Viêm cầu thận cấp là gì?
Viêm cầu thận là một trong những loại bệnh thận gây ra những tổn thương ở cầu thận làm giảm khả năng loại bỏ các chất thải và dịch dư thừa của thận. Căn bệnh này thường có 2 thể bệnh đó là viêm cầu thận cấp và viêm cầu thận mạn tính.
Viêm cầu thận cấp là gì?
Viêm cầu thận cấp là gì?
Viêm cầu thận cấp là biểu hiện lâm sàng của sự tổn thương viêm cấp của những cầu thận, đặc trưng là sự xuất hiện của hồng cầu niệu, protein niệu, tăng huyết áp và hiện tượng phù nề.
Hiện nay nhờ có trang thiết vị y tế hiện đại, nhất là kỹ thuật sinh thiết thận thì các bác sĩ đều cho rằng viêm cầu thận cấp không chỉ là một bệnh đơn thuần mà nó là một hội chứng gọi là hội chứng cầu thận cấp.
Nguyên nhân gây viêm cầu thận cấp không chỉ do liên cầu mà còn có thể nhiễm do tụ cầu, phế cầu, virus. Bệnh có những biểu hiện thứ phát sau các bệnh như Lupus ban đỏ hệ thống, ban dạng thấp, viêm quanh động mạch dạng nút.
Viêm cầu thận cấp thể ác tính hay viêm cầu thận bán cấp hiện nay còn được gọi là viêm cầu thận thể tiến triển nhanh. Tên gọi này được đặc trưng cho bệnh là tiến triển nhanh, nguy cơ tử vong trong một thời gian ngắn và ít người bệnh qua khỏi 6 tháng nếu không được điều trị kịp thời.
Nguyên nhân gây nên bệnh viêm cầu thận là gì?
Viêm cầu thận cấp có thể là một phản ứng với nhiễm trùng như viêm họng hoặc áp xe răng. Nguyên nhân viêm cầu thận cấp cũng có thể do hệ thống miễn dịch phản ứng thái quá với nhiễm trùng. Tình trạng này có thể tự hết mà không cần điều trị.
Nếu không hết, điều trị kịp thời là cần thiết để ngăn chặn tổn thương thận lâu dài. Những bệnh được biết đến gây ra viêm cầu thận và kích hoạt viêm cầu thận cấp bao gồm:
Nhiễm trùng
Viêm cầu thận sau nhiễm liên cầu khuẩn
Viêm cầu thận có thể phát triển 1 hoặc 2 tuần sau khi phục hồi từ một nhiễm trùng gây viêm họng hay nhiễm trùng da (chốc lở). Để chống lại nhiễm trùng, cơ thể sản xuất thêm kháng thể, đến khu trú tại cầu thận và gây viêm. Trẻ em có nhiều khả năng phát triển viêm cầu thận sau nhiễm liên cầu khuẩn hơn người lớn và khả năng phục hồi nhanh chóng hơn.
Viêm nội tâm mạc do vi khuẩn
Vi khuẩn đôi khi lan truyền qua máu và nằm ở tim, gây ra tình trạng nhiễm trùng một hoặc nhiều van tim. Những người có một khiếm khuyết tim như van tim bị hư hoặc van nhân tạo có nguy cơ cao hơn mắc bệnh này. Viêm nội tâm mạc do vi khuẩn có liên quan đến bệnh cầu thận, nhưng mối liên quan chính xác giữa hai tình trạng này không rõ ràng.
Nhiễm trùng do virus
Nhiễm virus như virus suy giảm miễn dịch ở người (HIV), viêm gan B và viêm gan C có thể gây ra viêm cầu thận.
Bệnh miễn dịch
Lupus
Lupus có thể ảnh hưởng đến nhiều bộ phận của cơ thể bao gồm da, khớp, thận, tế bào máu, tim và phổi.
Hội chứng phổi thận
Một rối loạn phổi miễn dịch hiếm hoi giống như viêm phổi, hội chứng phổi thận gây chảy máu trong phổi cũng như viêm cầu thận.
Bệnh lý thận IgA
Đặc trưng bởi các đợt tái phát tiểu máu, là kết quả của bệnh cầu thận tiên phát từ việc tích lũy globulin miễn dịch A (IgA) trong các cầu thận. Bệnh lý thận IgA có thể phát triển trong nhiều năm mà không có triệu chứng đáng chú ý nào.
Viêm mạch máu
Viêm đa động mạch
Đây là hình thức viêm mạch ảnh hưởng đến các mạch máu nhỏ và vừa ở nhiều nơi trên cơ thể như tim, thận và ruột.
U hạt Wegener
Đây là hình thức viêm mạch ảnh hưởng đến các mạch máu nhỏ và vừa trong phổi, đường hô hấp trên và thận.
Các tình trạng có khả năng gây sẹo cho các tiểu cầu thận
Cao huyết áp
Huyết áp cao có thể làm hỏng thận và giảm khả năng hoạt động bình thường của thận. Viêm cầu thận cũng có thể dẫn đến huyết áp cao vì nó làm giảm chức năng thận và có thể ảnh hưởng đến các thận xử lý natri.
Bệnh thận tiểu đường
Bệnh thận tiểu đường có thể ảnh hưởng đến bất cứ ai có bệnh tiểu đường. Bệnh thận tiểu đường thường phải mất nhiều năm phát triển. Kiểm soát lượng đường trong máu và huyết áp tốt có thể ngăn ngừa hoặc làm chậm tổn thương thận.
Xơ hóa cầu thận ổ - cục bộ
Đặc trưng bởi một số sẹo trong vài tiểu cầu, tình trạng này có thể do bệnh khác gây ra hoặc không rõ lý do.
Những dấu hiệu viêm cầu thận cấp cần chú ý
Dưới đây là một số những dấu hiệu của bệnh viện cầu thận thường gặp:
- Nước tiểu xuất hiện nhiều bọt do trong nước tiểu có chứa nhiều protein
- Cơ thể mệt mỏi do thiếu máu hoặc suy thận
- Nước tiểu có màu đậm hơn bình thường, nước tiểu màu hồng là sự xuất hiện của hồng cầu trong nước tiểu.
- Huyết áp cao và cholesterol cao
- Xuất hiện hiện tượng phù nề do nước tích tụ gây phù ở mặt, tay, chân và bụng.
Bạn có thể gặp những triệu chứng khác không được đề cập ở đây. Nếu bạn có những biểu hiện khác thường hãy đến gặp bác sĩ để được thăm khám và những thắc mắc của bạn sẽ được bác sĩ giải đáp một cách tốt nhất.
Chế độ ăn uống, sinh hoạt của người bệnh viêm cầu thận
Bạn có thể kiểm soát tốt căn bệnh viêm cầu thận này bằng cách thay đổi thói quen ăn uống, sinh hoạt hằng ngày của bạn:
- Hạn chế việc sử dụng muối để ngăn chặn hoặc giảm thiểu ứ dịch, phù và cao huyết áp;
- Giảm tiêu thụ protein và kali để làm chậm quá trình tích tụ các chất thải trong máu của bạn;
- Kiểm soát trọng lượng ở mức cho phép của cơ thể bạn;
- Kiểm soát lượng đường trong máu nếu bạn mắc căn bệnh tiểu đường kèm theo;
- Tuyệt đối không uống rượu bia, các loại nước ngọt có ga, thuốc lá và các chất kích thích khác.
Viêm cầu thận cấp là một trong những căn bệnh nguy hiểm nên việc phát hiện và điều trị bệnh sớm là rất quan trọng, điều trị sớm sẽ giúp cho quá trình chữa trị không gặp khó khăn và khả năng hồi phục bệnh sẽ rất cao.
Xem thêm:
- Tổng quan về bệnh viêm bể thận cấp tính
- Bị viêm thận nên ăn gì?
- Đừng chủ quan với các dấu hiệu cảnh báo viêm thận