Vì sao ung thư tuyến giáp đặc biệt dễ gặp ở nữ?
Ung thư tuyến giáp có tỉ lệ mắc chênh lệch giữa nam và nữ. Đây là bệnh lý phát triển âm thầm, rất khó phát hiện sớm. Việc trang bị kiến thức về bệnh là vô cùng quan trọng đối với tỉ lệ sống còn của ung thư tuyến giáp.
Vì sao ung thư tuyến giáp đặc biệt dễ gặp ở nữ?
Ung thư tuyến giáp là một căn bệnh có tỉ lệ mắc đặc biệt chênh lệch giữa nam và nữ. Đây là bệnh lý phát triển âm thầm, rất khó để phát hiện sớm. Việc trang bị kiến thức về bệnh để chẩn đoán và điều trị sớm là vô cùng quan trọng đối với tỉ lệ sống còn của ung thư tuyến giáp.
Những con số về ung thư tuyến giáp
Theo hiệp hội quốc tế chống ung thư (International Union against Cancer: IUAC) thì Ung thư tuyến giáp chiếm khoảng 1% các loại Ung thư. Tại các nước có bệnh Bướu cổ địa phương, tỉ lệ này thường lớn hơn. Tần suất mắc bệnh chuẩn theo tuổi ở Nam là 3/100,000 dân/năm, trong khi ở nữ cao gấp 2-3 lần tỉ lệ đó.
Theo số liệu của Bệnh viện K Hà nội, Ung thư tuyến giáp chiếm khoảng 2% tổng số các Ung thư, trong đó tỉ lệ mắc bệnh chuẩn theo tuổi là 0,3/100 000 dân/năm.
Tế bào ung thư tuyến giáp tiến triển âm thầm, triệu chứng lâm sàng rất ít, giai đoạn ẩn bệnh kéo dài. Bệnh nhân có thể sống 15 - 20 năm. Vì vậy, có thể nói rằng tiên lượng của đa số bệnh nhân Ung thư tuyến giáp là tốt nếu được chẩn đoán, điều trị sớm và tích cực.
Nguyên nhân gây bệnh
- Tuổi: có thể gặp Ung thư tuyến giáp ở mọi lứa tuổi, nhưng hay gặp ở lứa tuổi 7-20 và 40-65.
- Giới: Nữ giới mắc bệnh nhiều hơn Nam giới 2-3 lần.
- Nơi sinh sống:
Tại những khu vực có bệnh Bướu cổ địa phương thì tỉ lệ mắc bệnh cao hơn các khu vực khác.
Bệnh nhân ở gần biển (ăn uống có đủ Iot) khi có Bướu giáp thể nhân thì nguy cơ bướu là ác tính cao hơn các vùng khác.
Tại những khu vực bị nhiễm xạ thì tỉ lệ mắc Ung thư tuyến giáp cao hơn các vùng khác.
- Tiền sử đã có dùng tia xạ điều trị các bệnh lành tính khác ở vùng đầu, mặt, cổ thì khi có Bướu giáp nhân sẽ có nguy cơ cao bị ác tính.
- Di truyền: Ung thư tuyến giáp thể tủy thường có tính chất gia đình. Đặc biệt, loại đa ung thư nội tiết type II có Ung thư tuyến giáp thể tủy kèm U tủy thượng thận và có thể có U ở các tuyến... đã được xác định là có tính di truyền.
Vì sao ung thư tuyến giáp dễ mắc ở nữ giới hơn?
Từ lâu, người ta đã biết rằng tỷ lệ mắc ung thư tuyến giáp ở phụ nữ cao hơn đáng kể so với nam giới. Mặc dù bệnh phổ biến hơn ở phụ nữ, nhưng bệnh thường biểu hiện ở giai đoạn muộn hơn và tiên lượng bệnh nặng hơn đối với nam giới.
Trên thế giới, rất nhiều công trình nghiên cứu y khoa đã đặt ra câu hỏi vì sao ung thư tuyến giáp lại gặp ở nữ giới với tỉ lệ cao như vậy. Tuy nhiên, sau quá trình nghiên cứu, một số giả thuyết đã bị bác bỏ như:
- Các yếu tố liên quan đến chế độ ăn uống và môi trường dường như không có vai trò đáng kể trong sự chênh lệch giới tính với căn bệnh này.
- Các yếu tố trong quá trình sinh nở, thai kỳ dường như là một giả thuyết hợp lý để giải thích cho sự chênh lệch giới tính, nhưng vẫn không thể đưa kết luận về nguy cơ phát triển bệnh.
Giả thuyết có tình khả thi nhất chính là tác động của estrogen và các hormone nữ giới đối với ung thư tuyến giáp. Nhiều nghiên cứu thực nghiệm cho thấy rằng những hormone này và thụ thể của chúng có thể đóng vai trò trong sự hình thành và tiến triển khối u nói chung.
Các nghiên cứu về dòng tế bào ung thư tuyến giáp cho thấy: có sự mất cân bằng giữa các thụ thể estrogen, rất có khả năng là nguyên nhân gây tăng sinh tế bào tuyến giáp khi nữ giới đang điều trị một bệnh lý nào đó bằng estrogen. Một nghiên cứu khác về biểu hiện trên khối u tuyến giáp thấy rằng: chúng biểu hiện với thụ thể của estrogen (có thể là thụ thể progesterone, androgen - hormon có trong cơ thể nữ giới) tuy nhiên lại không chỉ ra được tính đặc hiệu giữa ung thư tuyến giáp (ác tính) và các tổn thương tuyến giáp lành tính khác.
Sự hiểu biết của các nhà khoa học đối với vấn đề khác biệt giới tính trong ung thư tuyến giáp đã được cải thiện trong nhiều thập kỷ qua. Tuy nhiên, họ vẫn không đủ cơ sở để khẳng định chắc chắn hormone nữ là nguyên nhân chính khiến nữ giới dễ mắc bệnh hơn nam giới. Tất các các nghiên cứu đã thực hiện chỉ là những giả thuyết có khả năng cao.
Phân loại
Theo tổ chức y tế thế giới, dựa vào mô bệnh học có thể phân chia Ung thư tuyến giáp ra 5 loại:
- Ung thư biểu mô thể nhú: chiếm khoảng 60-70% các Ung thư tuyến giáp, u thường là một khối đơn độc.
- Ung thư biểu mô thể nang: có thể ở dạng một khối u nhỏ có vỏ bọc hoặc một khối u xâm lấn mạnh chiếm toàn bộ một thùy làm cho tuyến giáp to lên không đều.
- Ung thư biểu mô thể tủy: phát sinh từ tế bào C của tuyến giáp, có thể có một hoặc nhiều u ở cả hai thùy tuyến giáp. U mềm hoặc có khi khá chắc, màu trắng xám hoặc vàng nâu. Có khi U bị hoại tử chảy máu và phá vỡ bao tuyến.
- Ung thư biểu mô không biệt hóa: thường là một khối u lớn ở vùng cổ vì bệnh tiến triển rất nhanh.
- Ung thư dạng biểu bì.
Triệu chứng
Đại đa số ung thư tuyến giáp đều tiến triển âm thầm, chậm chạp và kéo dài nên bệnh nhân thường không nhận thấy được ngay những thay đổi, vẫn lao động và sinh hoạt bình thường. Cho đến khi xuất hiện những rối loạn tại chỗ do u chèn ép, xâm lấn (gây khó thở và không ăn uống được), khối u hoại tử, bội nhiễm và loét thì tình trạng toàn thân mới sa sút nặng.
Các triệu chứng sớm
- Khối u: thông thường là do bệnh nhân hay người nhà phát hiện ra một cách tình cờ. U to ra dần theo thời gian, có thể di động theo nhịp nuốt của bệnh nhân, u nằm ở bất cứ vị trí nào của tuyến giáp.
- Hạch cổ: có khi U chưa sờ thấy được nhưng đã có hạch cổ to. Tuy nhiên, những triệu chứng sớm này khó phân biệt với một bướu lành tính, do đó khi có hạch cổ kèm theo khối U thì luôn phải cảnh giác và tìm các biện pháp chẩn đoán xác định Ung thư sớm.
Các triệu chứng muộn
- Khối U: khá lớn, lấn ra phía trước, ra sau, lên hai cực trên sát hai góc hàm. Đặc biệt, khối U dính chặt và xâm lấn vào các cơ quan vùng cổ nên ranh giới u không rõ và khả năng di động kém. Có khi khối U xâm nhiễm và loét sùi qua da vùng cổ, gây chảy máu và bội nhiễm tại chỗ.
- Khàn tiếng, khó thở, khó nuốt, nuốt nghẹn. . . ở các mức độ khác nhau do khối U phát triển xâm lấn và chèn ép các cơ quan xung quanh. Các triệu chứng này gặp với tỉ lệ cao và sớm, nhất là ở Ung thư thể không biệt hoá.
- Cảm giác vướng tức, bó chặt ở vùng cổ: là triệu chứng thường gặp.
- Đôi khi bệnh nhân sẽ có cảm giác đau tức tại vị trí khối u, u lan lên góc hàm hoặc lên cả mang tai cùng bên, chèn ép và kích thích đám rối thần kinh cổ gây đau tức.
- Hạch to ở vùng cổ.
Xét nghiệm phát hiện ung thư tuyến giáp
Chụp X-quang
Thường chụp X-quang vùng cổ 2 tư thế (thẳng và nghiêng) không chuẩn bị hoặc có uống cản quang thực quản, giúp xác định được hình ảnh khối U chèn ép khí quản và thực quản,
Chụp xạ hình tuyến giáp
Thường dùng I(131) (phóng xạ để chụp tuyến giáp). Hiện nay nhiều nơi còn dùng đồng vị phóng xạ để chụp xạ hình tuyến giáp nhằm phát hiện Ung thư tuyến giáp và các ổ di căn nhỏ.
Siêu âm tuyến giáp
Siêu âm thường được tiến hành sau khi đã khám bệnh và chụp xạ hình tuyến giáp, giúp xác định được U là đặc hay nang, đo được kích thước, thể tích vàtrọng lượng của tuyến giáp và khối u trên tuyến giáp.
Chụp cắt lớp vi tính (CT) và chụp cộng hưởng từ (MRI)
Xác định được vị trí, hình dạng, kích thước...của khối Ung thư tuyến giáp, mức độ chèn đẩy, xâm lấn... của khối Ung thư với các cơ quan xung quanh như: khí quản, thực quản, các mạch máu...
Chẩn đoán tế bào học
Chẩn đoán tế bào học khối U bằng sinh thiết hút kim nhỏ là một phương pháp chẩn đoán đơn giản, nhanh chóng, rẻ tiền. Với một xét nghiệm viên có kinh nghiệm thì độ chính xác của chẩn đoán có thể đạt tới 90 %.
Điều trị ung thư tuyến giáp
Ngoại khoa
Là phương pháp được lựa chọn đầu tiên, tùy theo khối u tại chỗ hay lan rộng, bác sĩ có thể:
- Cắt bỏ hoàn toàn một thùy của tuyến giáp.
- Cắt bỏ toàn bộ tuyến giáp.
- Cắt bỏ hoàn toàn tuyến giáp kèm theo bóc tách các hạch bạch huyết một bên hoặc cả hai bên cổ.
Xạ trị
- Nếu nhu mô giáp còn khả năng cố định được các I-ốt phóng xạ thì I131 có thể phá hủy được các tổ chức ung thư đã biệt hóa.
- I-ốt phóng xạ cũng có thể dùng sau phẫu thuật để diệt các tế bào ung thư còn sót. Lưu ý phải ngưng sử dụng hormon giáp mới sử dụng I-ốt phóng xạ được.
Hóa trị liệu
Hay dễ hiểu hơn là điều trị bằng thuốc, phương pháp này ít có tác dụng trong ung thư tuyến giáp.
Liệu pháp hormon thay thế
Nhằm bù đắp lượng hormon tuyến giáp khi bị cắt bỏ.
Theo dõi chặt chẽ
- Kiểm tra tuyến giáp, các hạch bạch huyết ở cổ, trên xương đòn, cột sống và gan.
- Định lượng hormon giáp định kỳ để kiểm tra ung thư tái phát hoặc di căn.
- Khám tai mũi họng để loại trừ các tổn thương trên thần kinh.
- Chụp X-quang lồng ngực mỗi năm/lần.
- Chụp X-quang cột sống khi nghi ngờ do có đau dai dẳng...
Tiên lượng sống còn của bệnh nhân ung thư tuyến giáp
Theo giai đoạn
- Tỉ lệ tử vong giai đoạn I là 1%, giai đoạn II là 2.06%, giai đoạn III là 5.3%, giai đoạn IV là 77%.
- Có khoảng 80 – 90% giai đoạn I và II sống được 38 năm, 50% giai đoạn III sống sót sau 20 năm, 0% giai đoạn IV sống sót sau 10 năm.
Theo phân loại ung thư tuyến giáp
Tỉ lệ sống sau 5 năm: 80 – 90% đối với ung thư biểu mô dạng nhú, 50 – 70% đối với ung thư biểu mô dạng nang, 40% đối với ung thư biểu mô dạng tủy, ung thư biểu mô không biệt hóa <5%.
(HoiBenh chuyển ngữ từ NCBI - Medscape)
Xem thêm:
- Chữa ung thư tuyến giáp bằng ăn uống
- 4 bài thuốc đông y bí truyền điều trị ung thư tuyến giáp