giúp ngăn chặn được sự tiến triển của bệnh.
Cách chung sống với viêm da cơ địa ở trẻ em
Không có cách chữa khỏi hoàn toàn bệnh viêm da cơ địa cho trẻ em. Tuy nhiên, bệnh có thể được cải thiện hoặc thậm chí biến mất khi trẻ lớn lên. Đôi lúc trẻ có rất ít hoặc không có triệu chứng nào. Nhưng cũng có lúc trẻ có nhiều triệu chứng hoặc xuất hiện những triệu chứng nghiêm trọng, tình trạng này được gọi là sự bùng phát của bệnh. Để giúp ngăn ngừa sự bùng phát này, bạn hãy đảm bảo trẻ:
- Tránh xa các tác nhân gây bệnh. Các tác nhân này tuỳ thuộc vào từng trẻ. Thông thường, các tác nhân này có thể là một số loại thực phẩm như tôm, cua, cá, tép, thịt bò, thịt gà...; một số loại vải, đặc biệt là vải len; một số loại xà phòng, sữa tắm, hoá chất; tình trạng căng thẳng. Một số tác nhân khác có thể được xác định thông qua các xét nghiệm do bác sĩ chỉ định.
- Không được cho trẻ cào gãi khi trẻ ngứa. Điều này sẽ giúp cho trẻ không bị trầy xước. Do việc trầy xước có thể khiến cho các triệu chứng tồi tệ hơn hoặc gây ra nhiễm trùng. Bạn nên cắt hoặc dũa móng tay của trẻ để giữ cho móng luôn ngắn, nhằm hạn chế trầy xước khi trẻ dùng móng để cào gãi.
- Tắm nước ấm cho trẻ để giúp da trẻ dễ chịu hơn, tuy nhiên bạn không được sử dụng nước quá nóng vì có thể làm bỏng da trẻ.
- Bạn có thể sử dụng các sản phẩm dưỡng ẩm da cho trẻ khi được bác sĩ cho phép.
- Nên cho trẻ mặc những loại quần áo mềm mại để tránh kích ứng da.
- Giữ trẻ được thoáng mát. Cố gắng giữ cho trẻ mát mẻ nhất có thể. Nóng và đổ mồ hôi có thể khiến trẻ cảm thấy khó chịu hơn.
- Trẻ bị viêm da cơ địa khi tiêm vắc xin đậu mùa có thể dẫn đến những phản ứng dị ứng nghiêm trọng. Tuy nhiên, một điều rất may mắn là bệnh đậu mùa đã được thanh toán từ lâu nên trong chương trình tiêm chủng mở rộng hoàn toàn không có loại vắc xin này.
Khi nào bạn nên đưa trẻ viêm da cơ địa đến cơ sở y tế?
Đối với trẻ bị viêm da cơ địa, bạn cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế khi trẻ có các dấu hiệu sau đây:
- Các triệu chứng của bệnh trở nên tồi tệ hơn.
- Dấu hiệu nhiễm trùng da, chẳng hạn như tăng tình trạng sưng, nóng và đỏ da, các mụn nước xuất hiện dịch đục bên trong.
- Xuất hiện các triệu chứng mới mà bạn chưa biết rõ.
Kinh nghiệm cho bạn khi đưa trẻ viêm da cơ địa đến gặp bác sĩ
Một số kinh nghiệm sau đây có thể giúp bạn đạt được hiệu quả cao trong mỗi lần đưa trẻ mắc viêm da cơ địa đến gặp bác sĩ:
- Trước khi đưa trẻ đến gặp bác sĩ, bạn nên viết ra những câu hỏi mà bạn muốn bác sĩ giải đáp cho mình.
- Trong quá trình bác sĩ khám bệnh cho trẻ, hãy cố gắng ghi nhớ bất kỳ hướng dẫn mới nào của bác sĩ, nếu không thể nhớ thì bạn có thể ghi chú nhanh thông qua sổ tay hoặc một tờ giấy nhỏ.
- Nếu trẻ được bác sĩ đặt lịch hẹn tái khám, hãy ghi lại ngày, thời gian và mục đích cho buổi hẹn tái khám đó.
- Bạn nên hỏi bác sĩ về những nguồn thông tin mà bạn có thể tham khảo được về bệnh lý này, cũng như khi cần liên hệ ngoài giờ khám bệnh thì sẽ liên hệ như thế nào.
- Bạn cần đảm bảo rằng mình có thể nắm bắt được những thông tin quan trọng càng nhiều càng tốt, vì có như vậy thì việc điều trị và chăm sóc trẻ mới đạt được hiệu quả tốt nhất.
Xem thêm:
- Bác sĩ chữa viêm da cơ địa giỏi ở TP Hồ Chí Minh
- Mách bạn bác sĩ chữa viêm da cơ địa giỏi ở Hà Nội
- Điểm mặt những thủ phạm gây viêm da cơ địa ở người lớn